Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người. Quyền con người trong tư pháp hình sự là những đặc quyền vốn có cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt khi một người phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự của bộ máy quyền lực nhà nước do đã thực hiện một hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong pháp luật hình sự quốc gia hay quốc tế. Bài viết này làm rõ ý nghĩa và cơ sở lý luận của những quyền con người có liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự, từ đó, đưa ra cái nhìn tổng quát cũng như tìm hiểu sâu về tư pháp hình sự và quyền con người.
Khi một cá nhân tham gia vào hệ thống tư pháp hình sự vì bất kỳ lý do gì, sẽ có một loạt các quyền con người cần được tôn trọng, chủ yếu là các quyền dân sự và chính trị. Khi ai đó bị buộc tội, quyền của họ được xét xử công bằng và phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, đó là: (i) Việc tước quyền tự do của một người nào đó thông qua bắt giữ và giam giữ phải được thực hiện theo cách hợp pháp phù hợp với luật nhân quyền và việc đối xử với họ sau khi bị bắt cũng phải tôn trọng phẩm giá của họ; (ii) Cung cấp trợ giúp pháp lý là một phần quan trọng trong việc cung cấp quyền tiếp cận công lý bình đẳng, vì vậy, bất kỳ thay đổi nào đối với trợ giúp pháp lý sẽ liên quan đến quyền con người; (iii) Nếu ai đó là nạn nhân của bất kỳ sự lạm dụng nhân quyền nào, họ có quyền được cung cấp biện pháp khắc phục.
1. Quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục là tuyệt đối và không bao giờ có thể bị giới hạn hoặc bị can thiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Tòa án Nhân quyền châu Âu đánh giá về mức độ nghiêm trọng, theo đó việc đối xử tệ bạc phải đáp ứng một ngưỡng nhất định thì mới có thể vi phạm. Nó sẽ xem xét tính dễ bị tổn thương của nạn nhân, chẳng hạn như tuổi, giới tính, tình trạng hoặc sức khỏe của nạn nhân, cũng như môi trường cụ thể để xác định điều này. Trong trường hợp Tòa án Nhân quyền châu Âu nhận thấy hành vi không đáp ứng mức độ nghiêm trọng, thì có thể vi phạm sự toàn vẹn về thể chất hoặc tâm lý của cá nhân, được bảo vệ bởi quyền được tôn trọng đối với cuộc sống riêng tư và gia đình. Hành vi thuộc bất kỳ danh mục nào sau đây là hành vi vi phạm: (i) Tra tấn - cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng, tinh thần hoặc thể chất, cho dù để trừng phạt hoặc đe dọa hoặc để lấy thông tin; (ii) Đối xử tàn bạo - đối xử gây ra đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần; (iii) Đối xử vô nhân đạo - đối xử khơi dậy cảm giác sợ hãi, đau khổ và tự ti có khả năng làm nạn nhân bị sỉ nhục và suy nhược. Như vậy là đủ nếu nạn nhân bị làm nhục trước mặt.
Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục không chỉ giới hạn ở những người bị giam giữ hoặc tù nhân mà có thể áp dụng cho các cá nhân trong các tình huống làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ, chẳng hạn như đang trong tình trạng quẫn bách hoặc đang được chăm sóc. Cũng như đối với các quyền con người khác, Nhà nước có nhiệm vụ hạn chế thực hiện hành vi đó (nghĩa vụ tôn trọng) nhưng cũng phải ngăn chặn các cá nhân có nguy cơ bị lạm dụng quyền con người này (nghĩa vụ bảo vệ).
Giam giữ được hiểu là tất cả những nơi mà các cá nhân bị tước quyền tự do của họ, bao gồm nhà tù, trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên, đồn cảnh sát, trung tâm giam giữ người nhập cư, bệnh viện tâm thần, nhà chăm sóc xã hội... Trong các nơi giam giữ thì nhà tù (trại giam) luôn được rất quan tâm bởi sự ghi nhận và bảo đảm quyền con người ở những nơi này luôn cần hài hòa với vấn đề an ninh của trại giam vì đây là nơi đặc biệt thiết kế ra để giáo dục, cải tạo những người phạm tội đã bị Tòa án kết án phạt tước tự do. Các cư dân trong những nơi đây là phạm nhân (tù nhân) và họ là con người, họ cần được đối xử nhân đạo và tôn trọng đối với nhân phẩm vốn có của mình. Việc tước bỏ và hạn chế một số quyền của phạm nhân đã thể hiện sự trừng phạt đối với những hành vi nguy hiểm lệch chuẩn mực xã hội mà họ thực hiện. Nhà nước thay mặt xã hội thực hiện việc hạn chế và tước bỏ một số quyền của phạm nhân bằng việc thực thi hình phạt tù được ghi nhận trong bản án có hiệu lực pháp luật thì cũng đồng thời phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm những quyền cơ bản khác. Những quyền cơ bản này phải được ghi nhận rõ ràng, đầy đủ trong hệ thống pháp luật quốc gia và phải được thực thi cũng như giám sát bởi các thiết chế nhà nước và các thiết chế xã hội, thậm chí còn bởi thiết chế khu vực và quốc tế. Bởi vì, họ là con người nên họ được hưởng những quyền đó và Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo những quyền đó của phạm nhân. Bất kể mức độ phạm tội hay lý do bị bắt giam, phạm nhân vẫn được giữ nguyên quyền con người của mình và được pháp luật bảo vệ. Một con người được coi là phạm nhân khi họ phạm tội bị kết án phạt tù và được đưa đến trại giam để chấp hành bản án, đồng thời với việc trở thành phạm nhân họ có một địa vị pháp lý hoàn toàn khác với các công dân bình thường ngoài xã hội. Toà án hay bất cứ cơ quan tư pháp nào thụ lý hồ sơ của họ có thể tuyên bố tước quyền tự do nhưng không thể phủ nhận quyền con người của họ. Ngoài những quyền chung của người chấp hành án, phạm nhân còn có các quyền riêng được pháp luật quy định. Trước hết, phạm nhân được hưởng các quyền công dân trừ những quyền bị pháp luật hoặc Tòa án tước đã ghi trong bản án, quyết định của Tòa án[1]. Đó là quyền sống; quyền được học tập văn hóa, học nghề; quyền lao động; quyền bình đẳng; quyền được bảo đảm an ninh xã hội; quyền không bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa. Tuy nhiên, khi bị kết án phạt tù nghĩa là sẽ bị tước quyền tự do và phạm nhân có những quyền bị mất, bị hạn chế như sau:
Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền cũng quy định một số quyền bị hạn chế như: Quyền gặp gỡ gia đình; quyền hưởng cuộc sống gia đình của các bà mẹ và trẻ em đòi hỏi phải có một chế độ đặc biệt; quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Bên cạnh đó, là một số quyền bị mất như: Quyền tự do đi lại và tự do cư trú; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền hội họp và lập hội; quyền tự do kinh doanh; quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước... Đây cũng là một trong những quyền mà phạm nhân là người chưa thành niên, người nước ngoài không có[2].
Ở những nước mà mức sống của nhân dân còn thấp, một số người cho rằng những người bị giam không xứng đáng được sống trong những điều kiện tốt và đảm bảo quyền con người, bởi nhiều người không ở tù còn đang phải vật lộn để đủ sống và chu cấp cho gia đình, thì tại sao lại phải lo lắng đến điều kiện sống của những người không tôn trọng pháp luật? Tuy nhiên, câu trả lời là nếu Nhà nước tự cho phép mình quyền tước đi quyền tự do của một con người vì bất kỳ lý do nào, thì Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho người bị tước tự do đó được chăm sóc tốt và nhân ái. Chính quyền không bao giờ được viện lý do rằng, những công dân bình thường còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống để biện minh cho sự đối xử không đúng đối với những người do họ chịu trách nhiệm. Nguyên tắc này[3] thuộc về nguyên tắc gốc của xã hội dân chủ, trong đó các cơ quan công quyền phải được coi là tấm gương cho cung cách đối xử với công dân.
