Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả phân tích các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong hoạt động công chứng, từ đó, chỉ ra những bất cập và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.
1. Vài nét khái quát về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng
Trong lĩnh vực công chứng, Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) là văn bản pháp lý quan trọng, sau đó là các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với nội dung xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực công chứng thì Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) là cơ sở pháp lý quan trọng. Căn cứ quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, có thể xác định các VPHC trong hoạt động công chứng tại Mục 3 bao gồm: Vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên; đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên (Điều 11); vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (Điều 12); vi phạm quy định của công chứng viên khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản (Điều 13); vi phạm quy định của công chứng viên về công chứng bản dịch (Điều 14); vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng (Điều 15); vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 16); vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 17)[1]
Về cơ bản, các quy định của pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực công chứng góp phần giúp các chủ thể có thẩm quyền xử phạt thuận tiện, nhanh chóng, không lúng túng khi xác định hành vi vi phạm và tiến hành khẩn trương xử phạt. Mặt khác, các quy định khá cụ thể đó cũng giúp cho các công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng thận trọng, kỹ lưỡng hơn khi hành nghề, bảo đảm tính chuẩn chỉnh của hoạt động công chứng, nâng cao chất lượng và vai trò của công chứng[2].
2. Một số bất cập của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng
Thứ nhất, Mục 3 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chưa phân định rõ ranh giới giữa xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản.
Tại Mục 3 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, một số VPHC trong hoạt động công chứng có sự trùng lặp với hành vi được xem là tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự), đó là các hành vi VPHC trong hoạt động công chứng liên quan đến việc tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản. Cụ thể: (i) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (điểm a khoản 1 Điều 12) bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; (ii) Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch (điểm b khoản 1 Điều 12) bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 340). Theo đó, người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt VPHC về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích, mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, đối với trường hợp cá nhân sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ đối mặt với hai trường hợp: (i) Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 340 Bộ luật Hình sự; (ii) Bị xử phạt VPHC theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Quy định trên tưởng rằng đã có sự phân định rõ ràng giữa truy cứu trách nhiệm hình sự với xử phạt VPHC về hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, hiện nay, pháp luật không quy định rõ trường hợp nào có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch mà “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để người có thẩm quyền tiến hành xử phạt theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Tương tự, trong Nghị định số 82/2020/NĐ-CP còn tồn tại khá nhiều trường hợp VPHC trong hoạt động công chứng có sự trùng lặp với hành vi được xem là tội phạm của Bộ luật Hình sự, có thể kể đến như: (i) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 11). (ii) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị miễn nhiệm công chứng viên bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 11). (iii) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc thẻ công chứng viên bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (điểm h khoản 4 Điều 15).
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự quy định về tội giả mạo trong công tác, nếu người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (điểm b khoản 1 Điều 359). So sánh các quy định giữa Nghị định số 82/2020/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự, có thể thấy, hành vi vi phạm là giống nhau nhưng chế tài và trách nhiệm pháp lý lại khác nhau. Rõ ràng, trong trường hợp này đã có sự chồng chéo về chế tài hành chính và hình sự khi xử lý những hành vi trên.
Thứ hai, hạn chế trong việc áp dụng hình thức phạt tiền trong hoạt động công chứng khi có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.
Khi xử phạt VPHC phải căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng có liên quan trong vụ vi phạm. Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về các tình tiết giảm nhẹ tại Điều 9 (gồm 08 tình tiết) và các tình tiết tăng nặng tại Điều 10 (gồm 12 tình tiết). Sự xuất hiện của các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng làm thay đổi mức độ trách nhiệm hành chính của chủ thể vi phạm. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt thấp hơn so với VPHC thông thường. Ngược lại, nếu có tình tiết tăng nặng, họ sẽ phải bị xử phạt cao hơn[3]. Tuy nhiên, hướng dẫn này vẫn còn chung chung, hơn nữa, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cũng không có quy định nào hướng dẫn xác định mức tiền phạt trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng. Vậy, câu hỏi đặt ra là người có thẩm quyền sẽ dựa vào tiêu chí nào để xác định mức tiền phạt cụ thể trong khi vấn đề này chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định.
Thứ ba, bất cập khi xem biện pháp “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” là biện pháp khắc phục hậu quả đối với các VPHC trong hoạt động công chứng.
Khi xử phạt đối với một VPHC cụ thể, đòi hỏi người có thẩm quyền xử phạt phải thẩm quyền áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với VPHC đó, nếu thiếu một trong hai điều kiện thì người đó không có thẩm quyền xử phạt (khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính)[4]. Về nội dung này, khi nghiên cứu các VPHC trong hoạt động công chứng thì Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã dành 05 điều luật để quy định nhóm biện pháp khắc phục hậu quả “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” được ghi nhận lần lượt tại các quy định: Điểm a khoản 3 Điều 3, điểm a khoản 4 Điều 11, điểm c khoản 5 Điều 12, điểm a khoản 9 Điều 15, điểm a khoản 8 Điều 16.
Tuy nhiên, việc quy định biện pháp “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” là biện pháp khắc phục hậu quả là chưa thỏa đáng vì các lý do sau đây:
(i) Biện pháp này không thể hiện tính quyền lực của người có thẩm quyền xử phạt VPHC. Bởi lẽ, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định “kiến nghị” trong phạm vi thẩm quyền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt (Điều 38 - Điều 51). Do đó, việc Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định biện pháp này trong phạm vi thẩm quyền của chủ thể xử phạt VPHC là chưa phù hợp.
(ii) Biện pháp này không thể hiện tính cưỡng chế hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả là hình thức cưỡng chế hành chính do Nhà nước tiến hành, buộc chủ thể VPHC phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nhất định nhằm khôi phục lại trật tự quản lý nhà nước đã bị các VPHC xâm hại, đưa các quan hệ pháp luật trở lại tình trạng ban đầu. Khi áp dụng các biện pháp này, chủ thể có thẩm quyền nhân danh quyền lực nhà nước để ban hành các quyết định đơn phương buộc chủ thể vi phạm phải chấp hành. Nếu chủ thể VPHC không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành[5]. Do đó, việc tồn tại các biện pháp mà bản chất là “kiến nghị”, không thể hiện được tính chất cưỡng chế hành chính - tức là buộc chủ thể phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nhất định. Bản chất của “kiến nghị” chính là tham mưu, tư vấn, còn có thực hiện hay không lại thuộc về quyền của người được kiến nghị. Với quy định về nhóm biện pháp “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung”, vô hình trung, Chính phủ đã quy định người có thẩm quyền xử phạt thành người đi tham mưu, tư vấn[6].
Thứ tư, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP không quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là chưa phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hiện nay, Điều 17 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tại khoản 1 và khoản 2 ghi nhận: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với Hiệp hội công chứng viên Việt Nam không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo khác theo yêu cầu của Bộ Tư pháp; 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với Hiệp hội công chứng viên Việt Nam không báo cáo Bộ Tư pháp về đề án tổ chức đại hội nhiệm kỳ, phương án nhân sự, kết quả đại hội”. Ngoài ra, 02 vi phạm trên không bị áp dụng bất kỳ biện pháp khắc phục hậu quả nào.
Về nguyên tắc, đối với mỗi VPHC, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức VPHC có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả (điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Sở dĩ có quy định như vậy bởi ý định của nhà làm luật là muốn khắc phục triệt để mọi hậu quả do VPHC gây ra. Nói cách khác là không để cho hậu quả xấu của VPHC tồn dư hay ứ đọng trên thực tế[7]. Việc không quy định biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên dẫn đến thực trạng, người có thẩm quyền bị “trói tay” khi không tìm thấy cơ sở pháp lý vững chắc để xử phạt. Như vậy, trong trường hợp này, việc áp dụng hình thức xử phạt tiền mà không kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là chưa phù hợp, chưa khắc phục được đầy đủ hậu quả do VPHC gây ra.
3. Một số kiến nghị
Một là, để có cơ sở pháp lý rõ ràng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự và người có thẩm quyền xử phạt VPHC áp dụng pháp luật một cách chính xác, trong bối cảnh Bộ luật Hình sự và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực pháp luật thì nhà làm luật cần giải thích cụ thể thế nào là “tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” nhằm phân định rõ ràng ranh giới giữa xử phạt VPHC và truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc phân định giữa xử phạt VPHC và xử lý hình sự đối với các hành vi “tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản” không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống VPHC liên quan đến hành vi này, mà còn hạn chế tình trạng “hình sự hóa các VPHC”.
Hai là, để bảo đảm việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng có ý nghĩa trong việc xử phạt thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cần xem xét bổ sung nguyên tắc xác định mức tiền phạt khi có các tình tiết này. Nhóm tác giả kiến nghị, cần tiếp thu điểm tiến bộ tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016), theo đó: “Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình. Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt”. Có thể thấy, việc xác định mức giảm theo cách thức này vừa giúp chủ thể có thẩm quyền dễ dàng xác định được mức phạt giảm bớt khi có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, vừa tạo ra được sự phân hóa trách nhiệm hành chính.
Ba là, đối với các VPHC cụ thể, có thể sử dụng hệ thống các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp để giải quyết mà không cần đến nhóm biện pháp “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung”, cụ thể: Các hành vi tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP: “tẩy xóa, chỉnh sửa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp” (khoản 1 Điều 11, điểm a khoản 1 Điều 12, điểm h khoản 4 Điều 15, điểm a khoản 3 Điều 16); “sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch” (điểm b khoản 1 Điều 12); “công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” (điểm m khoản 2 Điều 15).
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP) thì: “Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, thì phải quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó”. Do đó, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cần quy định các hình thức xử phạt phù hợp và phải thiết kế biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, chỉnh sửa, làm sai lệch nội dung”. Sau khi ban hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền sẽ có văn bản thông báo đến cơ quan đã cấp giấy tờ, văn bằng, giấy phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, chỉnh sửa, làm sai lệch nội dung thông tin để cơ quan này giải quyết theo quy định pháp luật.
Bốn là, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đưa ra các yêu cầu cần phải tuân thủ khi quy định về biện pháp khắc phục hậu quả. Một trong các yêu cầu cần được tuân thủ là “đáp ứng yêu cầu khôi phục lại trật tự quản lý hành chính nhà nước do VPHC gây ra”. Do đó, Chính phủ cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả sao cho rõ ràng, đầy đủ và hợp lý đối với các hành vi vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Vì thế, nhóm tác giả kiến nghị cần bổ sung biện pháp “buộc thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tư pháp” vào Điều 17 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
TS. Võ Trung Tín
Giảng viên Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Lê Bá Đức
Học viên Cao học Luật khóa 36, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Lê Bích Trân (2021), Hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng, http://pbgdpl.camau.gov.vn/hoan-thien-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-hoat-dong-cong-chung.1029, truy cập ngày 02/5/2023.
[2]. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (2021), Thực hiện pháp luật về công chứng, Nxb. Tư pháp, tr. 22 - 23.
[3]. Cao Vũ Minh, Nguyễn Nhật Khanh (2020), Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính - Sách chuyên khảo, Nxb. Thanh niên, tr. 70.
[4]. Nguyễn Nhật Khanh (2020), “Hình thức phạt tiền trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 01, tr. 45.
[5]. Cao Vũ Minh (Chủ biên, 2019), Một số biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính - Thực trạng và hướng hoàn thiện (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 16.
[6]. Cao Vũ Minh (2022), “Minh định bản chất của các biện pháp khắc phục hậu quả trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 07, tr. 12.
[7]. Cao Vũ Minh (Chủ biên, 2019), Tlđd, tr. 55.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)