Theo đó, đội ngũ này có nhiệm vụ xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ; lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán... Quản tài viên bắt đầu tham gia vụ việc khi được thẩm phán chỉ định và kết thúc khi chấp hành viên thi hành xong quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Quy định về quản tài viên trong Luật Phá sản năm 2014 được kỳ vọng sẽ giúp quá trình thanh lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản nhanh hơn. Vậy nhưng, trên thực tế, quá trình thực thi chức trách của quản tài viên đang gặp nhiều khó khăn. Bài viết dưới đây đã nêu ra thực tiễn và vướng mắc của quản tài viên trong quá trình hoạt động hành nghề qua đó đóng góp những ý kiến, phương hướng hoàn thiện pháp luật về quản tài viên đối với chức năng, quyền và nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm pháp lý nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn cho quản tài viên trong quá trình hoạt động hành nghề.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, thì quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Để bảo đảm quản tài viên thực hiện tốt chức năng trên, pháp luật quy định về điều kiện hành nghề, quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của quản tài viên. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hành nghề của quản tài viên trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần có cơ chế cụ thể để hoạt động đạt hiệu quả.
1. Giai đoạn tiếp nhận vụ việc phá sản
Theo quy định tại Điều 45 Luật Phá sản năm 2014, thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán có trách nhiệm chỉ định quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trong văn bản chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải có nội dung tạm ứng chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Về vấn đề này có một số khó khăn, vướng mắc sau:
1.1. Việc bán tài sản để bảo đảm chi phí phá sản
Theo khoản 3 Điều 23 Luật Phá sản năm 2014, thì: “Tòa án nhân dân giao cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản. Việc định giá, định giá lại và bán tài sản được thực hiện theo quy định tại các điều 122, 123 và 124 của Luật này”.
Về vấn đề này cần làm rõ, Tòa án nhân dân giao cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản kể từ thời điểm nào? Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn cách thức lựa chọn tài sản để bán, phương thức bán tài sản, chi phí định giá tài sản, cách thức quản lý tiền thu được từ việc bán tài sản trong trường hợp này.
1.2. Về quản lý tiền tạm ứng chi phí phá sản
Trong một số trường hợp, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí phá sản hoặc Tòa án nhân dân giao cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định hướng dẫn về việc quản lý số tiền tạm ứng chi phí phá sản này. Theo pháp luật hiện hành, thì Tòa án nhân dân sẽ mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền tạm ứng chi phí. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể Tòa án sẽ phải mở tài khoản riêng cho từng vụ việc phá sản hay mở tài khoản chung cho tất cả các vụ việc phá sản?
1.3. Về chỉ định quản tài viên
Chưa quy định rõ số lượng quản tài viên được chỉ định cho mỗi vụ việc. Vì vậy, cần làm rõ, trong trường hợp thẩm phán chỉ định quản tài viên thì số lượng quản tài viên được chỉ định là bao nhiêu? Trong trường hợp quản tài viên chỉ định doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản, thì doanh nghiệp này được cử bao nhiêu quản tài viên để thực hiện vụ việc?
Trong trường hợp thẩm phán chỉ định nhiều hơn một quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản tham gia vụ việc phá sản, thì nhiệm vụ, quyền hạn của các quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản được quy định như thế nào? Các quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phối hợp thực hiện các công việc hay mỗi người được phân công một nhóm công việc cụ thể, riêng biệt và tự mình chịu trách nhiệm đối với việc mình được phân công?
2. Công việc của doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản sau khi nhận chỉ định tham gia vụ việc phá sản đến khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Sau khi được chỉ định là doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản của vụ việc phá sản, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phải thực hiện một số công việc liên quan đến các biện pháp bảo toàn tài sản, hội nghị chủ nợ… cho đến khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Về các công việc này, có một số vướng mắc như:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó; trong trường hợp cần thiết thì phải có văn bản đề nghị thẩm phán gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, tổng thời gian cho việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp tối đa không quá 90 ngày. Với thời gian ngắn như trên, thì việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có tài sản ở nhiều quốc gia khác nhau.
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ tổ chức kiểm kê, xác định lại tài sản theo quyết định của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định thời hạn cụ thể thực hiện việc kiểm kê, xác định lại tài sản của doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức hội nghị chủ nợ vì hội nghị chủ nợ được triệu tập trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản (theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Phá sản năm 2014). Như vậy, nếu việc kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản này bị kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức hội nghị chủ nợ.
- Trường hợp những chủ nợ tại nước ngoài của doanh nghiệp vì lý do địa lý xa xôi, khó khăn để tiếp cận thông tin và một số lý do khác không do lỗi của chủ nợ, dẫn đến việc chủ nợ không được biết về việc phá sản của doanh nghiệp để gửi giấy đòi nợ, thì pháp luật hiện tại chưa có quy định các biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho những chủ nợ này.
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm xem xét giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, nếu phát hiện giao dịch quy định tại khoản 1 (các giao dịch trong vòng 06 tháng trước ngày quyết định mở thủ tục phá sản) và khoản 2 (các giao dịch trong vòng 18 tháng trước ngày quyết định mở thủ tục phá sản) Điều 59 Luật Phá sản, thì đề nghị Tòa án nhân dân xem xét tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Đối với những doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có quy mô lớn, có giao dịch ở nhiều quốc gia, thì việc xem xét các giao dịch trong vòng 18 tháng là một khối lượng công việc vô cùng lớn, quản tài viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khi thực hiện công việc này. Mặt khác, đối với những giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 59 Luật Phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ yêu cầu Tòa án nhân dân xem xét giao dịch vô hiệu. Một vụ án mà Tòa án nhân dân tuyên một giao dịch vô hiệu có thể mất nhiều thời gian, điều này ảnh hướng đến thời hiệu thực hiện các công việc khác được quy định tại Luật Phá sản.
- Theo quy định là ngay sau khi mở thủ tục phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định (Điều 53 Luật Phá sản năm 2014). Vấn đề này cần phải quy định rõ thời hạn đề xuất và xử lý khoản nợ có bảo đảm một cách cụ thể, vì có những tài sản sẽ bị giảm giá trị, tiêu hao theo thời gian ảnh hưởng đến giá trị tài sản của doanh nghiệp.
- Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã phải báo cáo quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi thực hiện một số hoạt động. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, hợp tác xã, thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp, hợp tác xã việc được thực hiện hoặc không được thực hiện các hoạt động này và phải chịu trách nhiệm về việc trả lời của mình. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải báo cáo thẩm phán về nội dung trả lời của mình (Điều 49 Luật phá sản năm 2014).
Quản tài viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc xem xét các hoạt động và trả lời doanh nghiệp chỉ trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo của doanh nghiệp, vì trên thực tế có rất nhiều hoạt động phức tạp, cần ý kiến của chuyên gia trước khi đưa ra quyết định, do đó ba ngày là một thời hạn quá ngắn để quản tài viên đưa ra một quyết định chính xác cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Cùng với đó, trách nhiệm của quản tài viên trong trường hợp này cần được xem xét lại là phối hợp với thẩm phán để việc trả lời về một số hoạt động của doanh nghiệp phải báo cáo được chính xác, hợp lý.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, chúng tôi gặp những vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp hợp đồng thuê dịch vụ liên quan đến di dời, vận chuyển tài sản, dịch vụ tư vấn và các dịch vụ khác không thuộc những hoạt động bị cấm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và không thuộc những hoạt động phải báo cáo xin ý kiến quản tài viên, trong khi những hợp đồng này có giá trị không nhỏ?
3. Công việc của doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản sau khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản đến khi định giá, bán tài sản
Sau khi Tòa ra tuyên bố doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản cần thực hiện việc định giá tài sản và bán đấu giá tài sản. Về vấn đề này có một số vướng mắc như sau:
- Về việc định giá tài sản: Pháp luật hiện hành chưa có quy định về định giá lại tài sản khi tài sản bị hao mòn, giảm giá trị do tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng chưa có người mua.
- Về việc bán đấu giá tài sản: Pháp luật hiện hành chưa quy định về việc tổ chức bán đấu giá không thành thì có tổ chức đấu giá lại đối với tài sản đó hay không? Tổ chức đấu giá lại bao nhiêu lần? Nếu đã quá nhiều lần tổ chức mà không bán được tài sản thì xử lý như thế nào? Ngoài ra, cần bổ sung quy định về giảm giá tài sản nếu tài sản đã tổ chức đấu giá nhưng chưa có người mua.
- Về việc định giá và bán đấu giá tài sản ở nước ngoài: Luật Phá sản năm 2014 chưa có quy định về việc định giá và bán đấu giá tài sản đang ở nước ngoài của doanh nghiệp. Điều này gây ra nhiều bất cập, vì thời hạn định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Phá sản năm 2014 là: “Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật” và thời hạn đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 124 Luật Phá sản năm 2014: “Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản”. Những thời hạn này chỉ hợp lý khi áp dụng đối với những tài sản đang ở Việt Nam, đối với những tài sản ở nước ngoài thì không còn hợp lý. Do vậy, cần có quy định về định giá và bán đấu giá tài sản đối với những tài sản của doanh nghiệp đang ở nước ngoài.
4. Về lệ phí phá sản và chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
- Chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định cụ thể tại Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về mức thù lao của doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có nghị quyết của hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản (Điều 107 Luật Phá sản năm 2014). Vì thế, việc tính chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ khó khăn trong thực tế áp dụng.
- Về việc phân chia tài sản sau khi bán đấu giá tài sản: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014, thì sau khi nhận được báo cáo của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Như vậy, việc phân chia tài sản sẽ được thực hiện sau khi có báo cáo về việc thanh lý tài sản. Trên thực tế, trong lần bán đấu giá tài sản thanh lý đầu tiên của doanh nghiệp phá sản, các tài sản bị thanh lý có thể không được bán hết, vì một số tài sản không tìm được người mua, như vậy thì báo cáo về kết quả thanh lý tài sản được lập khi đã bán hết tài sản hay đối với từng lần bán đấu giá tài sản? Sau mỗi lần bán, tiền thu được sẽ phân chia theo phương án nào? Đó là những vấn đề cần làm rõ để áp dụng một cách hiệu quả trong thực tế.
5. Việc thực thi thời hiệu trong Luật Phá sản năm 2014 của các chủ nợ, người mắc nợ và các bên liên quan có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, thì trong một số trường hợp cụ thể, Tòa án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phải gửi tài liệu cho cho các chủ nợ, người mắc nợ và người liên quan có yếu tố nước ngoài và ngược lại.
Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (Nghị định số 111/2011/NĐ-CP) quy định: Để được công nhận và sử dụng ở nước ngoài, các giấy tờ, tài liệu của Việt Nam phải được chứng nhận lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này; để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP, thì giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại; giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, các văn bản của Tòa án, công ty quản quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản gửi ra nước ngoài và ngược lại, phải được hợp pháp hóa lãnh sự (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi về Việt Nam) và chứng nhận lãnh sự (đối với trường hợp Tòa án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản gửi ra nước ngoài). Trừ một số trường hợp được miễn theo quy định.
Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự song phương với 18 quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc gửi văn bản cho các chủ nợ, người mắc nợ và người liên quan thuộc 18 quốc gia này và ngược lại, thì sẽ được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản, có những trường hợp chủ nợ, người mắc nợ và người liên quan không thuộc 18 quốc gia có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, thì sẽ phải thực hiện thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự đối với các văn bản gửi đi. Việc thực hiện các thủ tục này mất khá nhiều thời gian, từ đó ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan đến các thời hiệu trong việc thực hiện thủ tục phá sản. Mặt khác, có trường hợp cá nhân, tổ chức tại nước ngoài không thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự mà đã gửi văn bản về Việt Nam, khi đó những văn bản này không sử dụng được Việt Nam, nếu Tòa án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản có công văn yêu cầu bổ sung việc hợp pháp hóa lãnh sự thì sẽ mất thêm thời gian vận chuyển, làm thủ tục.
Tất cả những vấn đề trên làm cho việc thực thi các thời hiệu trong Luật Phá sản là vô cùng khó khăn và nhiều trường hợp đối với các quốc gia có vị trí địa lý cách xa Việt Nam, thì việc thực thi các thời hiệu theo Luật Phá sản là không thể.
6. Về vấn đề cung cấp tài liệu, chứng cứ của người tham gia thủ tục phá sản và của cá nhân, tổ chức liên quan
Trên thực tế hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản, có những tổ chức, cá nhân sau nhiều lần yêu cầu nhưng không cung cấp hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ, làm các công việc phải thực hiện theo Luật Phá sản gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, Luật Phá sản đã quy định rõ về trách nhiệm phải cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan nhưng những người có tài liệu chứng cứ không giao nộp thì xử lý thế nào pháp luật chưa có quy định cụ thể.
Công ty Quản lý & Thanh lý tài sản số 5 - Quốc gia