Tiêu chuẩn và điều kiện của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản luật áp dụng riêng đối với doanh nghiệp nhà nước. Bài viết nhận diện và phân tích những điểm mâu thuẫn về tiêu chuẩn và điều kiện của người quản lý doanh nghiệp nhà nước; đồng thời đưa ra một số kiến nghị.
1. Xác định những chức danh người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước
Chủ sở hữu là thành viên duy nhất trong doanh nghiệp nhà nước nhưng quyền và nghĩa vụ thành viên được thực hiện bởi nhà quản trị công ty nằm trong chính cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp[1], hay nói cách khác, hành động thông qua con người cụ thể[2] - người quản lý công ty.
Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các luật áp dụng riêng đối với doanh nghiệp nhà nước đều quy định người quản lý doanh nghiệp nhà nước bao gồm: "Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc".
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản luật áp dụng riêng đối với doanh nghiệp nhà nước quy định khác nhau về chức danh kế toán trưởng và kiểm soát viên, cụ thể:
Tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 liệt kê người quản lý doanh nghiệp nhà nước không bao gồm hai chức danh: Kế toán trưởng và kiểm soát viên. Tuy nhiên, với quy định “cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty” đã cho phép điều lệ quy định bổ sung các chức danh người quản lý.
Tiếp đến, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư, sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định kế toán trưởng là người quản lý doanh nghiệp nhà nước và không đề cập đến kiểm soát viên[3].
Mặt khác, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy định chức danh kế toán trưởng, kiểm soát viên là người quản lý doanh nghiệp Nhà nước[4].
Từ đó cho thấy, có sự mâu thuẫn khi xác định “kiểm soát viên” có phải là người quản lý doanh nghiệp Nhà nước không?
Tiếp đến cần phải xem xét điều lệ tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước về chức danh này. Đối với chức danh kiểm soát viên có sự khác nhau trong điều lệ của từng doanh nghiệp Nhà nước. Điều lệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có quy định kiểm soát viên là người quản lý doanh nghiệp. Điều lệ của Tập đoàn Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội không liệt kê chức danh kiểm soát viên trong nhóm người quản lý doanh nghiệp.
Nhìn chung, quyền của kiểm soát viên theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước[5] (không phân biệt doanh nghiệp nhà nước có quy định kiểm soát viên là người quản lý hay không phải người quản lý) được chia thành các nhóm sau đây:
Một là, nhóm quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Quyền tham gia cuộc họp của Hội đồng thành viên và chất vấn Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; xem xét, đánh giá vấn đề điều hành hoạt động kinh doanh.
Hai là, nhóm quyền tài chính bao gồm: Xem xét các báo cáo, sổ sách, hợp đồng giao dịch của doanh nghiệp.
Ba là, nhóm quyền yêu cầu được cung cấp thông tin bởi Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng. Các thông tin mà kiểm soát viên yêu cầu cung cấp có liên quan về quản lý, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp.
Theo đó, các nhóm quyền của kiểm soát viên liên quan đến “kiểm soát” hoạt động quản lý, điều hành của Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và không có quy định thể hiện sự tham gia vào quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, tại Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg ngày 7/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ quy định kiểm soát viên là cá nhân do chủ sở hữu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giúp chủ sở hữu kiểm soát tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu, quản lý điều hành công việc kinh doanh của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Tổng Giám đốc (Giám đốc)[6]. Do đó, trách nhiệm của kiểm soát viên chỉ là “kiểm soát” việc quản lý điều hành công việc của công ty.
Từ những phân tích trên cho thấy, khi xác định những chức danh là người quản lý doanh nghiệp nhà nước, ngoài quy định “Người quản lý doanh nghiệp” tại phần giải thích từ ngữ, cần xem xét cụ thể chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của chức danh quản lý. Chức danh kiểm soát viên là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.
