1. Khái quát về thực trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, đứng đầu về kinh tế, dân số, được xem là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa, giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Bên cạnh dân cư đông đúc, các hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, văn hóa, xã hội, giao thông vận tải… tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất phát triển nhưng cũng chính điều này đã để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó có tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra thường xuyên và chưa có xu hướng giảm, điều này đã tác động trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Theo phản ánh của Báo Người lao động, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra khắp nơi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử như tại khu vực chế xuất Tân Thuận (Quận 7), hàng ngày, khu vực này phải chịu đủ loại âm thanh hỗn tạp từ tiếng loa rao của xe hàng rong, xe tải chạy bóp còi inh ỏi đến quán nhậu, karaoke ầm ĩ, điều này làm người dân sinh sống tại khu vực này lao đao, khốn khổ, nhiều người đã bị stress. Tại các chợ truyền thống, các cửa hàng quần áo, điện máy, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra hầu như quanh năm, suốt tháng bởi việc phát loa hết công suất để rao bán sản phẩm lặp đi lặp lại từ sáng đến chiều. Tại khu phố Bùi Viện (Quận 1) diễn ra tình trạng các quán bar mở nhạc thường xuyên đến tận khoảng 04 giờ sáng; tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), loa điện tử “bắp rang bơ 15.000 đồng/gói” ra rả suốt ngày; tại đoạn đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), các quán bia, club ngoài trời mở nhạc sàn hết công suất; khu vực vòng xoay Lê Đại Hành đến tận hơn 23 giờ vẫn ca nhạc ồn ào; đường Tân Thới Nhất (Quận 12) có điểm tập gym mở loa ầm ĩ từ 05 giờ 30 phút đến tối mà nhiều năm nay không ai xử lý... Thậm chí, ngay cả trong các khu dân cư, tình trạng hát karaoke bằng loa thùng cũng thường xuyên diễn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vượt quy chuẩn quy định. Theo kết quả đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phục vụ nghiên cứu thì hầu hết số lần đo vượt tiêu chuẩn ở mức cao. Trong đó, ngay cả thời gian ban đêm (từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau), mức độ tiếng ồn đo được vẫn vượt quá giới hạn gấp nhiều lần; riêng ở 06 trạm quan trắc tại ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, kết quả đo cho thấy nhiều lần đạt trên 85 dB, vượt ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép[1]. Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thì mức độ tiếng ồn của Thành phố Hồ Chí Minh là rất cao, thậm chí là nằm trong tốp các thành phố cao nhất thế giới[2]. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), trong bảng xếp hạng với tổng cộng 61 thành phố về mức độ tiếng ồn thì Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng là thành phố ô nhiễm môi trường thứ 04 trên thế giới[3]. Từ thực tế nêu trên, có thể thấy rằng, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang diễn ra rất nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.
2. Thực trạng về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trước tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra thường xuyên, tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng môi trường sống của người dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn. Cụ thể, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã rất quyết tâm và nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp như thiết lập các kênh thông tin và đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếng ồn… Theo đó, để kịp thời ghi nhận, giải quyết phản ánh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh như: Tổng đài 1022, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường (số điện thoại: 02838290568); đường dây nóng, cổng thông tin điện tử, các ứng dụng mạng xã hội của quận, huyện, phường, xã, thị trấn; hệ thống mặt trận các cấp. Thông qua việc thiết lập các kênh thông tin tiếp nhận này, trong 08 tháng đầu năm 2023, Cổng thông tin 1022 của Thành phố đã tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn, đây là nguồn thông tin quan trọng làm cơ sở để giúp các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn[4]. Đồng thời, thời gian qua, Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, phát hiện được các cơ sở có hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn cho phép cũng như kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, Thành phố đã kiểm tra và phát hiện 8.679 trường hợp có vi phạm về tiếng ồn, trong đó nhắc nhở 8.544 trường hợp và xử phạt 135 trường hợp, tổng số tiền xử phạt khoảng 430 triệu đồng[5]. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chấp hành các quy định về tiếng ồn, hạn chế, tiến tới chấm dứt các hoạt động, sinh hoạt gây tiếng ồn. Trong công tác quản lý và thực hiện chính sách về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn, cũng như yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao các cơ quan chức năng như Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế phối hợp nghiên cứu, đề xuất những giải pháp xử lý hiệu quả hơn nữa vi phạm về tiếng ồn.
