Nội dung chính của Tọa đàm tập trung vào: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định công chứng trong hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất; Thực trạng công chứng trong hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan – Một số kiến nghị; Vai trò của công chứng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý khi người sử dụng đất thực hiện các quyền; Sự cần thiết bắt buộc phải công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trong bảo đảm tiền vay của Ngân hàng; Giá trị các hợp đồng về quyền sử dụng đất đã được công chứng; Cải cách thủ tục hành chính với việc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất;…
Các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như: Giá trị công chứng trong các giao dịch về quyền sử dụng đất; Công chứng với việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong giao dịch về quyền sử dụng đất;…Bên cạnh đó đa số các đại biểu đều rất quan tâm đến Điều 161 của Dự thảo Luật Đất đai. Theo đó Dự thảo đưa ra hai phương án cho việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Phương án 1 yêu cầu các giao dịch về quyền sử dụng đất phải được công chứng. Phương án 2 không bắt buộc công chứng, chứng thực mà để thực hiện theo yêu cầu của các bên. Các đại biểu cho rằng: Nếu bãi bỏ công chứng bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất thì việc xác nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng này có thể sẽ được chuyển từ các Phòng Công chứng/Văn phòng Công chứng sang cho Uỷ ban nhân dân hoặc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất? Rõ ràng đây không phải là một bước cải cách thủ tục hành chính mà chỉ mang tính chất chuyển đổi cơ học. Hơn nữa, công chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính an toàn cho các giao dịch về quyền sử dụng đất, cụ thể: Công chứng sẽ giúp bảo đảm tính hợp pháp của nội dung các giao dịch; loại bỏ yếu tố hợp đồng vô hiệu; hạn chế các yếu tố lừa đảo, lừa dối trong các giao dịch về quyền sử dụng đất; nâng cao giá trị chứng minh của chứng cứ (hợp đồng) khi có tranh chấp.
Các đại biểu khẳng định: Việc công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tăng cường công tác quản lý đất đai mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Do đó, hầu hết các đại biểu tham dự Tọa đàm đều tán thành phương án 1 mà Dự thảo Luật Đất đai đưa ra.
Ngoài ra, để góp ý cho số chuyên đề 32 trang mà Tạp chí Dân chủ và Pháp luật dự kiến phát hành trong tháng 4/2013, các đại biểu cho rằng, Tạp chí nên dành số lượng bài viết nhất định để đăng tải ý kiến của các Thẩm phán qua thực tiễn xét xử các tranh chấp về quyền sử dụng đất và một số đối tượng khác như các doanh nghiệp (ngân hàng, tài chính) và cả ý kiến của chính người dân – chủ thể tham gia vào các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.
Như Quỳnh