Bài viết này phân tích những quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn áp dụng về quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, việc xét xử là của Tòa án và Tòa án bảo đảm hai chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Quyền hạn của Hội đồng xét xử vụ án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong tố tụng dân sự. Việc quy định hợp lý quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là cơ sở để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm vụ án dân sự. Do đó, việc đánh giá thực trạng và kiến nghị hoàn thiện vấn đề thực hiện quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.
1. Quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành
Dưới góc độ pháp lý thì “quyền hạn” được hiểu là “quyền của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được xác định theo phạm vi nội dung, lĩnh vực hoạt động, cấp và chức vụ, vị trí công tác và trong phạm vi không gian, thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Quyền hạn của một chủ thể được pháp luật quy định đồng thời cũng là nhiệm vụ của chủ thể đó được sử dụng để thực hiện chức năng, trách nhiệm nhất định của chủ thể đó”[1]. Theo đó, có thể hiểu, quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong tố tụng dân sự là quyền tham gia quyết định thực hiện các hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật kể từ khi được Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công giải quyết án cho đến khi ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm.
Theo Điều 64 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba thẩm phán, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật (việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán tiến hành). Hội đồng xét xử có quyền hạn thực hiện những hoạt động tố tụng cần thiết nhằm giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, gồm có:
- Về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời: Theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự, nếu thấy cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Về thẩm quyền và thủ tục áp dụng, thay đổi và hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự thì quyền xem xét và quyết định thuộc về Hội đồng xét xử. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa phúc thẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi sai trái, bảo vệ chứng cứ, giữ nguyên được giá trị chứng minh của chứng cứ, giúp cho việc giải quyết vụ việc dân sự được chính xác. Trường hợp lý do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, điều này thể hiện sự linh hoạt trong tố tụng, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của công dân.
- Về việc sửa bản án sơ thẩm: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa đổi một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa ra quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp được quy định tại Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Về hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm: Khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không tuân thủ đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Như vậy, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm phát hiện việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong vụ án không tuân thủ đúng quy định hoặc chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến không thể bổ sung thêm thông tin trong phiên tòa phúc thẩm, họ có quyền hủy bỏ bản án sơ thẩm hoặc một phần bản án và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và chính xác trong xét xử và giải quyết vụ án.
- Về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án: Theo quy định tại Điều 311 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 trường hợp mà trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217 và điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quá trình xét xử và giải quyết vụ án dân sự.
- Về tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm:
Theo quy định tại khoản 6 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc giải quyết vụ án có thể được tạm đình chỉ khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Quá trình tạm đình chỉ này kéo dài cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời Tòa án về kết quả xử lý văn bản có dấu hiệu vi phạm.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp: (i) Người kháng cáo đã rút lại toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị; (ii) Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp vụ án có người khác kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm. Điều này có nghĩa là, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể quyết định không sửa đổi hay hủy bỏ bản án sơ thẩm.
Thực tiễn thực hiện quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự cho thấy một số bất cập như sau:
Thứ nhất, thiếu sót trong việc không quy định căn cứ giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Do không quy định căn cứ áp dụng quyền hạn của Hội đồng xét xử thì việc Hội đồng xét xử ra quyết định hoàn toàn căn cứ vào ý chí chủ quan của mình để giải quyết mà không dựa trên các căn cứ pháp lý.
Thứ hai, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, Hội đồng xét xử có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm (khoản 1 Điều 308) và sửa bản án sơ thẩm (khoản 2 Điều 308). Trong trường hợp một vụ án dân sự bị kháng cáo và đang trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo của đương sự, nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy rằng trong quá trình thụ lý vụ án, nguyên đơn có nộp tạm ứng án phí và Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện nhưng không trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn hoặc có vụ án tuyên nghĩa vụ chịu án phí có giá ngạch không đúng theo quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, dẫn đến cấp phúc thẩm phải xem xét sửa bản án sơ thẩm. Về việc áp dụng pháp luật trong trường hợp trên, có hai quan điểm như sau:
(i) Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vì các lý do sau: Kháng cáo của đương sự không được chấp nhận, vì vậy cần áp dụng khoản 1 là giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đồng thời, khi phát hiện vi phạm trong bản án sơ thẩm, cần sửa đổi phần bản án đó. Do đó, cần áp dụng cả khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để bảo đảm tinh thần và quyền lợi của đương sự trong việc áp dụng pháp luật.