Nhìn chung, công tác kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn đã được Thành phố quan tâm, đầu tư đẩy mạnh triển khai thực hiện, điều này đã góp phần vào việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn nhằm bảo vệ kịp thời chất lượng môi trường sống cho người dân. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, hiện nay, hiệu quả kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực sự bảo đảm, tình trạng tái phạm lại còn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như trường hợp của cơ sở sản xuất nước đá Đại Anh tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở này đã bị Ủy ban nhân dân quận Tân Phú xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm gấp ba lần ngưỡng tiếng ồn cho phép, tuy nhiên sau khi nộp phạt thì mọi chuyện vẫn diễn ra như cũ[6]; hay trường hợp quán Inthepub II (Quận 1) bị Ủy ban nhân dân phường Phạm Ngũ Lão kiểm tra và lập biên bản các hành vi gây tiếng ồn vượt quy định, song sau đó kiểm tra lại thì phát hiện quán vẫn tiếp tục gây ồn[7]. Sở dĩ tình trạng kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự hiệu quả là do xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như sau:
Một là, chế tài xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa thực sự đủ sức răn đe, việc áp dụng các quy định pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tại Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP) đã đưa ra các quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, tùy vào mức độ ô nhiễm tiếng ồn gây ra so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn cho phép mà có thể bị áp dụng hình thức xử phạt nhẹ nhất là cảnh cáo hoặc cao nhất là phạt tiền lên đến 160.000.000 đồng đối với cá nhân và 320.000.000 đồng đối với tổ chức; ngoài ra, còn có thể áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Mức xử phạt theo như quy định là cần thiết để áp dụng xử lý đối với các hành vi vi phạm, tuy nhiên, với mức phạt như hiện nay thì chưa thực sự đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, dẫn đến tình trạng các chủ thể mặc dù vi phạm bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục sẵn sàng tái phạm.
Hơn nữa, hiện nay, các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn chưa được luật hóa thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, đây cũng là một điểm hạn chế, bởi việc không quy định sẽ dẫn đến tình trạng không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý triệt để đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức độ nguy hiểm cho xã hội, từ đó tạo kẽ hở để các đối tượng thực hiện các hành vi ô nhiễm tiếng ồn ở mức độ nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà không sợ phải gánh chịu những chế tài pháp lý nặng nề nhất trong các khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định.
Bên cạnh đó, vấn đề thực thi, áp dụng pháp luật để xử lý đối với các hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đã có những quy định xử phạt hành vi vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư, tuy nhiên, công tác xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư không phải là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết triệt để và nhanh chóng. Thực tế, khi nhận được phản ánh, tố giác từ người dân về tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn, các cơ quan chức năng cần thời gian để xem xét, xác thực rồi mới tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, dựa trên kết quả đo độ ồn ở hiện trường và thời gian phát ra tiếng ồn để tiến hành các thủ tục xử phạt. Để đo được tiếng ồn, buộc phải trang bị máy đo, tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng đủ điều kiện trang bị máy đo tiếng ồn. Hơn nữa, khi lực lượng chức năng xuống tới hiện trường thì hầu như tiếng ồn đã chấm dứt nên không thể xử phạt kịp thời được.
