Abstract: The strategy of Justice Reform and the Constitution of 2013 raise a requirement to strengthen the build-up of a socialist rule of law state and at the same time to ensure the independence of courts in implementing judicial power and judicial power in criminal proceedings to be considered as fundamental value. In implementing this requirement and overcoming existing shortcomings, limitations, there should be comprehensive solutions of completing institution in order to ensure the principle" independent and solely obeying the law" in the relationship with other power state institutions and to ensure human resources for implementing judicial power in criminal proceedings and concerned assisting factors.
Thực tế thời gian qua, việc bảo đảm thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân trong tố tụng hình sự (TTHS) được thực hiện theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 trên các nội dung: (i) Ban hành án lệ[3]; (ii) Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử nói chung (trong đó có xét xử các vụ án hình sự)[4] và tổng kết kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự (VAHS); (iii) Xét xử các VAHS. Thực tiễn thực hiện quyền tư pháp trong tố tụng hình sự ở nước ta được thể hiện trên những mặt sau:
1. Thực tiễn bảo đảm thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân trong tố tụng hình sự
1.1. Công tác ban hành án lệ
Có thể thấy, án lệ có vai trò là một công cụ hữu hiệu để “điền vào chỗ trống” của các bộ luật, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và dân sự. Án lệ không chỉ để giải quyết các vấn đề mà luật chưa điều chỉnh, mà nó còn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những dự báo cho tương lai của điều chỉnh pháp luật.
Mặc dù đã có cơ sở pháp lý về thẩm quyền ban hành án lệ nhưng phải đến ngày 06/4/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới thông qua 06 án lệ đầu tiên, trong đó lĩnh vực hình sự có 01 án lệ. Việc công nhận và áp dụng án lệ vào xét xử các vụ án trong đó có xét xử VAHS là một bước ngoặt lớn trong việc mở rộng nguồn của pháp luật và khắc phục lỗ hổng trong các văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử theo quan điểm đã được thể hiện trong nội dung án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, số lượng án lệ trong hình sự (01 án lệ) là quá ít so với thực tế đòi hỏi trong khi pháp luật hình sự không thiếu những lỗ hổng gây khó khăn cho các nhà áp dụng luật. Nguyên nhân của tình trạng này là do: (i) Truyền thống hệ thống pháp luật của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam chỉ thừa nhận hình thức, nguồn pháp luật duy nhất là văn bản quy phạm pháp luật nên trong thời gian dài chúng ta ít quan tâm đến vấn đề án lệ; (ii) Việc ban hành cơ sở pháp lý công nhận án lệ của Tòa án nhân dân tối cao còn chậm; (iii) Lần đầu tiên thực hiện chức năng ban hành án lệ còn nhiều lúng túng; (iv) Tâm lý và thói quen ban hành và sử dụng án lệ chưa nhiều.
1.2. Công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự, tổng kết kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự
Cơ sở pháp lý của hoạt động hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và tổng kết kinh nghiệm xét xử được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”[5]. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định Tòa án nhân dân có nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” và Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”[6]; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật[7]; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ[8].
Như vậy, chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật chính là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Với nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và đồng thời là yêu cầu khách quan của thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao phải thường xuyên tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật. Trong các báo cáo tổng kết hàng năm, nhiệm vụ này luôn được tổng kết và đánh giá một cách khách quan, toàn diện[9.]
Tuy nhiên, số văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành trong 05 năm (2011 - 2015) còn khá khiêm tốn so với đòi hỏi của các vấn đề thực tiễn công tác xét xử VAHS. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đội ngũ cán bộ khoa học xét xử còn thiếu và yếu; việc tổng kết thực tiễn công tác xét xử trong toàn ngành còn hạn chế nên chưa kịp thời phát hiện để đề xuất những vướng mắc, làm cơ sở cho việc ban hành các nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Hội đồng Thẩm phán. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn luôn gắn với việc tổng kết các vấn đề vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn xét xử của Toà án các cấp, nên đòi hỏi phải có thời gian, vật chất nhất định; đồng thời, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức hữu quan khác. Do đó, những trường hợp chậm nhận được ý kiến góp ý từ phía cơ quan, tổ chức hữu quan cũng ảnh hưởng tới tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao. Việc tổng kết thực tiễn xét xử chưa được đổi mới và thực hiện một cách hiệu quả. Một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử còn chậm được hướng dẫn; việc trao đổi nghiệp vụ giữa Tòa án nhân dân tối cao với các Tòa án cấp dưới trong một số trường hợp còn chậm. Công tác phối hợp trong hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là giữa các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao trong một số trường hợp chưa thực sự chặt chẽ, nên hiệu quả chưa cao[10].