(ii) Quan điểm thứ hai cho rằng, “giữ nguyên bản án sơ thẩm” chỉ áp dụng khi Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy rằng các quyết định trong bản án sơ thẩm đã có căn cứ và tuân thủ pháp luật. Trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giữ nguyên toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm. Việc sửa bản án sơ thẩm chỉ xảy ra khi Hội đồng xét xử phúc thẩm phát hiện vi phạm trong bản án sơ thẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và quyết định thay đổi nội dung và quyết định của bản án sơ thẩm. Vì vậy, tùy thuộc vào các điều kiện và tình huống cụ thể, sẽ được quyết định áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc chỉ áp dụng khoản 2 để bảo đảm tính thẩm định và quyền lợi của đương sự trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp: Việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 1); việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ (khoản 2).
Quy định của khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, “quyết định không đúng pháp luật” của Tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp này là sai lầm trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án chứ không phải là sai lầm trong áp dụng pháp luật nội dung như trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ tư, quy định tại Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có sự mâu thuẫn với khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Theo quy định này thì trách nhiệm chứng minh và thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án thuộc về Tòa án, như vậy, có sự mâu thuẫn với quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về các đương sự và Tòa án chỉ có trách nhiệm xem xét các chứng cứ mà đương sự đưa ra có căn cứ không, trong một số trường hợp mà Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thì Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ như lấy lời khai đương sự, người làm chứng, đối chất, thẩm định, trưng cầu giám định, định giá tài sản... “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp” (khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Do đó, nếu quy định căn cứ cho việc hủy án chỉ dựa trên “việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được”[2] thì chưa bảo đảm nguyên tắc về quyền tự quyết định và tự định đoạt của các bên tham gia vụ án.
2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự ở Việt Nam trong thời gian tới
Một là, việc không quy định căn cứ áp dụng quyền hạn của Hội đồng xét xử đối với quyền “giữ nguyên bản án sơ thẩm” dẫn đến Hội đồng xét xử có thể ra quyết định căn cứ vào ý chí chủ quan của mình mà không dựa trên các căn cứ pháp lý. Do đó, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành cần sửa đổi, bổ sung căn cứ không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm theo hướng Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị nếu kháng cáo, kháng nghị hợp lệ nhưng không có căn cứ và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 289, khoản 2 và khoản 3 Điều 296, Điều 299, Điều 300, Điều 309 và Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Hai là, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai (nêu trên) về “giữ nguyên bản án sơ thẩm” chỉ áp dụng khi Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy rằng các quyết định trong bản án sơ thẩm đã có căn cứ và tuân thủ pháp luật. Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu cụ thể và Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn cụ thể.
Ba là, sửa đổi Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm trong các trường hợp sau đây: (i) Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật; (ii) Tòa án cấp phúc thẩm xác định được những tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án trên cơ sở các chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét và chứng cứ bổ sung.
Bốn là, cần hướng dẫn cụ thể đối với việc hủy án trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để có căn cứ hủy án chính xác.
Năm là, Tòa án các cấp cần tổ chức định kỳ các buổi tập huấn, đào tạo để trau dồi kiến thức chuyên sâu và cung cấp các ấn phẩm phân tích về quyền hạn của Hội đồng xét xử nói chung cũng như Hội đồng xét xử phúc thẩm tố tụng dân sự nói riêng. Tòa án cũng nên thường xuyên tổ chức các buổi rút kinh nghiệm từ những vụ án có sai sót, đồng thời cần bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán. Ngoài ra, cần chủ động báo cáo và đề nghị Tòa án cấp trên hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất đối với những vướng mắc trong quá trình xét xử các vụ án dân sự.
Vũ Thị Minh Hằng
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển bách khoa & Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 651.
[2]. Khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nxb. Lao Động.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)