Việc rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 và cập nhật thông tin vào lý lịch tư pháp của người bị kết án được thực hiện như sau:
1. Đối tượng rà soát đương nhiên được xóa án tích theo Nghị quyết số 41/2017/QH14
Theo quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại và thuộc một trong các trường sau sẽ đương nhiên được xóa án tích:
- Người bị kết án do thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị kết án do phạm tội không thuộc các tội quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Người bị kết án do thực hiện hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa.
- Người được áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 để xét xử nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không quy định là tội phạm nữa.
So với Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, Nghị quyết số 41/2017/QH14 bổ sung hai đối tượng thuộc diện đương nhiên được xóa án tích sau:
Một là, người bị kết án do thực hiện hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành là tội phạm nữa.
Hai là, các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm nữa.
Bên cạnh đó, đối với đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, mặc dù Nghị quyết số 41/2017/QH giữ nguyên đối tượng như Nghị quyết số 109/QH13/2015, nhưng do chính sách hình sự đối với đối tượng này có thay đổi, nên cơ sở để xác định đối tượng này cũng có những thay đổi nhất định.
Theo kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự của Chính phủ thì các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có trách nhiệm rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý và làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho họ, đồng thời, gửi danh sách các đối tượng được đề nghị miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để cập nhật thông tin xóa án tích đương nhiên vào lý lịch tư pháp của người bị kết án đó. Cũng theo kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự của Chính phủ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14, cập nhật thông tin vào lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” cho họ khi có yêu cầu.
Như vậy, theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 và kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát đối tượng người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt và thuộc bốn trường hợp đã nêu trên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại việc xác định hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do Bộ luật Hình sự năm 2015 có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa để làm cơ sở cho việc rà soát đối với đối tượng chưa rõ, vì vậy đối với đối tượng này khi cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ phối hợp với Tòa án có thẩm quyền để xác minh, đánh giá hồ sơ và thống nhất cách thức xử lý. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận “không có án tích” và cập nhật thông tin này vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
2. Kết quả thực hiện rà soát đối tượng đương nhiên được xóa án tích theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp
Thực hiện nhiệm vụ rà soát các đối tượng thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo Nghị quyết số 41/2017/QH14, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiến hành triển khai thực hiện rà soát, đồng thời phối hợp với Cục Công nghệ thông tin bổ sung tính năng cảnh báo đương nhiên xóa án tích trên phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung (tính năng này được xây dựng trên cơ sở kế thừa tính năng cảnh báo đương nhiên xóa án tích theo Nghị quyết số 109/2015/QH13), cụ thể:
2.1. Đối với đối tượng bị kết án bởi các tội mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm
Các đối tượng này được xác lập trên cơ sở xác định những trường hợp bị kết án bởi 05 tội danh Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định là tội phạm, bao gồm:
- Tảo hôn (điểm b Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 1999);
- Báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 1999);
- Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1999);
- Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 1999);
- Không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 269 Bộ luật Hình sự năm 1999).
2.2. Đối với đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc đối tượng đương nhiên được xóa án tích theo Nghị quyết số 41/2017/QH14
Đối tượng này được xác lập trên cơ sở xác định những người 20 tuổi trở xuống (trường hợp chỉ có năm sinh thì tính ngày, tháng sinh là ngày 01 tháng 01) và những người không xác định được tuổi tính đến ngày tuyên án, đã bị kết án bởi những tội không quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2.3. Đối với đối tượng bị kết án do thực hiện hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tổ chức rà soát, đối chiếu tổng số 303/303 điều thuộc Phần thứ hai - Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015 với quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm xác định hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành là tội phạm nữa.
Kết quả bước đầu cho thấy có 64 điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) được Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm nên có hành vi hoặc có khả năng có hành vi cấu thành tội phạm nữa, bao gồm:
- 11 điều có đủ cơ sở để xác định hành vi không cấu thành tội phạm;
- 53 điều có khả năng có hành vi không cấu thành tội.
3. Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên xóa án tích theo Nghị quyết số 41/2017/QH14
Đối với đối tượng đương nhiên được xóa án tích do thực hiện hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa, việc rà soát gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, cơ sở để xác định hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó có thể không cấu thành là tội phạm nữa.
Để xác định được hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiến hành rà soát 303 điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật Hình sự năm 1999 và đã xác định được có 64 điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 có hành vi hoặc có khả năng có hành vi không cấu thành tội phạm nữa.
Qua rà soát, đối chiếu cho thấy, hầu hết các điều luật này đều quy định tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”… là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm. Có những điều các tình tiết này được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cũng có những điều chưa được hướng dẫn. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 64 điều này theo hướng cụ thể hóa các tình tiết nêu trên. Tuy nhiên, khi đối chiếu thì hoặc quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 không tương ứng với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (chỉ quy định một hoặc một vài hành vi trước đây được xác định là thuộc trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”...) hoặc không có cơ sở để xác định vì quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định chính xác đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích do thực hiện hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa.
Để xác định được chính xác đối tượng đương nhiên được xóa án tích đòi hỏi sau khi xác định được hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp phải tiến hành rà soát thông tin có trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và phải xem xét nội dung của từng bản án để xem xét từng hành vi cấu thành tội phạm và xác định người bị kết án “có tội” hay “không có tội” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong khi đó, thông tin tại cơ sở dữ liệu của các Sở Tư pháp còn thiếu, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ thực hiện nhiệm vụ rà soát không có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hình sự nên khả năng đánh giá, nhận định, phân tích hành vi vi phạm của người bị kết án để làm căn cứ xác định đối tượng đương nhiên được xóa án tích còn rất hạn chế.
Thứ ba, hiện nay, đối với đối tượng thực hiện hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa nhưng nếu đang chấp hành hình phạt hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, thì các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm tiến hành rà soát và làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho họ. Trong khi đó, cũng đối tượng này nhưng nếu đã chấp hành xong hình phạt thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát và cập nhật thông tin về việc đương nhiên xóa án tích vào lý lịch tư pháp của người bị kết án.
4. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trước mắt, Sở Tư pháp cần tiếp tục tiến hành rà soát các trường hợp người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đối với 03 đối tượng:
(i) Người đã phạm các tội mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: Tảo hôn, báo cáo sai trong quản lý kinh kế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính;
(ii) Các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 không quy định của tội phạm nữa;
(iii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan của Tòa án nhân dân tối cao để trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ trong việc rà soát các trường hợp người bị kết án phạm các tội có các hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.