Hai là, nhận thức về tác hại của tiếng ồn và sự cần thiết của việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn từ các chủ thể còn tồn tại những hạn chế nhất định. Về phía người dân, người dân chưa thực sự mạnh dạn, tích cực trong vấn đề phản ánh, tố giác những đối tượng có hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, thậm chí, có người còn mặc nhiên cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề thường ngày, quen thuộc trong cuộc sống nên chấp nhận với điều đó. Mặt khác, một số bộ phận người dân còn cả nể, ngại va chạm nên chủ yếu là im lặng hoặc nhắc nhở nhau dựa trên “tình làng nghĩa xóm”, chỉ khi nào quá nghiêm trọng, lặp đi lặp lại nhiều lần thì mới phản ánh đến các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức tuân thủ về vấn đề kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế vì sở thích cá nhân, vì lợi nhuận kinh doanh, vì các giá trị lợi ích kinh tế mang lại mà các chủ thể sẵn sàng thực hiện các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn một cách thường xuyên, từ đó gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Ngoài ra, ngay cả chính một bộ phận cán bộ địa phương cũng chưa thực sự ý thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn và cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn chỉ đơn giản là những thói quen thường nhật và chưa thực sự là một mối đe dọa cho cộng đồng. Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vẫn tiếp tục diễn ra phổ biến trên thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Ba là, còn thiếu sự quyết tâm từ các cơ quan chức năng trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn nên chưa xử lý triệt để được vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Theo phản ánh của người dân tại địa phương, mặc dù có rất nhiều trường hợp gửi đơn phản ánh lên Ủy ban nhân dân và Công an phường nhưng vẫn không được giải quyết triệt để, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn[8]. Từ năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhìn nhận việc ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn nạn cần sớm khắc phục nhưng các phường, xã và cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong xử lý[9]. Chính điều này cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được kiểm soát hiệu quả.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện về mặt chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn tại Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, thông qua thực tiễn hoạt động, các cơ quan chức năng trực thuộc cần rà soát, xác định và nêu ra những vấn đề còn hạn chế, bất cập, thiếu sót, không bảo đảm tính khả thi trong các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn qua thực tiễn thi hành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, kịp thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện gửi đến các cơ quan có thẩm quyền lập pháp ở trung ương để kịp thời khắc phục, hoàn thiện nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để phục vụ kịp thời cho việc kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế hiện nay. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt hành vi vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn, bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là cần phải có quy định về thời gian sử dụng âm thanh trong kinh doanh đối với các nhà hàng, quán ăn có loa âm thanh lớn, cũng như cần có một văn bản pháp luật quy định thống nhất về ngưỡng, phương pháp xác định mức độ ồn, mức chế tài, thẩm quyền xử phạt... để làm căn cứ xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Hai là, để xử lý tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục đề nghị Ban chỉ đạo phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vận động các khu phố quan tâm thực hiện, phân công từng thành viên tổ chức nắm tình hình, theo dõi và giám sát các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tiếng ồn và báo cáo cho chính quyền, công an địa phương xử lý theo quy định. Đặc biệt, phải xem xét, đánh giá việc chấp hành các hành vi vi phạm tiếng ồn của tổ chức, cá nhân trong xét tặng các danh hiệu văn hóa tại địa phương. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trên các màn hình quảng cáo điện tử, các phương tiện quảng cáo nơi công cộng; tuyên truyền, vận động các tổ chức và người dân tại địa phương chấp hành các quy định tiếng ồn. Việc đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền là rất cần thiết bởi điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, cho các cơ sở kinh doanh, giúp các chủ thể này thấy được những tác hại của tiếng ồn đối với sức khỏe con người, đối với an ninh trật tự, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn.
Ba là, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán có phát sinh tiếng ồn trên địa bàn; phải xác định được cơ quan làm đầu mối trong việc tham mưu chính quyền địa phương có các biện pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn, tránh tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm. Đặc biệt, cần phải xem xét yêu cầu các cơ sở kinh doanh viết cam kết việc tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong sản xuất, kinh doanh và các hoạt động phát sinh tiếng ồn. Lập danh sách các điểm thường xuyên có sử dụng thiết bị âm thanh vi phạm gây tiếng ồn để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Đồng thời, xác định rõ, ở địa phương, cấp quận, huyện, xã nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.
