Abstract: The article studies the provisions of the criminal procedure law on receipt, classification and handling of denunciations and crime reports of the commune police force, assesses limitations and proposes some issues to be completed for improving this provision.
1. Quy định của pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an cấp xã
Tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và là căn cứ để kịp thời xác định có hay không hành vi phạm tội. Qua hoạt động phân loại, kiểm tra, xác minh ban đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xem xét để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều trường hợp khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã không kịp tiếp cận ngay hiện trường hoặc chưa kịp thời thu thập các thông tin tài liệu khi vụ việc vừa xảy ra. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xác minh, thu thập chứng cứ để định hướng điều tra.
Theo báo cáo của lực lượng Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[1], kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đến tháng 10/2021, còn 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, còn 77 vụ án gần hết thời hạn điều tra, nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây chính là những trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại và là những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để giải quyết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quy định về việc tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng Công an cấp xã trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã sửa đổi khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo đó, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Để kịp thời cụ thể hóa quy định này, ngày 29/11/2021, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC). Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì Công an xã thực hiện các công việc như sau:
(i) Đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng hoặc những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
(ii) Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên, Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.
(iii) Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm hoặc cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét hoặc trưng cầu giám định ngay thì Công an cấp xã phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời.
2. Hạn chế trong quy định pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an cấp xã
Nhìn chung, với những quy định nêu trên, thì lực lượng Công an cấp xã đã được gia tăng thẩm quyền và có hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữ vững trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định pháp luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an cấp xã vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
Thứ nhất, có hay không việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi lực lượng Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm?
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là một khoảng thời gian do luật định, được tính từ thời điểm tiếp nhận và kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cán bộ Công an cấp xã phải lập biên bản tiếp nhận theo mẫu số 01 ban hành theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự[2] (Thông tư số 119/2021/TT-BCA), có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin và hướng dẫn họ viết đơn trình báo (có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận khi thấy cần thiết). Trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì vẫn phải tiến hành tiếp nhận theo trình tự, thủ tục và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản[3]. Căn cứ vào hướng dẫn này, thì thời hạn giải quyết tin báo tố giác, tin báo về tội phạm sẽ được tính như thế nào theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Vấn đề này còn có 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Công an cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mà chỉ tiến hành một số hoạt động xác minh ban đầu. Do đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Quan điểm này xuất phát từ khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định: “Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…”.
Quan điểm thứ hai: Căn cứ vào trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, Công an cấp xã phải lập biên bản tiếp nhận theo biểu mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), kể từ ngày 01/12/2021, Công an cấp xã đã chính thức được gia tăng thẩm quyền khi tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, nên thời điểm tiếp nhận sẽ được tính từ khi Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận.
Thứ hai, về kiểm sát hoạt động tiếp nhận, phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an cấp xã.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Viện kiểm sát có nhiệm vụ “kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm…”. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, quá trình Công an cấp xã tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm thì Viện kiểm sát có thực hiện kiểm sát hay không thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Có ý kiến cho rằng, không cần phải có hoạt động giám sát. Nhưng, cũng có ý kiến lại cho rằng, việc tiếp nhận tố giác, tin báo được tính từ khi tiếp nhận của lực lượng Công an cấp xã thì việc giám sát của Viện kiểm sát trong trường hợp này lại là rất cần thiết. Theo quan điểm của tác giả, đây chính là một trong những bất cập ảnh hưởng đến các quá trình tiến hành tố tụng tiếp theo của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ ba, lực lượng Công an cấp xã còn thiếu biên chế, cán bộ có đủ trình độ, năng lực trong việc tiếp nhận, phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm.
Để tiếp nhận và giải quyết kịp thời nguồn tin về tội phạm lực lượng Công an cấp xã phải bố trí cán bộ trực ban theo quy định của Bộ Công an[4]. Cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ trực ban hình sự phải có kỹ năng tiếp công dân, kỹ năng xử lý các tình huống, am hiểu các quy định của pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân[5]. Khi tiếp nhận tố giác, tin báo phải được ghi vào sổ trực ban hình sự. Đồng thời, đối với những vụ việc đơn giản, pháp luật tố tụng hình sự còn cho phép lực lượng Công an cấp xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm được tiến hành một số hoạt động như: Lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc[6]… sau đó chuyển cho cơ quan có thẩm quyền. Về bản chất, đây là hoạt động tố tụng hình sự, liên quan đến thu thập tài liệu, chứng cứ. Như vậy, căn cứ vào các quy định này thì cán bộ làm công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm phải là Công an chính quy và đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra hoặc đã từng công tác tại cơ quan điều tra mới có thể đáp ứng kịp thời nhiệm vụ này. Thời gian qua, mặc dù, Bộ Công an đã điều động lực lượng Công an chính quy về địa bàn cấp xã, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu, nên công tác phân loại và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm còn có những hạn chế nhất định.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thống nhất cách hiểu về cách tính thời hạn bắt đầu giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhận được tố giác, tin báo về tội phạm. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Do đó, nếu theo quan điểm thứ nhất cần có văn bản quy định cụ thể để giải thích: “Công an cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Do đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận”. Tác giả hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng có đủ thời gian kiểm tra, đánh giá thông tin tài liệu do lực lượng Công an cấp xã cung cấp. Tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, kiến nghị khởi tố, kiến nghị sửa đổi: “Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…”.
Hai là, để bảo đảm tố giác, tin báo của nhân dân được thực hiện nghiêm túc thì cũng rất cần có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng: “Viện kiểm sát sẽ kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin tố giác, tin báo về tội phạm của công an cấp xã”. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể “ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, Công an cấp xã phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp huyện trên địa bàn biết để phối hợp, kiểm sát”. Bổ sung này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm cũng như tăng cường trách nhiệm của Công an cấp xã.
Ba là, Bộ Công an tăng cường công tác điều động, luân chuyển cán bộ chính quy có trình độ chuyên môn cao đã làm công tác điều tra hoặc đã được bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra về Công an cấp xã. Bên cạnh đó, các trường đại học, học viện trong lực lượng Công an nhân dân cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra cho lực lượng Công an cấp xã để nâng cao trình độ, chuyên môn trong công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Báo cáo số 1038/BC-BCA ngày 02/9/2021 của Bộ Công an về tổng kết thực tiễn thi hành trách nhiệm của Công an xã trong điều tra hình sự theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; thi hành Điều 148 và Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đến nay.
[2]. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/01/2022 và thay thế Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.
[3]. Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.
[4]. Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 28/2020/TT-BCA.
[5]. Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 28/2020/TT-BCA.
[6]. Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.