1. Thực trạng các quy định pháp lý của ASEAN về hội nhập kinh tế
Trong thực hiện Cộng đồng ASEAN, hội nhập kinh tế được xác định là trọng tâm. Hiến chương ASEAN không quy định biện pháp cụ thể của các quốc gia ASEAN để xây dựng, thực hiện Cộng đồng Kinh tế nhưng đề ra nguyên tắc chung cho việc xây dựng Cộng đồng này là tuân thủ các nguyên tắc thương mại đa biên và các cơ chế dựa trên luật lệ của ASEAN nhằm triển khai có hiệu quả các cam kết kinh tế và giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các rào cản đối với liên kết kinh tế khu vực, trong một nền kinh tế do thị trường thúc đẩy. Theo đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thiết lập dựa trên nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại sâu rộng khác nhau như: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ..., trong đó, thương mại hàng hóa là xương sống trong hợp tác của Cộng đồng Kinh tế.
Cho đến nay, điều chỉnh việc hợp tác trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN có các điều ước quốc tế trong nội khối và giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối cũng như các văn kiện pháp lý khác không phải là điều ước quốc tế (sau đây gọi chung là quy định pháp lý của ASEAN). Theo đó, hệ thống quy định pháp lý của ASEAN về hội nhập kinh tế khá đồ sộ, có số lượng văn bản nhiều nhất so với các lĩnh vực hội nhập khác trong ASEAN.
Tính đến tháng 9/2020, ASEAN có gần 70 văn bản pháp lý về hội nhập kinh tế (trong đó, có 62 văn bản hội nhập kinh tế nội khối). Trong các văn bản pháp lý về hội nhập của ASEAN thì các văn bản hội nhập giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình thực hiện các nội dung của Cộng đồng Kinh tế, ví dụ: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ở lĩnh vực hội nhập này, tuy có nhiều văn bản có nội dung thực chất hơn các lĩnh vực hội nhập khác của ASEAN nhưng bên cạnh đó cũng còn có khá nhiều văn kiện pháp lý chưa thực sự có các nội dung mang lại giá trị hội nhập sâu rộng theo đúng mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế. Trong hội nhập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bài viết này chỉ tập trung phân tích, làm rõ thực trạng quy định pháp lý ASEAN điều chỉnh ở một số lĩnh vực chính, quyết định đến nội dung hội nhập của cộng đồng này như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ.
1.1. Thương mại hàng hóa
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, trước đây, ASEAN đã có một số văn bản pháp lý như: Hiệp định Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực mậu dịch tự do (AFTA) năm 1992, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực mậu dịch tự do (AFTA) năm 1995. Tuy nhiên, đến tháng 8/2007, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nhất trí củng cố Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung thực hiện Thỏa thuận Thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA). Do đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được các quốc gia ASEAN ký kết vào tháng 02/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010.
