Thực tế hiện nay, xu hướng khởi nghiệp kinh doanh xã hội đang rất được các bạn trẻ Việt Nam quan tâm, tuy nhiên, vì chưa biết hoặc chưa rõ về mô hình, thủ tục thành lập, quản lý DNXH nên số lượng DNXH được thành lập ở nước ta hiện nay còn rất khiêm tốn[1]. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng các thủ tục hành chính, pháp lý đối với DNXH và những bất cập, khó khăn của các nhà đầu tư khi thực hiện những thủ tục này. Từ đó, đề xuất những giải pháp để Nhà nước có các hỗ trợ kịp thời về các thủ tục hành chính, pháp lý đối với DNXH như thủ tục thành lập, thủ tục chuyển đổi loại hình pháp lý, thủ tục cấp giấy phép, chứng chỉ… Cơ chế hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mô hình kinh doanh vì cộng đồng ngày càng phát triển ở Việt Nam.
1. Thực trạng quy định về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
1.1. Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội
Cũng giống như các chủ thể kinh doanh khác, DNXH trước khi bắt đầu hoạt động cũng cần tiến hành thủ tục đăng ký thành lập theo quy định pháp luật. Ở nước ta hiện nay, về mặt pháp lý, DNXH không phải là một loại hình riêng, độc lập mà được thành lập dưới các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo trình tự, thủ tục luật định. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung và đăng ký thành lập DNXH nói riêng ngày càng thuận tiện, linh hoạt hơn. Hiện nay, với việc tăng cường áp dụng chuyển đổi số, các nhà đầu tư có thể đăng ký kinh doanh trực tuyến và nhận kết quả đăng ký sau 03 ngày làm việc. Các quy định này không chỉ bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho các chủ thể mà còn góp phần đơn giản hóa trong thủ tục gia nhập thị trường cũng như thành lập DNXH.
Tuy vậy, xét từ góc độ quản lý nhà nước, quy định thời gian để cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ và trả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cũng còn khó khăn, bất cập trong thực tiễn thực thi. Thủ tục này tuy nhanh gọn nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động quản lý, đặc biệt là đối với hoạt động quản lý mô hình DNXH. Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020, DNXH phải bảo đảm: Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Chính vì vậy, hồ sơ đăng ký thành lập DNXH, ngoài các tài liệu giống như các doanh nghiệp thông thường, DNXH còn phải nộp bản cam kết thực hiện các mục tiêu môi trường, xã hội. Tác giả cho rằng, chỉ với 03 ngày làm việc, với số lượng hồ sơ thành lập doanh nghiệp ngày càng gia tăng theo xu hướng khởi nghiệp, thì cơ quan đăng ký kinh doanh khó có đủ thời gian để đọc và kiểm tra các thông tin trong bản cam kết của DNXH. Mặc dù, khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo. Tuy nhiên, nếu việc xét duyệt hồ sơ thành lập doanh nghiệp nói chung và hồ sơ thành lập DNXH nói riêng chỉ là thủ tục hành chính mang tính hình thức thì hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNXH khó được bảo đảm, đồng thời, gây lãng phí nguồn lực và tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, mặc dù thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay được đánh giá là rất thuận tiện và nhanh gọn, tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục này mới chỉ phù hợp để bảo đảm sự hình thành một doanh nghiệp nói chung, còn DNXH với những đặc điểm đặc trưng như yêu cầu nộp bản cam kết về mục tiêu, lợi nhuận tái đầu tư… thiết nghĩ, cần một quy trình chặt chẽ hơn để bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của mô hình doanh nghiệp này theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù nhiều tổ chức đã được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng là doanh nghiệp phục vụ mục tiêu xã hội hoặc môi trường nhưng các tổ chức này tuyên bố không đăng