Toàn cầu hóa là quá trình tương tác và hội nhập giữa con người, doanh nghiệp và Chính phủ của các quốc gia khác nhau trong quá trình thúc đẩy thương mại, đầu tư quốc tế và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin[1]. Toàn cầu hóa có tác động đến không chỉ các quốc gia phát triển mà cả các quốc gia đang phát triển, tác động đến nhiều mặt của cuộc sống cá nhân, cư dân của các quốc gia, trong đó, chủ yếu là các lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường,… Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài các ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đó.
1. Tác động tích cực của toàn cầu hóa đến việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam
Toàn cầu hóa có tác động tích cực đến các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, các tác động tích cực được thể hiện ở một số lĩnh vực như sau:
Một là, trong lĩnh vực chính trị, toàn cầu hóa góp phần đưa Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực như: Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… và phối hợp trong việc xây dựng các điều ước quốc tế để thúc đẩy môi trường kinh doanh[2]. Là thành viên của các tổ chức quốc tế, đòi hỏi Việt Nam phải có các bước tiến trong việc tham gia xây dựng các điều kiện kinh doanh, mức thuế cho hàng hóa, dịch vụ và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp. Mặt khác, toàn cầu hóa giúp cho Việt Nam tiếp cận, nghiên cứu và học tập các chính sách của pháp luật nước ngoài, qua đó, vận dụng vào quá trình quản lý và vận hành ở Việt Nam. Rõ ràng nhất, có thể thấy, Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã có những tác động nhất định, cụ thể: Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong đó, xác định một trong các giải pháp là “phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số”. Có thể thấy, thông qua chính sách trên, người dân có thể thực hiện quyền bí mật đời tư trên môi trường mạng, có quyền tiếp cận thông tin. Như vậy, quá trình toàn cầu hóa góp phần thúc đẩy Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách để phù hợp với thực tiễn, qua đó, quyền của con người được ghi nhận và bảo đảm hơn.
Hai là, trong lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hóa tạo môi trường phát triển liên quốc gia ở tầm cỡ quốc tế. Cụ thể, toàn cầu hóa giúp các quốc gia mở rộng thị trường tiêu thụ và mở rộng chuỗi doanh nghiệp ở tầm quốc tế. Điều này thể hiện ở sự hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế tại Việt Nam. Theo Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính đến ngày 20/11/2017, cả nước có 2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016[3]. Vì thị trường tiêu thụ nêu trên mà toàn cầu hóa còn tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp của các quốc gia. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẽ một mặt, nâng cao công nghệ, chất lượng sản phẩm, mặt khác, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, việc trao đổi hàng hóa, xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia được thực hiện thuận tiện và nhanh hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay, các sản phẩm của nước ngoài có thể tìm kiếm trên thị trường Việt Nam với giá cả hợp lý, hay sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng trên toàn thế giới tìm mua thông qua các trang mạng trực tuyến hay qua sàn KIU - sàn giao dịch thương mại điện tử do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chương trình sáng kiến hỗ trợ tư nhân vùng Mekong (MBI) thiết lập.
Có thể thấy, quá trình toàn cầu hóa đã góp phần đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ sản phầm. Việc tạo môi trường kinh doanh đã góp phần bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa sản phầm của các quốc gia nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.
Ba là, trong lĩnh vực văn hóa, toàn cầu hóa giúp các quốc gia trao đổi thông tin, tiếp cận dễ dàng hơn nền văn hóa của các quốc gia khác. Quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế đất nước đã thúc đẩy Việt Nam ký các hiệp định, thỏa thuận miễn thị thực với các nước. Tính đến ngày 28/7/2017, Việt Nam đã ký hiệp định, thỏa thuận miễn thị thực với 83 nước. Việc miễn thị thực một mặt, góp phần thu hút khách du lịch vào Việt Nam, mặt khác, tạo điều kiện để công dân nước ngoài thực hiện quyền tự do đi lại trong giới hạn nhất định tại Việt Nam.
2. Tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đến việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam
Song song với những tác động tích cực, Việt Nam còn chịu những tác động tiêu cực từ toàn cầu hóa. Điều này đã được nhận diện và cảnh báo qua một số nghiên cứu của Liên Hợp Quốc[4]. Tại Việt Nam, những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa được thể hiện cụ thể như sau:
Một là, về lao động, toàn cầu hóa đã tạo ra tỷ lệ người dân thất nghiệp cao do công nghệ phát triển mà máy móc càng ngày thay thế nhân lực con người. Trong lĩnh vực công nghiệp, do nguồn nhân lực ở các nước đang phát triển thấp hơn nên các nước đã phát triển có xu hướng xây dựng doanh nghiệp tại nước đang phát triển và thuê nhân công ở các nước này. Do đó, tình trạng thất nghiệp là một vấn đề đáng lo ngại. Một vấn đề tiêu cực khác đó là, vì mục tiêu lợi nhuận mà các doanh nghiệp thường không chú trọng đến chất lượng, an toàn lao động[5] (công nhân phải làm việc ngoài giờ, trong điều kiện không đủ ánh sáng, vi phạm chế độ thai sản,...), thay vào đó, họ tập trung vào mục tiêu giảm giá thành. Từ đó, dẫn đến quyền con người nói chung (quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được có nước sạch,...) và quyền của người lao động nói riêng (quyền sống, quyền nghỉ ngơi, quyền có điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh,...) bị ảnh hưởng.
Hai là, toàn cầu hóa dẫn đến ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp đa phần vì mục tiêu lợi nhuận và bỏ quan vấn đề môi trường và nhân tố con người. Thực tế, tại Việt Nam, có một số trường hợp doanh nghiệp để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó trực tiếp, gián tiếp cản trở đến việc thực hiện một số quyền của con người theo pháp luật quốc tế, như quyền sống, quyền có nơi ở, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được có nước sạch, quyền có thực phẩm,...
Ba là, toàn cầu hóa làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa người với người[6]. Để phát triển kinh tế, nhiều quốc gia[7], trong đó có Việt Nam đã và đang có xu hướng đô thị hóa nông thôn, theo đó, đất nông nghiệp được cải tạo để xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ kinh doanh sản xuất. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, người dân tại các vùng sâu, vùng xa đã được bồi thường để giải phóng mặt bằng với mức tiền lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận với thông tin còn hạn chế, chưa có chiến lược sử dụng tiền hợp lý nên với tiền bồi thường đó mà nhiều gia đình đã trở lên trắng tay do chi tiêu và bị lừa đảo[8]. Hậu quả là, sau khi chi tiêu hết số tiền được đền bù đất, họ trở thành người không công ăn việc làm, một mặt vì không còn đất để canh tác, sản xuất, mặt khác, vì không có kỹ năng, tay nghề để có thể làm việc cho các doanh nghiệp.
3. Mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và quyền con người
“Quyền con người”, theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc thì “quyền con người” hay “nhân quyền” được hiểu là những bảo đảm pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hạt đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản[9]. Nói cách khác, quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luạt quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế[10].
Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định, toàn cầu hóa và quyền con người có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Điểm tương đồng giữa toàn cầu hóa và quyền con người là nhằm nâng cao tiêu chuẩn sống của con người[11]. Tác động của toàn cầu hóa đến quyền con người thể hiện các phương diện sau:
Thứ nhất, toàn cầu hóa giúp con người hưởng thụ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Toàn cầu hóa góp phần xóa đói, giảm nghèo. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng thế giới, năm 1993, Việt Nam có 58% dân số nghèo thì đến năm 2002 là 28,9% và đến năm 2008, còn 14,5%[12]. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa đã góp phần tăng thu nhập của người dân, giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng dưới 6%, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 05 năm tới, với mức trung bình 6,5-7%; thu nhập bình quân đầu người, theo đó, đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020, tăng khoảng 1.000 USD so với hiện nay (Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5/12/2015)[13].
Thứ hai, thông qua toàn cầu hóa, việc trao đổi, tiếp cận thông tin được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn, qua đó, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền học tập (học online), quyền được bảo trợ xã hội (thông qua hình thức bảo hiểm y tế),... Để trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản phù hợp với điều ước quốc tế: Năm 2013, sửa đổi Hiến pháp, trong đó, lần đầu tiên ghi nhận “quyền con người” tách bạch với “quyền công dân”, trên cơ sở đó, Nhà nước cũng sửa đổi Bộ luật Lao động, sửa đổi Luật Đầu tư, sửa đổi Luật Du lịch... Các văn bản này đã góp phần thực hiện tốt hơn quyền của con người nói chung và quyền của công dân Việt Nam nói riêng.
Thứ ba, song song với những tác động tích cực nêu trên, toàn cầu hóa có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện quyền con người. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp, mặt khác xuất phát từ sự vận hành thiếu kịp thời và hiệu quả của các cơ chế bảo vệ, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Mặt khác, toàn cầu hóa quá nhanh đã dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Hiện nay, rất nhiều công ty nước ngoài muốn thu hút nhân tài từ Việt Nam đã có chính sách đãi ngộ rất tốt. Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề cho từng quốc gia, trong đó, có Việt Nam là làm thế nào để thu hút và giữ nhân tài để phát triển đất nước là một vấn đề còn gây tranh cãi.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Xuất phát từ bản chất của toàn cầu hóa và mục tiêu phát triển bền vững, tác giả đề xuất một số giải pháp theo hướng:
Thứ nhất, phát triển bền vững, có lộ trình, kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Tiếp nối Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ[14], năm 2015, Liên Hợp Quốc đã đề ra Các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững (SDGs) thực hiện từ năm 2015 đến năm 2030, với 17 mục tiêu, đã được 193 quốc gia thành viên đồng thuận (tính đến tháng 8/2015). Để mục thực hiện các mục tiêu này, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 622/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Theo đó, Kế hoạch đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Nói cách khác, để phát triển bền vững, cần thiết phải có sự tham gia tối đa của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Sự tham gia được thể hiện bằng công tác xây dựng, ban hành và hoàn thiện thể chế - một trong những căn cứ, cơ sở để phát triển bền vững - đặc biệt đối với các văn bản được giao chủ trì xây dựng theo Kế hoạch phát triển bền vững, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Đề xuất này dựa trên tham khảo ý tưởng của Amartya Sen[15], coi “phát triển là tự do” và “nghèo đói là thiếu tự do và năng lực”. Theo đó, để phát triển, điều kiện cần thiết là có đủ điều kiện phát triển do hành vi tôn trọng, thừa nhận và bảo đảm thực hiện của Nhà nước thông qua thể chế, chính sách.
Thứ hai, trên cơ sở thể chế, cần có cơ chế giám sát, phản ứng kịp thời với những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn để qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đi đôi với bảo vệ quyền con người và giữ độc lập, tự do dân tộc. Công dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tác động tiêu cực của toàn cầu và phát huy tác động tích cực của nó thông qua việc nâng cao dân trí, tiếp nhận thông tin hai chiều, nâng cao tự hào dân tộc (ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam),... Do đó, cần huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, quyền con người được coi là trung tâm của ba trụ cột về ý tưởng (ideas), thiết chế (institutions - sự kết hợp giữa ý tưởng và vật chất để thiết lập trật tự xã hội, thể hiện quyền lực giữa các tổ chức), nguồn nguyên liệu (material capacities - công nghệ và khả năng tổ chức sản xuất)[16]. Do đó, cần có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người. Trước mắt, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế gắn với điều kiện kinh tế văn hóa xã hội của nước ta hiện nay để xây dựng cơ quan bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người do các cơ quan khác nhau thực hiện tùy thuộc vào từng lĩnh vực, tuy nhiên, cần phải dựa trên cơ sở kinh nghiệm nước ngoài và yêu cầu của quá trình hội trình toàn cầu hóa hiện nay.