Lịch sử lập hiến của Việt Nam đã trải qua 05 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 09/11/1946 với 7 chương và 70 điều. Trong đó, chương “Quyền và nghĩa vụ của công dân” được xếp thứ 2 gồm 18 điều và đặt nghĩa vụ trước quyền lợi. Tại điều 11 của Hiến pháp năm 1946 có quy định “nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Bằng quy định trên, lần đầu tiên quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và thư tín đối với công dân đã được thừa nhận trong Hiến pháp - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực thi các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam giai đoạn đó.
Hiến pháp năm 1959 bao gồm 10 chương 112 điều, trong đó nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại Chương III (thay vì chương II như Hiến pháp năm 1946) bao gồm 21 điều (từ Điều 22 đến Điều 42). Theo đó, tại Điều 28 Hiến pháp quy định “pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật”. Như vậy, Hiến pháp năm 1959 bên cạnh việc quy định quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, thư tín “không bị xâm phạm” còn nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong việc bảo đảm cho các quyền đó được thực thi trên thực tế bằng việc sử dụng cụm từ “pháp luật bảo đảm”. Nhìn chung, các quy định pháp luật trong việc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, thư tín của Hiến pháp năm 1959 đã có sự phát triển hơn so với Hiến pháp năm 1946.
Kế thừa và phát triển các quy định về quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, thư tín tại các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 1980 ra đời trong điều kiện cả nước thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều 71 của Hiến pháp khẳng định: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Việc khám xét chỗ ở phải do đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành, theo quy định của pháp luật. Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín được bảo đảm. Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở tiếp tục được Hiến pháp năm 1980 ghi nhận và bảo đảm, chỉ trong những trường hợp được pháp luật cho phép thì quyền này mới bị hạn chế. Nội dung này tiếp tục được thể hiện tại Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
Đến Hiến pháp năm 2013, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có nhiều điều luật nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Quyền con người được quy định trong Chương II Hiến pháp năm 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V Hiến pháp năm 1992 (quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Trong Hiến pháp, khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người”, khi nói đến công dân Việt Nam thì dùng từ “công dân”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.
Theo đó, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thư tín được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận là quyền cơ bản của con người chứ không chỉ dừng lại ở quyền công dân như các bản Hiến pháp trước đó. Nội dung này được thể hiện rõ ràng tại khoản 2 Điều 21: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Tiếp đó, Điều 22 Hiến pháp cũng ghi nhận: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Hiến pháp năm 2013 khẳng định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân dứt khoát phải được quy định bằng luật, không phải bằng văn bản dưới luật.
Như vậy, nghiên cứu qua 05 bản Hiến pháp của Việt Nam, có thể khẳng định quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thư tín luôn luôn được ghi nhận với tư cách là quyền cơ bản hiến định. Nội dung của quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thư tín dần được mở rộng và bảo đảm tốt hơn qua các bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền bất khả xâm phạm về nơi ở và thư tín là quyền con người và cần phải được bảo đảm bằng các quy định của pháp luật. Sự thay đổi của các bản Hiến pháp nêu trên đã thể hiện xu thế phát triển của đất nước, phù hợp với tinh thần các công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, quyền kinh tế, văn hóa, nhân quyền…; tạo nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân ở nhà nước Việt Nam hiện nay.
2. Sự hạn chế quyền bất khả xâm phạm về nơi ở, thư tín theo quy định của pháp luật hiện hành
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là quyền con người căn bản đã được công nhận và bảo vệ trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế và Việt Nam. Tại Việt Nam, các quyền này đã được ghi nhận rõ ràng trong khoản 2 Điều 21, Điều 22 Hiến pháp năm 2013. Thêm vào đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp của công dân, bảo đảm quá trình tố tụng khách quan, công bằng, vô tư, nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân đã được quy định tại Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân. Hơn nữa, việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
Thứ nhất, về căn cứ khám xét chỗ ở, thư tín của cá nhân
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc khám xét chỉ được tiến hành trong trường hợp:
(1) Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
(2) Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Bên cạnh đó, theo khoản 6 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính. Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính[1].
