Trade dress có thể hiểu là hình ảnh thương mại tổng thể của sản phẩm được trình bày để giới thiệu tới khách hàng, nhằm xác định nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Đây là một khái niệm bắt nguồn từ quy định của luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ và hiện nay cũng được một số nước áp dụng. Ở Việt Nam hiện nay không có quy định về trade dress, mà nó có thể được bảo hộ tương ứng là nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp... Các quy định này hoàn toàn tương đồng hay vẫn còn khác biệt? Bài viết sẽ phân tích, so sánh các quy định của pháp luật để làm rõ những nội dung này.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường cũng ngày càng phong phú về chủng loại, chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ... nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, để khách hàng nhận biết được sản phẩm của mình trong một thị trường đa dạng như vậy, các doanh nghiệp thường dùng các dấu hiệu, biểu tượng khác nhau để giúp phân biệt với hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Các dấu hiệu này càng mang tính khác biệt, đặc sắc thì càng tạo được sự ấn tượng với khách hàng.
Việc tìm kiếm các dấu hiệu phân biệt không chỉ tập trung vào một số đặc điểm truyền thống nằm trên sản phẩm hay bao bì sản phẩm (như nhãn hiệu) mà các dấu hiệu này đã mở rộng hơn, có khi bao gồm tổng thể hình ảnh như hình dáng, màu sắc, kích thước, bao bì, thiết kế… của sản phẩm đó. Đối tượng này cũng được bảo hộ trong hệ thống pháp luật của một số nước, tại Hoa Kỳ gọi là “trade dress” hay còn gọi là hình ảnh thương mại tổng thể. Đây là một đối tượng mới tồn tại song song với các đối tượng đã được bảo hộ trong quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Có thể nói, trade dress không chỉ có chức năng cơ bản là đảm bảo danh tiếng trong kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự thu hút với khách hàng mà còn tạo khả năng phân biệt với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Tại một số nước, trong đó có Việt Nam, không có quy định về trade dress mà hình ảnh thương mại tổng thể của sản phẩm có thể được bảo hộ tương ứng thông qua các quy định về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… Mặc dù có mối liên hệ nhưng giữa trade dress và các đối tượng trênvẫn tồn tại một số điểm tương đồng và khác biệt.
1. Khái niệm và điều kiện bảo hộ trade dress tại Hoa Kỳ
1.1. Khái niệm về trade dress
Trade dress là một khái niệm bắt nguồn từ quy định tại Điều 15 U.S.C. § 1127, Đạo luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ (hay còn gọi là Đạo luật Laham). Ban đầu, trade dress chỉ đề cập đến hình thức bên ngoài của một sản phẩm được bán trên thị trường như nhãn dán, thẻ trưng bày trên bao bì và các yếu tố đóng gói khác. Nhưng hiện nay theo quan điểm hiện đại thì khái niệm về trade dress đã được mở rộng hơn. Trade dress được định nghĩa là “tổng thể hình ảnh” hoặc “hình ảnh tổng thể” và có thể bao gồm bất kỳ từ, tên, biểu tượng hoặc thiết bị nào hoặc sự kết hợp của các yếu tố trên (được sử dụng hoặc dự định sử dụng) để xác định hoặc phân biệt hàng hoá của nhà sản xuất với người khác và để chỉ ra nguồn gốc của hàng hoá.
Các dấu hiệu mang ý nghĩa như là một “biểu tượng” hoặc “thiết bị” có thể được coi là những chữ cái, chữ số, đồ họa (hai chiều, ba chiều) âm thanh, mùi hương, kết cấu, hình dạng, màu sắc, kích thước, sự kết hợp của các yếu tố trên, thậm chí bao gồm cả kỹ thuật bán hàng. Tóm lại, trade dress có thể bao gồm hoặc không bao gồm sản phẩm của chính nó, có thể đơn giản như bao bì sản phẩm hoặc có thể phức tạp hơn như là cách bố trí, trang trí tổng thể của một nhà hàng hay kỹ thuật bán hàng.
1.2. Điều kiện bảo hộ trade dress
Một trade dress muốn được pháp luật bảo hộ cần xem xét đến ba vấn đề: (i) Phải có tính phân biệt; (ii) Không mang tính chức năng; (iii) Không có khả năng gây nhầm lẫn với các dấu hiệu khác.
(i) Tính phân biệt
Một trong những vai trò của trade dress chính là dẫn chiếu đến nguồn cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Do đó, một trade dress phải có được sự phân biệt, nghĩa là có một sản phẩm duy nhất trên thị trường mang dấu hiệu phân biệt đó và nó ngay lập tức sẽ xác định được nhà sản xuất hoặc nguồn sản phẩm kể từ thời điểm được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thị trường hoặc có được sự phân biệt thông qua quá trình sử dụng. Ví dụ, từ "Coca - Cola" có sự phân biệt, vì nó chỉ ra nguồn gốc của một loại nước giải khát và là dấu hiệu duy nhất được sử dụng bởi một doanh nghiệp cụ thể.
Các dấu hiệu phân biệt muốn được bảo hộ cũng không được dùng để cản trở cạnh tranh, ngăn các đối thủ kinh doanh không thể truyền thông về sản phẩm tới người tiêu dùng. Các dấu hiệu không có tính phân biệt thường chỉ đơn thuần mô tả về sản phẩm hoặc đặc tính,chủng loại của sản phẩm. Ví dụ, không thể dùng từ “apple” để làm dấu hiệu phân biệt cho một loại táo bán trên thị trường.
(ii) Tính phi chức năng
Doanh nghiệp muốn nộp đơn xin bảo vệ một trade dress cụ thể thì cần chứng minh dấu hiệu đó không có chức năng và không dùng cho hiệu quả cạnh tranh. Thông thường, trade dress được chia thành hai loại là trade dress cấu hình sản phẩm (nói về kết cấu, hình dáng của sản phẩm) và trade dress thiết kế sản phẩm (hay còn gọi là trade dress về bao bì sản phẩm). Việc đặt ra vấn đề về dấu hiệu mang tính chức năng thường liên quan đến trade dress cấu hình sản phẩm.
Dấu hiệu mang tính chức năng nếu chúng là cần thiết cho việc sử dụng hoặc mục đích của sản phẩm hoặc ảnh hưởng đến chi phí, chất lượng của sản phẩm. Việc bảo hộ các dấu hiệu có tính chức năng như vậy sẽ giúp cho chủ sở hữu có những lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khác, như vậy là không công bằng.
Ví dụ, trong án lệ TrafFixDevices tại Hoa Kỳ, người nộp đơn đã xin bảo hộ đối với một biển báo giao thông. Biển báo này có thân cấu tạo là một dạng lò xo kép, được cải tiến từ một sáng chế trước đó, giúp cho chúng có thể đứng vững được trước những cơn gió mạnh, đây là một lợi thế hơn các biển báo giao thông thông thường khác. Rõ ràng, nếu cấu hình này được bảo hộ là trade dress, thì cũng có nghĩa nó sẽ được bảo hộ vô thời hạn, các đối thủ không được quyền sao chép và đương nhiên, rất nhiều khách hàng sẽ lựa chọn những sản phẩm mà họ thấy có nhiều ưu điểm hơn so với các loại khác. Như vậy, các đối thủ cạnh tranh sẽ bị đặt vào thế bất lợi trong một khoảng thời gian dài.
Do vậy, việc từ chối bảo hộ các trade dress có tính chức năng là cần thiết. Để xác định tính chức năng của dấu hiệu, Tòa án của Hoa Kỳ thường rất cẩn thận khi xem xét, cân bằng các nội dung của học thuyết chức năng nhằm giải quyết các tranh chấp cụ thể trên thực tế.
(iii) Không có khả năng gây nhầm lẫn với các dấu hiệu khác
Để được bảo hộ là trade dress, dấu hiệu đó không được gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ với các dấu hiệu được bảo hộ khác. Nếu người vi phạm “mượn” các dấu hiệu có lợi thế thương mại mà chủ sở hữu đã mất nhiều công sức đầu tư, để gắn lên sản phẩm, dịch vụ của họ nhằm trục lợi thì thật là không công bằng.
Các yếu tố thường được xem xét trong việc quyết định khả năng gây nhầm lẫn trong vi phạm trade dress, bao gồm: Sức mạnh trade dress của nguyên đơn, mức độ tương tự giữa trade dress của các bên, mức độ tương tự hàng hoá/dịch vụ của các bên, sự tương đồng về kênh tiếp thị của các bên, sự nhầm lẫn thực tế, ý định của bị đơn trong việc vi phạm... Tùy từng Tòa án và tùy từng tranh chấp cụ thể sẽ xem yếu tố nào trên đây được coi là quan trọng nhất trong việc xác định về khả năng gây nhầm lẫn.
2. Trade dress và các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ
2.1. Trade dress và nhãn hiệu
- Sự tương đồng giữa trade dress và nhãn hiệu: So với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ thì trade dress có nhiều điểm tương đồng với nhãn hiệu nhất.Có thể nói, trade dress là một khái niệm bắt nguồn từ các quy định về nhãn hiệu của Hoa Kỳ. Hai đối tượng này đều được quy định trong Đạo luật Lanham, Luật Liên bang Hoa Kỳ về bảo vệ nhãn hiệu. Mục đích cơ bản của Đạo luật là bảo vệ cả người tiêu dùng và người khiếu nại khỏi sự gian lận và những thông tin sai lệch về sản phẩm và dịch vụ. Tại một số nước trên thế giới, trade dress thường được bảo vệ tương đương với các quy định pháp luật về nhãn hiệu.
+ Về căn cứ pháp lý tại Hoa Kỳ: Trade dress và nhãn hiệu đều có thể được bảo vệ theo hai cách thức là đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được bảo hộ thông qua quá trình sử dụng.
Khung pháp lý liên bang để bảo vệ trade dress và nhãn hiệu đều căn cứ theo Điều 15 U.S.C. § 1051 Đạo luật Lanham. Trade dress có thể được đăng ký với PTO theo Mục 2 Điều 15 U.S.C § 1052 (sản phẩm) và Mục 3 Điều 15 U.S.C § 1053 (dịch vụ) của Đạo luật Lanham, giống như cách mà nhãn hiệu từ và logo có thể được đăng ký.
Trade dress chưa đăng ký bảo hộ có thể được bảo vệ theo Mục 43 (a) Điều 15 U.S.C § 1125 của Đạo luật Lanham theo cùng một cách của các nhãn hiệu chưa đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể: Bất kỳ từ, tên, biểu tượng hoặc thiết bị nào, hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của chúng (được sử dụng hoặc dự định sử dụng) để xác định và phân biệt hàng hóa của một nhà sản xuất... từ những sản phẩm được sản xuất hoặc bán bởi người khác và để chỉ ra nguồn của hàng hoá.
+ Về chức năng cơ bản: Trade dress và nhãn hiệu đều có cùng chức năng cơ bản là các dấu hiệu dùng để xác định nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ; để đảm bảo danh tiếng trong kinh doanh của chủ sở hữu và đảm bảo khả năng phân biệt với các sản phẩm cạnh tranh của đối thủ, tuy nhiên cũng không có một yêu cầu cụ thể nào bắt buộc phân biệt giữa hai đối tượng này.
- Một số điểm khác biệt giữa trade dress và nhãn hiệu
Trade dress là một khái niệm bắt nguồn từ nhãn hiệu, tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng chúng cũng vẫn còn có những khác biệt đáng kể.
+ Cách cấu tạo: Theo Điều 15 U.S.C §1127 Đạo luật Laham thì nhãn hiệu phải là một cái gì đó tách biệt khỏi hàng hoá mà nó áp dụng. Nhãn hiệu thường gồm các hình ảnh, thành phần gây chú ý (như đồ hoạ, chữ viết, tên, biểu tượng, nhãn dán...), được liên kết với hàng hóa hoặc dịch vụ, để nó có thể dễ dàng được nhận biết bởi công chúng và của người mua, nhằm để chứng thực nguồn gốc của sản phẩm.
Nếu như nhãn hiệu dựa trên một vài dấu hiệu sử dụng trên sản phẩm thì trade dress lại cung cấp khả năng bảo vệ tiềm năng cho nhiều yếu tố hơn. Trade dress biểu thị tổng thể hình ảnh cuả sản phẩm, dịch vụ mà nhà sản xuất muốn giới thiệu, quảng cáo thương hiệu của mình ra thị trường như: Bao bì, hộp đựng, thiết kế nhà hàng, thiết kế của các lỗ golf, kỹ thuật bán hàng…, thậm chí là cấu hình của sản phẩm, nếu cấu hình đó không có tính chức năng.
+ Về tính năng: Nhãn hiệu là một biểu tượng, nó có thể đại diện cho sản phẩm nhưng trade dress thì phức tạp hơn vì nó bao gồm một sự kết hợp của các ký hiệu, cùng nhau, nhằm tạo nên một cái nhìn tổng thể về hàng hoá, dịch vụ. Nếu tách riêng từng yếu tố này của trade dress, sẽ rất khó để đánh dấu, xác định xem đó là tài sản của doanh nghiệp nào. Hoặc trong một số trường hợp, trade dress không thể đại diện cho các sản phẩm của doanh nghiệp khi họ cung cấp nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác nhau.
Ví dụ: Chỉ cần nhìn thấy biểu tượng swoosh “”, người ta cũng có thể hình dung đây là nhãn hiệu, biểu thị cho các sản phẩm của Nike. Ngay cả khi từ "Nike" thực tế không có trên sản phẩm. Còn nếu nói về trade dress của một loại giày tennis, sẽ bao gồm: Hình dáng, kết cấu của giày, màu sắc, thiết kế đế giày, các đường khâu bên ngoài, loại lỗ xỏ dây giày... Trade dress này chỉ nguồn gốc về một loại giày tennis cụ thể của hãng Nike trên thị trường, chứ không phải là cho tất cả các sản phẩm của Nike.
+ Sự phân biệt của dấu hiệu: Vì trade dress và nhãn hiệu đều được dùng để chỉ nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ nên điều kiện bảo hộ của chúng cũng tương tự nhau, một trong các yêu cầu đó là các dấu hiệu được bảo hộ cần có sự phân biệt. Tại Hoa Kỳ, để phân biệt các dấu hiệu có khả năng bảo hộ là nhãn hiệu, người ta thường áp dụng theo phân loại Abercrombie. Theo đó, dấu hiệu có thể chia thành các loại như: Chung chung, mô tả, gợi ý, ngẫu nhiên hoặc tưởng tượng.
Tuy nhiên, cách phân loại này thường không áp dụng dễ dàng cho trade dress. Do trade dress thường liên quan đến sự kết hợp của nhiều yếu tố như hình dạng, màu sắc và các yếu tố thiết kế khác, nên không dễ dàng phù hợp với tập hợp các thiết kế về từ, biểu tượng như nhãn hiệu. Việc xác định sự phân biệt của trade dress thường được mỗi Tòa án khi xét xử sẽ đưa ra các kiểm nghiệm khác nhau, tùy từng tranh chấp cụ thể. Các thử nghiệm về tính phân biệt của trade dress cũng chia thành hai loại riêng biệt là trade dress cấu hình sản phẩm và trade dress thiết kế bao bì.
+ Xác định các yếu tố tương tự đến mức gây nhầm lẫn: Các tranh chấp về nhãn hiệu và trade dress thường phát sinh khi người tiêu dùng nhầm lẫn giả định rằng sản phẩm hoặc dịch vụ được kết hợp với nguồn, khác với nguồn gốc thực sự của nó, do sự tương đồng giữa hai sản phẩm. Tuy nhiên, việc xác định các yếu tố tương tự đến mức gây nhầm lẫn liên quan đến vi phạm nhãn hiệu và trade dress thì khác nhau. Ví dụ: Dấu hiệu từ “Coca - Cola” được sử dụng cho một loại sản phẩm nước ngọt là một dấu hiệu tuỳ ý, có tính phân biệt từ khi bắt đầu được sử dụng là nhãn hiệu. Nếu một người thứ hai cố tình sử dụng các dấu hiệu tương tự để gây nhầm lẫn, thì sẽ là cạnh tranh không lành mạnh. Đó là một quá trình khá đơn giản để so sánh một tên tùy ý này với một tên tùy ý khác.
Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản khi áp dụng để so sánh một trade dress này với một trade dress khác. Một trade dress hoàn chỉnh có thể được tạo thành từ nhiều chức năng khác nhau, bao gồm tất cả các yếu tố như: Hình dáng chai, nắp và nhãn dán của chai nước ngọt đó. Nó cũng có thể được tạo thành từ nhiều yếu tố mô tả và cũng có thể kết hợp các yếu tố tùy ý khác. Trên thực tế, Tòa án tại Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều kiểm nghiệm khác nhau để đánh giá về các dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn trong các tranh chấp liên quan đến trade dress.
2.2. Trade dress và sáng chế
Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật (hay còn gọi là sáng chế hữu ích), có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Mục đích của việc bảo hộ sáng chế là nhằm khuyến khích việc tạo ra sáng chế bằng cách cho phép một nhà phát minh được hưởng quyền lợi từ việc khai thác độc quyền; khuyến khích việc công khai sáng chế để kích thích sự đổi mới hơn và cho phép công chúng thực hành sáng chế, một khi bằng sáng chế hết hạn bảo hộ; để thực hiện được mục đích thứ hai thì cần đảm bảo sáng chế đó sẽ được sử dụng miễn phí khi nó hết thời hạn bảo hộ. Trong khi mục đích cơ bản trong việc bảo hộ trade dress là để tránh sự nhầm lẫn người tiêu dùng, bảo vệ danh tiếng, lợi thế thương mại của người bán và tăng cường cạnh tranh.
Việc đặt ra mối quan hệ giữa trade dress và sáng chế thường chỉ liên quan đếncấu hình sản phẩm. Một cấu hình có thể được bảo hộ là sáng chế nếu đáp ứng đủ các điều kiện của sáng chế; ngược lại, cấu hình sản phẩm cũng có thể được bảo hộ là trade dress nếu như nó có tính phân biệt và không có tính chức năng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian bảo hộ một bằng sáng chế bằng cách cố gắng đăng ký cấu hình đó là trade dress. Nhưng theo học thuyết chức năng, nếu như cấu hình sản phẩm là một phần của bằng sáng chế hữu ích, ngay cả khi cấu hình đó không hoạt động, hoặc được cải tiến từ một bằng sáng chế tương tự thì vẫn bị coi là mang tính chức năng và sẽ không được bảo hộ là trade dress. Vì các cấu hình này sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho người sở hữu hơn các đối thủ khác và nếu trade dress chỉ thuộc về một người nhất định và được bảo hộ vô thời hạn thì sẽ trái với những nguyên tắc cơ bản của luật sáng chế. Do đó, một sáng chế không thể đăng ký là trade dress và ngược lại.
2.3. Trade dress và kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp (theo quy định của Hoa Kỳ, kiểu dáng công nghiệp còn được gọi là sáng chế thiết kế) phải thể hiện tính mới, tính nguyên gốc và thiết kế rõ ràng về hình dáng của sản phẩm. Một kiểu dáng công nghiệp, khi hết thời gian bảo hộ, nó có thể đăng ký là trade dress; hoặc bảo hộ theo cả hai. Điều này có thể xảy ra vì luật về hai đối tượng này có nguồn gốc và mục đích khác nhau. Nếu như trade dress được dùng để chỉ nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ thì kiểu dáng công nghiệp thường mang tính thẩm mỹ, nhằm thu hút khách hàng.
Tại một số nước không có quy định về trade dress thì kiểu dáng công nghiệp cũng là một lựa chọn để bảo hộ cho hình ảnh thương mại tổng thể của sản phẩm. Điều quan trọng là hình dáng bên ngoài của sản phẩm nếu muốn đăng ký bảo hộ là trade dress thì cần chứng minh kiểu dáng đó có tính phân biệt và có chức năng như một dấu hiệu nhận dạng nguồn gốc. Vì trong một số trường hợp, một kiểu dáng công nghiệp khi hết hạn bảo hộ, rất có thể đã bị sao chép bởi các đối thủ, như vậy nó có còn tính phân biệt so với các sản phẩm tương tự cùng loại khác không. Thêm một yếu tố khác để kiểu dáng đó có thể được bảo hộ là trade dress khi thiết kế đó mang tính phi chức năng.
Việc bảo hộ hình dáng sản phẩm là trade dress sẽ có điểm lợi là được bảo hộ vô thời hạn, còn nếu bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp thì lại bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, nếu bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp thì chủ sở hữu sẽ được độc quyền khai thác và thương mại hoá sản phẩm; chứ không phải đầu tư quá nhiều cho việc quảng cáo và phát triển sản phẩm để người tiêu dùng có thể biết đây là dấu hiệu nhận diện nguồn của một sản phẩm cụ thể như cách thức mà chủ sở hữu trade dress hay nhãn hiệu thường làm. Các doanh nghiệp nhỏ nên chọn theo cách thức này. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng bảo hộ phù hợp nào sẽ tùy từng mục đích của các doanh nghiệp khác nhau.
