Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra lời Tuyên cáo thành lập Chính phủ, trong đó có Bộ Tư pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bộ Tư pháp cùng Chính phủ rời thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Từ năm 1949 đến năm 1950, Bộ Tư pháp đã ở và làm việc tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Thời gian đóng trụ sở tại đây không dài, nhưng chính là khoảng thời gian diễn ra những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước và của Ngành Tư pháp.
Cũng tại nơi đây, với chức năng quản lý và thực hiện công tác tư pháp, bao gồm cả hệ thống Tòa án và công tố, Bộ Tư pháp đã đề xuất và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh về cải cách bộ máy tư pháp và pháp luật tố tụng theo hướng dân chủ hóa, làm cho tư pháp thực sự gần dân và vì dân. Năm 1950, Hội nghị Học tập tư pháp toàn quốc của cán bộ tư pháp đã vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm và nói chuyện. Những lời chỉ dạy của Bác tại Hội nghị này về bản chất công tác tư pháp, về cốt cách, bản lĩnh của người cán bộ tư pháp đã trở thành định hướng có ý nghĩa cốt yếu, nền tảng của sự nghiệp xây dựng, trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam.
Tới thăm Khu Di tích, các thế hệ cán bộ, biên tập viên của Tạp chí đã cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng, rất đỗi tự hào về truyền thống của Ngành Tư pháp và cảm thấy vinh dự khi đang được làm việc, cống hiến tại Bộ Tư pháp - một cơ quan đã được thành lập ngay từ ngày đầu Chính phủ ra đời, khẳng định sẽ cống hiến hơn nữa để xây dựng Ngành Tư pháp ngày càng lớn mạnh, tiếp bước truyền thống của các thế hệ đi trước. Thay mặt Lãnh đạo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tổng biên tập Đặng Vũ Huân đã đề nghị các cán bộ, biên tập viên của Tạp chí luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết, tiên phong trong công tác, phát huy năng lực của mỗi cá nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đồng chí Đặng Vũ Huân và các cán bộ, biên tập viên của Tạp chí đã dâng hương bày tỏ lòng tri ân đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các bậc tiền bối cách mạng và các bậc tiền bối Ngành Tư pháp đã vượt qua những khó khăn, gian khổ giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.
Kết thúc chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa này, các cán bộ, biên tập viên của Tạp chí như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần đoàn kết, xung kích, sáng tạo, rèn đức, luyện tài, quyết thắng trong thực hiện các nhiệm vụ, phấn đấu lập nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam.
Ảnh: Thu Trang; Hải Việt