1.3. Công tác xét xử vụ án hình sự
Trong 05 năm trở lại đây (2011 - 2015), Ngành Tòa án đã xét xử một số lượng rất lớn các VAHS bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tỷ lệ giải quyết luôn đạt trên 90%. Trong xét xử, Tòa án kết hợp nguyên tắc thẩm vấn và tranh tụng tại các phiên tòa cùng với việc nâng cao trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cho Thẩm phán. Nhiều vụ án trọng điểm được tháo gỡ và xét xử tạo sự đồng tình ủng hộ trong dân, nhiều chứng cứ có giá trị chứng minh sự thật khách quan của vụ án được phát hiện, thu thập tại phiên tòa, nhiều vấn đề được xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, nhiều vấn đề mới phát sinh như khởi tố vụ án, khởi tố thêm bị can, nhiều nội dung chưa đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát trong cáo trạng dẫn đến việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, truy tố, đồng thời dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tòa án các cấp nên công tác giải quyết, xét xử các VAHS trong thời gian qua tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Tòa án ngày càng chủ động và tích cực thực hiện các thẩm quyền được pháp luật quy định, đặc biệt kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, Tòa án thể hiện ngày càng cụ thể hơn vai trò quyết định trong việc thực hiện quyền tư pháp, thể hiện rõ sự không quá lệ thuộc vào các kết luận điều tra của cơ quan điều tra và khắc phục tình trạng “án tại hồ sơ”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện quyền tư pháp trong TTHS của Tòa án cũng còn nhiều hạn chế, biểu hiện ở những vấn đề cơ bản sau:
- Việc nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử chưa đầy đủ.
- Đánh giá không đầy đủ, toàn diện hoặc không chính xác các chứng cứ, tài liệu về vụ án có trong hồ sơ và các chứng cứ, tài liệu được bổ sung trước khi xét xử và tại phiên tòa.
- Nhận thức và áp dụng không đúng các quy định của pháp luật hình sự, dẫn đến: Định tội danh sai; xác định điều khoản của Bộ luật Hình sự không đúng (xác định sai khung hình phạt); quyết định hình phạt quá nặng, quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng; sai lầm trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS; không nắm vững các quy định trong phần chung Bộ luật Hình sự.
- Thừa nhận giá trị chứng minh của chứng cứ, tài liệu thu thập bằng các hành vi trái pháp luật của cơ quan điểu tra, dẫn đến sai lệch vụ án.
- Cơ chế hoạt động và hoạt động xét xử của Tòa án cũng bộc lộ những bất cập ở việc sự tham gia của Hội thẩm trong Hội đồng xét xử chủ yếu mang tính hình thức, chất lượng xét xử không cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên có thể nêu ra là:
- Về nguyên nhân khách quan: Chưa có một mô hình trong thực tế về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật tư pháp hình sự nói riêng phải xây dựng, hoàn thiện trong điều kiện vừa tìm tòi, vừa rút kinh nghiệm nên không thể tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Việc vận dụng linh hoạt, khoa học, nhuần nhuyễn giữa triết lý chung trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam (tuân thủ nguyên tắc tập quyền, tập trung dân chủ, quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự kiểm soát chặt chẽ trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) với nguyên tắc đặc thù của Tòa án (nguyên tắc độc lập xét xử) đòi hỏi phải có thời gian, trong khi chúng ta vẫn đang tiếp tục đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy nhà nước…
- Về nguyên nhân chủ quan: Vấn đề nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ và chưa thống nhất về vị trí, vai trò của Tòa án trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đặc biệt là trong thực hiện quyền tư pháp. Tranh tụng tại phiên tòa được coi là khâu đột phá của cải cách tư pháp nhưng chưa được nghiên cứu xây dựng quy trình, cơ chế cụ thể. Công tác định hướng, nghiên cứu lý luận, dự báo tình hình tội phạm chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn[11]. Năng lực tổ chức triển khai, điều kiện nguồn nhân lực (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân) còn hạn chế, chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực hiện quyền tư pháp trong TTHS. Công tác lãnh đạo của Đảng về công tác tư pháp và đường lối xét xử hình sự còn nhiều bất cập, lúng túng trong việc tìm ra phương thức lãnh đạo của Đảng thực sự phù hợp với tính chất hoạt động của Tòa án thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước (trong đó có cơ quan thực hiện quyền tư pháp) như Hiến pháp năm 2013 đã quy định và bảo đảm sự độc lập trong xét xử của Tòa án…
2. Một số giải pháp bảo đảm thực hiện quyền tư pháp trong tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, bảo đảm về pháp luật TTHS, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án, đặc biệt nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong tổ chức và hoạt động của Tòa án; các nguyên tắc đặc thù trong TTHS như: Nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án… phải được cụ thể hóa, chi tiết hóa trong pháp luật TTHS.
Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ tính pháp quyền của nền tư pháp nước ta khi thừa nhận Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, sứ mệnh của Tòa án nhân dân được xác định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để bảo đảm định hướng quan trọng và nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân trong TTHS, cần hoàn thiện tổng thể những cơ sở pháp lý liên quan như là: Tổ chức hợp lý hệ thống xét xử; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đúng đội ngũ cán bộ tư pháp - xét xử nói chung, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nói riêng; bổ sung, hoàn thiện các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động xét xử VAHS, khắc phục những quy định chồng chéo, những quy định trái với những nguyên tắc chung…
Tòa án cần được xác định rõ hơn phạm vi thẩm quyền thực hiện quyền tư pháp và cơ chế độc lập tương đối của quyền tư pháp trong phạm vi quyền lực nhà nước là sự phân công trong chính thể quyền lực thống nhất mới có thể thực hiện được việc kiểm soát quyền lập pháp, quyền hành pháp bởi quyền tư pháp.
Thứ hai, bảo đảm về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát thực hiện quyền tư pháp trong TTHS, trong đó giao cho Tòa án nhân dân tối cao quyền giải thích pháp luật thay vì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.
Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mối quan hệ phân công, phối hợp, chế ước và kiểm soát giữa Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử VAHS của Tòa án cũng chính là bảo đảm cho tư pháp được độc lập, các quốc gia thành viên của Công ước các quyền chính trị và dân sự đã ghi nhận nguyên tắc này trong Hiến pháp với việc xác định Tòa án là chủ thể duy nhất thực hiện quyền tư pháp trong TTHS và xác định cụ thể tính chất, quyền lực, nội dung của thực hiện quyền tư pháp trong TTHS. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế tài phán, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ Hiến pháp.
Thứ ba, bảo đảm về nguồn nhân lực thực hiện quyền tư pháp trong TTHS. Đó là sự bảo đảm các yếu tố cho Thẩm phán như: Cụ thể hóa tiêu chuẩn và quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm; bảo đảm ổn định nhiệm kỳ, chế độ lương tương xứng và cơ chế phân công thụ lý án rõ ràng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán; bảo đảm cơ chế kỷ luật Thẩm phán. Bên cạnh đó điều chỉnh hợp lý chế định, vai trò của Hội thẩm trong xét xử VAHS.
Thứ tư, trao quyền trực tiếp cho Tòa án nhân dân tối cao lập ngân sách và trực tiếp trình Quốc hội phê chuẩn; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án.
Thứ năm, bảo đảm các yếu tố bổ trợ thực hiện quyền tư pháp trong TTHS như: Luật sư, giám định tư pháp, công chứng.
Bản thân thực hiện quyền tư pháp trong TTHS chỉ có thể tồn tại, phát huy được hiệu lực của nó với sự hỗ trợ, bổ trợ của các thiết chế khác. Chính vì vậy, các giải pháp bảo đảm trực tiếp cho thực hiện quyền tư pháp trong TTHS phải được tiến hành với việc bảo đảm cho các chế định bổ trợ tư pháp.
Thứ sáu, bảo đảm yếu tố nhận thức từ đội ngũ lãnh đạo, toàn xã hội về thực hiện quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp trong TTHS Việt Nam. Nhận thức đầy đủ, đúng về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp nói chung và trong TTHS nói riêng có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm cho quá trình thực hiện quyền tư pháp phát huy hiệu quả. Muốn vậy, từ giới lãnh đạo đến các tầng lớp nhân dân phải nhận thức sâu sắc về vấn đề này.
Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch
[1]. Xem: Khoản 1 và 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.
[2]. Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[3]. Điểm c Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[4]. Khoản 3 Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[5]. Khoản 3 Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
[6]. Khoản 3 Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[7]. Khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[8]. Khoản 5 Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[9]. Số liệu tổng kết trong Báo cáo tổng kết năm của Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, với các số liệu cụ thể như sau: Hội đồng Thẩm phán Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao ban hành được: 09 nghị quyết hướng dẫn về điều luật cụ thể của Bộ luật Hình sự, án treo và án phí, lệ phí; Hội đồng Thẩm phán phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hàng chục thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự.
[10]. Xem: Báo cáo tổng kết công tác các năm 2012, 2013, 2014 của Tòa án của nhân dân tối cao.
[11]. Như là: Các vấn đề về tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, vai trò của Tòa án trong giai đoạn xét xử hình sự, mô hình tố tụng tranh tụng…