ký hoặc không thừa nhận là DNXH theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 vì tính “cứng nhắc” của việc phải cam kết tái đầu tư 51% lợi nhuận[2]. Thậm chí, theo kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp nhà nước “Doanh nghiệp xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ở Việt Nam” của TS. Trương Thị Nam Thắng và cộng sự (2020), nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và khảo sát các tổ chức có mục tiêu hoạt động tạo tác động xã hội ở Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy, có đến 40,13% tổ chức không có ý định đăng ký/chuyển đổi thành DNXH. Kết quả phỏng vấn và thảo luận của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, việc các tổ chức chưa đăng ký hoạt động theo luật dưới hình thức DNXH chủ yếu do 02 nguyên nhân: (i) Quy định về thành lập và hoạt động của DNXH còn chưa rõ ràng, các DNXH cảm thấy thủ tục thành lập DNXH theo luật phức tạp, không được hướng dẫn chi tiết; (ii) Cơ chế, chính sách hỗ trợ DNXH chưa rõ ràng, chưa hấp dẫn để chuyển đổi[3]. Các doanh nhân xã hội thường khởi điểm ý tưởng kinh doanh xuất phát từ mong muốn chia sẻ gánh nặng, khó khăn với cộng đồng, vì vậy nhiều trường hợp, kiến thức kinh doanh, pháp lý của họ rất hạn chế, thậm chí là chưa có hiểu biết hay kinh nghiệm gì về kinh doanh, quản lý tài chính. Chính vì vậy, việc hỗ trợ tư vấn cho các doanh nhân xã hội xây dựng bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường là rất cần thiết. Việc yêu cầu DNXH phải hoàn chỉnh bản kế hoạch hoạt động cho doanh nghiệp và xây dựng được bản cam kết trong đó có đầy đủ các nội dung như: Vấn đề xã hội mà họ quan tâm là gì? Phương thức nào để doanh nghiệp dự định thành lập có thể giải quyết được vấn đề xã hội này? Mức tỷ lệ % lợi nhuận giữ lại hàng năm để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội như nào là hợp lý để doanh nghiệp có thể phát triển lâu dài? Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ cho hiệu quả… là thách thức lớn với các doanh nhân xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù yêu cầu về hồ sơ thành lập và mô hình, mục tiêu lựa chọn kinh doanh là khác nhau giữa DNXH và doanh nghiệp thông thường nhưng pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có những quy định rõ ràng về tên gọi hay hỗ trợ cho DNXH, các DNXH sau khi đăng ký thành lập cũng chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp thông thường. Còn về tên gọi, thì tùy theo sự lựa chọn mà doanh nghiệp có thể hoặc không đưa từ “xã hội” vào phần tên riêng của doanh nghiệp (pháp luật cũng không cấm cụm từ “xã hội” được sử dụng trong tên gọi của các doanh nghiệp thương mại thông thường). Do đó, nếu chỉ dựa vào hình thức bên ngoài như tên gọi hay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì DNXH không khác gì một doanh nghiệp thông thường khác, vì thế, cũng khó có thể xác định tư cách DNXH để nhận ưu đãi, hay hỗ trợ gì từ phía Nhà nước, cá nhân và tổ chức xã hội.
Theo ông Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM)[4], sự hoang mang trong thủ tục đăng ký thành lập DNXH không phải chỉ đến từ các thương nhân, nhà đầu tư mà còn đến từ sự “dè dặt” trong việc thực hiện quy định về thành lập DNXH của chính các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều nhân viên cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực sự hiểu được DNXH là gì, nên việc đọc và thụ lý hồ sơ đăng ký của DNXH vô cùng khó khăn. Như đã đề cập, hồ sơ thành lập DNXH sẽ có thêm các cam kết khác với doanh nghiệp thông thường, nhất là bản giải trình mục tiêu xã hội, môi trường và phương thức kinh doanh mà doanh nghiệp đang tiến hành. Vì thế, trên thực tế sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý hồ sơ của DNXH so với mô hình doanh nghiệp khác.
Có thể thấy, mặc dù pháp luật doanh nghiệp đã rất tiến bộ với những quy định về tính nhanh gọn trong quy trình, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung và DNXH nói riêng, tuy nhiên, với các yêu cầu riêng về hồ sơ đăng ký thành lập DNXH, cộng với thực trạng về chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho mô hình DNXH còn chưa rõ ràng nên nhiều cá nhân, tổ chức chưa thực sự mong muốn thành lập và hoạt động theo danh nghĩa là DNXH. Đăng ký là DNXH mà không có sự rõ ràng về chính sách ưu đãi, trong khi lại phải tuân thủ nhiều quy định về báo cáo hay thanh tra, kiểm tra…, thì sẽ rất khó cho hoạt động của mô hình này.
1.2. Thủ tục chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thông thường, hộ kinh doanh, cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chuyển phương thức hoạt động sang mô hình DNXH được thuận tiện và nhanh gọn, pháp luật hiện nay cho phép các chủ thể này được chuyển đổi thành DNXH[5]. Quy định này được đánh giá là một điểm tiến bộ của pháp luật hiện hành, góp phần bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tính linh hoạt trong hoạt động đầu tư của chủ doanh nghiệp và chủ sở hữu hộ kinh doanh; đồng thời tận dụng được lợi thế tiếp cận nguồn vốn viện trợ, tài trợ của các cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện khi chuyển đổi sang mô hình DNXH để vừa tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội, vừa tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Điều 5 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp ghi nhận: “Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện”. Bên cạnh đó, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Nghị định số 93/2019/NĐ-CP) và Thông tư số 04/2020/TT-BNV quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP cũng có quy định cho phép các quỹ xã hội, quỹ từ thiện chuyển đổi thành DNXH. Điều 18 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ, theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tùy phạm vi hoạt động của quỹ mà thuộc thẩm quyền quản lý các cấp khác nhau) có thẩm quyền: Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên quỹ; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; thu hồi giấy phép thành lập. Như vậy, quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện nay đã bảo đảm thống nhất về nội dung, thẩm quyền cho phép chuyển đổi các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành DNXH. Bên cạnh đó, quy trình, hồ sơ chuyển đổi quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành DNXH cũng đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, về vấn đề chuyển đổi hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội thành DNXH còn đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay đang chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (Nghị định số 103/2017/NĐ-CP). Theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP, các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội gồm: (i) Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; (ii) Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; (iii) Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; (iv) Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; (v) Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; (vi) Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; (vii) Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật. Thực tế, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội. Như vậy, thuật ngữ “cơ sở bảo trợ xã hội” là cách gọi cũ, được sử dụng trong các văn bản pháp lý trước đây, còn hiện tại pháp luật ghi nhận thuật ngữ “cơ sở trợ giúp xã hội” với nội hàm rộng hơn thuật ngữ “cơ sở bảo trợ xã hội”. Như vậy, có thể khẳng định, cách sử dụng thuật ngữ “cơ sở bảo trợ xã hội” trong Nghị định số 47/2021/NĐ-CP như hiện nay là chưa thống nhất với Nghị định số 103/2017/NĐ-CP và cần sửa đổi, thay thế thuật ngữ này bằng cụm từ “cơ sở trợ giúp xã hội” để bảo đảm sự thống nhất giữa pháp luật doanh nghiệp và các văn bản pháp lý liên quan.
Mặt khác, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP tuy là văn bản điều chỉnh trực tiếp về tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội nhưng lại không có bất kỳ quy định nào trực tiếp nhắc tới việc cho phép các cơ sở trợ giúp xã hội (trong đó bao gồm các cơ sở bảo trợ xã hội) được chuyển đổi thành DNXH. Điều 8 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về quyền hạn của cơ sở trợ giúp xã hội, theo đó, các cơ sở trợ giúp xã hội có các quyền: Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho người có nhu cầu theo quy định; từ chối yêu cầu cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng nếu không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở, trừ trường hợp có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; lựa chọn các biện pháp nghiệp vụ trợ giúp xã hội để trợ giúp đối tượng theo quy định của pháp luật và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Có thể hiểu, quy định cơ sở trợ giúp xã hội có “các quyền khác theo quy định của pháp luật” là một quy định mở và không mâu thuẫn với quyền chuyển đổi thành DNXH theo ghi nhận của pháp luật doanh nghiệp. Nhưng thiết nghĩ, văn bản điều chỉnh trực tiếp về một đối tượng cần là văn bản cụ thể nhất, rõ ràng nhất về đối tượng đó, đặc biệt là các quyền và nghĩa vụ. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, nên bổ sung quy định cụ thể về việc cho phép cơ sở trợ giúp xã hội được chuyển đổi thành DNXH trong phần quyền của cơ sở trợ giúp xã hội.
