Tương tự như thuật ngữ “đối tượng yếu thế”, trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, mặc dù không đưa ra khái niệm “đối tượng đặc thù”, nhưng tại Mục 2 Chương II Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 xác định đối tượng đặc thù gồm: (i) Người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; (ii) Người lao động trong các doanh nghiệp; (iii) Nạn nhân bạo lực gia đình; (iv) Người khuyết tật; (v) Người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; (vi) Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Có thể nói, đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 là những người do địa điểm cư trú, tính chất công việc, đặc điểm nhân thân, thể chất nên hiểu biết pháp luật còn hạn chế hoặc/và những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, pháp luật hoặc/và những người cần phải phổ biến, giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng này nói riêng và nhân dân nói chung, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, quan điểm và thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã yêu cầu tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa: “Phát miễn phí các loại sách và tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “…xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về pháp luật với hình thức phong phú, sinh động; tăng thời lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số”. Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 đã xác định cần “có chính sách hỗ trợ nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và các đối tượng thiệt thòi”, “tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng”.
Các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ theo giai đoạn và một số Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định cần tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm các đối tượng đặc thù, đó là: Người dân ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; người lao động trong các loại hình doanh nghiệp; người khuyết tật; nạn nhân của bạo lực gia đình và các đối tượng có nguy cơ thực hiện bạo lực gia đình; người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, các đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ phạm tội cao; người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ. Bộ Tư pháp đã ký với các bộ, ngành liên quan Chương trình phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân, người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định 06 nhóm đối tượng đặc thù (từ Điều 17 đến Điều 22), đồng thời quy định những nội dung pháp luật thiết thực, liên quan trực tiếp đến đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và những chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với cá nhân thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù được quy định tại Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã chú trọng việc tạo điều kiện cho một số đối tượng đặc thù tiếp cận thông tin (trong đó có thông tin pháp luật): “Đối với đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân” (Điều 18).
Như vậy, có thể khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là một chủ trương nhất quán, với nhiều chính sách hỗ trợ tích cực nhằm tạo điều kiện cho đối tượng này khắc phục thiệt thòi trong tiếp cận pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật.
2. Đánh giá về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù thời gian qua
Những năm qua, nhất là từ khi có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù đã đạt được một số kết quả bước đầu, được thể hiện trên những kết quả chủ yếu sau:
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương[1]. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù đã được quan tâm bố trí kinh phí như: Từ năm 2013 - 2016, cả nước bố trí gần 61 tỷ đồng cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó Vĩnh Phúc gần 9 tỷ đồng, Hòa Bình hơn 3 tỷ đồng, Bắc Ninh gần 4 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu gần 2,4 tỷ đồng[2]…
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù đã đạt được những kết quả bước đầu cụ thể, với nhiều mô hình, hình thức như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; biên soạn, phát hành tờ gấp, tài liệu bằng tiếng dân tộc, đĩa hình[3]; lồng ghép phổ biến pháp luật thông qua lễ hội truyền thống, phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở; phổ biến pháp luật qua mô hình tổ công nhân tự quản khu nhà trọ tại các khu công nghiệp[4], các trung tâm tư vấn pháp luật; tổ tư vấn pháp luật tại điểm sinh hoạt văn hóa công nhân; tổ chức đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về chính sách, pháp luật và thi hành pháp luật; nói chuyện chuyên đề, tọa đàm đối với người có hành vi bạo lực gia đình, sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, sinh hoạt câu lạc bộ[5], hòa giải các mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư; biểu dương những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong xây dựng và đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình[6]. Một số địa phương đã tổ chức phổ biến các quy định cho người khuyết tật bằng hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với đối tượng[7]. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người vi phạm pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Tổ chức phổ biến pháp luật tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề[8], phổ biến trực quan cho người vi phạm[9]; lồng ghép trong chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng[10].
Từ năm 2013 đến năm 2016, đối với nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, cả nước tổ chức 636.512 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp thu hút 17.793.772 lượt người; 394 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 778.744 lượt người; biên soạn 8.774.401 sổ tay, sách hỏi đáp, tờ gấp, băng đĩa pháp luật; xây dựng, phát sóng 131.184 tin, bài pháp luật. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phổ biến, học tập nội quy, quy chế giam, giữ, chính sách, pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân cho 100% số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân được; tổ chức 5.294 lớp phổ biến pháp luật, giáo dục công dân cho 3.151.861 lượt phạm nhân, 4.265 lớp phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, HIV cho 422.228 lượt phạm nhân; 55 lớp cho 997 học sinh mới đến cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; 30.047 cuộc cho 232.331 đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù cho hưởng án treo.
- Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội thảo, tọa đàm về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù được triển khai nền nếp, nhất là trong khuôn khổ các chương trình, đề án. Hoạt động sơ kết, đánh giá thực tiễn, kiểm tra, tự kiểm tra, tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù được thực hiện định kỳ.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù đã đạt được những kết quả tích cực, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng và góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau đây:
- Phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù nhiều nơi vẫn còn biểu hiện hình thức, phong trào, hiệu quả chưa cao. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có nơi chưa phù hợp với đối tượng, địa bàn; nội dung pháp luật nhiều địa phương chưa xuất phát từ nhu cầu của đối tượng. Tình trạng trùng lắp nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn tồn tại.
- Hoạt động phối hợp giữa các ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù chưa thường xuyên, chặt chẽ. Một số ngành, cơ quan, tổ chức được Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 giao trách nhiệm chủ trì phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù nhưng chưa chủ động triển khai thực hiện nên hiệu quả không cao.
- Cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trình độ chuyên môn, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù chưa đồng đều, nhất là người khuyết tật, đối tượng vi phạm pháp luật; còn thiếu người biết tiếng dân tộc thiểu số.
- Người dân nói chung, đối tượng đặc thù nói riêng chưa ý thức đầy đủ và thực hiện tốt trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật mà chủ yếu tìm hiểu mỗi khi có vướng mắc pháp luật.
- Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ, tài trợ về kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù mà chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. Kinh phí, phương tiện, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm các đối tượng đặc thù dù đã được quan tâm hơn nhưng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
- Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đối với việc chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù; chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí điều bảo đảm cho công tác này.
- Đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 rất rộng, là mọi người dân trong xã hội, phạm vi, địa bàn rộng lớn, trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều địa phương còn hạn hẹp đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù.
- Công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù còn chưa được chú trọng, chưa thường xuyên, còn nặng về tập huấn kiến thức pháp luật.
- Một số địa phương chưa sử dụng có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa tìm tòi, áp dụng các hình thức, biện pháp, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới phù hợp với đối tượng.
- Phần lớn đối tượng đặc thù có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp nên chưa quan tâm tự tìm hiểu, học tập pháp luật. Mặt khác, một số nhóm đối tượng như: Nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có địa bàn cư trú rộng, phân tán, giao thông đi lại không thuận tiện nên tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật gặp rất nhiều khó khăn.
- Điều kiện ngân sách của nhiều địa phương những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách hầu như chưa được cấp. Phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động không phát sinh lợi nhuận nên rất khó thu hút sự hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp. Việc điều phối nguồn lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù chưa thực sự khoa học, phù hợp nên dẫn đến tình trạng trùng lắp nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, đối tượng, địa bàn được phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là hoạt động khó, cần sự đầu tư thỏa đáng và được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho công dân có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với những người hiểu biết pháp luật còn hạn chế, gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, pháp luật hoặc người vi phạm pháp luật. Để tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong phổ biến, giáo dục pháp luật và điều phối nguồn lực để bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ ba, chú trọng hơn đến bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về kỹ năng, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù. Đối với từng nhóm đối tượng đặc thù, cần bố trí cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có kỹ năng và yêu cầu phù hợp.
Thứ tư, nội dung pháp luật cần gắn với nhu cầu của đối tượng và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hình thức tuyên truyền, phổ biến cần phải phù hợp với trình độ dân trí, địa bàn, đặc thù của đối tượng, chú trọng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Định kỳ sơ kết, đánh giá các mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả để nghiên cứu, áp dụng nhân rộng, đồng thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, qua đó đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù.
Thứ năm, gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù với việc thực hiện các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này (Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2021; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; các đề án: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2016 đến năm 2021; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2021; Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016 đến năm 2021; Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2017 - 2021; Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020; Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020) và các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội để tiết kiệm nguồn lực và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù. Chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; phát huy vai trò của Sở Tư pháp. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù đã được Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 giao.
Thứ bảy, bên cạnh việc Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù, cần quan tâm thu hút sự tham gia, hỗ trợ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách xã hội hóa để khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ công tác này. Quan tâm bố trí phương tiện, cơ sở vật chất, tài liệu hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng nhóm đối tượng cụ thể, ví dụ: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật nhìn được phổ biến, giáo dục pháp luật bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
Thứ tám, gắn việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù với đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có đánh giá chỉ tiêu về thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tự kiểm tra, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Ủy ban dân tộc, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của 63/63 tỉnh, thành phố đều ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật có nội dung chỉ đạo triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.
[2]. Báo cáo số 5825/BC-BNN-PC ngày 07/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[3]. Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng…
[4]. Cả nước có gần 4.900 tổ công nhân tự quản đang hoạt động.
5. Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; Câu lạc bộ Gia đình, hội viên phụ nữ không có bạo hành; Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; Câu lạc bộ đàn ông không đánh vợ...
6. Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa…
7. Sóc Trăng, Thanh Hóa, Thái Bình...
8. Thành phố Đà Nẵng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người nghiện ma túy, người bán dâm đang cai nghiện, chữa bệnh và quản lý sau cai nghiện.
9. TP. Hồ Chí Minh…
10. Tiền Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Đắk Nông, Thừa Thiên - Huế...