Bốn là, cần nghiên cứu xem xét áp dụng cơ chế phạt nguội đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, phạt nguội được hiểu là hình thức xử lý vi phạm sau khi các chủ thể đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định. Với hình thức phạt này, chủ thể vi phạm không bị xử lý ngay khi vi phạm mà sẽ bị xử phạt sau. Việc phạt nguội có thể được tiến hành dựa trên những thông tin, dữ liệu thu thập được từ camara giám sát hoặc từ những thông tin, dữ liệu bằng chứng do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Việc áp dụng hình thức phạt nguội đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn sẽ góp phần phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân nâng cao ý thức trong việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn; đồng thời, giảm tải cho lực lượng chức năng trong việc tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn bảo đảm được hiệu quả kiểm soát, xử lý. Tuy nhiên, để hình thức xử phạt này phát huy hiệu quả thì cần thiết phải hoàn thiện các văn bản pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hiện nay, tại một số quốc gia, chỉ cần qua trình báo của người dân lân cận về hành vi gây tiếng ồn lớn, cảnh sát khu vực sẽ có mặt và kiểm tra, nếu đúng sự thật sẽ xử phạt ngay[10]. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể xem xét, đề xuất, kiến nghị áp dụng giải pháp này vào hoạt động kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn để góp phần nâng cao hiệu quả tối ưu đối với hoạt động này trên thực tế.
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Thành Luân, Thành phố Hồ Chí Minh: Ô nhiễm tiếng ồn gia tăng, http://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-o-nhiem-tieng-on-gia-tang-402452.html, truy cập ngày 01/11/2023.
[2]. Mai Quốc Ấn, “Khó khăn trong kiểm soát nạn ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh”, https://www.vietnamplus.vn/kho-khan-trong-kiem-soat-nan-o-nhiem-khong-khi-o-thanh-pho-ho-chi-minh/325457.vnp, truy cập ngày 02/11/2023.
[3]. Trần Trung, “Thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm hàng đầu thế giới”, vnreport.vn, truy cập ngày 02/11/2023.
[4]. Cẩm Nương, “Thành phố Hồ Chí Minh nhận hơn 11.000 phản ánh tiếng ồn, ồn nhất từ 18h - 22h”, https://tuoitre.vn/tp-hcm-nhan-hon-11-000-phan-anh-tieng-on-on-nhat-tu-18h-22h-20230930171724509.htm, truy cập ngày 02/11/2023.
[5]. Minh Hải, “Nhức nhối ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư”, https://baomoi.com/nhuc-nhoi-o-nhiem-tieng-on-trong-khu-dan-cu-c47301673.epi, truy cập ngày 02/11/2023.
[6]. VTC24h, “Thành phố Hồ Chí Minh: Nhức nhối cơ sở sản xuất nước đá gây ô nhiễm tiếng ồn”, https://vtv.vn/trong-nuoc/tp-hcm-nhuc-nhoi-co-so-san-xuat-nuoc-da-gay-o-nhiem-tieng-on-20141029205037002.htm, truy cập ngày 01/11/2023.
[7]. Sỹ Đông, “Quán xá dội nhạc, hàng xóm điên đầu”, https://nld.com.vn/ban-doc/quan-xa-doi-nhac-hang-xom-dien-dau-20150329222339898.htm, truy cập ngày 01/11/2023.
[8]. Ý Linh, “Không khó xử lý tiếng ồn karaoke, chỉ là muốn làm hay không mà thôi”, https://nld.com.vn/ban-doc/xu-ly-tieng-on-karaoke-nam-trong-kha-nang-cua-chinh-quyen-2019021914054851.htm, truy cập ngày 02/11/2023.
[9]. Kim Ngân, “Ô nhiễm tiếng ồn: Nguyên nhân cơ bản là buông lỏng quản lý”, https://tphcm.chinhphu.vn/o-nhiem-tieng-on-nguyen-nhan-co-ban-la-buong-long-quan-ly-101220923192229282.htm, truy cập ngày 02/11/2023.
[10]. Nguyễn Thành Công, “Trị tiếng ồn trong khu dân cư: Dễ hay khó: Nhà nước phải vào cuộc”, https://nld.com.vn/ban-doc/tri-tieng-on-trong-khu-dan-cu-de-hay-kho-nha-nuoc-phai-vao-cuoc-20200227211007696.htm, truy cập ngày 02/11/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023)