1. Về chế định vật quyền
Chế định vật quyền có nguồn gốc từ luật học La Mã, cho tới nay vật quyền đã là một khái niệm nền tảng, cơ bản và ổn định không chỉ trong khoa học pháp lý mà còn trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự ở nhiều nước trên thế giới[1]. Với chế định vật quyền, Nhà nước bằng quy định của pháp luật bảo đảm cho người (cá nhân, pháp nhân) có vật (chủ sở hữu) có toàn quyền tác động trực tiếp lên vật theo ý chí và yêu cầu của mình, đồng thời, có quyền không cho phép người khác tiếp cận cũng như quản lý, khai thác, sử dụng tài sản đó hoặc thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện quyền của mình. Chế định vật quyền cũng cho phép người không phải là chủ sở hữu cũng có thể có quyền trên vật (tài sản) của người khác trong các trường hợp luật định[2].
Tại Việt Nam, lý thuyết về vật quyền đã được hoàn thiện qua thời gian và tiếp tục được vận dụng vào pháp luật dân sự hiện đại. Mặc dù không sử dụng trực tiếp thuật ngữ vật quyền nhưng các quy định đã thể hiện rõ các yếu tố của vật quyền, có nội hàm gần như tương đồng với các khái niệm cùng tên hoặc chỉ những quan hệ có cùng tính chất trong luật của các nước châu Âu[3].
Thực tiễn cho thấy, việc ghi nhận các nguyên tắc của vật quyền có ý nghĩa thiết thực trước yêu cầu phải khai thác tiết kiệm và hiệu quả mọi tài sản trong xã hội cũng như góp phần giúp hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam hội nhập hơn với pháp luật dân sự quốc tế[4]. Tuy nhiên, lý thuyết vật quyền dù đã được vận dụng nhưng còn chưa triệt để, vẫn còn đó những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật như tính thiếu đồng bộ, thiếu ổn định và tính khả thi chưa cao. Vì vậy, để xác định được những mục tiêu, định hướng mang tính chiến lược cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra là cần có những đánh giá tổng quát về hệ thống pháp luật dân sự trong quá trình tiếp cận lý thuyết vật quyền từ trước tới nay.
2. Lý thuyết vật quyền ở nước ta qua các thời kỳ
Nhìn lại quá trình phát triển hệ thống pháp luật dân sự của nước ta, có thể thấy, lý thuyết vật quyền đã manh nha, gợi mở ngay từ những văn bản pháp luật thời kỳ phong kiến và ngày càng được hoàn thiện dần qua các thời kỳ lịch sử. Mỗi thời kỳ lại đánh dấu sự phát triển của hệ thống pháp luật, phù hợp với những tư tưởng chính trị - pháp lý mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong từng giai đoạn cụ thể. Có thể khái quát thành các thời kỳ như sau: Thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945), thời kỳ 1945 – 1975, thời kỳ từ năm 1975 đến nay và hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể:
2.1. Thời kỳ phong kiến
Tính chất bền vững của chế độ công xã và chế độ chiếm hữu nô lệ làm cho chế độ phong kiến hình thành và phát triển rất chậm chạp. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời chậm chạp của pháp luật phong kiến. Trong một thời gian dài, Nhà nước phong kiến vẫn duy trì pháp luật với hình thức chủ yếu là tập quán pháp và mệnh lệnh của vua, cùng với luật lệ riêng ở mỗi vùng lãnh thổ của đất nước, phù hợp với lợi ích của giai cấp địa chủ phong kiến[5]. Vì vậy, pháp luật trong thời kỳ này mới chỉ có những quy định có tính chất manh nha, gợi mở và có chút ít liên quan đến một vài vật quyền như quyền sở hữu tài sản, quyền hưởng dụng, quyền địa dịch, quyền cầm cố, thế chấp tài sản, các quyền này đồng thời cũng chịu ảnh hưởng nhiều của pháp luật Trung Quốc phong kiến[6]. Pháp luật tại thời kỳ trước Hậu Lê (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần Hồ) và thời Hậu Lê cũng như thời kỳ nhà Nguyễn đều có những đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung thể nhận thấy, chế độ pháp lý về quyền đối với tài sản trong luật Việt Nam thời kỳ này mặc dù còn khá “nghèo nàn” nhưng ý niệm về vật quyền đã được đề cập đến dưới dạng quyền sở hữu, các vật quyền khác như quyền hưởng dụng, quyền địa dịch, thậm chí cầm cố, thế chấp. Bên cạnh đó, so với pháp luật Trung Quốc phong kiến, luật Việt Nam thời kỳ phong kiến cũng đã có những dấu ấn riêng, ví dụ, Quốc triều Hình luật tại Quyển thứ ba có chương riêng về điền sản, về “thủy tăng điền sản”[7], đây là một trong những nội dung được xem là là có “tư duy pháp lý hiện đại” của Bộ luật này mà luật nhà Đường (Trung Quốc) chưa quy định. Đồng thời, với việc ghi nhận địa dịch liên quan đến lấy nước, giữ nước, dẫn, thoát nước cũng cho thấy sự “thích ứng kịp thời” của nhà làm luật thời kỳ này trước yêu cầu từ thực tế về bảo vệ công việc cày cấy, hiệu quả của sản xuất trong nền nông nghiệp trồng lúa nước[8].