Hiệp định ATIGA tổng hợp và hài hòa tất cả các điều khoản trong CEPT/AFTA và chính thức hóa một số quyết định của ASEAN để trở thành công cụ pháp lý duy nhất ở hình thức điều ước quốc tế cho các cơ quan nhà nước cũng như khu vực tư nhân trong toàn ASEAN áp dụng và thực thi ở lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Phụ lục Hiệp định ATIGA đã đưa ra Biểu cắt giảm thuế quan đầy đủ đối với mỗi quốc gia thành viên và nêu rõ mức thuế suất được áp dụng đối với mỗi dòng sản phẩm trong mỗi năm tới năm 2015. Theo đó, các nước trong khối ASEAN xóa bỏ thuế quan đối với phần lớn các mặt hàng, trừ nông sản chưa chế biến đưa về 0 - 5%. Đối với nhóm 04 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, thuế suất được đưa về 0 - 5% đối với các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm từ ngày 01/01/2009 và đưa về 0% từ ngày 01/01/2015. Đặc biệt, thuế suất đối với nông sản chưa chế biến giảm xuống 0% vào năm 2013. Hiệp định quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến 2018 với 04 nhóm nước trên, đồng thời, cho phép tạm dừng hoặc điều chỉnh cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan giữa các nước trong khối ASEAN. Ngoài mục tiêu xóa bỏ hàng rào thuế quan, ATIGA hướng tới nỗ lực chung của ASEAN để xử lý tối đa các hàng rào phi thuế quan, hợp tác hải quan và vệ sinh…, đồng thời, xác lập mục tiêu hài hòa chính sách giữa các thành viên ASEAN trong bối cảnh xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Cùng với ATIGA, ASEAN cũng có các văn kiện pháp lý khác liên quan dưới hình thức tuyên bố, hiệp định, bản ghi nhớ, nghị định thư... để điều chỉnh các nội dung cụ thể trong hợp tác, hội nhập liên quan đến thương mại hàng hóa ở các ngành nghề khác nhau.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các Khu Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tồn tại các hiệp định/chương quy định về thương mại hàng hóa thuộc các FTA và có cam kết khá sâu, cụ thể:
- Đối với Hiệp định Thương mại hàng hóa năm 2004 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc:
+ Mặt hàng nông sản và thủy sản theo Chương trình thu hoạch sớm (EHP) từ Chương 1 - 8 của Biểu thuế nhập khẩu sẽ giảm từ năm 2004 và về 0% ở năm 2008;
+ Danh mục nhạy cảm (ST), như trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ vận tải, xăng dầu, sắt thép… giảm thuế 0 - 5% vào năm 2020 đối mặt hàng nhạy cảm thường và 50% vào năm 2018 với mặt hàng nhạy cảm cao;
+ Danh mục thông thường, Việt Nam cam kết giảm khoảng 90% số dòng thuế của Biểu nhập khẩu và thực hiện từ năm 2006.
- Đối với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) năm 2005, ASEAN cũng có cam kết thương mại hàng hóa khá sâu. Trên cơ sở cam kết chung tại Hiệp định, từng quốc gia ASEAN có những biểu cam kết cụ thể về cắt giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Riêng với Việt Nam, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, 14% tổng số dòng thuế còn lại sẽ: (i) Giảm thuế về 5% vào thời điểm cuối lộ trình (năm 2021); (ii) Cắt giảm một phần thuế suất vào 2021 hoặc giữ nguyên thuế suất MFN.
- Liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), với mục tiêu xây dựng ASEAN thành khu vực sản xuất chung giữa ASEAN và Nhật Bản, tăng cường chuỗi liên kết sản xuất giữa hai bên thì cam kết về thương mại hàng hóa tại Hiệp định này cũng có mức độ tự do hóa khá cao. Đối với Việt Nam, cam kết xóa bỏ 62,2% dòng thuế trong vòng 10 năm thực hiện Hiệp định, tiếp theo, sau 15 và 16 năm thực hiện Hiệp định sẽ giảm tiếp tương ứng là 25,7% và 0,7% dòng thuế. Danh mục nhạy cảm (SL) giảm xuống 5% vào năm 2025; danh mục nhạy cảm cao (HSL) giảm xuống 50% vào năm 2023. Ngoài ra, danh mục xóa bỏ thuế quan chiếm 3,3% dòng thuế; danh mục loại trừ chiếm 6,0% dòng thuế.
- Về Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ năm 2009, ASEAN cũng có mức độ cam kết sâu tương tự các hiệp định nêu trên. Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021 (71% số dòng thuế vào 2018 và 9% số dòng thuế vào 2021), 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024), danh mục loại trừ gồm 468 dòng HS 06 số (chiếm khoảng 10% số dòng thuế).
- Chương thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định thành lập Khu Mậu dịch tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA) năm 2009, Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN khác cam kết giảm thuế và tự do hóa với nhiều mặt hàng. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan 90% số dòng thuế của Biểu Thuế nhập khẩu (danh mục thông thường), trong đó 54% số dòng thuế vào năm 2016, 85% số dòng thuế vào năm 2018 và 90% số dòng thuế vào năm 2020.