Thứ hai, về thẩm quyền khám xét
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thẩm quyền khám xét được thực hiện cụ thể như sau:
(1) Thẩm quyền khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính[2]. Theo đó, những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (như Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện) có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
(2) Những người sau có thầm quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp[3]: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
(3) Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền sau có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án[4]: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương; Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương; Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Bộ đội biên phòng; Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục khám xét chỗ ở; thu giữ thư tín; tạm giữ tài liệu, thư tín khi khám xét
(1) Về việc khám giữ nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể, không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.
(2) Về thủ tục khám xét chỗ ở theo quy định tại các Điều 193 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể:
Trước khi tiến hành khám xét, điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.
Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
(3) Về việc thu giữ thư tín, Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ. Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.
(4) Về việc tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín khi khám xét được thực hiện theo quy trình tại Điều 199, 200 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể: Phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn; người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; người ra lệnh, người thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Thứ tư, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thư tín
Theo các quy định pháp luật hiện hành, người thực hiện hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thư tín của người khác có khả năng bị xử lý kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự xã hội theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Về hình thức xử phạt, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp cảnh cáo, phạt tiền; bên cạnh đó còn có thể bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả với mức độ khác nhau.
Trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở, thư tín của người khác mà gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản thì người thiệt hại được quyền yêu cầu người gây thiệt hại thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, nếu hành vi xâm phạm chỗ ở, thư tín của người khác hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy tố và xét xử về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015[5]. Mức áp dụng hình phạt tùy thuộc vào tính chất, mức độ biểu hiện của hành vi phạm tội.
3. Kết luận
Qua việc nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về quyền bất khả xâm phạm nơi ở và thư tín của cá nhân cũng như những bảo đảm để các quyền này đi vào thực tế đời sống có thể rút ra một số điểm sau:
Một là, quyền bất khả xâm phạm về nơi ở và thư tín là quyền con người, quyền cơ bản của công dân mà mọi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều đã ghi nhận và hiện thực hóa trong các quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Hai là, quyền con người nói chung cũng như quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thư tín nói riêng luôn cần phải được pháp luật công nhận và bảo hộ, tuy nhiên quyền này không phải là quyền tuyệt đối. Nhà nước chỉ bảo hộ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thư tín để chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác đối với chỗ ở hợp pháp cũng như đối với thư tín của cá nhân; còn khi có người lợi dụng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thư tín để che giấu hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật thì quyền này không còn được pháp luật bảo vệ.
Ba là, việc quy định nguyên tắc “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” tại Hiến pháp năm 2013 cũng như sự cụ thể hóa trong các văn bản luật, dưới luật là tương đối hợp lý, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước; giữa quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân với Nhà nước, xã hội.
Như vậy, trên cơ sở nhận thức pháp lý ngày càng sâu sắc và thực hiện công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, Hiến pháp năm 2013 một lần nữa lại khẳng định việc thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người một cách mạnh mẽ, rõ ràng và hiện đại nhất. Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính chị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14) quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Điểm nhấn của nội dung này là việc bổ sung nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Đây chính là điều kiện để bảo đảm tính hiện thực của quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự công bằng, minh bạch và lành mạnh giữa các lợi ích trong mối quan hệ giữa Nhà nước với con người, công dân, cá nhân và phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; hạn chế tối đa bất cứ sự lạm dụng hay tùy tiện nào tước đi hay hạn chế các quyền và tự do vốn có của mọi người bởi các cơ quan nhà nước. Do vậy, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải theo quy định của pháp luật. Nhà nước cần tạo ra những cơ chế phù hợp, khả thi để việc thực hiện các quy định của Hiến pháp cũng như những văn bản khác đạt hiệu quả cao, luôn đảm bảo tốt các quyền con người tiến tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay./.
Trường Đại học Luật Hà Nội