2.2. Thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945)
Pháp luật thời kỳ này chịu ảnh hưởng từ quan niệm về vật quyền của pháp luật dân sự Pháp[9], các quan hệ dân sự trong xã hội đã có sự tiến bộ, phát triển và mở rộng hơn so với thời kỳ Nhà nước phong kiến. Trong thời kỳ này, Việt Nam bị chia ra làm ba xứ[10], người Pháp xây dựng và áp dụng ở mỗi xứ một bộ dân luật riêng: Dân luật Giản yếu Nam kỳ năm 1883, Dân luật Bắc kỳ năm 1931 và Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật năm 1936. Trong đó, bộ Dân luật Bắc kỳ 1931 và Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật 1936 về cơ bản “sao chép” gần như toàn bộ các điều khoản của Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 với lý thuyết pháp lý của pháp luật châu Âu lục địa về quyền tài sản và những khái niệm vốn chưa được biết đến trước đây ở Việt Nam như động sản, bất động sản, khế ước, vật quyền, địa dịch… Vì vậy, thời kỳ này các quyền tài sản có nội dung đặc trưng như sau:
- Về tài sản, pháp luật không còn chỉ tập trung vào ruộng đất như trước kia mà đã có sự phân loại rõ ràng tài sản thành động sản và bất động sản, đồng thời làm rõ mối liên hệ của việc phân loại tài sản này với các quyền tài sản[11], theo đó, bất động sản được phân loại theo tính chất, theo mục đích sử dụng, theo đối tượng mà quyền tác động, sử dụng thủ pháp loại trừ để chỉ ra các tài sản là động sản với các tiêu chí: Tính chất của tài sản và pháp luật quy định[12]. Trên cơ sở đó, vật quyền - quyền đối vật được quy định thành vật quyền có đối tượng là bất động sản (như quyền sở hữu, quyền dụng ích, quyền cư dụng, quyền thuê dài hạn, quyền địa dịch, quyền cầm thế, quyền để đương, tố quyền đòi lại bất động sản)[13] và vật quyền có đối tượng là động sản[14]. Quyền sở hữu trí tuệ bước đầu cũng được ghi nhận là một loại quyền tài sản dưới dạng thức “quyền sở hữu thuộc về sách vở, mỹ thuật, công nghệ”[15] hoặc “những quyền nghiệp chủ thuộc về văn tự, mỹ thuật và kỹ nghệ”[16].
- Về quyền sở hữu, quyền này được xác định là vật quyền chính đầy đủ, tuyệt đối nhất. Chủ sở hữu được hưởng dụng và sử dụng tài sản thuộc quyền một cách tuyệt đối, kể cả việc tự do bán, tặng cho, tiêu hủy tài sản… miễn là không vi phạm vào những điều luật cấm[17]. Đồng thời, chủ sở hữu được hưởng tất cả những vật của tài sản sinh ra và phụ thuộc theo nó, hoặc tự nhiên mà có hoặc do tự mình làm ra (pháp luật gọi là quyền phụ thiêm)[18]... Bên cạnh đó, chủ sở hữu cũng phải tuân thủ cơ chế pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa chủ sở hữu với người chiếm hữu, người thứ ba khác liên quan đến thực hiện quyền phụ thiêm[19].