- Đối với Hồng Kông (Trung Quốc), ASEAN cũng đã ký Hiệp định Thương mại tự do năm 2017 (AHKFTA), theo đó, Hồng Kông cam kết loại bỏ 100% thuế quan đối với hàng hóa ASEAN ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cam kết này cơ bản không làm thay đổi hiện trạng bởi Hồng Kông hiện đã loại bỏ thuế hầu như 100% các mặt hàng trong Biểu thuế.
Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan cho các đối tác đối với 75% dòng thuế theo lộ trình 10 năm, 10% dòng thuế theo lộ trình 14 năm. Mức này có thể nói là thấp hơn nhiều so với cam kết thuế quan của Việt Nam trong ASEAN (ATIGA). Xét về tổng thể, AHKFTA hầu như không phải là nằm ở thuế quan mà chủ yếu ở việc tận dụng Hồng Kông (Trung Quốc) như là một trung tâm trung chuyển logistics và tài chính.
Liên quan đến hội nhập giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối, năm 2020, ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này sau khi có hiệu lực sẽ cùng tồn tại song song với các hiệp định về khu mậu dịch tự do ASEAN đã có với các quốc gia nêu trên. Tuy nhiên, các cam kết về thương mại hàng hóa tại RCEP có mức độ mở cửa cao hơn các FTA mà các quốc gia thành viên RCEP đã có với ASEAN trước đó nên trên thực tế, quan hệ thương mại hàng hóa giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand sẽ thực hiện theo RCEP, theo đó, ngoài các nghĩa vụ đối xử quốc gia, phí và phụ phí, loại bỏ các hạn chế định lượng đối với xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh... được thực hiện theo quy định của Hiệp định chung về Thuế và thương mại của WTO (GATT), Chương 2 RCEP quy định về thực hiện lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên đính kèm tại Phụ lục I của Hiệp định.
Trong khuôn khổ RCEP, Việt Nam chào cho các nước ASEAN và các nước đối tác ngoài khối tỷ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết tại các FTA trong khuôn khổ ASEAN Cộng (FTA ASEAN Cộng) hiện hành, cụ thể: Chào cho ASEAN là 90,3%, cho Australia và New Zealand là 89,6%, cho Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%. Với Trung Quốc, Việt Nam chào tỷ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN - Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành của Việt Nam, nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi RCEP). Trong khi đó, các nước đối tác chào cho Việt Nam tỷ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn so với Việt Nam chào cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể: Australia xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%.
1.2. Thương mại dịch vụ
Ở lĩnh vực dịch vụ, các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) nhằm: (i) Thúc đẩy hợp tác dịch vụ giữa các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) để nâng cao hiệu quả và cạnh tranh của các ngành dịch vụ ASEAN, đa dạng hóa khả năng sản xuất, cung cấp và đóng góp của lĩnh vực dịch vụ; (ii) Cắt giảm các hàng rào hiện có đối với thương mại dịch vụ; (iii) Tự do hóa thương mại dịch vụ theo cả chiều rộng và chiều sâu dựa trên các cam kết của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO.
Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cũng đã lần lượt ký các nghị định thư thực hiện gói cam kết dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định AFAS. Cho đến nay, các nước ASEAN đã và đang thực hiện 10 gói cam kết dịch vụ trong khuôn khổ AFAS và một số gói cam kết khác về dịch vụ tài chính, vận tải hàng không. Nhìn chung, các cơ sở pháp lý cho thực hiện cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ của các nước ASEAN là khá sâu rộng.
