1. Thực trạng tội phạm về mại dâm ở Việt Nam
Các tội phạm về mại dâm ở Việt Nam được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) bao gồm tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328) và tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Trong những năm qua, các tội phạm về mại dâm có xu hướng tăng lên cả về số vụ và tính chất, mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và gây bức xúc dư luận; thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó lại sự phát hiện của quần chúng nhân dân và hoạt động điều tra của cơ quan công an. Tội phạm về mại dâm đã xảy ra ở Việt Nam bao gồm tội phạm rõ và tội phạm ẩn.
Thứ nhất, tội phạm rõ là tội phạm đã được xử lý hình sự và được đưa vào thống kê hình sự
Xét ở mức độ tổng quan, nếu như trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2009, Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước đã xét xử 4.711 vụ án về mại dâm với 6.125 người phạm tội, trung bình mỗi năm có khoảng 471 vụ với khoảng 612 người phạm tội, thì trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019, Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước đã xét xử 6.724 vụ án về mại dâm với 8.574 người phạm tội, trung bình mỗi năm có khoảng 672 vụ với khoảng 857 người phạm tội. Có thể nói, số vụ phạm tội về mại dâm giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019 tăng ở mức đáng lo ngại so với 10 năm trước (giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2009).
So với tổng số vụ phạm tội nói chung thì các tội phạm về mại dâm chiếm tỷ lệ khá lớn (11,8%). Các tội phạm về mại dâm được quy định tại 03 điều luật trong tổng số 313 điều luật quy định về các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 chiếm tỉ lệ 0,96%, (3/313). Trong khi đó, cơ cấu của các tội này so với các tội phạm nói chung xảy ra trên thực tế lại lên tới 11,8% (gấp khoảng 12,3 lần so với tỉ lệ được quy định trong Bộ luật Hình sự). Đây là một thực trạng đáng báo động về các tội phạm về mại dâm trong 10 năm qua.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, thì dân số Việt Nam tính trung bình trong giai đoạn 2000 - 2009 là 81.875.800 người, còn theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, thì trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2009, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử khoảng 471 vụ với khoảng 612 người phạm các tội phạm về mại dâm. Như vậy, trong giai đoạn 2000 - 2009, chỉ số tội phạm/100.000 dân là 0,57; còn chỉ số người phạm tội/100.000 dân là 0,74. Chỉ số tội phạm của các tội phạm về mại dâm giai đoạn 2010 - 2019 có sự gia tăng so với giai đoạn 2000 - 2009, lớn hơn giai đoạn 2000 - 2009 là 0,16 (tức là tăng 28%), còn chỉ số người phạm tội tương ứng lớn hơn 0,12 (tức là tăng 14,6%). Điều đó cho thấy, các tội phạm về mại dâm ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019 xảy ra ngày càng nhiều và có mức độ phổ biến hơn giai đoạn 2000 - 2009.
Thứ hai, tội phạm ẩn là các tội phạm đã thực tế xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm vì không được phát hiện, không được xử lý hoặc không được đưa vào thống kê tội phạm
Các số liệu thống kê về xét xử các tội phạm về mại dâm đã phản ánh một phần tình hình loại tội phạm này, nhưng đồng thời cũng phản ánh khả năng giải quyết, xử lý tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đấu tranh với các tội phạm về mại dâm ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019. Tuy nhiên, tội phạm về mại dâm có một số lượng lớn các vụ phạm tội và người phạm tội còn “ẩn”, chưa bị phát hiện, xử lý hình sự. Khi nghiên cứu tội phạm ẩn của tội phạm về mại dâm, cần nghiên cứu cả hai loại tội phạm ẩn khách quan và tội phạm ẩn chủ quan.
(i) Tội phạm ẩn về mại dâm khách quan là tội phạm về mại dâm đã xảy ra trên thực tế nhưng do nguyên nhân khách quan mà các cơ quan chức năng không có thông tin về các tội phạm này, vì vậy, không được xử lý hình sự và đương nhiên không có trong thống kê về tội phạm chính thức. Lý do xuất phát từ phía chủ thể của tội phạm và từ phía những người khác có biết về tội phạm về mại dâm nhưng không tố giác, báo tin với cơ quan có thẩm quyền. Chủ thể của các tội phạm về mại dâm là người chứa mại dâm, người môi giới mại dâm và người mua dâm dưới 18 tuổi, họ luôn muốn che đậy việc phạm tội của mình thông qua các hình thức, thủ đoạn tinh vi. Có thể kể đến như kinh doanh các dịch vụ trá hình như nhà nghỉ, khách sạn, quán café, cơ sở massage, tẩm quất, xông hơi… hay tổ chức các dịch vụ thuê người đi dự sự kiện, tour du lịch nhưng thực chất là các hoạt động môi giới mại dâm… Các đối tượng ngầm thỏa thuận, chỉ môi giới mại dâm cho khách quen hoặc có sự giới thiệu, hay người bán dâm sau một thời gian hoạt động có nhiều quan hệ và nắm được các phương thức hoạt động chuyển sang môi giới mại dâm gây khó khăn trong việc phòng ngừa và phát hiện. Bên cạnh đó, hoạt động môi giới mại dâm qua mạng internet cũng gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý. Có thể thấy, khả năng che giấu tội phạm của những người phạm tội về mại dâm là rất tinh vi.
(ii) Tội phạm ẩn về mại dâm chủ quan là tội phạm về mại dâm đã xảy ra trên thực tế mà cơ quan chức năng đã phát hiện được, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, những tội phạm này không được xử lý về hình sự và do đó không có trong thống kê tội phạm chính thức. Thực tế cho thấy, khi lực lượng cảnh sát phát hiện và bắt giữ quả tang những người mua, bán dâm, trong quá trình lấy lời khai có thể họ khai ra người môi giới. Tuy nhiên, do trình độ nghiệp vụ còn hạn chế hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc điều tra tội phạm nên đã bỏ lọt tội phạm. Những trường hợp như vậy, cơ quan công an thường chỉ lập biên bản xử lý hành chính người mua dâm và người bán dâm, từ đó, dẫn đến một số lượng ẩn các tội phạm về mại dâm.
2. Nguyên nhân phát sinh tội phạm về mại dâm
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tội phạm về mại dâm ở Việt Nam, có thể xác định các nguyên nhân phát sinh tội phạm như sau:
Một là, nguyên nhân liên quan đến kinh tế - xã hội: Tội phạm về mại dâm ngày càng tăng trước hết xuất phát từ sự gia tăng các tệ nạn xã hội. Nhiều người thích hưởng thụ cuộc sống không lành mạnh như mua dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Khi lượng người có nhu cầu mua dâm tăng, thì số lượng người phạm tội phạm về mại dâm cũng tăng. Đây là kết quả tất yếu của quy luật cung - cầu. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định dẫn đến người dân không có thu nhập ổn định nên dễ bị cám dỗ trở thành tội phạm về mại dâm. Không những thế, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường dẫn đến nhiều người có tâm lý quá coi trọng đồng tiền đã thúc đẩy họ sẵn sàng kiếm tiền bằng bất cứ cách nào, kể cả việc phạm tội về mại dâm.
Hai là, nguyên nhân liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Công tác này hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, đó cũng là một nguyên nhân làm phát sinh các tội phạm về mại dâm ở Việt Nam. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chưa chú trọng đến chất lượng và địa bàn trọng điểm nên hiệu quả chưa cao. Môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội còn thiếu sự phối hợp, chưa thật sự được quan tâm đúng mức, dễ dẫn đến tình trạng các đối tượng bị rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội nói chung và tội phạm về mại dâm nói riêng.