Có thể khái quát các quyền cơ bản của phạm nhân cần được bảo vệ thành 06 nhóm quyền sau: (i) An toàn về thân thể và tôn trọng nhân phẩm; (ii) Quyền được bảo đảm mức sống tiêu chuẩn đầy đủ; (iii) Quyền được bảo đảm y tế; (iv) Được lao động, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, học nghề, chuẩn bị cho việc tái hòa nhập; (v) Quyền liên lạc với bên ngoài, vấn đề giam kín và biệt giam; (vi) Quyền khiếu nại.
2. Quyền được sống
Mọi người đều có quyền sống, tuy nhiên, quyền đó có thể bị giới hạn bởi Chính phủ nhưng chỉ trong những hoàn cảnh hạn hẹp và không bao giờ được quy định một cách tùy tiện. Nghị định thư 13 của Ủy ban Nhân quyền châu Âu bãi bỏ án tử hình trong mọi trường hợp. Việc tước đoạt mạng sống của một cá nhân phải được hiểu là biện pháp cuối cùng mà các cơ quan công quyền có liên quan phải chứng minh rằng không thể có biện pháp thay thế nào khác. Việc sử dụng vũ lực quá mức sẽ luôn luôn là hành vi vi phạm quyền được sống. Quyền được sống không suy ra quyền được chết của một cá nhân. Quyền sống cũng bao gồm quyền được điều tra hiệu quả, trong đó người ta cáo buộc rằng quyền sống của một cá nhân đã bị vi phạm.
3. Quyền tự do và quyền an ninh
Mọi người đều có quyền tự do và an ninh của con người. Không ai bị tước quyền tự do ghi nhận trong những trường hợp nhất định và theo thủ tục do pháp luật quy định. Khi tuyên bố “quyền tự do”, đề cập đến quyền tự do thể chất của con người; mục đích của nó là đảm bảo rằng không ai bị tước quyền tự do đó một cách tùy tiện. Nó không liên quan đến những hạn chế đơn thuần về tự do đi lại. Nó tập trung vào việc bảo vệ quyền tự do của cá nhân khỏi sự giam giữ vô lý, trái ngược với việc bảo vệ sự an toàn cá nhân. Mọi người có quyền tự do cá nhân của mình, tức là không ai bị được bỏ tù hoặc giam giữ mà không có lý do chính đáng. [4]
Nếu như bị bắt, thì bất kỳ ai cũng có quyền: (i) Được nói bằng một ngôn ngữ mà mình hiểu tại sao bị bắt và biết mình phải đối mặt với tội danh nào; (ii) Được đưa ra Tòa nhanh chóng; (iii) Được tại ngoại (trả tự do tạm thời trong khi quá trình Tòa án tiếp tục) với một số điều kiện nhất định; (iv) Được đưa ra xét xử vào thời điểm hợp lý; (v) Được ra Tòa để phản đối việc giam giữ nếu cho rằng, điều đó là bất hợp pháp và yêu cầu bồi thường nếu như bị giam giữ bất hợp pháp.
4. Quyền được xét xử công bằng
Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng, áp dụng cho cả tố tụng dân sự và hình sự. Trẻ em cũng có quyền được xét xử trong bất kỳ vụ án hành chính và tư pháp nào ảnh hưởng đến chúng, trực tiếp hoặc thông qua người đại diện. Đó là một quyền tố tụng và sự công bằng được đo lường bằng việc áp dụng nhất quán và công bằng các quy tắc tố tụng phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, chứ không phải bằng kết quả của quá trình tố tụng. Quyền được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự bao hàm trong quyền được xét xử công bằng. Quyền được xét xử công bằng bao gồm một số quy tắc và tiêu chuẩn phải được đáp ứng. Trong các vụ án hình sự, có một số quyền bổ sung tương tác với quyền được xét xử công bằng, chẳng hạn như quyền không bị xét xử lại về cùng một tội nếu cuối cùng bị cáo đã bị kết án hoặc được tuyên trắng án, quyền kháng cáo và quyền được bồi thường cho một sơ suất của công lý.
