Abstract: The work of handling illegal normative documents in ministries, ministry-leveled agencies and localities has many limitations parallel with active results in the recent time. Thus, the study, assessment of the real situation and making solutions for improving effect of handling illegal normative documents have an important meaning.
1. Những kết quả đạt được trong công tác xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật
Thứ nhất, số lượng văn bản trái pháp luật được xử lý tăng, việc xử lý quyết liệt và triệt để hơn, nhiều văn bản được xử lý kịp thời, đúng quy định
Tính đến ngày 30/11/2017, các cơ quan kiểm tra văn bản đã xử lý được 734 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên tổng số 1.005 văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, đạt 73%, tăng 12,5% so với tỷ lệ văn bản đã được xử lý trong năm 2016. Riêng đối với 156 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền của các Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) phát hiện và kết luận năm 2017, đến nay, 73/156 văn bản đã được xử lý, đạt gần 47%, tăng 18% so với tỷ lệ xử lý văn bản trong năm 2016. Trong số 83 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền chưa xử lý, có 20/83 văn bản đang trong thời hạn xử lý, chiếm 24%; 22/83 văn bản đã quá hạn xử lý, chiếm 14%; số văn bản còn lại được thông tin đã có hướng xử lý và đang trong quá trình xử lý theo quy định. So sánh với cùng kỳ năm 2016, tỷ lệ số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã quá hạn nhưng chưa được xử lý giảm 74,8%. Các con số thống kê phản ánh công tác kiểm tra văn bản, xử lý văn bản trái pháp luật ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời cũng cảnh báo tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát, phân loại và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc xử lý đối với 19 văn bản (gồm 06 văn bản cấp bộ, 13 văn bản cấp tỉnh) trái pháp luật được phát hiện và kiến nghị xử lý từ năm 2016 trở về trước mà chưa được cơ quan ban hành văn bản tự xử lý, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với 19 văn bản nêu trên. Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã tự xử lý dứt điểm 16/19 văn bản trái pháp luật. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc xử lý đối với 03/19 văn bản trái pháp luật còn lại.
Với mục tiêu đặt trọng tâm vào công tác xử lý văn bản trái pháp luật, Bộ Tư pháp không chỉ tập trung xử lý văn bản trái pháp luật được phát hiện trong năm 2017 mà đã chú trọng rà soát lại các văn bản đã có thông báo/kết luận trái pháp luật từ những năm trước đó, theo dõi, đôn đốc việc xử lý. Đối với các văn bản có nội dung trái pháp luật nghiêm trọng hoặc trì trệ, kéo dài thời gian xử lý (chủ yếu là các văn bản được thông báo trái pháp luật trước năm 2016), Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền. Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ, cương quyết, thể hiện tinh thần quyết liệt, “đeo bám” đến cùng nhằm xử lý triệt để văn bản trái pháp luật. Sau gần 15 năm triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, đây là lần thứ hai Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc xử lý văn bản trái pháp luật, đồng thời xác định trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có kiến nghị Thủ tướng nếu tình trạng văn bản trái pháp luật dây dưa, kéo dài thời gian mà không được xử lý theo đúng quy định.
Thứ hai, việc xử lý văn bản được thực hiện có trách nhiệm, cẩn trọng, khách quan trên cơ sở nghiên cứu, phát hiện chính xác nội dung trái pháp luật
Việc xử lý văn bản trái pháp luật đã được thực hiện một cách quyết liệt để bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ nhưng vẫn thể hiện tính cẩn trọng, khách quan. Đặc biệt, đối với những văn bản có sự phản ánh của báo chí và doanh nghiệp, công dân, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản càng cần phải thận trọng, phát huy trách nhiệm, bản lĩnh của người làm công tác kiểm tra văn bản, không vì sức ép của dư luận mà vội vàng hoặc thiếu khách quan trong xem xét, kiểm tra, xử lý văn bản được phản ánh. Thực tế cho thấy, có một số văn bản được dư luận phản ứng gay gắt và đặt vấn đề về tính pháp lý của nội dung, thẩm quyền ban hành văn bản, song qua kiểm tra kỹ lưỡng, thấy rằng, văn bản không trái pháp luật. Vì vậy, việc vào cuộc kịp thời của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản là hết sức cần thiết, đây có thể coi là kết quả tích cực, cần tiếp tục phát huy trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.
