Tóm tắt: Từ việc khái quát, phân tích thực trạng các quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam, bài viết đã kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam trong thời gian tới.
Abstract: From the overviewing, analyzing the real situation of legal provisions and the imple mentation practice of voluntary social insurance in Vietnam, the paper recommends some solutions for improving implementation effect of voluntary social insurance in Vietnam in the next time.
1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo pháp luật Việt Nam
Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở mỗi quốc gia, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định của chính trị - xã hội, phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh mô hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, một số quốc gia còn xây dựng mô hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà trong đó người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có quyền tự quyết định tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện. Theo Luật Bảo hiểm xã hộiViệt Nam, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình[1].
Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014[2], người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có thể hiểu, đối tượng chủ yếu mà bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới là những người lao động thuộc khu vực phi chính thức, như những người buôn bán tự do, lao động nông thôn, lao động tự tạo việc làm… Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng cho phép người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng trợ cấp hưu trí, tử tuất.
Về nguyên tắc thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện: Việc thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện cần phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, bao gồm các nguyên tắc chung của bảo hiểm xã hội như: (i) Mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội; (ii) Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần; (iii) Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có các nguyên tắc riêng, đó là: (i) Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia; (ii) Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn - quy định này khác với bảo hiểm xã hội bắt buộc ở tính linh hoạt, cho phép người lao động chủ động hơn trong việc lựa chọn mức đóng của mình; (iii) Đảm bảo liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi sự liên thông giữa hai loại hình bảo hiểm xã hội này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia khi họ vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Hiện nay, theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có nghĩa vụ đóng quỹ bảo hiểm, mức đóng 22% trên mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn, mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700 nghìn đồng/tháng) và cao nhất không quá 20% mức lương cơ sở. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng: Đóng hàng tháng, đóng 03 tháng một lần, đóng 06 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần và đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó. Khác với bảo hiểm xã hội bắt buộc, người sử dụng lao động không phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện: Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định dựa trên cơ sở nhu cầu chủ yếu của người lao động tham gia bảo hiểm do vậy không mang tính toàn diện như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay ở Việt Nam, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ là hưu trí và tử tuất được quy định từ Điều 72 đến Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Điều kiện và mức hưởng trợ cấp hưu trí và tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tương đồng với bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên có một số điểm khác biệt như: Trong điều kiện về tuổi đời của người hưởng lương hưu trong loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước chỉ quy định điều kiện chung cho nam và nữ là hết tuổi lao động mà không quy định các trường hợp nghỉ hưu trước khi đủ tuổi; chế độ trợ cấp mai táng thuộc loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện yêu cầu điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm trước khi chết là đủ 60 tháng trở lên; không có chế độ trợ cấp tuất hằng tháng cho bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Thực tiễn thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam
Có thể nói, sự ra đời của bảo hiểm xã hội tự nguyện là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giúp người lao động ổn định được cuộc sống, khắc phục được những khó khăn, rủi ro cho bản thân và gia đình khi về già hoặc khi không may qua đời. Mặt khác, việc chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế bao phủ toàn bộ đối tượng người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tạo cơ hội cho mọi tầng lớp lao động trong xã hội đều được bảo vệ, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả mà bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại chưa thật sự rõ ràng. Mặc dù được triển khai từ năm 2008, nhưng đến nay, có thể thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa nhận được nhiều sự quan tâm của lao động trong khu vực phi chính thức, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam còn rất thấp. Tính đến thời điểm cuối tháng 11 năm 2018, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ước tính là hơn 253.000 người, chiếm 0,6% tổng số lao động của khu vực phi chính thức và khoảng 0,49% lực lượng lao động và chủ yếu là những người đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu[3]. Theo Báo cáo mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 3 năm 2019, số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 295 nghìn người, trong khi số lượng lao động trong khu vực phi chính thức là khoảng 35 triệu lao động[4]. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội và cho thấy chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa tạo sự hấp dẫn, chưa tạo được sự lan tỏa và có sức thuyết phục thu hút sự quan tâm của người lao động và toàn xã hội. Nguyên nhân của thực trạng trên là:
Thứ nhất, như đã đề cập, đối tượng chủ yếu mà bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới là lao động ở khu vực phi chính thức - những người lao động thường có chung đặc điểm là thu nhập bấp bênh, không tham gia vào các quan hệ lao động ổn định, dân trí thấp nên thường không có khoản dư tích lũy ổn định để tham gia bảo hiểm. Bởi vậy, mặc dù nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động để đảm bảo an sinh cho chính bản thân mình và gia đình là rất lớn, nhưng khả năng đóng góp lại hạn chế. Theo khoản 1 và khoản 5 Điều 12 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, từ 01/01/2018 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Với những nỗ lực đó của Nhà nước, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng từ 240 nghìn người lên 295 nghìn người tính tới đầu năm 2019. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn thấp, trong khi thu nhập của người lao động ở nông thôn chưa cao lại không ổn định, do vậy, khó có thể thúc đẩy tăng nhanh đối tượng tham gia, kể cả khi có hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Thứ hai, xét về hiệu quả, bảo hiểm xã hội tự nguyện tỏ ra yếu thế, kém linh hoạt hơn so với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khá dài, mức đóng tối thiểu lại khá cao so với thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức, trong khi đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện lại không có đầy đủ các chế độ bảo hiểm như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 20 năm trở lên mới được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Đây là một khoảng thời gian quá dài để chờ hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, trong khi người lao động còn rất quan tâm đến các chế độ hưởng ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thì bảo hiểm xã hội tự nguyện lại không quy định. Như vậy, xét trong tương quan so sánh với bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng tới 22% mức thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn, cao hơn 14% so với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (8%) chỉ để hưởng hai chế độ dài hạn. Chưa kể đến, điều kiện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất mặc dù có sự tương đồng với quy định trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên có một số điểm “siết chặt” hơn, gây khó khăn cho người lao động. Ngoài ra, phương thức đóng dành cho những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng số năm đóng bảo hiểm còn thiếu trên 10 năm là quá phức tạp, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, không có tính khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng số năm đóng bảo hiểm còn thiếu trên 10 năm thì tiếp tục đóng theo một trong các phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thông thường cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng bảo hiểm một lần cho những năm còn lại. Bởi những hạn chế đó, người lao động nếu có đủ điều kiện về tài chính, cùng một số tiền bỏ ra, thay vì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động còn có nhiều lựa chọn bảo hiểm thương mại khác với những chính sách ưu việt hơn, như mua bảo hiểm nhân thọ, người lao động sẽ được chi trả cả những rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, bệnh tật…, đặc biệt, nếu có tử vong, thân nhân sẽ được thụ hưởng một số tiền tương đối lớn.
Thứ ba, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn phức tạp. Cần phải nhận định rõ rằng, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều đặc thù khác so với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (dân trí thấp hơn, điều kiện sống khó khăn hơn, khả năng tiếp cận thông tin thấp…), do đó, quy trình thủ tục đăng ký tham gia và giải quyết chế độ nếu rườm rà, phức tạp sẽ gây cản trở lớn tới việc mở rộng đối tượng tham gia.
Thứ tư, công tác truyền thông chưa chuyển tải rộng rãi những quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện (như điều kiện đóng, quyền lợi hưu trí…) chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện còn mờ nhạt, phần lớn người lao động chưa biết rõ về loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là những người sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi. Khảo sát đối tượng lao động phi chính thức tại địa bàn Hà Nội và Nghệ An của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa thực hiện cho thấy, có tới gần 62% người được hỏi chưa bao giờ nghe nói đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện[5]. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa có sự tổng kết, đánh giá chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam
Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội[6], xác định rõ mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, trong đó, trọng tâm là phát triển lao động trong khu vực phi chính thức - khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện.