- Về quyền khác đối với tài sản (vật quyền khác), pháp luật đã ghi nhận khá cụ thể các quy định về quyền hưởng dụng, quyền địa dịch[20], quyền thuê dài hạn[21], quyền cầm cố[22], thế chấp[23]. Trong đó, quyền thuê dài hạn, quyền cầm cố, thế chấp có thể coi là lần đầu tiên được nội luật hóa một cách khá rõ ràng trong luật so với các giai đoạn trước. Quyền thuê dài hạn đã có một bước tiến vượt bậc khi vừa được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật, vừa được coi là một vật quyền, trong khi ngay cả Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 cũng chưa quy định rõ ràng về quyền này. Ngoài ra, quyền hành dụng và quyền cư dụng là nội hàm của quyền hưởng dụng đã được quy định (với tên gọi quyền hưởng dụng thu lợi, quyền dùng vật người khác, quyền ở nhà người khác)[24].
Như vậy, so với luật thời kỳ phong kiến, chế độ pháp lý về quyền đối với tài sản trong pháp luật thời kỳ Pháp thuộc đã có những bước phát triển vượt bậc cả về khái niệm, tư duy pháp lý và kỹ thuật lập pháp. Sự phát triển này phần lớn là kết quả của việc du nhập, “sao chép khá trọn vẹn” kỹ thuật lập pháp của châu Âu lục địa, nhất là của Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804.
2.3. Thời kỳ 1945 - 1975
Thời kỳ này Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai hệ thống chính trị, pháp lý khác nhau và vấn đề áp dụng lý thuyết vật quyền tại văn bản pháp luật cũng khác nhau tại mỗi miền.
- Ở miền Bắc vẫn tiếp tục sử dụng một số luật lệ hiện hành ở Bắc - Trung - Nam của giai đoạn trước[25] và một số sắc lệnh liên quan đến quyền đối với tài sản[26].
- Ở miền Nam, chế độ pháp lý về quyền đối với tài sản, nhất là trong Bộ Dân luật năm 1972 về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc về tư duy pháp lý của Bộ luật Dân sự Pháp như: Quyền tài sản được phân chia theo lý thuyết quyền đối vật và quyền đối nhân; vật quyền được chia thành vật quyền bất động sản và vật quyền động sản[27] vật quyền chính[28] và vật quyền phụ[29] ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ với tên gọi “quyền sở hữu văn chương, mỹ thuật hay kỹ nghệ”[30]… Tuy nhiên, so với pháp luật thời kỳ Pháp thuộc thì Bộ Dân luật năm 1972 quy định về chế độ pháp lý này với kỹ thuật lập pháp hiện đại, rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu hơn.
Đây cũng là thời kỳ Hiến pháp năm 1959 được ban hành, điều chỉnh các quyền đối với tài sản theo hướng xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thực hiện công hữu hóa về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, thực hiện quản lý kinh tế bằng cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp[31].
2.4. Thời kỳ từ năm 1975 đến nay
Sau khi thống nhất đất nước, Hiến pháp năm 1980 được ban hành nhưng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tiếp tục được khẳng định, quyền sở hữu tư nhân ít được coi trọng.
Công cuộc đổi mới được khởi xướng năm 1986 đã tạo ra sự thuận lợi cơ bản hơn về tư duy pháp lý trong xây dựng và điều chỉnh các quan hệ dân sự. Giai đoạn này có nhiều văn bản pháp luật được ban hành như Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, Pháp lệnh Nhà ở năm 1991… tuy nhiên, mối quan hệ về tài sản mới bước đầu được ghi nhận ở góc độ riêng lẻ, chế định về vật quyền cũng ít được nhắc đến, cơ bản mới ghi nhận khá chung chung[32].
Đến Hiến pháp năm 1992, lần đầu tiên các hình thức sở hữu đã được ghi nhận cụ thể và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân[33]. Trong bối cảnh đó, Bộ luật Dân sự năm 1995 được thông qua là công trình pháp điển hóa đầu tiên tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự và được hoàn thiện dần, thể hiện sự ghi nhận chế định vật quyền ngày càng rõ ràng qua các lần sửa đổi năm 2005, 2015, cụ thể:
- Bộ luật Dân sự năm 1995: Mặc dù chưa có quy định về chế định vật quyền trong một chương mục riêng nhưng Bộ luật đã ghi nhận được một số vật quyền chính và lần đầu tiên ghi nhận khái niệm quyền sở hữu có nội hàm gồm 03 quyền năng là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản[34]. Đồng thời, ghi nhận một số nguyên tắc mới về quyền sở hữu và tài sản. Tuy nhiên, các quyền của người không phải là chủ sở hữu chưa được chú trọng, có những quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, quy định quá chung.
- Bộ luật Dân sự năm 2005: Bộ luật đã hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu, ghi nhận cụ thể các quyền như: Quyền sử dụng đất[35], quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề[36], quyền về lối đi qua bất động sản liền kề[37]; với tư cách là các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản[38]...
Tuy nhiên các quy định về vật quyền khác còn rất mờ nhạt, chưa có sự tách biệt giữa chiếm hữu là tình trạng pháp lý và chiếm hữu là một quyền của chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu. Chưa thể hiện được một cách đầy đủ các đặc tính của vật quyền như nguyên tắc luật định (numerus clausus), đặc tính tuyệt đối hay quyền chống lại mọi chủ thể khác (erga omnes)… Bên cạnh đó, Bộ luật cũng không chỉ ra được mối quan hệ giữa quyền sở hữu với các quyền khác đối với tài sản, với quyền của bên nhận cầm cố, nhận thế chấp và cũng chưa chỉ ra thứ tự ưu tiên giữa các vật quyền này với nhau. Vì thế, việc thừa nhận một số quyền của người không phải là chủ sở hữu còn mang tính rời rạc.
- Bộ luật Dân sự năm 2015: Trên cơ sở kế thừa các quy định về vật quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cấu trúc cũng như nội dung rõ ràng và logic hơn so với Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005, dành một phần quan trọng (Phần thứ hai trong Bộ luật) để quy định về chế định vật quyền, đồng thời cụ thể hóa các quan điểm, tư tưởng mới về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Hiến pháp 2013 như: Tư tưởng về đa dạng sở hữu, tự do hợp đồng, bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Chỉ rõ bên cạnh quyền sở hữu còn tồn tại các vật quyền khác là phân nhánh của quyền sở hữu hay còn được xem là các vật quyền hạn chế, bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề (quyền địa dịch), quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và các vật quyền bảo đảm (vật quyền phụ thuộc). Đây là điều mà Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa đạt được. Có thể nói đây là một bước tiến lớn của Bộ luật Dân sự năm 2015, tiến đến tiếp cận với lý thuyết vật quyền khi ghi nhận sự chiếm hữu là một tình trạng thực tế (song song với quyền chiếm hữu đã quy định trong quyền sở hữu như ở các Bộ luật Dân sự trước).
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền theo đuổi và quyền ưu tiên của vật quyền bảo đảm; ghi nhận thêm hai biện pháp bảo đảm (cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu), ghi nhận đăng ký bảo đảm là quyền chứ không phải nghĩa vụ… Đồng thời, ghi nhận rõ hiệu lực tuyệt đối của vật quyền, quyền được tác động trực tiếp lên đối tượng của chủ sở hữu cũng như nguyên tắc công khai[39] là nguyên tắc cơ bản và khẳng định quyền của chủ thể nắm các quyền khác đối với tài sản[40].
3. Mục tiêu, định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam trong thời gian tới
Có thể thấy, lý thuyết vật quyền đã được tiếp cận và hoàn thiện dần qua các thời kỳ và ngày càng thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn trong hệ thống pháp luật dân sự, mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu và cả người không phải là chủ sở hữu. Vì vậy, mặc dù trong hệ thống pháp luật dân sự nước ta mà gần đây nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không sử dụng trực tiếp thuật ngữ vật quyền nhưng không thể phủ nhận rằng, để khuyến khích, mở rộng các giao dịch dân sự, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thì trong thời gian tới, Bộ luật Dân sự một mặt cần phải minh định rõ ràng hơn các loại quyền tài sản; một mặt cần ghi nhận, xác lập và bảo vệ các quyền đối với tài sản đang hiện hữu trong đời sống xã hội. Đồng thời, để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng lý thuyết vật quyền tại Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan cần tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng năm 2014… để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự năm 2015 về vật quyền cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định về vật quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa rõ ràng hoặc có cách hiểu khác nhau.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[5] Xem: http://luatviet.co/phap-luat-phong-kien/n20170524045758443.html.
[6] TS. Nguyễn Minh Oanh, “Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại”, Nxb. Công an nhân dân, 2018, tr.69.