Mặt khác, từ năm 2013 đến 2019, ASEAN tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của Hiệp định AFAS và Hiệp định này đã được ký vào tháng 4/2019, hiện đang trong quá trình các quốc gia ASEAN thực hiện thủ tục pháp lý nội bộ để có hiệu lực. Đây là Hiệp định có nhiều nội dung mới so với AFAS theo hướng tăng cường mở cửa, hội nhập và tự do hóa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Đặc biệt, trong việc mở cửa thị trường dịch vụ, ASEAN thay nguyên tắc cũ “chọn cho” bằng nguyên tắc mới “chọn bỏ”. Đây là cách tiếp cận mới về mở cửa thị trường dịch vụ trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ví dụ: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, ngoài các dịch vụ không mở cửa hoặc mở cửa hạn chế được liệt kê cụ thể tại danh mục kèm theo cam kết của mỗi quốc gia thành viên thì những loại hình dịch vụ khác, thể nhân, pháp nhân của các quốc gia thành viên khác sẽ được đầu tư, kinh doanh tại quốc gia sở tại đó.
Liên quan đến các khuôn khổ ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc) các cam kết về dịch vụ cũng được hình thành theo khuôn khổ các FTA liên quan. Đối với cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong các khuôn khổ này tương đương với cam kết của Việt Nam tại WTO.
Trong khuôn khổ REP, Chương 8 về Thương mại dịch vụ được xây dựng đồng thời theo hai phương thức tiếp cận “chọn cho” và “chọn bỏ”, tùy thuộc việc các nước lựa chọn cách đưa ra biểu cam kết. Các nước lựa chọn phương thức “chọn cho” phải lựa chọn một số phân ngành áp dụng nguyên tắc MFN tự động và nguyên tắc đơn phương tự do hóa chỉ tiến không lùi (ratchet), đồng thời, sẽ phải chuyển đổi sang phương thức tiếp cận “chọn bỏ” sau 06 năm kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, với mức độ mở cửa thị trường không thấp hơn mức độ cam kết trong biểu cam kết “chọn cho”. Việt Nam lựa chọn phương thức tiếp cận “chọn cho”, với mức độ mở cửa thị trường về cơ bản tương đương với mức cam kết trong khuôn khổ ASEAN và không cao hơn pháp luật hiện hành. Việt Nam lựa chọn 06 phân ngành đã tự do hóa hoàn toàn để áp dụng nguyên tắc MFN tự động và nguyên tắc đơn phương tự do hóa. Hiệp định có quy định quá trình chuyển đổi từ biểu cam kết “chọn cho” sang “chọn bỏ” không yêu cầu cải thiện mức cam kết (bao gồm cả số lượng phân ngành áp dụng nguyên tắc MFN tự động), nhằm bảo đảm các dịch vụ nhạy cảm như tài chính, viễn thông tránh được khả năng phải áp dụng nghĩa vụ MFN tự động. Ngoài các nguyên tắc chính điều chỉnh thương mại dịch vụ nói chung, Chương Thương mại dịch vụ còn bao gồm 03 Phụ lục riêng về dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông và dịch vụ chuyên môn, trong đó: (i) Phụ lục dịch vụ tài chính đưa ra các cam kết liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính, đồng thời tạo một khoảng không chính sách bảo đảm cho các cơ quan quản lý tài chính duy trì khả năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính. So với WTO và các Hiệp định ASEAN+ khác, RCEP có một số quy định mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như nghĩa vụ về minh bạch hóa các quy định tài chính và cung cấp các dịch vụ tài chính mới (các nghĩa vụ này phù hợp với một số FTA thế hệ mới khác mà ta đã ký kết). (ii) Phụ lục dịch vụ viễn thông có phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn trong thương mại dịch vụ viễn thông công cộng, không bao gồm các chương trình phát thanh và truyền hình. Một số điều khoản mới so với WTO như chuyển mạng giữ số, bán lại dịch vụ viễn thông công cộng, cung cấp dịch vụ thuê kênh riêng, chung điểm đặt thiết bị, hệ thống cáp biển, tiếp cận hạ tầng viễn thông thụ động... Nhìn chung, mức độ cam kết về dịch vụ viễn thông cơ bản cao hơn so với cam kết của Việt Nam trong WTO nhưng thấp hơn so với cam kết trong các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và phù hợp với khung pháp lý về viễn thông hiện hành của Việt Nam. Đặc biệt đối với hệ thống cáp biển quốc tế, Việt Nam chỉ cam kết đối với trạm cập bờ hệ thống cáp biển quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam, không cam kết đối với hình thức chung điểm đặt thiết bị, đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông công cộng nước ngoài muốn đặt thiết bị để cung cấp dịch vụ tại các trạm cập bờ thì phải tuân thủ quy định về cấp phép của Việt Nam. (iii) Phụ lục dịch vụ chuyên môn chỉ mang tính khuyến khích cho việc công nhận lẫn nhau các trình độ, bằng cấp chuyên môn giữa các nước có nhu cầu, cũng như thúc đẩy phát triển tiêu chuẩn và tiêu chí chung đối với một số dịch vụ chuyên môn như giáo dục, bảo vệ người tiêu dùng[1]...
1.3. Về lĩnh vực đầu tư
Hiệp định Hợp tác đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được các nước ASEAN ký kết ngày 26/02/2009. ACIA được sửa đổi ở các năm 2014, 2017 và 2019 để dần tiếp cận các tiêu chuẩn mới, hiện đại về đầu tư, đặc biệt lần sửa ở năm 2019 đã thay thế hoàn toàn Điều 7 ACIA về cấm đặt ra các yêu cầu thực hiện đầu tư trên cơ sở cách tiếp cận ở các FTA thế hệ mới để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nội khối.
ACIA là một Hiệp định đầu tư toàn diện điều chỉnh các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ liên quan tới 05 lĩnh vực trên. Theo Hiệp định này, các nước ASEAN cần thực hiện lộ trình tiếp tục cắt giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những rào cản đối với đầu tư nội khối để hướng tới mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường thương mại tự do và đầu tư thống nhất. Như vậy, những điều khoản mới của ACIA gồm: (i) Các quy định về một môi trường đầu tư tự do, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh hơn dựa trên những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất; (ii) Hoàn thiện các quy định hiện hành của Hiệp định AIA và IGA như ISDS, chuyển giao và đối xử đầu tư; (iii) Điều khoản mới cấm đưa ra các yêu cầu thực hiện đối với nhà đầu tư; (iv) Các quy định về nhân sự quản lý cao cấp và ban giám đốc tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các nhà quản lý cấp cao chủ chốt nước ngoài; (v) Các quy định toàn diện của Hiệp định ACIA sẽ tăng cường bảo hộ đầu tư và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư hoạt động tại khu vực. ACIA cũng khuyến khích phát triển đầu tư nội khối ASEAN, đặc biệt là giữa các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN thông qua hợp tác phát triển công nghiệp và chuyên môn hóa, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế. Bên cạnh đó, ACIA cũng tiếp thu các quy định mới về đầu tư trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tăng cường tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của khu vực ASEAN.
ASEAN cũng có các cam kết về đầu tư với 06 quốc gia ngoại khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc) trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các cam kết này có tiêu chuẩn bảo hộ khá cao, nhất là các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước (ISDS). Tuy nhiên, so với các cam kết bảo hộ tại các FTA thế hệ mới thì mức độ bảo hộ đầu tư không chặt chẽ và có tiêu chuẩn cao bằng.
Liên quan đến RCEP, Chương 10 về Đầu tư có cam kết cao hơn so với các hiệp định FTA ASEAN Cộng đã ký kết với 06 quốc gia nêu trên, như bổ sung nghĩa vụ ngoài các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định về Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) của WTO; cam kết về MFN tự động; cam kết nghĩa vụ đơn phương tự do hóa chỉ tiến không lùi (Ratchet) đối với danh mục A tại danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích của các nước. Nghĩa vụ Ratchet chỉ áp dụng đối với các nước sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Chương Đầu tư của RCEP cũng bổ sung cơ chế xem xét, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư tại một nước RCEP phù hợp với pháp luật của nước đó. Tuy nhiên, cho đến nay, Chương Đầu tư của RCEP không có cơ chế ISDS và vấn đề tước quyền sở hữu liên quan đến thuế. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận sau khi RCEP có hiệu lực. Tại RCEP, Việt Nam bảo lưu được quy định không áp dụng Điều khoản MFN tự động trong lĩnh vực đầu tư với Việt Nam. Đối với các nghĩa vụ như đối xử quốc gia, hội đồng quản trị, yêu cầu hoạt động, các cam kết của Việt Nam trong RCEP không vượt quá mức cam kết của ta trong các FTA thế hệ mới đã ký như CPTPP, EVIPA[2].
