Bản báo cáo nêu rõ một hiện trạng rất đáng lo ngại là “đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”.
Bên cạnh đó, nạn hối lộ, “lót tay”, chạy chọt, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” còn khá phổ biến. Ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 52.235 tỷ đồng và 1.788 ha đất...; kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân, chuyển cho cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 người. Những con số đó, dù chỉ là phát hiện qua công tác thanh tra cũng đủ nói lên tình trạng nhức nhối của tham nhũng như thế nào. Tuy nhiên, số vụ tham nhũng bị khởi tố, xử lý hình sự lại giảm so với năm trước, điều này cũng chứng tỏ sự “quyết liệt” vẫn dừng lại ở một giới hạn nhất định mà thôi.
Song hành với việc phát hiện nhiều, xử lý ít, kiến nghị nhưng không được xem xét là nghịch lý phòng chống tham nhũng ở trong nội bộ từng ngành, từng địa phương so với phát hiện của Thanh tra Chính phủ là quá ít, diễn biến tham nhũng có vẻ yên ắng và “ổn định”. Chỉ có 19 ngành, địa phương có báo cáo về tình trạng tham nhũng và không cho rằng tình hình tham nhũng lại nghiêm trọng như vậy. Ngoài ra, kết quả xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng cũng không đáng kể so với việc phát hiện và kiến nghị xử lý. Chẳng hạn, hơn 1.000 người trong diện phải kê khai tài sản chỉ có 05 trường hợp gian dối và cũng mới chỉ xử lý được 02 trường hợp. Hoặc, nạn lót tay, chạy chọt phổ biến song chỉ có 22 trường hợp nộp lại quà với tổng giá trị 89 triệu đồng(?!). Chúng ta nói chống tham nhũng quyết liệt nhưng lại che giấu thực trạng thì làm sao chống được?
Sự che giấu thực trạng tham nhũng ở ngay trong chính cơ quan mình, địa phương mình không chỉ là trở lực rất lớn trong việc phòng, chống tham nhũng mà còn tạo nên hiện tượng bao che, cấu kết với nhau làm suy yếu thực lực của bộ máy công quyền. Trước hiện tượng tự phát, tự xử đầy manh động của người dân ngày càng diễn ra phổ biến thì đó chính là sự phản chiếu hiệu lực quản lý xã hội của cơ quan công quyền, “sâu mọt” tham nhũng phá hoại từ bên trong đã gây ra tình trạng đó.
Lần đầu tiên, Báo cáo của Chính phủ đề cập một dạng tham nhũng mới là “lợi ích nhóm”. Vấn đề này được nhiều thành viên trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội quan tâm. Có ý kiến cho rằng, cần làm rõ lợi ích nhóm là ai, ở đâu, ai là “nhóm trưởng, nhóm phó” và cho rằng tham nhũng đã vào cơ quan bảo vệ pháp luật, tuy mức độ nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến công lý. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp yêu cầu: “Lợi ích nhóm là một dạng tham nhũng mới, vì thế Chính phủ phải đề ra giải pháp cụ thể. Việc thanh tra, sáp nhập các ngân hàng thương mại, phần vốn bị âm là mất thật hay chuyển sang công ty con của ngân hàng và có tham nhũng trong các ngân hàng sai phạm hay không, Chính phủ cần làm rõ trước Quốc hội để báo cáo cho người dân”.
Đó cũng là mong mỏi của người dân trước yêu cầu “minh bạch hóa” sự điều hành, quản lý của Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Như nhận định của Chính phủ “tham nhũng vẫn là nguy cơ làm mất ổn định chính trị, xã hội”, thì việc nhận diện được nguy cơ đó phải song hành với việc diệt trừ nó. Tất cả mọi người đều biết rằng, tham nhũng là sâu mọt, có thể ăn ruỗng cả rường cột quốc gia, vì thế, nó đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong chế độ.
Bình Sơn
Ảnh: ST