Tóm tắt: Sau hơn 07 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật Công chứng), tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực công chứng đã đạt được nhiều kết quả, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, còn thiếu một số quy định để điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh. Bài viết đánh giá tổng quan về kết quả thực hiện Luật Công chứng và đề xuất một số chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng.
Abstract: After more than 07 years of implementation of the 2014 Notarization Law, the amendment and supplement of 2018 (Notarization Law), the organization and operation in the field of notarization have achieved many results, continuing to make active contributions to the implementation of the policy of socializing notarization activities; ensure the legal safety of contracts, transactions, the value of using translations, contribute to creating a favorable and reliable legal environment for investment, business and trade activities and make important contribution to the process of administrative reform and judicial reform. In addition to the achieved results, the Law on Notarization has revealed a number of limitations and inadequacies, and a lack of regulations to adjust new issues. The article gives an overview of the results of the implementation of the Law on Notarization and proposes a number of policies to amend and supplement the Law on Notarization.
1. Kết quả thực hiện Luật Công chứng
- Về đội ngũ công chứng viên: Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 3.074 công chứng viên, số lượng công chứng viên tăng khoảng gần 2,7 lần so với thời điểm Luật Công năm 2006 chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành[1]. Các công chứng viên được bổ nhiệm theo Luật Công chứng đều có trình độ cử nhân luật trở lên; đều qua đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Đa số công chứng viên có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết và chuyên tâm với nghề.
- Về tổ chức hành nghề công chứng: Tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, tăng 673 tổ chức, tăng hơn 02 lần[2]. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Văn phòng Công chứng theo chủ trương xã hội hóa.
- Về kết quả hoạt động công chứng: Trong 07 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng; tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 02 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
- Về cơ sở dữ liệu công chứng: Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 50/63 địa phương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng, chiếm tỷ lệ hơn 79%. Hầu hết, các tổ chức hành nghề công chứng đều tham gia; cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng tại tổ chức mình vào cơ sở dữ liệu chung. Sở Tư pháp cũng thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên: Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước thành lập được 61/63 Hội Công chứng viên[3] (tăng hơn 15 lần so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, đạt tỷ lệ 96,8%)[4] và sự ra đời của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ trung ương đến địa phương. Sự kiện thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tạo dấu mốc quan trọng cho sự phát triển nghề công chứng tại Việt Nam, hoàn thành cam kết của Việt Nam với Liên minh Công chứng quốc tế.
2. Một số tồn tại, bất cập
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như sau:
Một là, hoạt động công chứng ở Việt Nam còn có điểm chưa phù hợp, chưa bảo đảm điều kiện cần thiết để thực hiện công chứng nội dung. Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng (thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch). Vẫn còn không ít công chứng viên chưa đủ kiến thức về ngôn ngữ để chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của bản dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Hai là, chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội. Việc hợp danh của các công chứng viên tại một số tổ chức hành nghề công chứng còn mang tính hình thức. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập Văn phòng Công chứng của công chứng viên còn dễ dãi, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một Văn phòng Công chứng.
Ba là, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng còn chưa nhất quán, chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển (nhất là sau khi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng). Sau khi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, xu hướng các Văn phòng Công chứng chuyển về đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số địa phương tại một số địa bàn cấp huyện không có Văn phòng Công chứng hoạt động. Một số Văn phòng Công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại chỉ đứng danh.
Bốn là, phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn có điểm chưa thật rõ, quy định “tản mát” ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Hôn nhân và gia đình…). Ngoài ra, thời điểm có hiệu lực của giao dịch, hợp đồng phải công chứng còn quy định chưa thống nhất giữa các luật[5]; một số trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp.
Năm là, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Hiện nay, vẫn chưa có cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia thống nhất trong cả nước; việc chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu liên quan còn hạn chế.
Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế là rất cần thiết.
3. Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng
Để nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, trong quá trình sửa đổi Luật Công chứng cần thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng, phạm vi thẩm quyền của công chứng viên và các nguyên tắc cơ bản nhằm phát triển hoạt động công chứng của nước ta theo đúng mô hình công chứng nội dung. Theo đó, cần xác định rõ công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch. Đối với bản dịch, công chứng viên chỉ thực hiện quy trình chứng thực chữ ký người dịch mà không công chứng bản dịch; quy định công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra, xác minh trong trình tự, thủ tục công chứng giao dịch để bảo đảm tính xác thực, tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận của chủ thể tham gia giao dịch, tính có thật của đối tượng giao dịch. Quy định nguyên tắc tại những địa bàn cấp huyện mà hoạt động công chứng đã phát triển thì việc chứng nhận giao dịch sẽ do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Lộ trình, cách thức thực hiện và việc giải quyết các vấn đề có liên quan để hoàn thành quá trình chuyển giao này do Chính phủ quy định.
Thứ hai, phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững. Theo đó, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc hành nghề công chứng, đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên.
Thứ ba, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc hợp danh hoặc thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng Công chứng. Theo đó, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc thành lập Văn phòng Công chứng, thủ tục thành lập Văn phòng Công chứng, thay đổi thành viên hợp danh của công chứng viên trong Văn phòng Công chứng. Việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng không theo quy hoạch, tôn trọng quy luật cung cầu nhưng Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát, điều tiết hoạt động công chứng, nhất là trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng bảo đảm tổ chức hành nghề công chứng phát triển ổn định, bền vững.
Thứ tư, xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp. Theo đó, cần quy định rõ công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm xác minh các tình tiết, sự kiện trong giao dịch để giao dịch được công chứng bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp; quy định rõ hơn về phạm vi công chứng, thời hạn công chứng, thành phần giấy tờ trong hồ sơ công chứng…; quy định cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng bảo đảm kết nối với cơ sở dữ liệu khác của Ngành Tư pháp và có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (trừ liên quan đến nội dung an ninh, quốc phòng).
Thứ năm, tăng cường công cụ quản lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Theo đó, cần tăng cường công cụ quản lý nhà nước thông qua tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Văn phòng Công chứng; đăng ký hoạt động, thay đổi thành viên hợp danh, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo đề án/kế hoạch (đối với tổ chức hành nghề công chứng); tiêu chuẩn, điều kiện trở thành công chứng viên, điều kiện hành nghề công chứng, tạm định chỉ hành nghề, miễn nhiệm công chứng viên; tăng cường công cụ tự quản cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp thông qua bổ sung quy định về mối liên hệ giữa xử lý kỷ luật hội viên với việc tạm đình chỉ hành nghề/miễn nhiệm công chứng viên (bổ sung quy định miễn nhiệm đối với trường hợp công chứng viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi tổ chức xã hội - nghề nghiệp).
ThS. Lê Xuân Hồng
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp
[1]. Thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, cả nước có 1.180 công chứng viên, 625 tổ chức hành nghề công chứng. Sau 07 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, cả nước có 3.074 công chứng viên, 1.298 tổ chức hành nghề công chứng.
[2]. Thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng.
[3]. Còn tỉnh Quảng Trị, tỉnh Điện Biên chưa thành lập được Hội Công chứng viên.
[4]. Trước ngày Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực, cả nước chỉ có 04 Hội Công chứng viên ở: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương, thành phố Đà Nẵng.
[5]. Luật Đất đai năm 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính (khoản 3 Điều 188) trong khi Luật Công chứng năm 2014 quy định văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 5) dẫn đến cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện.