Thời gian qua, Ngành Tư pháp Lạng Sơn đã tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, Sở Tư pháp Lạng Sơn cũng đã tham mưu tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực công tác tư pháp, pháp chế theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và của Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, tổ chức, bộ máy của Ngành và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn chung các lĩnh vực công tác tư pháp, pháp chế của Lạng Sơn đều thực hiện có chất lượng, một số lĩnh vực công tác tư pháp, pháp chế tiếp tục được quan tâm chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng như: Công tác chỉ đạo điều hành; công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác hành chính tư pháp; công tác bổ trợ tư pháp; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác trợ giúp pháp lý; công tác kiểm soát thủ tục hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tổ chức, xây dựng Ngành Tư pháp; thi đua, khen thưởng...
Trong thời gian tọa đàm, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận, trao đổi về những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các lĩnh vực công tác tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp và công tác pháp chế ở các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Tại buổi tọa đàm, TS. Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cũng đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và các lĩnh vực hoạt động của Tạp chí, đồng thời gợi ý, đề xuất một số định hướng nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, pháp chế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.
Mặc dù còn có những hạn chế và bất cập, nhưng với những nỗ lực, cố gắng của Ngành Tư pháp Lạng Sơn cho thấy, kết quả, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công tác tư pháp, pháp chế đã góp phần quan trọng thực hiện nội dung cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành đã đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Kết quả đó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng nói chung và sự nghiệp cải cách tư pháp chung của toàn tỉnh, là cơ sở vững chắc để Ngành Tư pháp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tư pháp và pháp chế trong thời gian tới.
Việt Tiến