Ngoài các các loại chủ thể hiện nay pháp luật cho phép được chuyển đổi thành DNXH (bao gồm: Doanh nghiệp thông thường, hộ kinh doanh, cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện), thì còn có một số chủ thể khác cũng có nhu cầu này, ví dụ như các tổ chức phi lợi nhuận. Điển hình trong trường hợp này có thể nhắc đến Trung tâm Craft Link. Trung tâm Craft Link là một trong những tổ chức phi lợi nhuận và công bằng thương mại đầu tiên của Việt Nam, thành lập từ năm 1996 và hiện đang trợ giúp 70 nhóm sản xuất trên khắp cả nước trong việc sản xuất và bán sản phẩm thủ công nhằm ổn định công việc, tăng thu nhập cho những người nghèo, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Trung tâm Craft Link, ngay khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, Ban điều hành Trung tâm Craft Link đã cân nhắc việc chuyển đổi thành DNXH để có được các quyền lợi mà mô hình DNXH nhận được, nhất là các ưu đãi về thuế, để giảm bớt khó khăn trong hoạt động, nhưng có quá nhiều câu hỏi khiến kế hoạch này bị lùi lại. Trung tâm Craft Link tự thấy đủ điều kiện để đăng ký hoạt động là DNXH theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn không biết cần phải làm những gì để đăng ký/chuyển đổi thành DNXH[6]. Từ ví dụ của Trung tâm Craft Link có thể thấy, quy định về chuyển đổi từ các loại hình pháp lý sang DNXH hiện nay còn chưa bao quát được hết các đối tượng có nhu cầu chuyển đổi, vì vậy, pháp luật cần có sự điều chỉnh phù hợp và linh hoạt hơn trong thời gian tới.
1.3. Quy định cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật
Cũng giống như các chủ thể kinh doanh thông thường, trong quá trình hoạt động, nếu DNXH kinh doanh những ngành nghề có điều kiện thì cũng cần phải tiến hành các thủ tục pháp lý để chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề đó, ví dụ như giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Để khuyến khích hoạt động của mô hình doanh nghiệp này, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Chủ sở hữu, người quản lý DNXH được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật”[7]. Như vậy, pháp luật doanh nghiệp hiện nay đã ghi nhận một trong những hỗ trợ cụ thể về thủ tục, hành chính dành cho DNXH là việc tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sở hữu và người quản lý của DNXH trong các thủ tục cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, với cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện này, các cá nhân quản lý DNXH được thuận lợi hơn điểm gì thì hệ thống pháp luật hiện nay chưa hướng dẫn cụ thể. Thông thường, được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề và các loại giấy chứng nhận có liên quan, chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp phải tuân theo quy trình, thủ tục và đáp ứng các điều kiện mà pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý giấy phép, chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận của lĩnh vực đó quy định và quản lý. Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, diễn ra tại Hà Nội (ngày 20/4/2021), Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chương trình cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ để đạt mục tiêu cắt giảm 50%, đã đạt được kết quả đáng kể. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng trở lại lên 52% trong năm 2019 và 59% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống chỉ còn 32% trong năm 2020. Dù vậy, với tỷ lệ 32% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh cho thấy dư địa cải cách trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau vẫn còn tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật[8].
Qua số liệu trên cho thấy, mặc dù thời gian qua, Nhà nước ta đã rất nỗ lực trong việc rà soát, giảm bớt các điều kiện, thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ lớn (32%) doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh. Thủ tục hành chính xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là khó khăn chung đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó không loại trừ đối với mô hình DNXH.