Các quyền sau đây được coi là tuyệt đối và không thể bị hạn chế dưới bất kỳ hình thức nào: (i) Tòa án hoặc hội đồng có thẩm quyền, độc lập và không thiên vị; (ii) Được tiến hành trong thời hạn hợp lý; (iii) Xét hỏi công bằng và công khai.
5. Bình đẳng về sự bảo vệ
Cả hai bên phải có khả năng trình bày vụ việc của họ và được đối xử theo cách đảm bảo, về mặt thủ tục, họ ở trên một sân chơi bình đẳng trong toàn bộ quá trình tố tụng. Trong các vụ án hình sự, nguyên tắc bình đẳng về sự bảo vệ là điều tối quan trọng đối với quyền tự bào chữa của bị cáo và bao gồm: (i) Quyền được thông báo kịp thời và chi tiết, bằng ngôn ngữ mà họ hiểu, về bản chất và nguyên nhân của việc buộc tội; (ii) Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị bào chữa; (iii) Quyền được trợ giúp pháp lý do họ tự lựa chọn, miễn phí nếu họ không thể tự trang trải chi phí; (iv) Quyền được cung cấp thông tin cần thiết để chuẩn bị bào chữa; (v) Quyền tiếp cận với chuyên gia giám định; (vi) Quyền được hỗ trợ miễn phí về thông dịch viên nếu họ không thể hiểu hoặc nói được ngôn ngữ được sử dụng tại Tòa án.
6. Không bị trừng phạt nếu không được quy định trong luật
Không một cá nhân nào có thể bị buộc tội hoặc bị trừng phạt vì một hành động mà pháp luật không cấm. Ngay cả khi tội phạm hóa một hành vi vào luật thì vào thời điểm sau đó, các cá nhân không thể bị buộc tội, trừng phạt hoặc đưa ra mức án cao hơn cho tội phạm của họ. Nguyên tắc về tính hợp pháp này còn đòi hỏi luật hình sự phải rõ ràng và chính xác để cho phép các cá nhân xác định hành vi nào cấu thành tội phạm và thấy trước hậu quả của hành động của họ có thể là gì. Điều khoản này sẽ không tác động đến việc xét xử và trừng phạt bất kỳ người nào đối với bất kỳ hành vi hoặc thiếu sót nào, vào thời điểm hành vi đó được thực hiện, là tội phạm theo các nguyên tắc chung của luật pháp được các quốc gia văn minh thừa nhận.
7. Suy đoán vô tội
Tất cả các bị cáo có quyền được cho là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội trước tòa. Điều này có nghĩa là, các quy tắc về bằng chứng và tiêu chuẩn xung quanh việc tiến hành một phiên tòa được áp dụng và các cơ quan công quyền không nên đưa ra tuyên bố về việc có tội hoặc sự vô tội của bị cáo. Yếu tố này của toàn bộ quyền được xét xử công bằng là tuyệt đối
8. Quyền được hưởng một biện pháp khắc phục hiệu quả
Bất kỳ ai bị vi phạm quyền con người đều có quyền được giải quyết bằng hệ thống trong nước. Quyền này tạo thành trụ cột chính của hệ thống tư pháp đang hoạt động và quyền tiếp cận công lý của các cá nhân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo quyền này? Nhiệm vụ của Chính phủ là thiết lập các biện pháp bảo vệ theo thủ tục - các cơ chế hành chính và tư pháp độc lập và công bằng thích hợp - có thể giải quyết các khiếu nại theo luật trong nước. Các cơ chế hành chính cũng phải có hiệu lực để có nghĩa vụ điều tra kịp thời các cáo buộc vi phạm bởi nếu không làm như vậy thì có thể dẫn đến một vi phạm khác.
