1. Thực tiễn bảo vệ quyền của nạn nhân bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, về kinh tế… Dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào thì bạo lực gia đình đều gây ra những hậu quả đối với người phải gánh chịu hành vi bạo lực gia đình.
Nạn nhân bạo lực gia đình có thể là bất cứ ai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xuất phát từ định kiến giới cho nên nạn nhân bạo lực gia đình phổ biến là phụ nữ. Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình, có ít nhất 58% phụ nữ từng là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình[1]. Theo số liệu thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính từ năm 2011 – 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện từ năm 2011 tới năm 2015, nạn nhân là phụ nữ (từ 16 - 59 tuổi) chiếm tới 74,24%[2]. Trong những năm gần đây, mặc dù Việt Nam rất nỗ lực trong việc hạn chế tình trạng bạo lực gia đình nhưng tình hình bạo lực gia đình vẫn chưa thuyên giảm và tính chất mức độ còn có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Theo một thống kê chưa đầy đủ, 06 tháng đầu năm 2016 đã có 20 phụ nữ và trẻ em bị tước đi tính mạng vì bạo lực gia đình. Điều đáng nói là những con số thống kê trên đây chưa thể kiểm soát được toàn diện các vụ bạo lực gia đình vì trên thực tế còn nhiều vụ việc bạo lực gia đình chưa được phát hiện do nạn nhân và người thực hiện hành vi che dấu. Chỉ có một nửa số phụ nữ bị chồng gây bạo lực từng tiết lộ chuyện này với một người nào đó trong cộng đồng nơi họ sinh sống và rất hiếm khi phụ nữ tìm kiếm sự hỗ trợ từ một cơ quan hay người có thẩm quyền. Theo Báo cáo tình hình thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở 02 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ (CSAGA) thì những phụ nữ chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ từ bất cứ nguồn chính thống nào đã cho biết lý do phổ biến mà họ không tìm kiếm sự hỗ trợ là do họ quan niệm rằng những gì đang xảy ra là “bình thường và không nghiêm trọng” đối với họ. Những lý do khác liên quan đến kỳ thị của xã hội về bạo lực do chồng gây ra và lo ngại về hậu quả. Từ số liệu thống kê cho thấy 60,5% phụ nữ bị bạo lực thể xác và bạo lực tình dục nói lý do họ không tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan hay người có trách nhiệm là vì họ coi chuyện bạo lực là bình thường và không nghiêm trọng. Số chị em có quan niệm như vậy ở nông thôn cao hơn thành thị (63% so với 53,5%). Lý do khác nữa là họ sợ gia đình mang tiếng (41,3%), xấu hổ (22,8%), sợ vợ chồng bỏ nhau (6,2%) và sợ hậu quả (5,5%)[3]. Thực tế này cũng làm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói chung, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, bảo vệ quyền của nạn nhân bạo lực gia đình cũng cho thấy, việc nạn nhân tố cáo hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi nhưng không được xử lý kịp thời, sự thờ ơ của cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với hành vi vi phạm cũng sẽ tạo ra tâm lý nạn nhân không muốn tố giác hành vi vi phạm. Vì thế, nhiều trường hợp bị bạo lực gia đình nhưng nạn nhân không tố cáo hành vi vi phạm vì cho rằng, việc tố cáo cũng không giải quyết được vấn đề. Do vậy, quyền được bảo vệ danh dự, tính mạng, sức khỏe của nạn nhân không được đảm bảo. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: (i) Tâm lý coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình; (ii) Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình và hành vi vi phạm không được phát hiện kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc bạo lực gia đình để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân bạo lực gia đình.
Về thực hiện quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc: Đây chính là biện pháp nhằm cách ly nạn nhân với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình đề phòng các hậu quả xấu đối với nạn nhân. Thực tế thực hiện pháp luật cho thấy, phần lớn nạn nhân không yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm tiếp xúc vì nạn nhân không biết về quyền này. Số nạn nhân biết về quyền lại không thể cách ly người thực hiện hành vi vì nhiều lý do khác nhau, trong đó nhiều nạn nhân sợ rằng mâu thuẫn càng trầm trọng hơn và lo sợ gia đình tan vỡ.
Về quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tâm lý, pháp luật: Pháp luật hiện hành quy định cụ thể về quyền được cung cấp các dịch vụ y tế, tâm lý, pháp luật của nạn nhân và quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền cung cấp các dịch vụ này cho nạn nhân bạo lực gia đình. Quyền được cung cấp các dịch vụ y tế, tâm lý, pháp lý có mối liên hệ mật thiết với quyền yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ sức khỏe, danh dự và tính mạng của nạn nhân. Vì vậy, thực tế cho thấy phần lớn nạn nhân bạo lực gia đình khi yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm thì nạn nhân cũng đồng thời được bảo vệ quyền được cung cấp các dịch vụ này. Mặc dù trên thực tế, có rất ít phụ nữ đã từng tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan hoặc chính quyền, nhưng hầu hết phụ nữ đã từng làm việc này cho biết rằng họ hài lòng với kết quả hỗ trợ. Tỷ lệ hài lòng cao nhất là đối với những hỗ trợ từ bệnh viện và cơ sở y tế (93%), tiếp theo là các tổ chức xã hội (85,8%), sau đó là lãnh đạo địa phương và thấp nhất là công an hoặc Ủy ban nhân dân (chỉ có 66% cho biết họ hài lòng). Mức độ hài lòng đối với tất cả các nguồn hỗ trợ ở khu vực nông thôn thấp hơn so với thành thị[4].
