Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng của Thừa phát lại là một kênh để tạo lập nguồn chứng cứ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án (trước khi có Thừa phát lại, hầu như không có cơ quan nào có chức năng giúp cho người dân thực hiện những việc này).
Việc lập vi bằng của Thừa phát lại được đánh giá là đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức xác lập chứng cứ, hạn chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.
Tác giả Nguyễn Tiến Pháp đã có bài viết nghiên cứu trao đổi về: “Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại và thủ tục đăng ký vi bằng”, với những nội dung chính sau: (1) Giá trị của vi bằng; (2) Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại (Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại theo Nghị định 61 và thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại theo Nghị định 135 và các văn bản hướng dận hiện hành); (3) Đăng ký vi bằng. Để hiểu sâu hơn những vấn đề mà tác giả đã đề cập, những kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập vi bằng và đăng ký vi bằng, mời độc giả tìm đọc bài viết đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 32 trang chuyên đề về “Thừa phát lại” tháng 2/2015.
Vũ Hải Việt