1. Văn hóa Việt Nam - những điểm chung nhất
Khi bàn về văn hóa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”[1]. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa Phạm Văn Đồng cũng cho rằng “cốt lõi của sức sống dân tộc là văn hóa”. Ngoài ra, Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm đã khẳng định “văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”[2] hoặc như Cựu Tổng giám đốc UNESCO định nghĩa “văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc”[3].
Như vậy, có thể thấy, văn hóa đã ra đời từ rất lâu và bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội, có tính phong phú, đa diện, là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần, là nền tảng, cốt lõi của một dân tộc.
Nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, trước hết, phải xem xét Việt Nam dưới góc độ vị trí địa lý với những điều kiện tự nhiên và môi trường đặc trưng. Đó là một trong những đất nước có lượng mưa trung bình lớn nhất thế giới, lãnh thổ bao gồm những đồng bằng phù sa với hai đồng bằng chính là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Với điều kiện tự nhiên như vậy, ngành nông nghiệp trồng lúa nước đã sớm phát triển và cùng với nhu cầu trị thủy là nhu cầu cố kết cộng đồng để hình thành nên những công xã từ rất sớm. Bên cạnh đó, do vị trí địa lý khá đặc biệt như một cửa ngõ nối Bắc và Nam, Đông và Tây ở khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là Đông Á, Việt Nam sớm đã phải đứng trước nguy cơ ngoại xâm rất lớn. Các yếu tố kể trên góp phần hình thành nên nét đặc trưng gần như bản chất của văn hóa Việt Nam, đó là sự gắn bó cộng đồng. Gắn bó để trị thủy, gắn bó để chống giặc ngoại xâm, gắn bó để cùng làm việc và chung sống.
Với điều kiện tự nhiên đặc trưng như vậy, người Việt Nam đã sống cả cuộc đời gắn bó mật thiết với sông, nước. Sông, nước và những hình ảnh có liên quan đã trở thành những điều gắn bó như hơi thở với đời sống người Việt. Phải chăng, chính vì vậy mà có nhiều học giả khi bàn đến văn hóa Việt Nam đã đề cập đến “tính nước”. “Tính nước” có những di hại như sự tùy tiện, lập lờ nước đôi, những điểm tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống khoa học, pháp luật sau này, tuy nhiên cũng có điểm tốt cơ bản, đó là sự linh hoạt, cách ứng xử mềm dẻo. Sự linh hoạt, mềm dẻo thể hiện trong cách sống, để dù sống ở vùng núi, vùng đồng bằng hay ngoài biển đảo xa xôi đều biết cách thích nghi, tùy biến, hoặc thay đổi bản thân, hoặc tác động vào môi trường sao cho phù hợp.
Đồng thời, cùng với tư tưởng trong thuyết âm dương ngũ hành của Đạo gia, một trong những đạo giáo có ảnh hưởng nhiều đến nhận thức buổi đầu của người Việt, “tính nước” chuyển hóa thành cách suy nghĩ và lối sống dung hòa. Dung hòa giữa cứng và mềm, giữa tối và sáng, giữa lạnh và nóng, giữa trong và đục. Dung hòa để sống với những cách sống khác nhau.
Bên cạnh đó, người Việt còn có lối sống trọng tình và cách tư duy tuy tổng hợp biện chứng nhưng lại thiên về kinh nghiệm, cảm tính nhiều hơn lý tính. Một số nét văn hóa khác tuy không phải là chủ yếu và cơ bản nhưng cũng có nhiều đóng góp trong đời sống tinh thần của người Việt, là sự tôn trọng thiên nhiên, sự gắn bó định cư với xứ sở và sự trân trọng với người phụ nữ.
Ngoài ra, sự du nhập và phổ biến của Nho giáo thời Bắc thuộc và sự phổ biến đến cực thịnh của Phật giáo từ đời Lý - Trần đã góp phần khiến cho những triết lý của các đạo giáo này ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống văn hóa của người Việt.
Tất cả những yếu tố kể trên, tuy là những yếu tố thuộc văn hóa nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống pháp luật của Việt Nam.
2. Ảnh hưởng của văn hóa với việc ban hành và thực thi pháp luật
2.1. Mối quan hệ giữa văn hóa và pháp luật
Theo Mác - Lênin thì văn hóa và pháp luật là hai yếu tố thuộc về kiến trúc thượng tầng xã hội, nếu áp dụng nguyên lý mối liên hệ phổ biến thì rõ ràng giữa hai yếu tố này có mối liên hệ tác động qua lại với nhau.
Thực vậy, giữa văn hóa và pháp luật có mối liên hệ mật thiết. Pháp luật không tách rời với văn hóa. Không những thế, pháp luật dường như còn là một biểu hiện và theo định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì còn là một bộ phận của văn hóa. Bởi vậy, trong xây dựng hệ thống pháp luật của quốc gia, kinh nghiệm ứng xử của cộng đồng là một yếu tố quan trọng.
Đồng thời, từ mối quan hệ trên, pháp luật có thể được ban hành và đưa vào cuộc sống dễ dàng hơn nếu con người ứng xử theo pháp luật như một ứng xử văn hóa. Hay nói cách khác, văn hóa ảnh hưởng đến pháp luật mang tính nền tảng, góp phần hình thành nên pháp luật. Ngược lại, pháp luật, hay đơn vị nhỏ nhất của pháp luật là quy phạm pháp luật, muốn tồn tại và được tuân thủ phải được xây dựng thành văn hóa.
2.2. Tác động tích cực của văn hóa đến pháp luật
Như đã đề cập ở phần trên, đời sống văn hóa người Việt có đặc trưng cơ bản là tính gắn bó cộng đồng. Điều này khiến cho người Việt thường có tập quán sinh sống gắn bó với nhau, hiện nay, ở nông thôn thì đơn vị dân cư là làng, xã, ở đô thị là phường, tổ dân phố… và cùng với tập quán định canh, định cư đã giúp cho việc phổ biến pháp luật, quản lý hành chính… theo đơn vị dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc sinh sống gắn bó với nhau kết hợp cùng khái niệm “lệ làng”, “hương ước” (những quy định riêng của nhóm nhỏ dân cư) còn góp phần hình thành khả năng tự quản, một trong những yếu tố của dân chủ. Quy chế dân chủ nội bộ hay thỏa ước lao động tập thể trong Luật Lao động chính là xuất phát từ tính gắn bó cộng đồng và sự linh hoạt.
Lối sống cộng đồng khiến cho hành vi vi phạm pháp luật khi bị pháp luật trừng phạt không chỉ mang tính răn đe với cá nhân người phạm tội, mà họ còn phải chịu “búa rìu” dư luận xã hội từ gia đình, cộng đồng gắn bó với họ - một sự trừng phạt có khi còn đáng sợ hơn cả án tử hình. Đồng thời, việc đấu tranh phòng chống tội phạm nhờ có cộng đồng cũng trở nên dễ dàng hơn.
Sự dung hòa trong cách tư duy, thế giới quan, cùng việc tôn trọng thứ bậc, trật tự (do ảnh hưởng Nho giáo) đã góp phần hình thành tư duy về sự thống nhất - tư duy chủ đạo hình thành nên cơ chế quản lý tập quyền, như quy định tại Hiến pháp. Cùng với “tính nước” trong văn hóa, sự linh hoạt cũng góp phần hình thành đặc tính “chuyên chế mềm”[4] - một trong những điều kiện chủ yếu để phát huy dân chủ trong ban hành và thực thi luật pháp.
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt là rất lớn. Một trong những điều tích cực mà hai tôn giáo trên mang đến cho văn hóa nói chung và pháp luật nói riêng là một xã hội ổn định, ít tranh chấp, xung đột. Điều này vô hình chung giúp cho việc quản lý xã hội dễ dàng hơn và người dân có sự tôn trọng pháp luật ở một chừng mực nhất định. Tư tưởng, nhiệm vụ, bổn phận được phát huy đúng cũng giúp người dân có ý thức hơn về vai trò trách nhiệm của mình với gia đình, Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, sự tôn trọng phụ nữ vốn là một trong những điểm cơ bản trong văn hóa Việt Nam xưa đã góp phần tạo nên những quy phạm với những hình phạt nhẹ hơn cho nữ giới và một số quy định có lợi cho người phụ nữ, không chỉ trong Hình thư, Hình luật, Quốc triều hình luật… mà còn trong các văn bản pháp luật hiện đại Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động… Đây cũng là xu thế chung của pháp luật thế giới.
2.3. Tác động tiêu cực của văn hóa đến pháp luật
Sự gắn bó cộng đồng, bên cạnh việc giúp cho cộng đồng gần nhau hơn, còn đem đến tư duy “phép vua thua lệ làng”. Nhiều địa phương tự ban hành nhiều luật lệ khác nhau hoặc diễn giải những quy định pháp luật theo cách hiểu khác nhau. Đủ loại giấy phép con, phí, lệ phí cũng phát sinh, làm các thủ tục hành chính vốn đã chưa thông thoáng lại càng thêm phức tạp, rối rắm[5].
Đồng thời, cách tư duy tổng hợp, biện chứng, thiên về kinh nghiệm, ứng xử linh hoạt là một trong những nguyên nhân hình thành lối sống không theo lý trí, đôi khi trở nên tùy tiện, khiến cho việc ban hành văn bản pháp luật để đi vào cuộc sống đã khó, việc thực thi và bảo đảm thực thi càng khó khăn hơn. Cùng với ảnh hưởng từ nền nhân trị trong Nho giáo xưa, sự hình thành và tôn trọng quyền lực không theo lý trí, tư duy khách quan, nói cách khác là không theo pháp luật cũng là một chiều hướng ngầm, tồn tại nhưng khó phát hiện và đi ngược lại việc tôn trọng Hiến pháp và pháp luật - những chuẩn mực ứng xử một cách lý trí của xã hội nói chung[6].
Hơn thế nữa, mong muốn sống dung hòa cùng tư tưởng vô tụng của Nho giáo và Phật giáo còn kìm hãm tư duy phản biện, khả năng phản kháng của con người, dẫn tới sự ảnh hưởng đến một số quyền con người nhất định. Truyền thống vô tụng làm cho xã hội trở nên ít xảy ra tranh chấp hơn, nhưng điều này tựa như sự bình yên trên bề mặt, mà bên trong là những con sóng ngầm, những ngọn núi lửa nhỏ có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Mâu thuẫn không được giải quyết triệt để bằng các biện pháp tư pháp, hòa giải, bằng lí trí khách quan… nếu đến lúc bùng phát khó có thể kim hãm.
3. Một số giải pháp phát huy điểm tích cực và hạn chế mặt tiêu cực
Trong các điểm nổi bật của văn hóa, có những điểm tạo ảnh hưởng tích cực, có điểm gây ảnh hưởng đa phần là tiêu cực đến đời sống pháp luật Việt Nam. Việc hạn chế những điểm tiêu cực, phát huy những điểm tích cực là điều cần được bàn đến khi đề cập đến ảnh hưởng của văn hóa với pháp luật.