Tóm lại, người quản lý doanh nghiệp nhà nước bao gồm những chức danh như sau: Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Phó Giám đốc/Phó Tổng giám đốc), Kế toán trưởng.
2. Tiêu chuẩn và điều kiện chung để trở thành người quản lý doanh nghiệp Nhà nước
Một là, người quản lý doanh nghiệp không được thuộc các trường hợp cấm quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đáng chú ý là đối tượng người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự. Dưới góc độ tâm sinh lý, người chưa thành niên là người đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển thể chất và tinh thần[7], chưa có sự ổn định về tâm sinh lý.
Hai là, người quản lý có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản trị kinh doanh của công ty[8].
Tiêu chuẩn về chuyên môn, kinh nghiệm của thành viên Hội đồng thành viên tại điều lệ là “có trình độ đại học trở lên, có năng lực kinh doanh và quản lý doanh nghiệp”[9]. Nhìn chung, hầu hết tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng thành viên trong Điều lệ các doanh nghiệp nhà nước là sự sao chép một cách máy móc và không cụ thể, rõ ràng. Quy chế làm việc của ban lãnh đạo chủ chốt theo chế độ làm việc tập thể. Chính vì vậy, không chỉ riêng Chủ tịch Hội đồng thành viên mà mỗi cá nhân trong Hội động thành viên đều có vai trò quan trọng để đưa ra quyết định cuối cùng cho tập đoàn. Quy định "năng lực quản lý và kinh doanh"[10] cần được thể hiện bằng những kinh nghiệm thực tế trong chuyên môn một cách minh bạch. Năng lực chuyên môn của họ cũng có thể liên quan tới các nghĩa vụ cụ thể và mục tiêu chính sách của doanh nghiệp[11].
Theo Luật Doanh nghiệp nhà nước của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 2008 thì người quản lý doanh nghiệp phải có năng lực chuyên môn và khả năng làm việc ở vị trí được yêu cầu[12]. Ví dụ như tiêu chuẩn chức danh Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hàng không quốc gia Trung Quốc là phải thành thạo chính sách và các quy định liên quan đến đầu tư và tăng vốn trong và ngoài nước; thông thạo các nguyên tắc, đặc điểm và phương thức hoạt động được sử dụng trong thị trường vốn trong và ngoài nước; hiểu biết sâu sắc về kinh tế, tài chính và quản lý tài chính doanh nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn về đầu tư của công ty cũng như là tăng vốn. Ngoài ra, ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước hoặc tập đoàn đa quốc gia[13]. Tiêu chuẩn của người quản lý tập trung vào những kiến thức chuyên môn thuộc ngành nghề của doanh nghiệp đó cũng như số năm kinh nghiệm từng đảm nhiệm chức danh quản lý. Cách quy định cụ thể này cũng là một nguồn thảm khảo cho pháp luật Việt Nam.
3. Điều kiện, tiêu chuẩn riêng để trở thành người quản lý doanh nghiệp nhà nước
Một là, tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến nhân thân của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước.
Người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải là công dân Việt Nam; thường trú tại Việt Nam. Theo Khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014): "Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam".
Doanh nghiệp nhà nước có khuôn khổ pháp lý riêng, có những điểm khác biệt với các công ty tư nhân[14]. Quy định trên đảm bảo sự an tâm, toàn tâm, toàn ý, tin tưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, tạo mối quan hệ chính trị - pháp lý gắn kết một cá nhân với một nhà nước có chủ quyền.
Theo pháp luật Trung Quốc, tiêu chuẩn người quản lý doanh nghiệp nhà nước về quốc tịch, giới tính không phải là yêu cầu bắt buộc[15]. Xây dựng tiêu chuẩn của người quản lý của doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý và giám sát tài sản Nhà nước. Đối với chức danh Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Điện tử Trung Quốc, Tập đoàn Shenhua[16], Tập đoàn Hàng không quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Dự trữ ngũ cốc Trung Quốc, Công ty máy móc và thiết bị quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Hoá chất Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp nặng Trung Quốc, Tập đoàn Truyền thông và tín hiệu đường sắt Trung Quốc yêu cầu bắt buộc phải có quốc tịch Trung Quốc[17].
Tiếp đến, người quản lý doanh nghiệp nhà nước "có phẩm chất chính trị, đạo đức, hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật". Đây là một trong những tiêu chuẩn để một cá nhân trở thành người quản lý và đồng thời là tiêu chí dùng để đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước[18].
Không những ở pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, "good moral character" là một tiêu chuẩn trong Luật Doanh nghiệp nhà nước của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa[19]. Theo Black’s Law Dictionary, “good moral character” là cách cư xử phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của xã hội hiện tại, không có sự xuất hiện của những hành vi lừa dối, hành vi đáng trách về mặt đạo đức[20].
Theo một số học giả khác trên thế giới, phẩm chất đạo đức tốt là sự tuân thủ pháp luật và không bị phụ thuộc vào ma tuý và rượu[21], được đo lường theo các tiêu chuẩn của công dân trung bình ở cộng đồng nơi người đó cư trú và không đòi hỏi sự xuất sắc đạo đức ở mức độ cao nhất[22].
Việc xác định nội hàm phẩm chất đạo đức tốt dựa vào việc loại trừ những hành vi cấm trong xã hội được cho là dễ dàng hơn. Do đó, khái niệm phẩm chất đạo đức tốt tại Black’s Law Dictionary được được xem là phù hợp.
Tiêu chuẩn người quản lý doanh nghiệp nhà nước không có quan hệ gia đình với thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán tưởng; Kiểm soát viên.
Mục đích việc đặt ra tiêu chuẩn này giúp những người quản lý doanh nghiệp nhà nước hành động quản lý công tâm, công bằng, tránh sự cả nể. Ngoài ra, quy định trên nhằm loại trừ sự áp đặt ý chí, thông đồng, kết nối để thâu tóm quyền lực nhằm tối đa hóa lợi ích cho một nhóm người có mối quan hệ gia đình.
Hai là, tiêu chuẩn và điều kiện về những chức vụ người quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã và đang đảm nhiệm.
Điển hình như thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không giữ các chức vụ quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam[23]. Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không giữ các chức vụ quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp tập đoàn[24]. Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su việt Nam không được giữ chức vụ quản lý điều hành tại các doanh nghiệp thành viên[25].
Không chỉ pháp luật Việt Nam mà theo pháp luật Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, các chức danh Chủ tịch, Giám đốc và quản lý cao cấp của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không được đồng thời đảm nhiệm chức vụ đó tại bất kỳ công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc tổ chức kinh tế khác trừ khi được sự đồng ý của Cơ quan giám sát và quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước (SASAC)[26].
Ngoài ra, người quản lý doanh nghiệp không đảm nhiệm lại chức vụ quản lý khi đã từng bị cách chức "Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp Nhà nước"[27].
Tuy nhiên, không phải tất cả điều lệ doanh nghiệp nhà nước đều ghi nhận người quản lý doanh nghiệp nhà nước không được đảm nhiệm lại chức vụ quản lý khi đã từng bị cách chức. Trong Điều lệ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, thiếu vắng quy định minh thị về trường hợp cấm như trên, ngược lại với Điều lệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam[28], Tập đoàn Điện lực Việt Nam[29], Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam[30], Tập đoàn Hóa chất Việt Nam[31]. Sự khác nhau này không dẫn đến hậu quả là các ứng viên trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được trở thành người quản lý doanh nghiệp dù đã từng bị cách chức "Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp Nhà nước". Bởi vì quy định viện dẫn sau đây: “Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định của pháp luật”[32], thay vào đó, quy định tiêu chuẩn của Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn được áp dụng.
