Tại cuộc họp, thay mặt Thường trực Tổ biên tập, Ban soạn thảo, đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024 (Luật sửa đổi) và Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 04 nội dung của Luật sửa đổi, gồm có: (i) Việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản (khoản 19 Điều 1); (ii) Yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và yêu cầu, điều kiện, việc thẩm định, phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến; trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến (khoản 28 Điều 1); (iii) Việc trả giá, chấp nhận giá, lựa chọn cách thức trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (khoản 38 Điều 1); (iv) Việc xử lý vi phạm người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản (khoản 41 Điều 1).
Như vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết các nội dung nêu trên của Luật sửa đổi là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm có 06 chương và 31 điều quy định về các quy định chung (Điều 1, Điều 2); thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản (Điều 3, Điều 4); đấu giá trực tuyến, trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến (từ Điều 5 đến Điều 14); trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (từ Điều 15 đến Điều 26); xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá (từ Điều 27 đến Điều 28) và điều khoản thi hành (từ Điều 29 đến Điều 31).
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến thẳng thắn, khách quan, cụ thể. Một số đại biểu đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số vấn đề như khái niệm “lỗi kỹ thuật” trong đấu giá trực tuyến là như thế nào và bổ sung thời gian cụ thể của việc dừng tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến trong thời hạn bao lâu tại khoản 4 Điều 10 dự thảo Nghị định để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người tham gia đấu giá; rà soát, làm rõ cụ thể thời hạn cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá tại Điều 24 dự thảo Nghị định; cân nhắc, bổ sung quy định chi tiết về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tại Điều 3 dự thảo Nghị định; làm rõ việc mỗi cá nhân, tổ chức được đăng ký duy nhất một tài khoản tham gia đấu giá, trả giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến hay mỗi cổng/trang có thể đăng ký một tài khoản, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất tại khoản 5 Điều 6 dự thảo Nghị định...
Trên cơ sở kết quả của cuộc họp, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thay mặt cho thường trực Tổ biên tập, Ban soạn thảo khẳng định, những ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp sẽ được thường trực Tổ biên tập, Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa và tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị định./.
Hoàng Trung