Trước hết, do mối quan hệ của văn hóa với pháp luật là văn hóa tạo nền tảng xây dựng pháp luật và văn bản pháp luật cần trở thành văn hóa để được là văn bản “sống”, điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát huy những điểm tốt của văn hóa là sự tôn trọng nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này có được khi pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp được phổ biến đến mọi đối tượng công dân và người khác trong xã hội. Khi hiểu rõ luật, nắm rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi, nghĩa vụ của mình, người dân sẽ dần hình thành đời sống văn hóa theo đời sống pháp luật. Nói cách khác, pháp luật muốn tồn tại thì cần phải dưới hình thức của một loại hình văn hóa, không chỉ đơn giản là sửa chữa văn bản đã có mà còn đem văn bản đã có đến với đời sống thường ngày của người dân theo một cách “mượt mà” nhất, không chỉ bằng cách giảng giải trên các giảng đường mà còn tuyên truyền, phổ biến bằng các tổ chức, hiệp hội, tại từng địa phương; không chỉ tuyên truyền pháp luật cho người chưa vi phạm, bên cạnh đó còn tuyên truyền, phổ biến cho những người đã từng vi phạm để họ không tái phạm.
Đối với những điểm tích cực trong ảnh hưởng của văn hóa, cần tiếp tục giữ vững và phát huy. Đối với những điểm chưa tốt, nếu biết cách khắc phục hạn chế, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành và xây dựng nền pháp quyền Việt Nam.
Đó có thể là hạn chế sự tùy tiện trong thi hành và ban hành văn bản, đề cao nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức với người dân không chỉ bằng hô khẩu hiệu và các cuộc thi, mà đem tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức là người công bộc, người phục vụ đến với từng người. Đó cũng có thể là xây dựng những cách nhìn khác về cơ chế dân chủ hiện tại, rà soát bỏ đi những quy định mang tính cứng nhắc, chưa đi vào đời sống, hay khuyến khích, giáo dục người dân xây dựng cách nhìn khách quan, toàn diện, có tính pháp quyền hơn đối với những vấn đề trong cuộc sống.
4. Văn hóa và pháp luật trong đổi mới và giao lưu
Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam truyền thống, giáo sư Phan Ngọc cho rằng, con người Việt Nam là con người nhân cách luận - con người theo cương vị, nhân cách, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong tinh thần trách nhiệm vì người khác hơn vì mình. Bốn yếu tố cấu thành nên con người nhân cách luận đó là 04 chữ F: Fatherland (tổ quốc), Family (gia đình), Fate (thân phận), Face (diện mạo)[7]. Thực chất, đó cũng chính là một điểm thể hiện của nền văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên, nền văn hóa nào cũng có con đường phát triển riêng, bởi lẽ như mọi sự vật khác, văn hóa cũng có những mâu thuẫn nội tại và phải đấu tranh với chính nó, vượt qua mâu thuẫn đó để phát triển. Trong hội nhập cũng tất yếu nảy sinh sự giao lưu văn hóa. Văn hóa Việt Nam truyền thống trong tương lai có thể có thêm những đặc điểm mới, thậm chí, không còn bảo lưu những đặc tính đã phân tích ở trên. Điều này có thể thấy qua cấu trúc gia đình: Số hộ gia đình độc thân ở Việt Nam hay gia đình hai thế hệ đang tăng lên so với gia đình có ba, bốn thế hệ trước kia. Bên cạnh đó, bắt đầu xuất hiện cả những gia đình đồng tính, đi ngược lại với triết lý âm dương ngũ hành hay quan điểm về hôn nhân gia đình trước đây. Sự biến đổi xã hội cũng sẽ có ảnh hưởng đến văn hóa, như việc dân số Việt Nam hiện đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, điều sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, lao động, kinh tế… mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn, lối sống văn hóa, bắt đầu từ đơn vị nhỏ nhất là gia đình làng xã. Ngày càng nhiều người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống học tập và quay trở lại thăm quê hương, mang theo những cách nghĩ, tư tưởng, văn hóa mới. Cùng với làn sóng đầu tư từ các nước phát triển và nền kinh tế mới nổi, ngày càng nhiều người nước ngoài cũng sang Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Tất cả các yếu tố đó sẽ góp phần hình thành nên đời sống văn hóa mới, tại các đô thị là văn hóa công nghiệp - đô thị, tại nông thôn là văn hóa nông thôn mới… và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống pháp luật.
Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh