Tham dự Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình; đại diện các Phòng Tư pháp cấp huyện và một số cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã của tỉnh Quảng Bình.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Quảng Bình đã trải qua 02 giai đoạn. Giai đoạn I từ tháng 01/2013 đến tháng 5/2017 thực hiện theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; theo đó, Quảng Bình là 01 trong 05 địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm. Giai đoạn II từ tháng 5/2017 đến nay thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua 05 năm triển khai thực hiện, công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về các mặt như công tác chỉ đạo, điều hành; tham mưu; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ; đánh giá tiếp cận pháp luật...
|
|
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng thừa nhận bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở cần được khắc phục, cụ thể như: Một số nơi việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó; thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở cấp xã, nhiều nơi còn coi đây chỉ là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp; việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân với hình thức tại nhà văn hóa tổ dân phố, thôn đạt hiệu quả chưa cao, tỷ lệ người dân tham dự rất ít; kinh phí để thực hiện công tác này là quá ít (mỗi xã chỉ được cấp trung bình từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng trong một năm)... Đặc biệt, nhiều ý kiến cùng cho rằng, nguyên nhân của việc một số xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phần lớn là do chưa đủ điều kiện, số ít là do chưa đủ điểm: (i) Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm pháp luật (đây là nguyên nhân chủ yếu), nhưng những cán bộ này lại vi phạm từ nhiều năm trước bây giờ mới phát hiện ra, thậm chí là vi phạm khi còn công tác ở cấp xã khác; (ii) Cấp xã loại I chưa đạt được điều kiện về tỷ lệ số điểm tối đa (90%), đây là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng theo quy định thì lại phải đạt được tỷ lệ số điểm tối đa nhiều hơn; (iii) Khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu về đảm bảo tình hình an ninh chính trị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải được kịp thời mà nguyên nhân là do điều kiện địa lý (gần đường quốc lộ, thuận lợi giao thông, địa bàn rộng... dễ dẫn đến nhiều tranh chấp, tệ nạn), do liên quan đến giải quyết vụ việc sự cố môi trường biển (Formosa) cũng tạo ra những vấn đề phức tạp, khó đạt được chỉ tiêu đề ra.
|
|
Nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Quảng Bình, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã đề ra một số giải pháp:
- Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò tham mưu; xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Có biện pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa sự tham gia, phối hợp của các tổ chức mặt trận, đoàn thể vì sự hỗ trợ của các tổ chức này là hết sức cần thiết để thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
- Cần có phương án phân bổ kinh phí và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất một cách phù hợp.
Kết thúc Tọa đàm, đại diện Lãnh đạo Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình bày tỏ vui mừng vì đã cùng phối hợp tổ chức thành công buổi Tọa đàm. Hai bên cũng cảm ơn các đại biểu đã tham dự và có những bài tham luận, ý kiến đóng góp quý báu. Lãnh đạo Tạp chí và Lãnh đạo Sở Tư pháp cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và cố gắng thực hiện với nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm góp phần nâng cao hiệu quả triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.
Uyên Nhi