Về việc bảo đảm quyền được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của pháp luật: Theo quy định của pháp luật hiện hành, từ cấp địa phương đã phải có đủ các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn, địa chỉ an toàn, chỗ tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình, song trên thực tế, hầu hết các địa phương trên cả nước, các địa chỉ an toàn cho nạn nhân còn thiếu và yếu. Theo Báo cáo giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ tại 02 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam thì tại cả hai địa bàn này đều không có các địa chỉ an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình. Khi người phụ nữ bị bạo lực, họ thường tìm đến người quen, hàng xóm và cán bộ đại diện cho đoàn thể mà họ là thành viên, chủ yếu là Hội Phụ nữ và Hội Nông dân. Người bị bạo lực cũng đến hoặc được Tổ hòa giải tiếp cận để hỗ trợ, tuy nhiên sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở việc dàn hòa, tư vấn đơn giản. Tại những xã có dự án nước ngoài thì cũng có phòng tư vấn, tuy nhiên cán bộ tư vấn chỉ được đào tạo 01 - 02 khóa và không được đào tạo nâng cao một cách thường xuyên nên chất lượng tư vấn vẫn còn khiêm tốn. Ngoài ra, chỗ tạm lánh cũng là một dịch vụ hỗ trợ vô cùng cần thiết, dù cho chúng ở hình thức nào. Nếu không có nhà tạm lánh với đầy đủ các tiêu chuẩn thì địa chỉ tin cậy cũng là một nơi cần phải có để hỗ trợ người bị bạo lực. Các địa chỉ này đang tồn tại ở một số nơi, nhưng ở cả hai địa bàn thực hiện đánh giá, khái niệm này chưa được biết đến và không có một địa chỉ nào mà phụ nữ có thể tìm đến để chắc chắn có sự trợ giúp an toàn, hiệu quả một cách toàn diện.
Từ báo cáo này cũng cho thấy, khi bị thương, người bị bạo lực có tìm đến trạm y tế, nhưng đa số đều không nói rằng vết thương là do hậu quả của bạo lực. Hơn nữa, cán bộ y tế có phát hiện ra người bị bạo lực cũng không biết nên chuyển họ cho cơ quan, đoàn thể nào hỗ trợ tiếp vì chưa có cơ chế phối hợp[5]. Vì thế, việc hỗ trợ không đạt được hiệu quả cao, tạo ra tâm lý không muốn khai báo của nạn nhân bạo lực gia đình gây khó khăn cho công tác phòng ngừa bạo lực gia đình.
2. Kết luận và khuyến nghị
Đảm bảo tốt các quyền của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật không chỉ hạn chế những hậu quả xấu đối với nạn nhân bạo lực gia đình, bảo đảm an toàn tính mạng cho nạn nhân mà còn góp phần phòng ngừa tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, từ thực tế thi hành, áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền của nạn nhân bạo lực gia đình cho thấy việc bảo vệ các quyền của nạn nhân bạo lực gia đình chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, để thực hiện tốt việc bảo đảm quyền cho nạn nhân bạo lực gia đình, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, cần thực hiện tốt hơn nữa việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp lý và kỹ năng bảo vệ quyền cho nạn nhân bạo lực gia đình. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, việc bảo vệ quyền của nạn nhân bạo lực gia đình phụ thuộc nhiều vào chính bản thân nạn nhân. Trong nhiều trường hợp, sự thiếu hiểu biết về quyền của nạn nhân là nguyên nhân dẫn đến việc can thiệp không kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền làm cho tình trạng bạo lực gia đình càng trầm trọng, nạn nhân không được hỗ trợ, bảo vệ.
Hai là, cần phải đẩy mạnh các biện pháp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Thực trạng bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình cho thấy việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình chưa hiệu quả có nguyên nhân từ sự phối hợp chưa chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Trong một số trường hợp sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan đã tạo ra tâm lý lo ngại của nạn nhân khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện can thiệp và hỗ trợ, do vậy cũng dẫn đến tình trạng nạn nhân không muốn khai báo vì thấy rằng sự can thiệp của cơ quan chức năng không có hiệu quả.
Ba là, cần phải xem xét kiện toàn lại hệ thống các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là ở cấp địa phương vì đây là cấp có thẩm quyền đầu tiên có trách nhiệm phát hiện và can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ở cấp địa phương đều chưa xây dựng được mạng lưới cơ sở làm công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Một số địa phương duy trì được vì có sự tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ, tuy nhiên điều đáng lo ngại sau khi kết thúc các dự án sự duy trì trên chỉ mang tính chất hình thức cho nên việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trên thực tế cũng gặp không ít khó khăn.
