Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc Nhà nước quy định và thực hiện các hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý; các điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo Điều 13 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 66) thì: “Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này”.
Các hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Nhà nước theo quy định pháp luật gồm:
- Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp;
- Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật;
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp;
- Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp;
- Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật.
Theo đó, Nghị định số 66 của Chính phủ cũng quy định việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp.
Căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định như sau: (i) Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các vùng, ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; (ii) Chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
Sau khi chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý được khuyến khích tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các chương trình hỗ trợ.
Để bảo đảm tài chính cho hoạt động hỗ trợ pháp lý theo các Chương trình được phê duyệt, Điều 14 Nghị định số 66 quy định:
- Kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 66 thì kinh phí thực hiện chương trình được dự toán trong ngân sách hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
1. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2015 - 2020
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, nhiều doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó nổi bật như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... Các doanh nghiệp đã và đang có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với mục đích là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa bàn trên cả nước, Sở Tư pháp là cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đến nay, theo thống kê năm 2014 của Bộ Tư pháp cho thấy, 100% các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch hoặc chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đáng chú ý là chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai… Riêng tỉnh Hậu Giang là đơn vị đầu tiên trên cả nước đã tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập “Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” thuộc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, nhằm triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2014, trên cơ sở báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp và đề xuất tiếp tục triển khai các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, ngày 28/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014. Để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2015 – 2020 nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng chính tại các tỉnh, thành trên cả nước (tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm 97,7%, nhiều tỉnh, thành trên cả nước tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 100% như Tuyên Quang, Điện Biên…) tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh danh có hiệu quả; phòng, chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… thì cần tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động trọng tâm của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung, định hướng như sau:
Thứ nhất, việc tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bảo đảm phù hợp với các mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030, gắn với việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chủ động nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, đến năm 2016 hoàn thành 100% việc xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ ba, việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị định số 66, Quyết định số 2139/QĐ-TTg, hướng trọng tâm đến việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, các hoạt động tiếp tục được triển khai phải phát huy hiệu quả của giai đoạn đã thực hiện, không chồng chéo với các chương trình, dự án khác hỗ trợ cho doanh nghiệp; lồng ghép với các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện để bảo đảm tính đồng bộ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí; tăng cường sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các sở, ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích sự tham gia chủ động và tích cực của các doanh nghiệp vào việc tổ chức, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Đề xuất những giải pháp kết nối giữa Sở Tư pháp các địa phương với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp
Để kết nối giữa Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 nhằm triển khai có hiệu quả, đồng bộ các hoạt động, tránh trùng lặp lãng phí, kém hiệu quả thì chúng ta cần triển khai tốt các giải pháp như sau:
Một là, hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án các giải pháp nhằm nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trong năm 2015 và 2016 để triển khai mạnh mẽ, hiệu quả và thống nhất công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, phát huy vai trò của Ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam;
Hai là, thiết lập kênh thông tin thường xuyên (hàng tuần, hàng tháng) nhằm cung cấp, trao đổi thông tin giữa Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ Tư pháp với các Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kênh thông tin này được thực hiện thông qua việc xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các chuyên mục thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Ba là, tổ chức khảo sát kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trao đổi kinh nghiệm, mô hình điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ: hàng quý, tổ chức các tọa đàm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước để trao đổi kinh nghiệm, mô hình điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Bốn là, có kế hoạch xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc xây dựng và thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; xây dựng và phát sóng thường xuyên các Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam cũng như các Đài phát thanh, truyền hình tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xây dựng các chương trình đối thoại với doanh nghiệp giữa các cơ quan trung ương và các địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp;
Năm là, nâng cao năng lực cho những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nói chung. Xây dựng đề án nghiên cứu mô hình thành lập “Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” hoặc “Phòng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” thuộc Sở Tư pháp để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý tại các tỉnh, thành trên cả nước;
Sáu là, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trọng tâm, trọng điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa trung ương và địa phương nhằm tăng cường sự gắn kết và phát huy hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tránh trùng lặp lãng phí.
ThS. Trần Minh Sơn - Bộ Tư pháp
Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế