Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự (Bộ luật Dân sự năm 2015) thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005. Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều quy định mới liên quan đến địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng; về lãi suất trong hợp đồng vay… trong đó chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. Đặc biệt Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Để phục vụ cho việc nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, bài viết này đánh giá về thực trạng áp dụng một số quy định về họ, hụi, biêu, phường theo quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP; qua đó nhận diện những hạn chế bất cập trong việc áp dụng và trong các quy định và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định này.
1.1. Khái niệm về họ, hụi, biêu, phường
Họ, hụi, biêu, phường (họ) là một loại giao dịch về tài sản theo tập quán hình thành từ rất lâu trong đời sống của nhân dân ta ở khắp tất cả các miền. Miền Bắc thường gọi là họ, miền trung thường gọi là biêu, phường và miền nam thường gọi là hụi. Một số nơi còn có cách gọi khác là bưu, huê, hội v.v. Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất là giống nhau. Điều 479 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Họ được chia thành họ không có lãi và họ có lãi. Họ có lãi bao gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng. Tùy theo hình thức họ mà quyền, nghĩa vụ của thành viên tham gia và chủ họ là khác nhau.
1.2. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ
Chủ thể của các quan hệ pháp luật là các bên tham gia quan hệ pháp luật, nói cách khác, đó là các bên tham gia vào quan hệ pháp luật trên cơ sở những quyền và nghĩa vụ do Nhà nước quy định trong pháp luật. Chủ thể của quan hệ pháp luật có thể là cá nhân, tổ chức. Trong quan hệ họ, chủ thể tham gia quan hệ pháp luật là cá nhân, được thể hiện dưới vai trò là chủ họ và thành viên tham gia họ.
Thứ nhất, đối với họ không có lãi, Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định các thành viên tham gia có nghĩa vụ: (i) góp phần họ theo thoả thuận cho chủ họ trong trường hợp có chủ họ hoặc cho thành viên được lĩnh họ; (ii) bồi thường thiệt hại cho những người tham gia họ, nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại; (iii) các nghĩa vụ khác theo thoả thuận và (iv) trường hợp không có chủ họ thì thành viên được uỷ quyền lập và giữ sổ họ có các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 15 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.
Thành viên tham gia họ có các quyền sau đây: (i) khi đến kỳ mở họ, thành viên được lĩnh họ có quyền nhận các phần họ từ chủ họ hoặc các thành viên khác trong họ; (ii) bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp bị vi phạm; (iii) chuyển giao phần họ theo quy định tại các điều từ Điều 309 đến Điều 317 của Bộ Luật Dân sự năm 2005; (iv) ra khỏi họ theo thoả thuận; (v) yêu cầu chủ họ hoặc người giữ sổ họ cho xem sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến họ và (vi) các quyền khác theo thoả thuận.
Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ và quyền của chủ họ. Theo đó, chủ họ có nghĩa vụ: (i) lập và giữ sổ họ và các giấy tờ liên quan đến họ; (ii) thu phần họ của các thành viên; (iii) giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ; (iv) nộp thay phần họ của thành viên trong trường hợp có thoả thuận nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ; (v) cho các thành viên xem sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến họ khi có yêu cầu và (iv) các nghĩa vụ khác theo thoả thuận. Có thể nói, trong các nghĩa vụ nêu trên của chủ họ thì ngoài các nghĩa vụ tối thiểu mà chủ họ phải có nghĩa vụ thực hiện thì nghĩa vụ “nộp thay phần họ của nộp thay phần họ của thành viên trong trường hợp có thoả thuận nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ” và nghĩa vụ “cho các thành viên xem sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến họ khi có yêu cầu” là hai nghĩa vụ rất quan trọng, thể hiện vai trò cũng như trách nhiệm của chủ họ. Nghĩa vụ của chủ họ chính là cơ sở bảo vệ quyền của các thành viên tham gia họ.
Chủ họ có các quyền sau đây: (i) yêu cầu các thành viên trong họ phải góp phần họ; (ii) yêu cầu thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ; (iii) yêu cầu thành viên không góp phần họ của mình phải hoàn trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó và (iv) các quyền khác theo thoả thuận.
Thứ hai, đối với họ có lãi được chia thành hai loại là họ đầu thảo (là họ mà theo sự thỏa thuận giữa những người tham gia họ, chủ họ được lĩnh toàn bộ các phần họ trong một kỳ mở họ và không phải trả lãi cho các thành viên khác. Trong các kỳ mở họ khác, thành viên trả lãi cao nhất được lĩnh họ và phải trả lãi cho các thành viên khác) và họ hưởng hoa hồng (là họ mà theo sự thỏa thuận giữa những người tham gia họ, chủ họ có trách nhiệm thu phần họ của các thành viên gọp họ để giao cho thành viên được lĩnh họ. Thành viên được lĩnh phải trả lãi cho các thành viên khác và phải trả một khoản hoa hồng cho chủ họ. Mức hoa hồng do những người tham gia họ thỏa thuận. Chủ họ không phải là thành viên của dây họ và các thành viên đều phải bốc thăm trả lãi suất và theo quy ước thành viên nào trả lãi cao nhất thì được lĩnh họ, số tiền này được coi là tiền lãi của các thành viên khác). Từ Điều 19 đến Điều 28 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định cụ thể về nghĩa vụ và quyền của thành viên và chủ họ trong họ đầu thảo (từ Điều 19 đến Điều 23); nghĩa vụ và quyền của thành viên và chủ họ trong họ hưởng hoa hồng (từ Điều 24 đến Điều 28). Về cơ bản, quyền và nghĩa vụ của thành viên họ hưởng hoa hồng và nghĩa vụ của chủ họ hưởng hoa hồng giống với quyền và nghĩa vụ của thành viên họ đầu thảo và nghĩa vụ của chủ họ hưởng hoa hồng. Điểm khác biệt giữa quyền của chủ họ trong họ đầu thảo với họ hưởng hoa hồng là đối với họ hưởng hoa hồng, chủ họ được hưởng hoa hồng từ các thành viên được lĩnh họ trong khi chủ họ trong họ đầu thảo được lĩnh các phần họ trong một kỳ mở họ và không phải trả lãi cho các thành viên.
1.3. Hình thức thỏa thuận về họ
Điều 7 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định thoả thuận về họ được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia họ có yêu cầu.
2. Thực trạng áp dụng các quy định về hụi, họ
2.1. Kết quả giải quyết các vụ việc về họ
Nghị định số 144/2006/NĐ-CP được Chính phủ thông qua ngày 27/11/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2006. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng điều chỉnh về họ, hình thứ họ; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia họ.
Theo số liệu thống kê trong công tác xét xử của ngành Tòa án nhân dân và công tác kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố của ngành Kiểm sát nhân dân thì trong thời gian vừa qua các tranh chấp về họ xảy ra nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp, do đó ngoài các biện pháp như hòa giải cơ sở, thương lượng... các tranh chấp về họ cũng được giải quyết thông qua con đường tố tụng tại Tòa án ngày càng nhiều. Cụ thể, theo thống kê từ năm 2006 đến nay, tổng số vụ việc được ngành Tòa án nhân dân thụ lý tại 05 địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ là hơn 8000 vụ việc[1]. Về cơ bản, các vụ việc về họ do Tòa án nhân dân giải quyết trong thời gian qua, đã đáp ứng được mong mỏi của người dân và yêu cầu cải cách tư pháp, áp dụng đúng và thống nhất pháp luật, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo tiến độ và đảm chất lượng tranh tụng tại phiên tòa để việc xét xử các loại án luôn kịp thời, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Từ khi Nghị định số 144/2006/NĐ-CP có hiệu lực, theo số liệu thống kê, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kiểm sát việc giải quyết 33.809 vụ việc dân sự liên quan đến hoạt động họ, thông qua việc kiểm sát các thông báo thụ lý, kiểm sát các quyết định hòa giải thành, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc tham gia phiên tòa xét xử một số vụ việc dân sự[2].
2.2. Một số hạn chế, bất cập trong việc áp dụng và trong các quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP
Qua thực tiễn 10 năm thi hành, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP đã phát huy được vai trò trong việc quy định địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia họ nhằm mục đích tương trợ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đáp ứng nhu cầu của cá nhân có thêm kênh huy động vốn để đầu tư kinh doanh hoặc phục vụ mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp thậm chí có sự biến tướng và bản thân các quy định của Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về việc áp dụng pháp luật, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ và hình thức thỏa thuận về họ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề áp dụng pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP “Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ”, quy định này có thể gây nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật đối với các chủ thể và cơ quan tư pháp, cơ quan công an khi điều tra, xét xử. Thực tế, trong hơn 10 năm thi hành Nghị định này, Tòa án khi giải quyết tranh chấp về họ, do không tìm được các căn cứ để áp dụng Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, thay vì áp dụng các quy định chung và quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự thì một số Tòa án đã tuyên giao dịch vô hiệu; bên cạnh đó, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hiểu là phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nên đã khởi tố vụ án hình sự trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ
Nghị định số 144/2006/NĐ-CP không quy định giới hạn nên một người có thể là chủ họ của nhiều dây họ tạo nên mạng lưới chồng chéo nhau. Vì vậy, khi vỡ họ thường có phản ứng dây chuyền, tác động xấu đến nhiều người tham gia họ và đến kinh tế và xã hội.
Quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ họ còn thiếu những quy định cần thiết như quy định về việc ra khỏi họ; trách nhiệm của chủ họ trong việc cung cấp thông tin cần thiết; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ họ; quy định về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của thành viên; giải quyết trong trường hợp họ chết…
Thứ ba, về hình thức thỏa thuận về họ
Theo Điều 7 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về hình thức của họ của người tham gia họ có thể thỏa thuận bằng lời nói, không bắt buộc thỏa thuận bằng văn bản hoặc phải công chứng, chứng thực, tuy nhiên trong thực tế, khi giải quyết tranh chấp, các bên không thừa nhận (do thực hiện giao dịch bằng lời nói) hoặc văn bản bị tẩy xóa, ghi thêm (do không công chứng, chứng thực). Bên cạnh đó, các họ viên khi nộp tiền họ thường không đòi hỏi hóa đơn, chứng từ gì đảm bảo; nếu có thì chủ họ thường chỉ đánh dấu vào sổ họ và đảm bảo bằng miệng. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, Tòa án gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chứng cứ, sự thật khách quan của vụ án.
3. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Xuất phát từ các quy định và thực tiễn áp dụng một số quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia họ và hình thức thỏa thuận về họ, tác giả đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện các quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề áp dụng pháp luật
Nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 2 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP theo hướng quy định các quan hệ nếu không đáp ứng đủ các dấu hiệu, điều kiện của giao dịch họ thì áp dụng các quy định chung, quy định về hợp đồng vay tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015; trong trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật có liên quan không có quy định cụ thể thì áp dụng tập quán theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 (về áp dụng tập quán) hoặc các căn cứ khác theo quy định tại Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 (về áp dụng tương tự pháp luật) để giải quyết.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể
Xuất phát từ thực tiễn các vụ tranh chấp phát sinh từ việc chơi họ, tác giả cho rằng cần quy định bổ sung về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia qua đó, góp phần tăng cường cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia họ. Theo đó cần bổ sung các quy định mang tính định hướng để giúp các thành viên tham gia họ tự bảo vệ quyền của mình, nắm bắt thông tin về quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ họ, của các thành viên khác. Cụ thể, bổ sung các quyền, nghĩa vụ cơ bản như: (i) quyền nêu ý kiến về việc chấp thuận gia nhập dây họ của thành viên mới; (ii) quyền yêu cầu chủ họ hoặc các thành viên khác trả phần họ khi đến kỳ lĩnh họ; (iii) quyền chuyển giao phần họ theo quy định tại các điều từ Điều 365 đến Điều 371 của Bộ luật dân sự năm 2015; (iv) quyền ra khỏi họ; (v) quyền yêu cầu xem và sao chụp sổ họ; (vi) nghĩa vụ của thành viên mới khi gia nhập dây họ; (vii) nghĩa vụ phải thực hiện trong trường hợp rút khỏi họ; (viii) bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của thành viên trong trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng và (ix) khi mở họ phải có mặt các thành viên tham gia dây họ đó và ký tên hoặc điểm chỉ vào sổ của chủ họ và sổ của họ viên để tránh việc chủ họ lập những dây họ “ảo” để chiếm đoạt tài sản của họ viên.
Đồng thời, để tránh tình trạng vỡ họ dây truyền như trong thời gian vừa qua, tác giả đề nghị quy định cụ thể việc chủ họ chỉ được lập tối đa 02 dây họ, qua đó, hạn chế thiệt hại cho nhiều người và tránh việc lợi dụng của chủ họ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, về hình thức thỏa thuận về họ
Để có cơ sở đánh giá chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khi tham gia họ, tác giả kiến nghị cần quy định rõ và cụ thể những trường hợp thỏa thuận về họ được thể hiện bằng lời nói, những trường hợp văn bản thỏa thuận cần phải công chứng, chứng thực để thuận lợi xử lý khi có tranh chấp xảy ra. Tiêu chí để xác định thỏa thuận được thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc cần phải được công chức, chứng thực có thể căn cứ vào tính chất quy mô của dây họ và số lượng thành viên tham gia./.