Vì vậy, sự ghi nhận cụ thể quy định trên tại các điều lệ doanh nghiệp nhà nước là vấn đề cấp thiết. Những hậu quả người quản lý để xảy ra trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với người quản lý trong tương lai. Do đó, cần có sự thống nhất trong việc ghi nhận quy định về tiêu chuẩn trong điều lệ của tất cả doanh nghiệp nhà nước cụ thể.
Bên cạnh hình thức kỷ luật cách chức, ứng viên đã từng bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc làm công ty thua lỗ hai năm liên tiếp thì cũng không được trở thành người quản lý doanh nghiệp nhà nước. Điển hình tại khoản 6 Điều 39 Nghị định số 07/2018/NĐ-CP ngày 10/01/2018 của Chính phủ về Điều lệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và khoản 6 Điều 40 Nghị định số 20/2018/NĐ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về Điều lệ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đã ghi nhận quy định này. Ngược lại, trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, một số điều lệ doanh nghiệp nhà nước còn lại như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại không có quy định.
Các lý do để miễn nhiệm khác nhau như: Không đủ sức khỏe, không đủ năng lực và uy tín, theo yêu cầu nhiệm vụ, vì lý do khác[33]. Đối với những sai phạm trong quá khứ cũng sẽ là lý do "không đủ năng lực và uy tín" ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người quản lý trong tương lai. Ngoài ra, ứng viên từng làm công ty thua lỗ trong vòng hai năm liên tiếp cũng là lý do rất chính đáng để cá nhân đó không được đảm đương chức vụ quản lý doanh nghiệp.
Người quản lý từng bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước hạn hoặc từng làm công ty thua lỗ hai năm liên tiếp không được trở thành người quản lý là điều được đánh giá hợp lý. Ngay cả những doanh nghiệp nhà nước chưa ghi nhận quy định này trong Điều lệ thì cũng cần học hỏi ghi nhận.
Theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, không có quy định cấm ứng viên từng bị cách chức Kế toán trưởng không được trở thành người quản lý, điều hành.
Quy định về Kế toán trưởng không thống nhất giữa các điều lệ doanh nghiệp nhà nước. Căn cứ quy định nhiệm vụ của Kế toán trưởng lại hoàn toàn giống nhau tại các điều lệ doanh nghiệp nhà nước như: Tổ chức công tác kế toán, thông kế của Tập đoàn; giúp Tổng giám đốc giám sát tài chính tại Tập đoàn theo pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc, trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc ủy quyền. Như vậy, điều lệ doanh nghiệp nhà nước cần thống nhất ghi nhận kế toán trưởng là chức danh quản lý doanh nghiệp, tránh sự mâu thuẫn với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014.
Không có quy định cấm cá nhân từng bị cách chức Kế toán trưởng đảm nhiệm chức danh "thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc". Cá nhân từng bị cách chức Phó Tổng giám đốc thì không được trở hành "thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc". Nếu nhiệm vụ của Phó Tổng Giám đốc cũng chỉ là giúp Tổng Giám đốc trong việc điều hành thì Kế toán trưởng chịu trách nhiệm mảng công tác kế toán, thống kê. Cả Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng đều là người quản lý doanh nghiệp nhà nước. Đương nhiên, nhiệm vụ của hai chức danh này khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ và không tồn tại quy định nào khẳng định chức năng của Phó Tổng giám đốc là quan trọng hơn Kế toán trưởng. Do đó, nếu có quy định một ứng viên từng bị cách chức Phó Tổng giám đốc không được ứng cử trở thành người quản lý thì cần có quy định tương tự với Kế toán trưởng.
Chức danh Kế toán trưởng là nút thắt quan trọng trong hệ thống kế toán của các doanh nghiệp nhà nước. Thực tế đã cho thấy, những sai phạm của Kế toán trưởng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát tài sản nhà nước là điều không thể tránh khỏi. Do đó, đặt ra sự cấp thiết phải ghi nhận cá nhân từng bị cách chức Kế toán trưởng không được đảm đương lại các chức danh quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chi Minh