Ngoài ra, quá trình xử lý văn bản trái pháp luật cũng ghi nhận sự nỗ lực, tích cực từ phía cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật trong việc xử lý văn bản. Ngay từ khâu kiểm tra bước đầu, cơ quan kiểm tra văn bản đã nhận được sự phối hợp có trách nhiệm từ phía các cơ quan có văn bản được kiểm tra trong cung cấp thông tin, tài liệu… phục vụ hoạt động kiểm tra. Có nhiều văn bản trái pháp luật đã được cơ quan ban hành văn bản tiếp thu ngay tại cuộc họp trao đổi, thảo luận về dấu hiệu trái pháp luật và tổ chức tự xử lý ngay sau đó mà cơ quan kiểm tra văn bản không phải ra kết luận hoặc cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật tiến hành tự kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản, một số nơi còn xử lý cả văn bản sai về thể thức kỹ thuật trình bày bằng việc ban hành văn bản đính chính... Sự đồng thuận này thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao của cơ quan ban hành văn bản trong hoạt động ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản. Những cơ quan, địa phương đã tích cực trong quá trình phối hợp kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật như: Hà Nội, Hưng Yên, Bộ Tài chính…
2. Một số hạn chế trong công tác xử lý văn bản trái pháp luật
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động xử lý văn bản trái pháp luật vẫn còn những hạn chế, cụ thể là:
Một là, xử lý văn bản trái pháp luật không đầy đủ, không kịp thời
Theo số liệu đã nêu ở trên, có 26 văn bản QPPL được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiến nghị xử lý từ năm 2016 được xử lý trong năm 2017; 19 văn bản được kiến nghị xử lý từ những năm trước năm 2016 được Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc xử lý (chưa kể nhiều văn bản khác cùng thời gian đó qua rà soát, phân loại đã quyết định để lại tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc xử lý mà chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ). Qua theo dõi chung cho thấy, mặc dù so với trước đây, việc xử lý văn bản trái pháp luật cũng có nhiều tiến bộ, nhưng có thể thẳng thắn thừa nhận rằng, việc xử lý văn bản vẫn chưa kịp thời, trong đó khá nhiều văn bản trái pháp luật qua 03 - 04 năm chưa được xử lý, thậm chí phải có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì văn bản mới được xử lý. Trong khoảng thời gian chưa được xử lý đó, văn bản vẫn còn hiệu lực pháp luật và tiếp tục có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác xử lý văn bản QPPL với những kết quả đáng khích lệ như đã nêu ở trên, nhưng năm 2017 vẫn còn 1.088/4.036 (chiếm 27%) văn bản trái pháp luật (được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương kiểm tra, phát hiện) và 80/133 (chiếm 57%) văn bản trái pháp luật (được Bộ Tư pháp kiểm tra, phát hiện) chuyển việc xử lý sang năm sau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên tắc pháp chế trong ban hành văn bản QPPL, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào Nhà nước… Đây là những hậu quả có thực mà không thể đo đếm được.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc khó thống nhất phương án xử lý giữa cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cơ quan đã ban hành văn bản, như: Cơ quan ban hành văn bản không nhất trí với kết quả kiểm tra văn bản, không thực hiện việc xử lý... dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý văn bản trái pháp luật. Ví dụ, việc kiểm tra Quyết định số 1328/QĐ-BTC ngày 29/5/2012 về việc đính chính Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (sau đây gọi tắt là Quyết định 1328) được bắt đầu từ tháng 12/2012. Ngày 12/4/2013, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có Công văn số 87/KTrVB về việc thông báo kiểm tra văn bản, đề nghị Bộ Tài chính thực hiện tự kiểm tra và xử lý hủy bỏ nội dung trái pháp luật của Quyết định số 1328, thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định (30 ngày, kể từ ngày thông báo). Tuy nhiên, cho đến ngày 19/02/2014, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ Tài chính về việc xử lý văn bản trên. Vì vậy, ngày 19/02/2014, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có Công văn số 33/KTrVB tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính xử lý Quyết định số 1328. Sau đó, Bộ Tài chính đã có phản hồi, nhưng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật không đồng tình với các nội dung của văn bản trả lời và yêu cầu Bộ Tài chính cần có hướng xử lý đối với vụ việc trên và có biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành văn bản trái gây ra đối với doanh nghiệp. Như vậy, có đến hơn 01 năm chỉ để thống nhất về nội dung và phương án xử lý đối với 01 văn bản. Có thể nhận định rằng, việc xử lý văn bản QPPL thời gian qua chưa thật sự “mạnh tay”, chưa triệt để, có nhiều văn bản rất khó khăn để thống nhất phương án xử lý, có những văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp, kéo dài mất rất nhiều thời gian, nhưng những văn bản này vẫn chưa được cơ quan tham mưu cấp có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, nhằm tạm thời chấm dứt ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của doanh nghiệp, để tiếp tục nghiên cứu, xác định hình thức xử lý. Bên cạnh việc xử lý văn bản chậm trễ vẫn còn tình trạng xử lý không đầy đủ nội dung cần xử lý, xử lý văn bản nửa vời, không triệt để…
Hai là, xử lý văn bản trái pháp luật không đúng hình thức
Xử lý văn bản trái pháp luật không đúng hình thức là tình trạng phổ biến và rất cần được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chấn chỉnh trong thời gian tới. Hiện nay, đa số cơ quan có văn bản trái pháp luật đã xử lý bằng cách ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản trái pháp luật. Trong khi đó, hình thức xử lý văn bản bãi bỏ và sửa đổi, bổ sung là khác nhau về mặt bản chất. Kể từ thời điểm văn bản được ban hành, sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý của chủ thể ban hành với đối tượng chịu sự tác động của văn bản, việc bãi bỏ văn bản làm cho văn bản bị mất hiệu lực ngay từ khi được ban hành, còn sửa đổi, bổ sung văn bản chỉ làm phần văn bản được sửa đổi, bổ sung hết hiệu lực, bổ sung có hiệu lực, toàn bộ hiệu lực và các vấn đề phát sinh khi áp dụng nội dung văn bản thời gian trước đó vẫn được công nhận, do vậy, sẽ không đặt ra vấn đề khắc phục hậu quả hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều văn bản đã chưa được xử lý theo đúng hình thức quy định, ví dụ, theo quy định văn bản phải xử lý bằng hình thức bãi bỏ (tức là văn bản mất hiệu lực kể từ khi ban hành) thì phần lớn văn bản trái pháp luật lại dùng hình thức sửa đổi, bổ sung, đính chính hoặc ban hành văn bản thay thế... Ngoài ra, việc đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung trái pháp luật của văn bản do Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành trái pháp luật thời gian qua cũng chưa được ghi nhận, thậm chí đối với cả những văn bản ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đối tượng áp dụng.
Ba là, việc công khai thông tin về xử lý văn bản trái pháp luật mới triển khai bước đầu
Theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, công khai, minh bạch là nguyên tắc hàng đầu trong kiểm tra, xử lý văn bản QPPL và được thực hiện trong tất cả các khâu của quá trình kiểm tra văn bản. Theo Điều 109 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, kết quả xử lý văn bản trái pháp luật phải được cơ quan, người đã ban hành văn bản đó đăng Công báo, đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản hoặc niêm yết tại các địa điểm theo quy định tại Điều 98 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Đồng thời, kết quả xử lý các văn bản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP phải được gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước đó văn bản đã được nhận văn bản. Trường hợp văn bản đó đã được đăng Công báo, đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành hoặc được niêm yết thì kết quả xử lý cũng phải được công bố trên các phương tiện thông tin đó. Ngoài ra, Điều 131 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định một trong các nhiệm vụ của cơ quan, người ban hành văn bản được kiểm tra là phải “gửi đăng Công báo, niêm yết văn bản đã được xử lý theo quy định của pháp luật”. Đây được coi là quy định hết sức tiến bộ giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với thông tin về tình trạng pháp lý của văn bản, phục vụ cho việc áp dụng, thi hành pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật minh bạch hơn. Hiện nay, thông tin về xử lý văn bản trái pháp luật chủ yếu được thực hiện tại Bộ Tư pháp. Thực tế, trừ những văn bản trái pháp luật do phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, khi xử lý cũng được các phương tiện này chủ động đưa tin, còn lại, việc cơ quan ban hành văn bản tự xử lý hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật chủ động công bố công khai kết quả xử lý văn bản trái pháp luật còn khá hiếm.