1.4. Sở hữu trí tuệ
Ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN về Sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực liên quan để cung cấp một cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế tiến tới xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Theo Hiệp định này, các nước thành viên khi thực hiện có trách nhiệm bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, nguyên tắc và tiêu chuẩn được đặt ra tại Hiệp định TRIPs/WTO và các công ước có liên quan.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ASEAN cũng đã có cam kết với các đối tác ngoài khối như: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc). Mặc dù vậy, nội dung hợp tác trong lĩnh vực này của ASEAN khá mờ nhạt, không có nhiều cam kết thực chất và sâu, ngoại trừ với Australia, New Zealand và Hồng Kông.
Đến RCEP, Chương Sở hữu trí tuệ đưa ra cách tiếp cận cân bằng và toàn diện hơn về việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong khu vực. Chương này bao gồm các cam kết hài hòa hóa về mức độ bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng trên cơ sở quy định TRIPS của WTO. Bên cạnh đó, Chương này cũng có cam kết rộng và cao hơn so với TRIPS liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp như thủ tục đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý..., biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thực thi quyền trong môi trường kỹ thuật số, vấn đề bảo hộ sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống hoặc làm rõ hơn các nghĩa vụ về thực thi quyền bằng biện pháp hình sự trong TRIPS. Ngoài ra, Chương Sở hữu trí tuệ của RCEP cũng có điều khoản về hợp tác nhằm thực thi hiệu quả các cam kết. Nhìn chung, cam kết về sở hữu trí tuệ trong RCEP toàn diện và cao so với cam kết trong các Hiệp định khác của ASEAN[3] có cam kết về sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh những lĩnh vực chính nêu trên, các điều ước quốc tế nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các quốc gia/vùng lãnh thổ bên ngoài khối cũng có những cam kết ở nhưng lĩnh vực khác, như: Quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, phòng vệ thương mại...
Ngoài ra, trong khuôn khổ ASEAN còn có một số văn kiện pháp lý khác hỗ trợ chung cho các lĩnh vực hội nhập kinh tế, như: Nghị định thư về Tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN năm 2010 (các quốc gia ASEAN đã hoàn tất việc ký Nghị định thư về Tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN mới vào năm 2019, hiện các quốc gia thành viên ASEAN đang thực hiện thủ tục pháp lý nội bộ để hiệp định này có hiệu lực), Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân năm 2012…
2. Vai trò của Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện quy định pháp lý về hội nhập kinh tế ASEAN
Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN (1995), Việt Nam đã tích cực tham gia việc đàm phán, xây dựng các điều ước quốc tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ ASEAN.
2.1. Mặt tích cực
2.1.1. Đối với điều ước quốc tế về thương mại hàng hóa
Các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia đàm phán để thiết lập Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) để thay thế cho 11 Hiệp định liên quan đến thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Khu mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA). Mặc dù mới tham gia ASEAN, Việt Nam đã thể hiện được quan điểm thiết lập các cam kết theo Hiệp định này trên cơ sở lợi ích của cả khối và từng quốc gia.
Trong khuôn khổ ATIGA, Việt Nam cũng đã cam kết ở mức độ khá cao về xóa bỏ thuế quan, khoảng 98,2% dòng thuế nhập khẩu (ở mức tương đương với các nước ASEAN khác có mức độ mở cửa về thương mại hàng hóa như Singapore, Brunei, Philippines, Malaysia, Thái Lan). Tuy nhiên, Việt Nam có lộ trình được kéo dài đến 2024.
