Báo cáo dẫn đề Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Đây là Đề án rất quan trọng trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong 02 năm vừa qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực, tích cực triển khai Đề án và đạt được những kết quả quan trọng. Để đạt được những kết quả này là do chúng ta đã tập trung thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: (i) thực hiện rà soát các luật, đặc biệt là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Thi hành án dân sự... Đặc biệt, thông qua đó, chúng ta đã có những đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để tiếp tục nâng cao quyền được tiếp cận pháp luật của người dân; (ii) tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật với đời sống và sự chủ động, tích cực trong việc thực hiện gắn trách nhiệm đã được giao trong các văn bản pháp luật, cũng như trách nhiệm chủ động của người dân tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức khác nhau; (iii) khảo sát, đánh giá để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, các nhu cầu của người dân trong vấn đề tiếp cận pháp luật. Từ đó, chúng ta có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác này trong thời gian tới; (iv) cung cấp thông tin pháp lý, kỹ năng sử dụng pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân, đặc biệt là các mô hình hay, cách làm hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; (v) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; (vi) chú trọng việc thực hiện công tác hướng tới người yếu thế; (vii) phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xã hội hóa nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ luật sư, luật gia tham gia triển khai Đề án;...
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa
Mặc dù công tác triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng còn tồn tại không ít bất cập, khó khăn như: chưa có sự nhận thức đồng đều, sâu sắc, đầy đủ của các cấp, các ngành; việc triển khai chưa thực sự bám sát mục tiêu của Đề án, nhiệm vụ, giải pháp mà thường lồng ghép với các nhiệm vụ chính trị khác; chưa thực hiện được theo lộ trình các giải pháp được đặt ra trong 02 năm; ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã còn thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin để đưa pháp luật vào cuộc sống; chưa thực sự quan tâm bố trí nguồn lực để có những giải pháp đặc thù hơn, ưu tiên hơn trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đa số bộ, ngành, địa phương chưa bố trí kinh phí riêng để triển khai Đề án.
Chính vì vậy, tại Hội thảo này, đồng chí Phó Cục trưởng mong muốn các đại biểu chia sẻ, đề xuất những giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 977. Đặc biệt, cần làm rõ việc thực hiện Đề án đặt trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cũng như những thách thức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong bối cảnh mới. Từ đó, đại biểu đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, cụ thể như: nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động trong hệ thống chính trị về tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy định pháp luật về giám sát, phản biện xã hội; cần bảo đảm nguồn lực về con người và tài chính để thực hiện công tác giám sát, phản biện; phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông;...
Toàn cảnh Hội thảo
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, Cà Mau là tỉnh đã đạt được kết quả ấn tượng về triển khai nhiệm vụ xây dựng, ban hành thông cáo báo chí các văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án 977. Tại Hội thảo, đại diện tỉnh Cà Mau chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tham mưu và triển khai nhiệm vụ này. Cụ thể, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan. Các cơ quan này chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ đó, nhiệm vụ xây dựng và ban hành thông cáo báo chí về các văn bản quy phạm pháp luật được triển khai cụ thể. Bên cạnh đó, ngoài việc đăng tải thông cáo báo chí trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và Trang thông tin Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp còn xây dựng mô hình hệ thống nhóm “Zalo phổ biến, giáo dục pháp luật” trên toàn tỉnh. Hiện nay, hệ thống này gồm 04 cấp độ từ tỉnh, huyện, xã đến ấp, với tổng cộng 938 nhóm Zalo và hơn 17.000 thành viên tham gia. Mục đích chính là truyền tải các tài liệu phổ biến pháp luật, bao gồm cả thông cáo báo chí, đến đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như người dân trên địa bàn.
Cũng tại Hội thảo, một số đại biểu đã nêu lên quan điểm, để giúp người dân tiếp cận pháp luật một cách hiệu quả thì cần tăng cường áp dụng các giải pháp, cách làm “mềm dẻo”, sáng tạo như: không chỉ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo cách truyền thống mà cần phải tăng cường tiếp cận theo hướng thực hiện “lan tỏa pháp luật”, chẳng hạn như việc chuyên gia pháp luật tham gia các sự kiện được người dân quan tâm, như tham gia hội thi người đẹp…, qua đó, người dân sẽ biết về ý nghĩa, vai trò, những vấn đề liên quan của pháp luật và chủ động tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình; hay như cách thực hiện đưa người dân trở thành chủ thể tham gia thực hiện, huy động sự vào cuộc của Nhân dân, phải làm cho người dân hiểu được giá trị của pháp luật, từ đó họ sẽ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính bản thân và gia đình của mình...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao các kết quả đạt được trong triển khai Đề án 977. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương đều có định hướng triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; một số địa phương đã có sự đầu tư xây dựng những mô hình, cách làm hay thực hiện Đề án hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này cũng còn có hạn chế chung là về nguồn lực, đặc biệt là việc chưa được bố trí kinh phí riêng. Do đó, từ vị trí, vai trò của Đề án 977, Thứ trưởng đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và từng địa phương nghiên cứu về giải pháp thực hiện phù hợp, bám sát 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 24 hoạt động của Đề án, với mục đích huy động sự vào cuộc của cả cả hệ thống chính trị và nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trước yêu cầu đổi mới tư duy phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu là huy động sự vào cuộc thực chất của cả hệ thống chính trị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tư duy đổi mới là chính quyền các cấp, nòng cốt là ngành Tư pháp, Sở Tư pháp phải tạo dựng các điều kiện cần thiết về mặt thông tin pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân chủ động tiếp cận và nâng cao nhận thức về pháp luật, từ đó chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thứ trưởng đề nghị các địa phương nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án, đáp ứng yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp. Thứ trưởng cũng mong muốn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án, đặc biệt cần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Thứ trưởng hy vọng rằng, đến năm 2030, gắn với thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc triển khai Đề án 977 sẽ đạt kết quả tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Uyên Nhi