Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốchội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” (Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày25/3/2013); có văn bản đề nghị và trên cơ sở đăng ký của các địa phương, lựa chọn, phê duyệt Đề án của 12 địa phương mở rộng thí điểm (gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long). Nhằm tăng cường sự phối hợp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Việnkiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở trung ương (Ban Chỉ đạo),tổ chức hội nghịquán triệt, triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương mở rộng thí điểm cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện.
Để tạo cơ sở pháp lý, quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành 01 nghị định; đồng thời, ban hành 03 thông tư hướng dẫn thi hành (02 thông tư liên tịch và 01 thông tư của Bộ Tư pháp). Cũng trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã có nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện với phương châm sát sao, kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho Thừa phát lại hoạt động, đảm bảo thành công của chế định này. Tại một số địa phương, Tỉnh ủy/Thành ủy, Ủy ban nhân dân đã có văn bản, chỉ thị nhằm quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn phối hợp, thực hiện hiệu quả việc thí điểm.
Trong năm 2013 - 2014, Ban Chỉ đạo đã tổ chức kiểm tra để đôn đốc, nắm bắt tình hình và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc tại 12 địa phương mở rộng thí điểm. Bộ Tư pháp cũng đã phê duyệt Đề án và tổ chức khảo sát, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố để thực hiện.
Về công tác tuyên truyền, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 485/QĐ-BTP ngày 03/3/2014 ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại và đang thực hiện Kế hoạch này với nhiều hoạt động khác nhau, như: Mở chuyên mục Thừa phát lại trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; phát hành các số chuyên đề về Thừa phát lại của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; mở chuyên mục, đăng tải nhiều bài viết trên trên Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh; phát hành tờ rơi, tài liệu về Thừa phát lại... Các địa phương thí điểm cũng đã xây dựng và đang thực hiện kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại với nhiều hình thức khác nhau, trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác này như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc…
Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, cấp chứng chỉ để bổnhiệm Thừa phát lại; tập huấn kỹ năng cho Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ. Đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã thành lập 51 Văn phòng Thừa phát lại với 120 Thừa phát lại đang hành nghề (trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 12 Văn phòng, 11 Văn phòng đã đi vào hoạt động, 01 Văn phòng đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp phép hoạt động). Các Văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh đã ổn định và hoạt động có hiệu quả, cơ bản đảm bảo cân đối về mặt tài chính và bước đầu có lợi nhuận. Còn tại các địa phương mở rộng thí điểm bước đầu cũng đã thu được kết quả nhất định. Tính đến ngày 31/10/2014, doanh thu của các Văn phòng Thừa phát lại tại 13 địa phương thí điểm đạt 63.325.502.000 đồng (trong đó, các Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh doanh thu đạt 56.712.825.000 đồng; Văn phòng tại 12 địa phương mở rộng thí điểm doanh thu đạt 6.612.676.000 đồng). Trong đó: Lập 24.669 vi bằng, doanh thu 34.951.340.750 đồng; tống đạt 377.684 văn bản, doanh thu 23.306.664.282 đồng; xác minh điều kiện thi hành án 595 việc, doanh thu 2.342.661.750 đồng; trực tiếp tổ chức thi hành 123 việc thi hành án, doanh thu 2.724.835.332 đồng.
Nhìn chung, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách bài bản, nghiêm túc, có trách nhiệm và đã thu được kết quả tích cực thể hiện trên các mặt, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Đến nay, chế định này đã được thí điểm tại 13 địa phương, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại là khả quan, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, như nhận thức của người dân và của một số cơ quan, cán bộ, công chức, vẫn còn hạn chế; việc triển khai một số công việc còn chậm so với kế hoạch; công tác phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm triển khai có lúc, có nơi còn chưa tốt; các Văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương chậm đi vào hoạt động, còn tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động của các văn phòng đã ổn định, đạt kết quả khả quan, nhưng chưa đồng đều, chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt văn bản...
Phương hướng thực hiện trong thời gian tới là nâng cao nhận thức, thống nhất hành động từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh mọi mặt công tác, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm đẩy mạnh toàn diện kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, đảmbảo việc thí điểm thành công và tổ chức tốt việc tổng kết, báo cáo Quốc hội. Trong đó, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: (i) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Thừa phát lại, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ trong việc triển khai thực hiện thí điểm; hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này; (ii) Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; (iii) Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ; năng lực quản lý, điều hành của các Văn phòng Thừa phát lại; (iv) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại; (v) Các Văn phòng Thừa phát lại cần chủ động, nỗ lực hơn nữa, tự khắc phục khó khăn, đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng hình ảnh Thừa phát lại chuẩn mực trong xã hội; (vi) Quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến kết luận của Chủ tịch nước tại buổi làm việc ngày 07/11/2014 về công tác thi hành án và triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại, trong đó thực hiện tốt tổng kết, báo cáo Quốc hội và tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại, không làm gián đoạn hoạt động của Thừa phát lại khi hết thời gian thí điểm.
Thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của thừa phát lại; các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương thực hiện thí điểm Thừa phát lại thực hiện việc giám sát để kịp thời có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, đồng thời, có định hướng chủ trương thực hiện sau khi kết thúc thí điểm.
Lê Xuân Hồng