Bốn là, cần tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình phù hợp với từng nhóm đối tượng thực hiện việc bảo vệ, hỗ trợ. Việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, người có thẩm quyền. Việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền phải có cách thức giải quyết phù hợp, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp, người có thẩm quyền tiến hành can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân chưa hiệu quả có nguyên nhân từ việc thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề có liên quan đến bạo lực gia đình. Do vậy, cần phải tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ năng cho cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Theo đó, phải chú trọng đến từng nhóm cụ thể như nhóm công an viên, nhân viên y tế, nhân viên các tổ chức xã hội, nhân viên công tác xã hội… để có biện pháp bổ sung các kỹ năng cần thiết cho phù hợp với từng đối tượng.
Năm là, mở rộng gói hỗ trợ tối thiểu cho các nạn nhân bạo lực gia đình. Từ năm 2012, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã triển khai Dự án “Phòng, chống bạo lực gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc người cao tuổi” tại hai tỉnh là Bến Tre và Hải Dương nhằm hỗ trợ các tỉnh này xây dựng, triển khai thí điểm theo dõi, phân tích chi phí, hiệu quả mô hình can thiệp về phòng, chống bạo lực gia đình, làm cơ sở cho việc vận động, đề xuất các lựa chọn chính sách nhân rộng mô hình trong phạm vi tỉnh và toàn quốc.
Tổng kết hoạt động của mô hình này tại Hải Dương cho thấy, gói can thiệp thối thiểu tại cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai từ tỉnh huyện đến xã, từ năm 2012 - 2016 tổ chức được nhiều sự kiện như: Mít tinh, truyền thông đại chúng, các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Ban quản lý dự án đã phối hợp với Sở Y tế tập huấn cho các bác sỹ tuyến huyện và các trạm y tế kiến thức về bạo lực gia đình, các bước của quy trình sàng lọc bệnh nhân; thành lập phòng tư vấn, phát hiện nhiều ca có dấu hiệu của bạo lực gia đình tại bệnh viện huyện, trạm y tế; phối hợp với Văn phòng luật sư Thành Đông triển khai đường dây nóng phòng, chống bạo lực gia đình từ năm 2012 - 2015. Năm 2016 đường dây nóng đã được hỗ trợ trang bị lắp đặt hệ thống máy điện thoại tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, có đội ngũ tư vấn viên trực 24/24[6].
Tại Bến Tre, sau 05 năm thực hiện Dự án đã đạt được các chỉ tiêu chính về gói can thiệp tối thiểu, toàn diện về phòng, chống bạo lực gia đình có tính tới chi phí - hiệu quả được triển khai thí điểm và hoàn thiện. Cơ chế điều phối liên ngành chỉ đạo việc thực hiện gói can thiệp tối thiểu, toàn diện về phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp tỉnh, huyện, xã được chỉnh sửa, triển khai và hoàn thiện. Khung theo dõi, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động của tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, triển khai và hoàn thiện. Kết quả là tỷ lệ người biết đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tăng gần 40%, tỷ lệ người dân biết đến các dịch vụ có sẵn và đường dây nóng trong phòng, chống bạo lực gia đình tăng gần 50%. Hành vi bạo lực gia đình đã giảm đi nhiều so với trước đây, trong đó bạo lực về mặt thể xác đã giảm một cách rõ rệt. Số vụ bạo lực gia đình càng lúc càng giảm, năm 2012 có 642 vụ nhưng đến năm 2016 chỉ còn 178 vụ, giảm hơn 70%[7]. Như vậy, nếu mở rộng triển khai mô hình này thì việc bảo vệ quyền của nạn nhân bạo lực gia đình sẽ phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Có thể nói việc hạn chế và phòng ngừa hậu quả của bạo lực gia đình đối với nạn nhân phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Vì vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, giúp nạn nhân được bảo vệ các quyền con người nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và hướng tới một cộng đồng không bạo lực, sống và hành động vì con người, vì các giá trị nhân văn của pháp luật về bảo vệ các quyền con người.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Tổng cục thống kê (2010), Báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình.
[2]. Xem Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (2015), Thống kê tình hình bạo lực gia đình từ năm 2011-2015.
[3]. Xem Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ (2012), Báo cáo giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 02 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam.
[4]. Xem Tổng cục thống kê (2010), Báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam.
[5]. Mặc dù Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống bạo lực gia đình đã quy định tại Điều 6 về việc phối hợp phát hiện sớm vụ việc bạo lực gia đình và thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhưng thực tế vẫn chưa tạo ra cơ chế phối hợp có hiệu quả trong việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
[6]. Xem: Kim Dung, Tổng kết mô hình thí điểm “Gói can thiệp tối thiểu về phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng” giai đoạn 2012 - 2016, Cổng thông tin điện tử Tỉnh Hải Dương, cập nhật ngày 10/2/2016.
[7]. Xem: Bến Tre tổ chức hội thảo Tổng kết mô hình thí điểm “Gói can thiệp tối thiểu về phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng” giai đoạn 2012 - 2016, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre, cập nhật ngày 15/4/2018.