2.4. Trade dress và quyền tác giả
Trong một số trường hợp ngoại lệ, hình dáng bên ngoài sản phẩm cũng có thể đăng ký quyền tác giả. Theo Đạo luật Bản quyền năm 1976 của Hoa Kỳ, một tác phẩm gốc, bao gồm tác phẩm ảnh, đồ họa và điêu khắc có thể được áp dụng cho các loại nhãn và thiết kế đồ họa liên quan đến trade dress. Tuy nhiên, việc bảo vệ các dấu hiệu này theo luật bản quyền thường bị hạn chế nhiều hơn so luật về trade dress. Đó là luật bản quyền không áp dụng cho các sản phẩm "hữu ích" trừ khi thiết kế được bảo vệ có thể tách rời khỏi sản phẩm.
Đối với Đạo luật Bản quyền của Úc năm 1968 cũng đưa ra một số quy định hạn chế để bảo vệ một phần của trade dress bởi luật bản quyền, ví dụ như ảnh, hình họa… được sử dụng trên bao bì sản phẩm. Nếu các yếu tố đó hội đủ điều kiện như một tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học. Ngược lại, một số yếu tố như tên, chức danh, khẩu hiệu và thậm chí là những cụm từ rất ngắn, cơ sở không rõ ràng và không đủ điều kiện bảo hộ là tác phẩm văn học, cũng có thể được bảo hộ là một yếu tố trong trade dress.
Bên cạnh các đối tượng trên, trade dress không đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể được bảo hộ theo quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Đây là tiền đề để người sở hữu trade dress chống lại các hành vi gian dối trong tiếp thị, đóng gói và quảng cáo về hàng hoá và dịch vụ.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng, không có khái niệm chính xác về trade dress. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo hộ trade dress có thể dựa vào các quy định tương đương về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù, các đối tượng này có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn còn một số khác biệt nhất định. Cụ thể, trong các quy định về nhãn hiệu của Việt Nam còn thiếu hoặc chưa đầy đủ về điều kiện bảo hộ, như: Các quy định về tính phi chức năng, tính phân biệt thông qua quá trình sử dụng… Nội dung bài viết phân tích những quy định cơ bản của Hoa Kỳ - một quốc gia có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về trade dress nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung để có cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa các đối tượng này. Đây sẽ là cơ sở để các nhà làm luật Việt Nam có những điều chỉnh phù hợp trong các quy định hiện hành.
Đại học Ngoại thương - Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ABBOTT, J. & LANZA, J. 1994, Trade dress: Legal interpretations of what constitutes distinctive appearance, The Cornell hotel and restaurant administration quarterly, 35, 53 - 58.
2. CERMAK, A. J. 1994, Inherent Distinvtiveness in product configuration trade dress, Baltimore Intellectual property law Journal, 3, 81 -101.
3. COHEN, A. B. 2010, Following the direction of traffix: Trade dress law and functionality revisited, IDEA - The intellectual property law review, 50, 593 - 694.
4. FARJAMI, M. 1993, Protectable trade dress without secondary meaning on second thought, Loyola of Los Angeles entertainment Law Journal, 13, 381 - 412.
5. JOHNSON, B. I. 2011, Trade dress functionality: A doctrine in need of clarification, Campbell Law Rivew 34, 125 - 154.
6. MOHR, S. F., MITCHELL, G. M. & WADYKA, S. J. 1997, U.S. trade dress law: Exploring the boundaries, New York, N.Y., International Trademark Association.
7. PROWDA, J. B. 1998, The trouble with trade dress protection of product design, Albany Law Review, 61, 1309 - 1358.
8. STEVEN, L. & ETC 2009, Protecting and enforcing trade dress Annual forum on franchising, Westin Harbour Castle Toronto: American Bar Association.
9. STEVENS, T. 2003, The Protection of Trade Dress and Color Marks in Australia. Trademark Rep., 93, 1382 - 1413.
10. WELKOWITZ, D. S. 1999, Trade dress and Patent - The Dilemma of confusion, Rutgers Law Journal, 30:289, 289 - 369.