Việt Nam cũng luôn thúc đẩy việc tự do hóa thương mại ở tiêu chuẩn cao hơn với việc tích cực đàm phán và cam kết theo Chương về thương mại hàng hóa trong RCEP. Với cam kết hiện tại của Việt Nam theo RCEP, việc mở của thị trường hàng hóa của các đối tác ngoài khối ASEAN theo hướng thuận lợi hơn cho hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường này.
2.1.2. Lĩnh vực thương mại dịch vụ
Thương mại dịch vụ là lĩnh vực khá phức tạp trong ASEAN, trong khuôn khổ Hiệp định khung về Dịch vụ của ASEAN (AFAS), Việt Nam cũng đã có 10 gói cam kết dịch vụ và các gói dịch vụ chuyên môn khác như về hàng không, tài chính.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình phê duyệt ATISA và đang tiến hành xây dựng Danh mục NCM[4] (Danh mục không tương thích về dịch vụ) của Việt Nam. Ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực nhất trong đàm phán và thực hiện các thủ tục pháp lý để ATISA sớm có hiệu lực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực trong thực hiện những tiêu chuẩn mới về cam kết dịch vụ trong RCEP. Cam kết dịch vụ của RCEP đã làm đồng bộ hóa hơn cam kết quốc tế về dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời, mở ra những cơ hội thu hút đầu tư cũng như tạo thuận lợi hơn cho việc đầu tư của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài.
2.1.3. Lĩnh vực đầu tư
Ở lĩnh vực đầu tư, trước khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN thì ASEAN đã có Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư ASEAN năm 1987 (IGA). Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam tham gia cùng các quốc gia khác đàm phán, ký Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) năm 1998 nhằm thúc đẩy hơn nữa tự do hóa đầu tư nội khối.
Đến năm 2009, Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN khác ký Hiệp định Đầu tư toàn diện trong ASEAN (ACIA) thay thế cho hai hiệp định nêu trên. Từ đó đến nay, Việt Nam cũng tích cực đàm phán, ký các nghị định thư để sửa đổi ACIA để đưa vào những nguyên tắc mới trong bảo hộ đầu tư, phù hợp với xu hướng tiến bộ của quốc tế. Cùng với việc này, việc bảo hộ đầu tư ở khuôn khổ ASEAN cộng như RCEP được Việt Nam quan tâm, thúc đẩy.
2.1.4. Lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Đây là lĩnh vực ít biết động và không hiệu quả nhất trong hội nhập kinh tế của ASEAN. Quy định pháp lý chủ yếu của ASEAN ở lĩnh vực này là Hiệp định khung về Sở hữu trí tuệ của ASEAN năm 1995. Do đó, vai trò đối với việc hoàn thiện, xây dựng quy định pháp lý của ASEAN ở lĩnh vực này không rõ nét. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ASEAN với các đối tác, ASEAN đã bắt đầu có những cam kết mạnh mẽ hơn thể hiện trong Chương Sở hữu trí tuệ của RCEP.
2.2. Những hạn chế
Mặc dù Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể, thể hiện vai trò của mình trong xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý trong ASEAN. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đối với công việc này, sự tham gia của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế sau đây:
2.2.1. Hạn chế về phối hợp với các quốc gia ASEAN trong xây dựng quy tắc pháp lý
- Thiếu sự chủ động trong đề xuất các quy tắc mới trong ASEAN: Trong những năm qua, trong lĩnh vực hội nhập kinh tế, ASEAN đã xây dựng khá nhiều điều ước quốc tế nhưng thực tế cho thấy, đa phần đều xuất phát từ sáng kiến của 06 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei. Điều này gây bất lợi cho Việt Nam vì làm giảm cơ hội chủ động kết nối, tận dụng cơ hội hội nhập trong ASEAN để tạo sự cộng hưởng chung với hội nhập quốc tế ở các khuôn khổ khác của Việt Nam. Đây cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân là các cơ quan nhà nước của Việt Nam chưa thực sự chú ý đúng mức tới hội nhập quốc tế trong khuôn khổ ASEAN.