Ba là, nguyên nhân liên quan đến hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội: Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu còn nhiều thiếu sót. Tại nhiều nơi, chính quyền và công an địa phương chưa làm tốt công tác này. Công tác giám sát, phát hiện người có hành vi bán dâm và quản lý các website có hình ảnh phản cảm, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh hay việc tuần tra, kiểm soát các tụ điểm cơ sở kinh doanh dịch vụ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các tội phạm về mại dâm xảy ra trong thời gian dài khó bị phát hiện và xử lý.
Bốn là, nguyên nhân liên quan đến chính sách, pháp luật về mại dâm: Hiện nay, người bán dâm và người mua dâm (trừ trường hợp người mua dâm người dưới 18 tuổi) chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe trong khi họ lại là đối tượng cần phải xử lý nghiêm để góp phần hạn chế sự gia tăng tệ nạn mại dâm nói chung và các tội phạm về mại dâm nói riêng. Người mua dâm chỉ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, còn người bán dâm chỉ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 thì mức phạt này dường như là “phạt để tồn tại”. Trên thực tế, có những đường dây mại dâm được gọi là “cao cấp” với giá hàng nghìn USD với sự tham gia của người bán dâm là các hoa khôi, người mẫu…, người mua dâm là các đại gia thì sẽ “không thấm vào đâu” nếu khi bị phát hiện, vì họ chỉ bị phạt tiền vài trăm nghìn đồng. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định về xử lý hình sự người tham gia vào hoạt động mại dâm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa mại dâm trong tình hình mới. Nhiều hành vi mới phát sinh liên quan đến hoạt động mại dâm chưa có quy định điều chỉnh phù hợp như hành vi tổ chức mại dâm, “bảo kê” mại dâm, cưỡng bức mại dâm. Xử lý đối tượng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới còn nhiều lúng túng. Xuất phát là do khái niệm mại dâm hiện hành đã không bao quát được các hành vi mới như mua bán dâm giữa những người đồng tính… Các hành vi liên quan đến mại dâm như kích dục, khiêu dâm... chưa có chế tài xử lý đối với chủ thể của hành vi nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Năm là, nguyên nhân xuất phát từ các cơ quan tiến hành tố tụng: Do sự hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận nhỏ cán bộ tiến hành tố tụng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ẩn cao của các tội phạm về mại dâm. Đặc biệt là các tội phạm ẩn do sai số thống kê. Hàng năm, Tòa án nhân dân địa phương gửi báo cáo không đúng thời hạn hoặc người thống kê có những sai sót mà các tội phạm về mại dâm đã được phát hiện, xét xử hình sự nhưng lại không được thống kê, không có trong số liệu thống kê. Bên cạnh đó, các cơ quan thống kê hiện nay không có sự thống nhất giữa tội phạm và vụ án. Số liệu thống kê các tội phạm về mại dâm được thể hiện qua nhiều số liệu của các cơ quan khác nhau như cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử. Để đánh giá tương đối chính xác về mức độ phạm tội của một loại tội phạm, không thể sử dụng số liệu của cả ba cơ quan trên mà chỉ có thể sử dụng số liệu của một cơ quan (các công trình nghiên cứu hiện nay thường sử dụng số liệu của cơ quan xét xử) và “đơn vị tính” phải là tổng “tội phạm đã xảy ra” và tổng “người phạm tội”[1]. Tuy nhiên, theo thống kê đang áp dụng hiện nay (của Tòa án nhân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao) là thống kê theo số “vụ án” và “người phạm tội” thì các số liệu thống kê chưa phản ánh đúng thực tế “tội phạm đã xảy ra”, bởi vì, trong một vụ phạm tội về mại dâm đưa ra xét xử có thể bao gồm nhiều tội về mại dâm khác nhau.