Thứ nhất, cần sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia hơn
Một là, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện đầy đủ như bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Việc bổ sung thêm các chế độ bảo hiểm này nên được thực hiện theo lộ trình từng bước để hạn chế gây áp lực lên quỹ bảo hiểm xã hội, ưu tiên trước hết là chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, bởi rủi ro trong quá trình lao động luôn là những rủi ro thường trực, phổ biến nhất đối với người lao động. Khi các loại hình lao động ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp, đòi hỏi yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, sức khỏe cao thì những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình lao động ngày càng phổ biến, không chỉ đối với những lao động tham gia vào các quan hệ lao động ổn định mà cả những lao động trong khu vực phi chính thức. Vì vậy, bất cứ người lao động nào khi thực hiện công việc của mình cũng đều mong muốn được bảo đảm về mặt tài chính cho bản thân và gia đình khi gặp rủi ro tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, việc sớm bổ sung chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vào bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tạo tâm lý an tâm cho những người lao động trong khu vực phi chính thức, thu hút họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hai là, cần đảm bảo tính liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc với bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người lao động vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trên thực tế, pháp luật quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất lại được tính bằng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cộng với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng điều kiện hưởng, mức hưởng của chế độ hưu trí và chế độ tử tuất giữa hai loại hình bảo hiểm này chưa tương thích với nhau, không đảm bảo được công bằng và lợi ích chính đáng cho người lao động trong trường hợp có sự chuyển đổi loại hình bảo hiểm. Vì những lý do đó, các quy định của bảo hiểm xã hội tự nguyện về điều kiện hưởng, mức hưởng… của chế độ hưu trí, tử tuất nên được điều chỉnh giống với các quy định trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, như bổ sung quy định về trường hợp xét điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn mức đầy đủ, bỏ quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng trợ cấp mai táng, bổ sung quy định về trợ cấp tuất hàng tháng, bổ sung quy định về mức trợ cấp tuất tối thiểu trong trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu chết…
Ba là, về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, pháp luật nên quy định theo hướng cho phép người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội đóng một lần cho số năm còn thiếu, kể cả trường hợp thiếu hơn 10 năm. Với phương thức đóng phí như vậy cần có những tính toán cụ thể có tính đến các yếu tố về lãi suất, lạm phát… để đảm bảo mức phí phù hợp, tổng số phí đóng góp theo các phương thức phải tương đương để đảm bảo bình đẳng quyền lợi cho người tham gia. Việc cho phép đóng phí một lần sẽ đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho người lao động hưởng các chế độ bảo hiểm.
Thứ hai, khắc phục những bất cập trong việc tổ chức, triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Để bảo hiểm xã hội tự nguyện thực sự đi vào đời sống của người dân, các cơ quan chức năng, bộ, ban, ngành cần vận động và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội tự nguyện, lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, nên phân nhóm đối tượng để lựa chọn hình thức tuyên truyền hiệu quả hơn. Nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động sẽ tăng nếu như họ tiếp cận được nhiều thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người lao động chỉ có thể sẵn sàng tham gia khi họ hiểu rõ, hiểu đầy đủ về loại hình bảo hiểm này. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được đơn giản hóa bởi đối tượng mà bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới phần lớn là những người có hoàn cảnh sống khó khăn, điều kiện đi lại không thuận tiện, dân trí thấp, do đó bảo hiểm xã hội phải xác định người lao động là trung tâm, coi họ là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận được các chính sách của mình. Ngoài ra, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện đúng với quy định của pháp luật cũng cần được tăng cường, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kịp thời phát hiện sai phạm của đội ngũ nhân viên để có những biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Thứ ba, phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao khả năng đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Một hệ thống an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng có thể phát triển một cách bền vững, cần phải có một nền tảng kinh tế đủ mạnh. Thực tế, mức thu nhập hiện nay của lao động phi chính thức chỉ đủ để trang trải cuộc sống hiện tại và rất khó khăn trong việc dành chi phí để tham gia bảo hiểm dự phòng cho tương lai. Do đó, để thu hút được nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước không chỉ hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội, mà còn cần hỗ trợ họ sớm ổn định kinh tế gia đình, thông qua quá trình lao động và làm việc với các chính sách khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân…
Với mục tiêu hướng tới đảm bảo đời sống ổn định cho đại bộ phận người dân không nằm trong nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có thể thấy tiềm năng phát triển của bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam là rất to lớn. Chính sách này nếu được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống cho hàng triệu người dân lao động, ổn định xã hội, hạn chế phân hoá xã hội trong nền kinh tế thị trường và là một bước tiến mới trong việc thực hiện xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Khoa Luật, Đại học Sài Gòn
[1]. Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[2]. Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[3]. http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/38560602-van-it-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen.html.
[4]. http://tuyengiao.vn/bao-hiem-xa-hoi/phat-trien-bhxh-phi-chinh-thuc-van-giam-chan-tai-cho-120129.
[5]. http://kinhtedothi.vn/giao-chi-tieu-phat-trien-doi-tuong-bhxh-tu-nguyen-299838.html.
[6]. Xem thêm phần Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.