- Chưa thực sự tích cực trong đàm phán, xây dựng các quy định pháp lý trong ASEAN: Ở lĩnh vực hội nhập kinh tế, hàng năm, ASEAN có nhiều cuộc đàm phán xây dựng quy tắc pháp lý liên quan, thường do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kết nối, phối hợp với các bộ, ngành khác tham gia đàm phán. Các bộ, ngành cũng đã có cố gắng trong việc cử người tham gia nhưng chưa thực sự đều đặn do thiếu kinh phí hoặc thậm chí không có chuyên gia cố định để đàm phán một điều ước quốc tế cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều cuộc đàm phán, các bộ, ngành chưa cử được chuyên gia chuyên sâu tham gia để bảo đảm hiệu quả trong đàm phán.
2.2.2. Hạn chế ở các chính sách, quy định trong nước bảo đảm chất lượng cho việc tham gia xây dựng quy tắc pháp lý của ASEAN
- Chính sách, pháp luật về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong ASEAN nói riêng của Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế chưa thực sự nghiêm và quyết liệt. Cơ chế giám sát, theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, đề án, chương trình về hội nhập quốc tế chưa thực sự được chú trọng, gây khó khăn trong việc tổng hợp đầy đủ, kịp thời cũng như đánh giá kết quả của việc triển khai một cách xác đáng và toàn diện. Do đó, khi tham gia đàm phán, xây dựng quy định pháp lý trong ASEAN thiếu định hướng rõ ràng và nhiều trường hợp không có quan điểm nhất quán.
- Một số bộ, ngành và địa phương còn chưa chú trọng đến hội nhập quốc tế trong ASEAN. Hiện tượng này có thể xuất phát từ tâm lý coi nhẹ hội nhập trong ASEAN so với các khuôn khổ hợp tác khác, thậm chí có một số lúc, một số nơi còn cho rằng, hội nhập trong ASEAN không thực chất, nặng về hình thức “nói nhiều nhưng làm thì ít”.
- Các quy định pháp luật trong nước về đàm phán, tham gia xây dựng các quy định pháp lý trong ASEAN còn chưa thực sự đồng bộ và hoàn thiện. Hiện nay, liên quan đến xây dựng điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nội dung còn chưa được xử lý thực sự thấu đáo, ví dụ: Thỏa thuận quốc tế cấp bộ, ngành hay một số nội dung liên quan đến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) còn bị điều chỉnh đặc thù ở văn bản dưới luật như Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
2.3. Giải pháp
Một là, các cơ quan nhà nước, nhất là các bộ, ngành quản lý về kinh tế cần chủ động đưa ra các sáng kiến về xây dựng các quy định pháp lý của ASEAN trên cơ sở chiến lược hội nhập kinh tế của Việt Nam và các cam kết liên quan của nước ta tại các khuôn khổ hội nhập kinh tế quốc tế khác.
Hai là, các cơ quan, cán bộ được cử tham gia đàm phán xây dựng quy tắc pháp lý của ASEAN cần nâng cao trách nhiệm, chuẩn bị tốt phương án đàm phán, tham gia đàm phán và cử những người thực là chuyên gia chuyên sâu trong các lĩnh vực được đàm phán để bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia.
Ba là, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp để khẩn trương xây dựng được chiến lược của Việt Nam trong hội nhập ASEAN.
Bốn là, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước cho việc tham gia của Việt Nam vào việc xây dựng các quy định pháp lý trong ASEAN và thực hiện hiệu quả các cam kết với ASEAN.
TS. Trần Anh Tuấn
ThS. Nguyễn Thị Thu Phương
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
ThS. Nguyễn Thị Thu Phương
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Như đã trích dẫn ở trên.
[2]. Như đã trích dẫn ở trên.
[3]. Danh mục những lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa hoặc mở cửa hạn chế.