Sáu là, nguyên nhân từ phía người phạm tội: Người phạm các tội phạm về mại dâm có tâm lý coi thường pháp luật, hám lợi, lười lao động nhưng lại muốn kiếm tiền nhanh và dễ dàng. Vì vậy, họ sẵn sàng thực hiện tội phạm chứa mại dâm, môi giới mại dâm khi có cơ hội. Đối với người mua dâm người dưới 18 tuổi thì tâm lý người phạm tội hình thành qua sự tác động của môi trường xã hội làm phát sinh động cơ phạm tội. Trong số bản án mà tác giả nghiên cứu thì động cơ phạm tội của họ là để thỏa mãn nhu cầu tình dục nên người phạm tội lựa chọn đối tượng bán dâm là người dưới 18 tuổi để quan hệ tình dục, chiếm tỉ lệ 100%. Người phạm tội thực hiện hành vi mua dâm người dưới 16 tuổi nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu về sinh lý của bản thân. Có thể nói, nhu cầu tình dục lệch lạc, cùng với tác động của văn hóa phẩm đồi trụy đã thúc đẩy họ phạm tội để thỏa mãn tình dục cá nhân.
3. Các giải pháp phòng ngừa tội phạm về mại dâm ở Việt Nam trong thời gian tới
Từ kết quả đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân của tội phạm về mại dâm nói trên, tác giả đề xuất các giải pháp phòng ngừa như sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế kết hợp định hướng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho người dân. Bên cạnh đó, cần giải quyết việc làm cho người lao động để giảm tỉ lệ người thất nghiệp, người có việc làm không ổn định. Muốn vậy, Việt Nam cần có chính sách chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế vùng, ưu tiên phát triển kinh tế với các ngành nghề truyền thống, công nghiệp chế biến vì đây đều là những ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển thông tin thị trường lao động bằng cách thiết lập hệ thống thống tin, phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Các cơ quan truyền thông cũng như chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh nhiên cần thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền về tác hại của mại dâm, pháp luật về mại dâm... Bên cạnh đó, môi trường giáo dục trong từng gia đình phối hợp với nhà trường và xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bố mẹ cần quan tâm, giáo dục con cái, kịp thời uốn nắn, định hướng cho con vượt qua những cám dỗ không lành mạnh trong cuộc sống. Nhà trường chú trọng nhiều hơn đến giáo dục nhân cách, pháp luật, giới tính cho học sinh. Các cơ quan đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền để định hướng cho người dân tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần giảm việc phát sinh các tệ nạn xã hội, trong đó có các tội phạm về mại dâm.
Thứ ba, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể là, chính quyền địa phương và cơ quan công an cần có biện pháp quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trong đó có mại dâm như nhà hàng, quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, các cơ sở massage, tẩm quất... Các cơ quan công an, quản lý thị trường... cần thường xuyên tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh văn hóa, sử dụng các phần mềm ngăn chặn hiệu quả các website có hình ảnh phản cảm để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu cần được chú trọng thông qua việc thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra người dân đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và tăng cường lực lượng làm công tác quản lý nhân khẩu. Tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng là người bán dâm. Đồng thời, cần triển khai các dự án hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các hình thức xử phạt hành chính theo hướng nghiêm khắc hơn nhằm răn đe, giáo dục đối với người mua dâm và người bán dâm. Nâng mức xử phạt trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đối với người mua dâm, người bán dâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm chứa chấp hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm. Để đáp ứng yêu cầu phòng ngừa mại dâm trong tình hình mới cần bổ sung các quy định về xử lý đối với người thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục. Hiện nay chỉ có thể xử lý hành chính chủ kinh doanh cơ sở để xảy ra hoạt động trên. Muốn vậy, phải thống nhất quan điểm về khái niệm “mại dâm” và sửa đổi khái niệm mua dâm, bán dâm. Bên cạnh đó, hình sự hóa một số hành vi rất nguy hiểm như tổ chức, bảo kê, cưỡng bức mại dâm thành tội danh độc lập làm cơ sở cho việc xử lý, phòng ngừa những hành vi này.
Thứ năm, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tăng cường bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tiến hành tố tụng.
Khoa Luật, Đại học Vinh