Bốn là, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ
Theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, căn cứ vào nội dung trái pháp luật của văn bản và mức độ thiệt hại trên thực tế do văn bản trái pháp luật gây ra, cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản kiến nghị cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra; cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức xử lý đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật. Ngoài ra, khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, đơn vị thực hiện việc tự kiểm tra có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm tra văn bản và báo cáo ngay kết quả kiểm tra văn bản với cơ quan, người đã ban hành văn bản đó để xem xét, xử lý theo quy định. Trong đó, phải đánh giá nội dung có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản và đề xuất hướng xử lý, thời hạn xử lý, biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản gây ra (nếu có) và xác định trách nhiệm của những người tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và ban hành văn bản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hầu hết việc xử lý văn bản trái pháp luật hiện nay chưa được thực hiện đồng thời với việc khắc phục hậu quả, xác định và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý văn bản trái pháp luật
Để nâng cao hiệu quả, đưa hoạt động xử lý văn bản trái pháp luật thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản QPPL, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác xử lý văn bản trái pháp luật; sắp xếp lại cách thức tổ chức công việc, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan, người đã tham mưu, trình, ký ban hành văn bản trái pháp luật
Lãnh đạo các Bộ, chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với hoạt động xử lý văn bản QPPL, đặc biệt việc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện; Bộ Tư pháp sớm phối hợp với Văn phòng Chính phủ để đề xuất đưa nội dung thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật của các Bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh tại các cuộc họp báo của Chính phủ, đề xuất đưa nội dung xử lý văn bản vào nội dung báo cáo Chính phủ hàng quý.
Cần bố trí nhân sự mang tính chuyên nghiệp, mỗi công chức làm công tác kiểm tra văn bản được giao phụ trách một mảng lĩnh vực chuyên môn nhất định, đồng thời phụ trách một số địa phương. Ngoài ra, các công chức này được giao “theo sát” văn bản từ quá trình góp ý, thẩm định để có thể nắm bắt đầy đủ, xuyên suốt tinh thần cũng như từng quy định cụ thể của văn bản. Mặt khác, tham gia vào quá trình góp ý, thẩm định văn bản, các công chức có thể kịp thời đưa ra ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp, tính hợp lý, khả thi của văn bản, giảm thiểu được những nội dung trái pháp luật sau ban hành cũng là biện pháp giảm thiểu cho xử lý văn bản trái pháp luật. Quan tâm, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.
Tăng cường công tác xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu, trình, ký ban hành văn bản trái pháp luật, việc xử lý trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, kiểm điểm, rút kinh nghiệm… mà cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn như trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự...
Thứ hai, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản, hoàn thiện quy trình ban hành văn bản xử lý văn bản trái pháp luật để bảo đảm tính kịp thời
Cần nghiên cứu, đề xuất giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao trong kiểm tra văn bản. Bộ trưởng Bộ Tư pháp không chỉ có thẩm quyền kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật như hiện nay, mà còn có thẩm quyền giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương (cấp tỉnh) ban hành, đặc biệt những văn bản xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp để kịp thời ngăn chặn việc áp dụng, thực thi nội dung trái pháp luật trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy trình ban hành văn bản xử lý văn bản trái pháp luật để bảo đảm tính kịp thời. Quy định văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản QPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó nếu trong thực tiễn xảy ra bất cập. Nghiên cứu hoàn thiện theo hướng bổ sung trường hợp xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời xử lý văn bản QPPL trái pháp luật và Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn cần bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trong thời gian tới, cần có nghiên cứu để quy định cụ thể thời gian để kiểm tra xong văn bản. Việc kiểm tra và xử lý văn bản cần được thực hiện trước khi văn bản có hiệu lực.
Nghiên cứu, quy định chi tiết về xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể và dễ dàng trong quá trình tham mưu, đề xuất và thực hiện các biện pháp này trên thực tế. Đồng thời, cần quy định bổ sung trách nhiệm cụ thể khi cơ quan, người đã ban hành văn bản không/chậm xử lý văn bản trái pháp luật do mình ban hành.
Tăng cường công tác truyền thông về cơ chế kiểm tra văn bản QPPL và công khai thông tin về việc xử lý văn bản trái pháp luật: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí nhằm tuyên truyền rộng rãi quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn nữa về cơ chế này, đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, quan tâm, phát hiện và kiến nghị về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, bảo vệ quyền lợi của mình và của các chủ thể khác có liên quan. Đây cũng chính là sự giám sát chặt chẽ nhất, có tác động lớn, làm cho cơ quan ban hành văn bản cũng như cơ quan kiểm tra văn bản buộc phải khẩn trương hơn, thấu đáo hơn trong xem xét, xử lý văn bản trái pháp luật. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh, tăng cường công tác công bố thông tin về tình hình xử lý văn bản trái pháp luật bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.
Đại học Luật Hà Nội