Tóm tắt: Bài viết phân tích một số bất cập trong quá trình thí điểm áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và đề xuất hoàn thiện pháp luật hướng dẫn về điều kiện, thẩm quyền Tòa án giải quyết tranh chấp xử lý nợ xấu theo thủ tục rút gọn.
Abstract: The paper analyzes some shortcomings in the process of piloting the application of summary procedure for dispute resolution on the obligation to hand over security assets and the right to handle security assets of bad debts and makes proposal to complete the law guiding conditions and competence of the Court to settle bad debts according to summary procedures.
1. Quy định về thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu
Thủ tục rút gọn được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng quy định về trình tự, thủ tục đơn giản hơn, thời gian giải quyết vụ án nhanh hơn so với trình tự, thủ tục giải quyết các vụ tranh chấp dân sự thông thường. Thủ tục rút gọn được áp dụng để giải quyết nhanh chóng một số vụ án dân sự có đủ điều kiện nhất định về tính chất loại việc, nơi cư trú và không có yếu tố nước ngoài. Căn cứ xác định bản chất, phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn với các điều kiện cụ thể quy định tại Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là: (i) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ. (ii) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng. (iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
So với các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thông thường khác, việc áp dụng thủ tục rút gọn để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có những tính chất đặc thù riêng. Cơ sở pháp luật ghi nhận những đặc thù khi xem xét xử lý nợ xấu qua thủ tục rút gọn xuất phát từ bối cảnh tại thời điểm cuối năm 2016, số dư nợ xấu được xác định vào khoảng 600.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng[1]. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Ngày 21/6/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14) với phạm vi điều chỉnh quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành đã ghi nhận bước tiến mới trên cả phương diện chính sách và kỹ thuật lập pháp với nhiều quy định hướng đến nhiệm vụ xử lý nhanh, dứt điểm các khoản nợ xấu như: Vấn đề chuyển nhượng nợ xấu và hạch toán các khoản nợ xấu; quy định quyền và thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi công nợ; quy định áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm. Việc xác định cơ chế đặc thù theo thủ tục rút gọn nhằm tạo hành lang pháp lý giải quyết nợ xấu đang đe dọa đến sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần lành mạnh hệ thống tài chính của tổ chức tín dụng, khơi thông dòng chảy tài chính cho nền kinh tế.
Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 xác định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (i) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm; (ii) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; (iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Cùng với việc ghi nhận các căn cứ giải quyết theo thủ tục rút gọn nêu trên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 giao trách nhiệm cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện quy định tại điều này về thủ tục rút gọn. Trên cơ sở đó, ngày 15/5/2018, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân (Nghị quyết số 03/2018/HĐTP). Tại Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết số 03/2018/HĐTP, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết các căn cứ để xác định quyền khởi kiện của đương sự và trách nhiệm thụ lý của Tòa án theo thủ tục rút gọn khi chủ thể khởi kiện có yêu cầu xử lý nợ xấu là:
Thứ nhất, Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/NQ14. Việc nhận diện quan hệ pháp luật tranh chấp này theo thủ tục rút gọn trên cơ sở xác định bản chất của quan hệ pháp luật là:
- Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Là tranh chấp về việc bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không giao tài sản bảo đảm hoặc giao không đúng theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm để xử lý tài sản đó nhằm giải quyết nợ xấu.
- Tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tranh chấp về việc xác định người có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Thứ hai, trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nếu có đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 mà tài sản bảo đảm đó là tài sản của vợ chồng thì Tòa án có thể tách yêu cầu của đương sự đó để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục rút gọn.
Như vậy, cùng với quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có liên quan, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn xử lý nợ xấu được hướng dẫn những trường hợp đặc thù trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Nghị quyết số 03/2018/HĐTP. Sau 03 năm thực hiện, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được thực thi hiệu quả trong cuộc sống, thể hiện bởi tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, còn khoảng 4,59% cuối năm 2019 tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng (trong đó, nợ xấu nội bảng ở mức 1,89%)[2]. Các tổ chức tín dụng đã kỳ vọng các giải pháp này được triển khai mạnh mẽ và ổn định. Bởi lẽ, so với các giải pháp khác được Nghị quyết số 42/2017/QH14 đưa ra thì giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi công nợ là giải pháp căn cơ, triệt để và then chốt. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử, phần lớn việc xử lý tài sản thu hồi nợ xấu đã và đang được thực hiện theo quy trình ngoài tố tụng, các vụ án liên quan đến giao dịch tín dụng, giao dịch bảo đảm mà có tranh chấp phải khởi kiện dù theo thủ tục tố tụng thông thường hay theo thủ tục rút gọn luôn phức tạp và kéo dài.
2. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu và kiến nghị
2.1. Thẩm quyền của Tòa án khi xem xét và thụ lý vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu trong thủ tục rút gọn
Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 03/2018/HĐTP quy định: “Việc nộp đơn và thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chưa đưa quy định thẩm quyền chuyên biệt của Tòa án trong việc xét xử các tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nên theo nguyên tắc chung, việc xác định thẩm quyền phải xem xét bản chất của quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng hay tranh chấp tài sản và quyền sở hữu. Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền được xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu xuất phát từ thỏa thuận được các bên xác lập theo hợp đồng. Do đó, chúng tôi cho rằng, bản chất yêu cầu này vẫn thuộc quan hệ pháp luật hợp đồng chứ phải không phải là tranh chấp về tài sản và quyền sở hữu.
Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm phải đáp ứng điều kiện có hợp đồng bảo đảm tài sản và trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm; đồng thời, giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đó đã được đăng ký theo quy định pháp luật.
Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trên cơ sở có thỏa thuận về quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý. Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền được xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu về trình tự được giải quyết theo thủ tục rút gọn, về nội dung được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận có hiệu lực pháp luật của các bên. Như vậy, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì bên nhận bảo đảm có quyền chi phối trực tiếp lên vật bảo đảm thuộc sở hữu của bên bảo đảm nhưng các quyền này phát sinh trên cơ sở thỏa thuận, chứ không phải là một quyền đương nhiên. Các đặc điểm này chi phối việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ trên nguyên tắc Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan tổ chức, ngoại trừ trường hợp các đương sự có thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn hoặc đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Như vậy, các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là các tranh chấp về quyền chi phối lên tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập trên cơ sở hợp đồng và cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp là hợp đồng các bên đã giao kết. Vì lý do này, tài sản bảo đảm có tranh chấp về nghĩa vụ giao và quyền xử lý có thể là bất động sản nhưng không thể yêu cầu Tòa án nơi có tài sản bảo đảm giải quyết vì pháp luật chưa có quy định tranh chấp về tài sản bảo đảm là bất động sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có tài sản bảo đảm là bất động sản. Những quy định chưa đồng bộ này đang tạo ra nhiều bất cập khi Tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Một là, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nằm ở nhiều nơi: Việc quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc nơi cư trú của người bị kiện gặp phải khó khăn trong nhiều trường hợp: (i) Trường hợp người bị kiện thế chấp nhiều tài sản ở các nơi khác nhau; (ii) Trường hợp người bị kiện không cư trú trên bất động sản đã thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ vay; (iii) Trường hợp một khoản vay được bảo đảm bằng tài sản của bên vay, vừa được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba.
Khi xảy ra các trường hợp mà tài sản thế chấp tồn tại hoặc đang được cầm giữ ở các địa bàn bàn khác nhau, không thuộc địa bàn cư trú của bị đơn sẽ làm phát sinh thủ tục ủy thác tư pháp cho Tòa án nơi có tài sản trong việc thẩm định và định giá tài sản, làm cho vụ án bị kéo dài. Thêm nữa, do loại tranh chấp này bản chất vẫn là tranh chấp hợp đồng nên khi đương sự khởi kiện và Tòa án thụ lý theo thủ tục rút gọn, trong quá trình chuẩn bị xét xử, đương sự đối lập thường là bên quản lý tài sản bảo đảm, bên chủ sở hữu bất động sản không thống nhất về xử lý tài sản mới tranh chấp. Nhiều trường hợp, đương sự yêu cầu tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu. Với các trường hợp phát sinh nêu trên, thực tiễn đều vượt khỏi phạm vi thẩm quyền theo thủ tục rút gọn được ghi nhận tại Nghị quyết số 03/2018/HĐTP nên các Tòa án đều đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn để hướng dẫn đương sự khởi kiện theo thủ tục án thông thường.
Hai là, trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có tranh chấp: Điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định điều kiện giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi tài sản bảo đảm được đăng ký theo quy định pháp luật. Nghị quyết đã ghi nhận điều kiện này để có căn cứ xác định bên nhận bảo đảm là người được quyền ưu tiên cao nhất, đối kháng với bên thứ ba. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định này vẫn còn những vướng mắc trong các trường hợp: (i) Trường hợp tài sản bảo đảm là đối tượng của một giao dịch với bên thứ ba làm phát sinh quyền cầm giữ tài sản của bên thứ ba theo quy định tại tiểu mục 8, mục 3 Chương XV Phần thứ 3 Bộ luật Dân sự năm 2015; (ii) Trường hợp tài sản bảo đảm được thế chấp và đăng ký theo quy định pháp luật nhưng trước khi đăng ký chủ sở hữu tài sản bảo đảm đã cầm cố cho bên thứ ba trong một giao dịch khác, bên cầm cố là người cầm giữ tài sản; (iii) Trường hợp tài sản bảo đảm được bên thứ ba đầu tư làm tăng giá trị. Tranh chấp về phần tài sản tăng thêm trên tài sản bảo đảm không phải là tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Với các trường hợp đề cập ở trên, do Nghị quyết số 42/2017/QH14 không quy định tranh chấp này phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn nên khi thụ lý đương sự có yêu cầu, Tòa án vẫn phải giải quyết theo thủ tục chung vì vẫn phải tiến hành các bước hòa giải, không đáp ứng được yêu cầu của thủ tục rút gọn. Ngoài ra, thực tiễn xét xử còn nhiều tình tiết khác cản trở Tòa án khi quyết định thụ lý tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn hoặc phải ra quyết định chuyển vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn để chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường khi gặp những tình tiết như trên phát sinh. Nếu không có ghi nhận cụ thể, việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn sẽ được dẫn chiếu tới quy định tại khoản 3 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Nghiên cứu cho thấy, nếu xuất hiện một trong 06 căn cứ sau đây thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường:
- Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;
- Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá;
- Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập;
- Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án có thêm thời gian để giải quyết tranh chấp nhưng đồng thời cũng rất bất cập khi đương sự lựa chọn khởi kiện ở thủ tục rút gọn lại bị đình chỉ chuyển sang giải quyết theo thủ tục án dân sự. Ngoài những vướng mắc trên, hiện chưa có các quy định mang tính ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán trong việc lựa chọn vụ án để giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trên thực tế, số lượng án mỗi thẩm phán được phân công nhiều, các thẩm phán chịu áp lực về thời hạn đưa các vụ án ra xét xử để đảm bảo chỉ tiêu và thành tích thi đua theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, Tòa án nhân dân tối cao chưa áp chỉ tiêu tỷ lệ các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn trên tổng số án thụ lý. Do đó, đa số các thẩm phán có tâm lý né tránh việc ra quyết định thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Tác giả cho rằng, để khắc phục các vấn đề vướng mắc trên, trước tiên về nghiệp vụ cần có những quy định hướng dẫn đặc thù trong nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán để không dẫn chiếu áp dụng như thủ tục thông thường nếu không có quy định ngoại lệ. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Do vậy, tất cả các quan hệ tố tụng được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt đều dựa trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận và bình đẳng giữa các chủ thể. Tuy nhiên, sự tự định đoạt của đương sự chỉ được thực hiện trong khuôn khổ mà pháp luật quy định. Có như vậy mới đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, tạo tiền đề cho quyền tố tụng của đương sự được đảm bảo thực hiện. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi xét xử tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quyền xử lý tài sản bảo đảm và các tranh chấp khác đối kháng với nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm để bảo đảm quyền đúng nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu theo thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, Tòa án cần giao thêm chỉ tiêu, tỷ lệ các vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn để nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục này trong thực tiễn xét xử.
2.2. Phạm vi xét xử của Tòa án khi áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu
Phạm vi xét xử được Nghị quyết số 42/2017/QH14 giới hạn bởi các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 và khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 nhưng được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực. Như vậy, phạm vi xét xử chỉ bao gồm các quan hệ pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo đảm tài sản mà không bao gồm tranh chấp về hợp đồng tín dụng và là tài sản bảo đảm của các nợ xấu từ các hợp đồng tín dụng được ký trước ngày 15/8/2017.
Việc quy định phạm vi xét xử nêu trên còn có những bất cập trong xét xử. Có thể khi ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhà làm luật đã mặc định bên vay và bên cho vay không có tranh chấp về số dư nợ, vấn đề tồn tại chỉ là việc bên có nghĩa vụ chây ỳ không thanh toán và không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ. Bên cạnh đó, tại Điều 4 Nghị quyết số 03/2018/HĐTP đặt ra yêu cầu thành phần hồ sơ khởi kiện theo thủ tục rút gọn là có tài liệu chứng minh khoản nợ đang có tranh chấp là khoản nợ xấu. Đây là tài liệu do bên cho vay (hoặc người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bên cho vay) xác nhận. Tuy nhiên, bản thân số dư nợ được văn bản này xác nhận vẫn tồn tại tranh chấp. Có một thực tiễn là, trong các hợp đồng tín dụng, bên cho vay thường quy định các khoản nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt chậm trả lãi. Từ khi Hội đồng Thẩm phán ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 28/2015/KDTM-GĐT ngày 04/12/2015 về vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng với nhận định việc hợp đồng tín dụng thỏa thuận lãi phạt chậm trả lãi là “lãi chồng lãi” nên trái pháp luật, thì hầu hết các hợp đồng tín dụng bị coi là vô hiệu một phần.
Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). Điều 33 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2017. Tại điểm b khoản 4 Điều 13 về nghĩa vụ trả lãi trên số tiền lãi chậm thanh toán có ghi nhận: “Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”.
Khoản 1 Điều 34 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này”.
Bất cập trên tồn tại với những khoản nợ xấu thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Chúng tôi cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần có những quy định phù hợp để tháo gỡ những khó khăn nêu trên. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những hướng dẫn cụ thể về điều kiện thụ lý theo thủ tục rút gọn, ghi nhận trường hợp đặc thù áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp về số dư nợ.
Học viện Tư pháp
Luật sư Phạm Hồng Quảng
Công ty Luật TNHH Hồng Minh Đăng
[1]. Https://fsppm.fulbright.edu.vn/en/news-events/faculty-in-the-news/no-xau-nhin-tu-goc-do-quan-tri/.
[2]. Https://soha.vn/thong-doc-le-minh-hung-ty-le-no-xau-va-no-tiem-an-giam-manh-du-tru-ngoai-hoi-len-gan-80-ty-usd-20200102134346201.htm .