Năm nội dung cơ bản để bảo đảm quyền này bao gồm: (i) Cơ quan tư pháp hoặc cơ quan hành chính được chỉ định phải có khả năng xử lý bản chất của việc tuân thủ quyền con người liên quan và đưa ra biện pháp hỗ trợ thích hợp cho các cá nhân bị vi phạm; (ii) Quyền này bao gồm cả việc ngừng hành động đã gây ra vi phạm và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các vi phạm tương tự tái diễn; (iii) Nó cũng có nghĩa là cung cấp sự bồi thường cho người có quyền đã bị xâm phạm, ví dụ thông qua việc bồi thường thỏa đáng; (iv) Quyền này có thể yêu cầu những thay đổi trong luật hoặc thực tiễn vượt ra ngoài biện pháp khắc phục dành riêng cho nạn nhân; (v) Các biện pháp khắc phục phải được điều chỉnh có tính đến tính dễ bị tổn thương của một số nhóm nhất định, đặc biệt là trẻ em.
9. Quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử
Mọi người có quyền được hưởng các quyền con người của mình trên cơ sở bình đẳng như các cá nhân khác, không bị phân biệt đối xử. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải kiềm chế không thực hiện bất kỳ hành động phân biệt đối xử nào dù trực tiếp hay gián tiếp. Phải thông qua luật cấm phân biệt đối xử với các cá nhân của các bên thứ ba. Chính phủ cũng phải thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng và xóa bỏ các rào cản ngăn cản một số nhóm cá nhân thực hiện các quyền của họ trên cơ sở bình đẳng như những nhóm khác. Việc cấm phân biệt đối xử làm nền tảng cho tất cả các quyền con người và tạo thành nghĩa vụ trực tiếp. Phân biệt đối xử có nghĩa là đối xử với mọi người theo cách khác nhau - sự phân biệt, hạn chế loại trừ hoặc ưu tiên - mà không cần biện minh dựa trên một hoặc nhiều đặc điểm. Trong luật nhân quyền, các đặc điểm được bảo vệ là: Giới tính, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, quan điểm chính trị quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, nhóm dân tộc thiểu số, tài sản, nơi sinh, các tình trạng khác.
Do việc cấm phân biệt đối xử dựa trên “tình trạng khác”, các căn cứ được bảo vệ trong luật nhân quyền không bị giới hạn nhưng có thể bao gồm các phạm trù khác, chẳng hạn như khuynh hướng tình dục; khuyết tật; bản dạng giới; tuổi tác; tình trạng hôn nhân; vô gia cư... Công ước về xóa bỏ phân biệt chủng tộc định nghĩa “phân biệt chủng tộc” bao gồm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc, quốc gia hoặc dân tộc.
Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử được bảo vệ theo hai cách riêng biệt. Có các điều khoản không phân biệt “điều khoản phụ” và “điều khoản tự do”. Tại Điều 14 trong Công ước châu Âu về nhân quyền có một điều khoản phụ và bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền khác được bảo vệ trong hiệp ước. Ví dụ, Chính phủ phải tôn trọng quyền của cá nhân đối với cuộc sống riêng tư và gia đình mà không phân biệt đối xử. Một điều khoản tự do có nghĩa là các quy tắc không phân biệt đối xử áp dụng cho các vấn đề liên quan ngoài việc chuyển giao các quyền trong hiệp ước. Ví dụ, tại Điều 26 Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Chính phủ có nghĩa vụ bảo đảm các cá nhân không bị phân biệt đối xử trong việc nhận lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp. Mỗi hiệp ước nhân quyền đều ghi nhận nghĩa vụ không phân biệt đối xử. Ngoài ra còn có các hiệp ước chuyên môn tập trung vào một số nhóm nhất định và nêu chi tiết các khía cạnh cụ thể mà các chính phủ cần lưu ý để đảm bảo quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử của các cá nhân cũng như quyền con người được hưởng một cách tổng quát hơn.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[2]. Andrew Coyle, A Human rights approach to prison management, International Centre for Prison Studies. London, 2002, p. 32.
[3]. Andrew Coyle, A Human Rights Approach to Prison Management, International Centre for Prison Studies, United Kingdom, 2002, p. 41-42.
[4]. Guide on Article 5 of the Convention – Right to liberty and security. © Council of Europe/European Court of Human Rights, 2020.