2. Một số đề xuất
Qua đánh giá thực trạng quy định pháp luật và phân tích thực tiễn giải quyết thủ tục hành chính đối với DNXH ở Việt Nam thời gian qua, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, cần hoàn thiện quy định pháp luật về DNXH, đặc biệt quan tâm cụ thể hóa pháp luật về hỗ trợ các thủ tục hành chính, pháp lý đối với DNXH. Như đã phân tích ở trên, nội dung các quy định về thủ tục hành chính áp dụng đối với DNXH hiện nay còn những hạn chế nhất định. Trong đó có những bất cập xuất phát từ quy định chung như vấn đề đặt tên doanh nghiệp và có những bất cập xuất phát từ quy định riêng như cơ chế hỗ trợ thủ tục pháp lý đối với DNXH gần như không có, thậm chí là nhiều thủ tục phức tạp hơn so với các doanh nghiệp thông thường.
Đối với các quy định chung về DNXH, cần sửa đổi theo hướng yêu cầu tên DNXH bắt buộc phải có cụm từ “xã hội”, đồng thời các doanh nghiệp thông thường không được sử dụng cụm từ này để bảo đảm tính khả thi trong nhận diện về hình thức của DNXH với các doanh nghiệp khác, trên cơ sở đó giúp DNXH tiếp cận dễ dàng hơn với các ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước và các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật doanh nghiệp đã quy định rõ: Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội[9]. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho DNXH gần như không khác gì so với các doanh nghiệp thông thường. Do đó, Nhà nước cần sớm nghiên cứu hoàn thiện và có các ưu đãi hỗ trợ cụ thể đối với DNXH như ưu đãi về thuế, hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ pháp lý… tạo động lực để các nhà đầu tư lựa chọn mô hình doanh nghiệp này.
Đối với các quy định riêng về thủ tục hành chính áp dụng cho DNXH, pháp luật doanh nghiệp đã quy định DNXH được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan. Tuy nhiên, quy định này cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể, chính vì vậy, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa các quy định về hỗ trợ thủ tục cấp giấy phép, chứng chỉ và các loại giấy chứng nhận (nếu cần) cho DNXH. Việc pháp luật quy định tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là một động viên, khuyến khích rất lớn đối với các thương nhân xã hội. Tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ, hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng một số quy định, quy trình đăng ký và hoạt động của DNXH, chẳng hạn như: Giảm số lượng mẫu đơn đăng ký, trợ cấp 10% khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, Chính phủ chịu 50% chi phí đăng ký bằng sáng chế[10]. Đối với quy định về chuyển đổi từ các loại hình hoạt động khác sang DNXH, cần rà soát, bổ sung các loại hình tổ chức phù hợp có mục tiêu xã hội được chuyển đổi sang mô hình DNXH để bảo đảm tính linh hoạt, thuận tiện trong quá trình hoạt động, kinh doanh. Đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cần có bộ phận tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập DNXH. Ngoài ra, về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có thể nghiên cứu sửa đổi quy định DNXH được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 03 - 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Việc quy định thời gian như vậy là phù hợp để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông tin hồ sơ doanh nghiệp cũng như phân tích tính khả thi trong bản cam kết mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bảo đảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với DNXH.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về mô hình DNXH để mô hình doanh nghiệp kết hợp giữa lợi ích kinh doanh và mục tiêu xã hội được nhiều nhà đầu tư biết đến và lựa chọn. Như đã phân tích ở trên, qua khảo sát cho thấy, số lượng DNXH hoạt động tại nước ta còn hạn chế, một phần do nhiều nhà đầu tư chưa biết đến mô hình này, một lý do khác nữa là phía cơ quan nhà nước, nhiều cán bộ nhà nước chưa nắm rõ được về mô hình DNXH nên còn e ngại trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho mô hình doanh nghiệp này.
