Hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với nước ta, bởi vì bên cạnh những lợi ích mang lại từ quá trình giao lưu, hợp tác kinh tế, thì số lượng các tranh chấp trong quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại cũng tăng lên đáng kể. Thực tế này đã dẫn đến nhiều áp lực cho công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tại Việt Nam. Do đó, việc xây dựng mô hình xét xử của Tòa án nhân dân theo thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự vừa phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn là giải quyết nhanh chóng số lượng các tranh chấp dân sự đang ngày càng gia tăng, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục tố tụng dân sự và đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt trong công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp.
Nhằm đưa ra hướng đi phù hợp trong việc xây dựng quy định về thủ tục rút gọn, chúng ta cần phân tích, đánh giá thực trạng tố tụng dân sự Việt Nam trong lịch sử để rút ra những nhân tố phù hợp đảm bảo tính kế thừa và đạt hiệu quả cao khi áp dụng. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu để thấy được phải cân nhắc vấn đề gì khi xây dựng quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự ở Việt Nam.
Những nội dung này đã được truyền tải trong bài viết “Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự trước xu thế hội nhập” đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 64 trang tháng 10/2014. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ngô Huyền