1. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
1.1. Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
“Trách nhiệm” hiểu theo nghĩa chung nhất là “điều phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình”[1]. Theo Werther & Chandler (2006), “xã hội” được hiểu theo một nghĩa rộng bao gồm nhiều cấp khác nhau, trong đó có cả các bên hữu quan có lợi ích hiện thời liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, xã hội không tồn tại bên ngoài những cá thể hợp thành. Những cá thể đó là tất cả chúng ta, trong đó có các doanh nhân. Chúng ta có thể biến đổi xã hội nhưng đồng thời cũng chịu sự tác động sâu sắc của nó. Doanh nghiệp được quy định: “Là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”[2]. Trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp chính là sự bao hàm của ba khái niệm trách nhiệm, xã hội và doanh nghiệp. TNXH của doanh nghiệp chỉ ra mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng xã hội có liên quan. Dưới góc độ kinh tế, Hội đồng kinh doanh Thế giới vì sự phát triển bền vững (World Bussiness Council for Sustainable development) đưa ra định nghĩa: TNXH của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm... theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội.
Như vậy, TNXH của doanh nghiệp là ý thức trách nhiệm, sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội gắn liền với quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm trách nhiệm đối với các yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp.
1.2. Bản chất trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Từ các định nghĩa trên có thể thấy, TNXH của doanh nghiệp đều có điểm chung là việc bảo đảm lợi ích riêng của từng doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật luôn phải song hành với lợi ích phát triển chung của toàn xã hội. Về cơ bản, TNXH bao gồm những trách nhiệm về kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn.
Thứ nhất, trách nhiệm về kinh tế của doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Đây được xem là nghĩa vụ đầu tiên và là nghĩa vụ chính yếu của doanh nghiệp, là mục tiêu tối thượng của doanh nhân. Thực hiện nghĩa vụ này trước hết nhằm bảo đảm sự tồn tại của doanh nghiệp, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo thu nhập cho người lao động (NLĐ). Nếu mục tiêu về thực hiện trách nhiệm kinh tế không được thực hiện thì các trách nhiệm khác cũng không thể đáp ứng hoặc có thể đáp ứng nhưng không triệt để.
Thứ hai, trách nhiệm pháp lý hay gọi là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp luôn phải đúng quy định của pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật cho phép thực hiện. Thực hiện trách nhiệm pháp lý là để doanh nghiệp có thể được chấp nhận về mặt xã hội trong quá trình tìm kiếm và thực hiện các mục tiêu kinh tế nhằm tạo ra lợi nhuận. Có thể thấy, trách nhiệm kinh tế và trách nhiệm pháp lý là hai loại trách nhiệm song hành, là hai thành tố cơ bản, không thể thiếu và không thể tách rời trong TNXH của doanh nghiệp.
Thứ ba, trách nhiệm đạo đức được hiểu là những hành vi hay hoạt động của doanh nghiệp được xã hội mong đợi nhưng nó không phải là các trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm đạo đức được thiết lập dựa trên nền tảng là trách nhiệm pháp lý nhưng là những quy tắc, giá trị, tiêu chuẩn của xã hội. Thực hiện những trách nhiệm đạo đức này doanh nghiệp nhận được sự tôn trọng từ phía xã hội, tạo uy tín và danh tiếng cho doanh nghiệp của mình. Trách nhiệm đạo đức chính là sự tự nguyện từ doanh nghiệp nhưng là trọng tâm của TNXH. Nó là trách nhiệm được điều chỉnh bởi lương tâm. Một xã hội nhân bản và bác ái là rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh, thiếu điều này, động lực của hoạt động kinh doanh sẽ dần mất giá trị.
Thứ tư, trách nhiệm mang tính nhân văn, đó những hành vi, hoạt động của doanh nghiệp mà xã hội muốn hướng tới và có tác dụng quyết định giá trị doanh nghiệp như quyên góp xây nhà tình nghĩa, ủng họ đồng bào lũ lụt, tài trợ cho trẻ em vùng sâu vùng xa; hỗ trợ NLĐ trong đại dịch, ủng hộ cộng đồng, chung tay góp sức cùng Nhà nước gánh vác khó khăn trong thiên tai, trong đại dịch…
2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động trong đại dịch Covid-19
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với NLĐ trước hết là sự tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp đối với NLĐ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo những chính sách của Nhà nước đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ NLĐ thì doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. TNXH của doanh nghiệp đối với NLĐ được thể hiện trên nhiều phương diện như: Chính sách tiền lương của doanh nghiệp đối với NLĐ; thực hiện hợp đồng đối với NLĐ; bảo đảm an toàn lao động cho NLĐ; chính sách phúc lợi đối với NLĐ; chính sách đối với NLĐ là nữ...
Trong đại dịch Covid-19, nền kinh tế cả nước và đặc biệt là các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề, việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp không thể hoạt động kinh doanh một cách bình thường, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận, hậu quả trầm trọng có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi việc suy giảm doanh thu buộc doanh nghiệp phải lựa chọn con đường giải thể hoặc phá sản vì không đủ sức duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Ngoài ra, tình hình trên còn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả lương cho NLĐ theo đúng hợp đồng lao động, nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); nghiêm trọng hơn còn buộc phải cắt giảm lao động dẫn đến hậu quả NLĐ bị mất việc. Như vậy, có thể thấy, bên cạnh hậu quả trực tiếp mà doanh nghiệp phải đối mặt, NLĐ là đối tượng tiếp theo phải gánh chịu thiệt hại từ việc đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong đại dịch. Quý I năm 2021, cả nước có 9,1 tỷ người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó, 540 triệu người bị mất việc, 2,8 tỷ người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 tỷ người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn cách theo chủ trương của Chính phủ, nghỉ luân phiên và 6,5 tỷ lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập[3]. Chính phủ cũng cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến NLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc[4].
2.1. Vấn đề trả lương cho người lao động
Thực tế, từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến đến nay, đã có rất nhiều vụ việc gây ý kiến trái chiều liên quan đến nghĩa vụ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với NLĐ theo quy định của pháp luật của các doanh nghiệp. Cụ thể như vụ việc xảy ra tại Hà Nội, gần 300 công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Minh Quân (nay đổi tên là Tập đoàn Nam Từ Liêm) bị nợ lương từ tháng 6/2020, rơi vào tình cảnh khốn khó giữa mùa Covid-19. Công ty mới thanh toán được một phần sau khi NLĐ đấu tranh ròng rã nhiều tháng[5]. Hoặc trường hợp mới đây của Công ty TNHH Mosfly Việt Nam Industries (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Công ty không có khả năng chi trả lương và tiền thưởng doanh số cho NLĐ, tổng số tiền lương Công ty nợ NLĐ là hơn 2 tỷ đồng từ tháng 4/2021, hơn 250 công nhân công ty này đã có đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi. Không chỉ nợ lương, do công ty cũng nợ BHXH, bảo hiểm y tế nên rất nhiều công nhân không được hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động theo luật định[6]. Theo quy định của pháp luật về nguyên tắc trả lương cho NLĐ: “Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp”[7]. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì “không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương”[8]. Như vậy, về nguyên tắc, NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ; tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng thì có thể chậm trả nhưng không quá 30 ngày kể từ thời điểm đến hạn thanh toán lương, đồng thời phải trả thêm một khoản tiền xem như tiền lãi chậm trả. Về hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xa hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về các hành vi vi phạm quy định về tiền lương được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này[9].
Pháp luật lao động không có quy định cụ thể về “trường hợp bất khả kháng”, nhưng theo quy định trong Bộ luật Dân sự thì “sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”[10]. Đối chiếu với quy định của pháp luật, đại dịch Covid-19 là sự kiện xảy ra một cách khách quan không xuất phát từ phía NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có lường trước được, có khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, đại dịch có là nguyên nhân dẫn đến việc bên bị ảnh hưởng không thực hiện được nghĩa vụ trả lương hay không, phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Như vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh vì lý do đại dịch Covid-19 đều được phép chậm trả lương 30 ngày cho NLĐ. Khi xem xét các vụ việc cần tính đến từng hoàn cảnh cụ thể để đưa đến kết luận phù hợp, tránh việc doanh nghiệp lạm dụng bối cảnh xã hội và quy định của pháp luật để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ. Nếu xác định công ty có hành vi vi phạm pháp luật lao động thì cần phải có biện pháp xử phạt kịp thời.
2.2. Vấn đề đóng bảo hiểm xã hội
Các vấn đề về BHXH như chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của NLĐ, NSDLĐ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH… được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”[11]. BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí; tử tuất[12]. Như vậy, BHXH là một trong những chính sách an sinh dành cho NLĐ. Ngoài tiền lương hàng tháng thì NSDLĐ còn phải đóng BHXH cho NLĐ theo quy định.
Liên quan đến vấn đề đóng BHXH, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng đã dự liệu việc đóng BHXH trong một số trường hợp khó khăn, đặc biệt; tại Điều 88 quy định về tạm dừng đóng BHXH bắt buộc, được quy định chi tiết tại Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc. Trong bối cảnh đại dịch, một thực tế khó tránh khỏi xuất phát từ hệ lụy của việc giãn cách xã hội do đại dịch đó là các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định. Thực tế, việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn ra từ khoảng tháng 6/2021 đến hết tháng 9/2021, giai đoạn đầu giãn cách, rất nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do chưa bố trí kịp thời phương án sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Theo quy định của pháp luật, đại dịch Covid-19 là một trong những trường hợp mà doanh nghiệp có thể tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất[13]. Tuy nhiên, việc tạm dừng sản xuất, kinh doanh này chỉ đáp ứng điều kiện luật định nếu thời gian tạm dừng từ 01 tháng trở lên. Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, NSDLĐ vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp[14].
Trong đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã thể hiện vai trò đồng hành của mình cùng người dân vượt qua đại dịch thông qua việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và NLD. Tính đến hết ngày 01/9/2021, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho 403 đơn vị tại 44 tỉnh, thành phố, với 68.568 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 473,3 tỷ đồng. Xác nhận danh sách của 651.429 lao động của 26.595 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 61 tỉnh, thành phố. Toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết: 4.739.050 lượt người hưởng chế độ ốm đau; 1.202.594 lượt người hưởng chế độ thai sản; 258.323 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe[15].
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, việc thực hiện quy định về BHXH tồn tại một vấn đề tiêu cực diễn ra khá phổ biến đó là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý Quỹ BHXH năm 2021, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng)[16]. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH đã ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng của nhiều lao động (thất nghiệp không được hưởng, ốm đau, thai sản hay nghỉ hưu). Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn, bị gián đoạn; cho nên cơ quan chức năng nhận định rằng số nợ năm 2020 tăng hơn so với năm 2019 và tương tự trong năm 2021.
2.3. Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động
Vấn đề an toàn vệ sinh lao động được điều chỉnh bởi Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. “An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động”, “vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động”[17]. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, NSDLĐ, NLĐ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động[18]. Trong năm 2021, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời ban hành các quyết định về ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 như: Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh[19], bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại văn phòng làm việc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh[20].
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ càng được chú trọng hơn, sức khỏe của NLĐ cần được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, nhiều doanh nghiệp đã triển khai mô hình “03 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ). Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) với gần 200 công nhân, nhà máy thực hiện “03 tại chỗ” bắt đầu từ ngày 19/6, nhờ đó, công ty đã thành công trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Tại Bình Dương, gần 3.500 doanh nghiệp trong tỉnh vẫn duy trì được sản xuất[21]. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, trang bị các thiết bị cảm ứng nhiệt, phun thuốc xịt khuẩn các phương tiện ra vào công ty, nước rửa tay, phát khẩu trang cho NLĐ...
Đây là phương án cấp bách trong bối cảnh đại dịch và bộc lộ ưu điểm, tuy nhiên, thực tế cho thấy, phương án này vẫn còn tồn tại một số vấn đề do doanh nghiệp chưa kịp thích ứng dẫn tới việc bị động, lúng túng trong quá trình triển khai. Vấn đề đầu tiên là chi phí triển khai, mô hình trên đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị chỗ ăn uống, chỗ ngủ cho NLĐ, đồng thời, còn phải bố trí các biện pháp bảo đảm giãn cách giữa NLĐ với nhau trong quá trình làm việc, ăn uống, chỗ ngủ. Thực tế, công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) với số lượng lao động lớn gần 9.000 người, giám đốc doanh nghiệp cho biết để bảo đảm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh này chi phí công ty tăng gấp 02 lần so với bình thường[22]. Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Saigon Food cũng cho biết chi phí “03 tại chỗ” rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm Covid-19 nhiều lần trong tuần khiến doanh nghiệp mệt mỏi, đuối sức[23]. Vấn đề quan trọng tiếp theo, đó là bảo đảm an toàn về sức khỏe cho NLĐ thực hiện mô hình “03 tại chỗ”, bởi việc lao động, ngủ nghỉ hoàn toàn tại công ty rất dễ dẫn đến việc lây nhiễm chéo nhanh chóng trong nội bộ NLĐ nếu có nguồn lây bệnh; vấn đề NLĐ tụ tập, nghỉ ngơi sau giờ làm việc càng làm gia tăng nguy cơ cho nên việc phát hiện và kiểm soát kịp thời nguồn lây là cực kì quan trọng, đây cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Ngày 30/9/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi đã ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Thành phố triển khai các phương án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bảo đảm các bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của lĩnh vực tương ứng. Theo đó, các doanh nghiệp có thể từng bước nới lỏng mô hình “03 tại chỗ”, tuy nhiên vẫn bảo đảm thực hiện nguyên tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề thu hút NLĐ trở lại làm việc lại là thách thức mới đối với các doanh nghiệp. Có thể thấy doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất khi có đủ số lao động được tiêm vắc xin ngừa Covid-19; việc đi lại thuận tiện; nhà máy, xí nghiệp bảo đảm sản xuất an toàn. Những giải pháp mà doanh nghiệp có thể tính đến để thu hút nguồn nhân lực đó là tăng lương thưởng, phúc lợi cho NLĐ; đóng BHXH đầy đủ… Đây lại tiếp tục là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, bởi lẽ thời gian dịch vừa qua các doanh nghiệp cũng đã gồng mình đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính để có thể duy trì hoạt động sản xuất.
3. Kiến nghị nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động trong đại dịch Covid-19
Thứ nhất, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của NLĐ. Cần đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho NLĐ, đặc biệt NLĐ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, NLĐ trong vùng kinh tế trọng điểm. Doanh nghiệp đáp ứng đủ các biện pháp, điều kiện phòng, chống dịch thì vừa phòng được dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất. Chính sách về kiểm tra các biện pháp phòng dịch bảo đảm nghiêm khắc, kiểm tra chặt chẽ mới cho phép doanh nghiệp duy trì sản xuất. Kiểm tra sức khoẻ và triển khai “test” thường xuyên đối với NLĐ làm việc trong doanh nghiệp, đặc biệt xử lý nghiêm và áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt tăng nặng đối với việc trốn tránh, che giấu, bao che cho những đối tượng có kết quả xét nghiệm là dương tính. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích đi đôi với kiểm soát chặt chẽ NLĐ làm việc tại doanh nghiệp hoặc di chuyển trong doanh nghiệp. Song song với các biện pháp phòng dịch mạnh là tuyên truyền, giải thích pháp luật về việc không chấp hành các quy định của Nhà nước hoặc nội quy của doanh nghiệp về phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành và giúp NLĐ hiểu rõ được sự nguy hiểm, tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ NLĐ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, chuyển đổi thời gian hoạt động của doanh nghiệp đối với NLĐ. Triển khai nhân rộng mô hình “hoạt động cầm chừng, luân phiên” đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu như cung ứng hàng hóa, thiết bị y tế hoặc đối với những doanh nghiệp buộc phải duy trì. Chia nhỏ các ca làm việc của NLĐ, cho NLĐ làm việc luân phiên, từng đợt lao động làm việc một thời gian sau đó lại nghỉ để cho một đợt lao động khác vào thay thế. Doanh nghiệp không thể làm việc liên tục với đầy đủ lao động, ví dụ như trước đây làm 03 ca thì rút xuống còn 02 ca hoặc trước đây làm 10 - 12 tiếng thì rút xuống còn 7 - 8 tiếng, vừa giữ chân NLĐ, vừa có thể chi trả mức lương cơ bản cho NLĐ sinh sống, vừa phù hoạt với năng suất và doanh thu của doanh nghiệp. Để triển khai nhân rộng mô hình này, doanh nghiệp cần có sự thỏa thuận với NLĐ, hỏi ý kiến của NLĐ, tham khảo ý kiến của tập thể NLĐ hoặc kết nối với NLĐ qua công đoàn cơ sở để NLĐ cảm thấy mình được tôn trọng cũng như cảm nhận được thiện chí của doanh nghiệp, thông cảm, thấu hiểu cho nhau cùng vượt qua thời kỳ khó khăn dịch bệnh.
Thứ ba, đối với các gói chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, hỗ trợ người tạm ngưng việc làm. Doanh nghiệp phối hợp với cơ quan liên quan, giải quyết thủ tục bảo hiểm cho NLĐ trong thời gian nhanh nhất có thể, tránh tình trạng NLĐ đã nghỉ việc mà vẫn chưa hoàn tất thủ tục hoàn trả bảo hiểm cho NLĐ với lý do doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục với cơ quan bảo hiểm như: Thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH hoặc hoàn tất thủ tục giải quyết do không cập nhật hoặc biết cách xử lý thông tin, sai thủ tục để chốt sổ BHXH cho NLĐ làm kéo dài thời gian, dẫn đến hết hạn hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc các chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ hoặc gây khó khăn cho NLĐ trong việc chuyển sang đơn vị mới hoặc công việc mới trong mùa dịch.
Thứ tư, chính sách “giữ chân” và “thu hút” NLĐ quay trở lại doanh nghiệp làm việc. Trong suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tiêu biểu như ở TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều NLĐ không thể trụ lại nơi mình sinh sống và làm việc. Ngay khi Nhà nước có chính sách “nới lỏng giãn cách”, rất nhiều NLĐ đã bất chấp quy định của Nhà nước về việc tự ý đi lại liên tỉnh để về quê, như vậy, trong thời gian sắp tới sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công không chỉ riêng ở TP. Hồ Chí Minh mà các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm… trên cả nước, đặc biệt là NLĐ trong lĩnh vực sản suất, chế biến, hoạt động theo dây chuyền. Trước thực trạng này, đòi hỏi Nhà nước song song việc thực hiện đầy đủ, nhanh chóng các chính sách liên quan đến an toàn, sức khỏe, tiêm vắc xin đầy đủ cho NLĐ thì cần triển khai chính sách vận động, hỗ trợ, khuyến khích thiết thực cho NLĐ như: Gói chính sách hỗ trợ an sinh cần phải đến được với những NLĐ thật sự cần thiết, triển khai cụ thể chính sách thu hút về tài chính như: Ở lại làm việc thì sẽ được hưởng những chế độ đãi ngộ như tăng phụ cấp ăn, phụ cấp phí sinh hoạt, tăng lương hoặc tăng tiền làm thêm giờ cho những NLĐ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp cùng trải qua thời kỳ phục hồi kinh tế.
ThS. Hồ Trần Bảo Trâm
Khoa Luật, Đại học Nguyễn Tất Thành
[1]. Ban Tuyên giáo Trung ương, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm
[2]. Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[3]. “Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I năm 2021”, Tổng cục Thống kê
[4]. Luân Dũng (2021), “Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhiều người nói vỡ quỹ, nhưng thực tế là đang bền vững”
[5]. Kiên Trung (2021), “Giữa dịch Covid-19, gần 300 công nhân quét rác bị nợ lương nhiều tháng”, Vietnamnet
[6]. Châu Loan (2021), “Công ty TNHH Mosfly Việt Nam Industries: Hàng trăm công nhân bị nợ lương”, Người lao động
[7]. Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019.
[8]. Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019.
[9]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đối với hành vi trả lương không đúng hạn, không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho NLĐ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì mức phạt tiền tối thiểu là 05 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng tùy theo số lượng NLĐ bị nợ lương và biện pháp khắc phục hậu quả.
[10]. Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[11]. Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[12]. Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[13]. Theo hướng dẫn tại Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04/5/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất gồm: Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
[14]. Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
[15]. Phạm Chính (2021), “Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đồng hành cùng người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch”, bảo hiểm xã hội Việt Nam
[16]. Kim Thanh (2021), “Khó xử lý hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
[17]. Khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
[18]. Điều 132 Bộ luật Lao động năm 2019.
[19]. Đính kèm Phụ lục 4 Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 về ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ).
[20]. Đính kèm Phụ lục 5 Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ.
[21]. “3 tại chỗ: Lựa chọn khó khăn nhưng cấp thiết”, Thủ tướng Chính phủ
[22]. “3 tại chỗ: Lựa chọn khó khăn nhưng cấp thiết”, Thủ tướng Chính phủ
[23]. B. Châu (2021), “Sản xuất an toàn trong mùa dịch”