Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: (i) Một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; (ii) Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; (iii) Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; (iv) Một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp; (v) Nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu; (vi) Các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ; (vii) Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (viii) Khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ…
Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật và khảo sát thực tiễn của Bộ Công an các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 07 cơ sở dữ liệu quốc gia, gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Trong các luật đã rà soát, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tất cả các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu (như việc thu thập, số hóa, bảo đảm chất lượng, lưu trữ dữ liệu…); chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân; chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu đang phát triển trên thế giới như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu… Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.
Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã xác định đến Quý IV năm 2025 Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tổng hợp, phân tích, điều phối dữ liệu, cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, việc xây dựng luật với tên gọi là Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến thẳng thắn và khách quan, cụ thể:
Đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung đánh giá về xây dựng, phát triển, sử dụng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia để bảo đảm đúng thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019).
Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung đánh giá tác động về lĩnh vực “quốc phòng, an ninh", đặc biệt là các tác động từ hoạt động thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, truy cập, sao chép, chia sẻ... dữ liệu, ứng dụng khoa học trong xử lý dữ liệu. Về quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, đại diện Bộ Quốc phòng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc không đưa vào dự thảo Luật quy định Quỹ hỗ trợ phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ doanh thu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung khái niệm về “Dữ liệu chủ” tại Điều 3; bổ sung nội dung công bố ngày cập nhật, điều chỉnh dữ liệu thông qua Cổng dữ liệu hoặc sàn giao dịch dữ liệu tại khoản 3 Điều 11 và bổ sung thêm một khoản tại Điều 18 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về dữ liệu, pháp luật về tiếp cận thông tin.
Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu sự phù hợp của dự thảo luật dữ liệu với bộ luật dân sự về quy định con người có quyền sở hữu đối với dữ liệu hay không; làm rõ mối quan hệ giữa Luật Dữ liệu với các luật hiện nay như luật dữ liệu cá nhân để tránh mâu thuẫn chồng chéo; cân nhắc về sự phù hợp của việc áp dụng Luật Dữ liệu tại khoản 2 điều 4 dự thảo Luật; đề nghị cơ quan chỉ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động nhóm 02 thủ tục hành chính là chuyển dữ liệu ra nước ngoài và hỗ trợ sàn giao dịch dữ liệu; rà soát điều kiện để đảm bảo vừa đầy đủ, vừa có sự cắt giảm điều kiện kinh doanh đối với quy định về điều kiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu; đối với thủ tục cấp phép dịch vụ trung gian dữ liệu và sản phẩm, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu chỉ quy định việc cấp phép là chưa đầy đủ vì có cấp phép thì phải có điều chỉnh, cấp lại hoặc thu hồi, do đó cần quy định khung cho các thủ tục hành chính giao cho Chính phủ quy định chi tiết đảm bảo đầy đủ các thủ tục hành chính khi thực hiện
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát các khái niệm được sử dụng trong Luật, bảo đảm đồng bộ với quy chuẩn quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
Hoàng Trung