Ba là, Nhà nước cần sớm giao trách nhiệm hoặc thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý và hỗ trợ DNXH. Việc thành lập cơ quan chuyên trách sẽ vừa bảo đảm tính kịp thời trong quá trình hỗ trợ các thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp, ví dụ như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; hỗ trợ nhà đầu tư giải đáp các thắc mắc về thủ tục thành lập và quản lý tài chính đối với DNXH… Ngoài ra, việc thống nhất quản lý DNXH trong một cơ quan cũng bảo đảm trách nhiệm của cơ quan này trong quá trình thẩm định nội dung hồ sơ thành lập DNXH, bảo đảm trách nhiệm quản lý từ khi thành lập, trong quá trình hoạt động thực hiện mục tiêu xã hội và các cam kết cũng như các thủ tục khác như chuyển đổi, giải thể doanh nghiệp. Tham khảo mô hình quản lý DNXH tại các quốc gia phát triển như Vương quốc Anh và Hàn Quốc, có thể thấy đặc điểm chung của các quốc gia này là DNXH khi thành lập sẽ được cấp mẫu giấy chứng nhận dành riêng cho DNXH. Đồng thời, các quốc gia này có bộ phận chuyên trách thẩm định hồ sơ đăng ký DNXH đối với các cam kết như phân chia lợi nhuận tại các báo cáo tài chính, kế hoạch chi trả các khoản nợ, vay, tình hình sử dụng lao động… Tại Hàn Quốc, cơ quan đăng ký DNXH là cơ quan độc lập với cơ quan đăng ký kinh doanh, trong khi đó, tại Vương quốc Anh thì cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan cấp giấy chứng nhận cho cả doanh nghiệp có mục tiêu vì xã hội, cộng đồng. Hàn Quốc và Vương quốc Anh đều có cơ quan chuyên trách quản lý và hỗ trợ DNXH.
Mô hình DNXH tuy còn hoạt động rất hạn chế nhưng lại là mô hình kinh doanh có tiềm năng phát triển lớn ở Việt Nam. Nếu phát triển được mô hình này, Nhà nước sẽ giảm tải được áp lực trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhóm người yếu thế, giải quyết vấn đề môi trường và các vấn đề xã hội khác. Chính vì vậy, việc ưu tiên, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy DNXH phát triển thông qua việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ nói chung và hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý nói riêng dành cho DNXH là rất cần thiết. Khung pháp lý hoàn chỉnh với nhiều ưu đãi, hỗ trợ đặc thù chắc chắn sẽ là động lực lớn để các doanh nhân xã hội quan tâm và tập trung nguồn lực, trí tuệ xây dựng và phát triển DNXH.
Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển
[1]. Theo số liệu từ hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 4/2020, Việt Nam có khoảng 114 DNXH và chi nhánh, văn phòng đại diện của DNXH đăng ký hoạt động với cơ quan đăng ký kinh doanh.
[2]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ban Các vấn đề xã hội và môi trường (2019), “Phát triển doanh nghiệp xã hội tạo tác động tại Việt Nam”, xem tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21874, truy cập ngày 10/7/2022.
[3]. Bùi Đức Thọ, Trương Thị Nam Thắng (2021), Doanh nghiệp xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ở Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 107.
[4]. https://baodautu.vn/vang-doanh-nghiep-xa-hoi-do-lung-tung-ve-thu-tuc-d51666.html, truy cập ngày 10/7/2022.
[5]. Xem Điều 28 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
[6]. https://baodautu.vn/vang-doanh-nghiep-xa-hoi-do-lung-tung-ve-thu-tuc-d51666.html, truy cập ngày 10/7/2022.
[7]. Điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[8]. https://phaply.net.vn/diem-danh-nhung-qui-dinh-bat-cap-trong-29-luat-dang-gay-kho-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-ki-1-a253026.html, truy cập ngày 06/5/2022
[9]. Khoản 4 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[10]. Đỗ Hải Hoàn, Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp xã hội ở Ấn Độ và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Thực trạng phát triển DNXH đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ở Việt Nam”, 2019, tr. 55.