1. Dẫn nhập
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu một số vướng mắc phát sinh khi giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67/2014/CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, qua đó đề xuất, kiến nghị hướng tháo gỡ vướng mắc để góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho hoạt động khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
2. Khái quát chung về hợp đồng bảo hiểm tàu cá và quy định pháp luật liên quan
Hợp đồng bảo hiểm tàu cá là một dạng của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, thuộc diện bảo hiểm tài sản và là hợp đồng theo mẫu. Nội dung, hình thức, hiệu lực của hợp đồng, quyền, nghĩa vụ của các bên phát sinh trong quá trình thực hiện, thanh lý hợp đồng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Luật Hàng hải năm 2015 và các nghị định, thông tư hướng dẫn... Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 được kỳ vọng là sẽ tạo được hành lang pháp lý thông thoáng để loại giao dịch này hình thành, phát triển, tác động tích cực đến đời sống xã hội. Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 và khoản 1 Điều 43 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì: Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng; đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thực hiện Điều 5 của Nghị định số 67/2014/CP, Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định số 67/2014/CP (Thông tư số 115/2014/TT-BTC), hàng năm, ngư dân hoạt động thủy sản được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro). Mặc dù, pháp luật không quy định bắt buộc ngư dân phải mua bảo hiểm tàu cá nhưng do việc mua, đóng tàu cá của ngư dân gắn liền với chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ vay vốn (Điều 4 Nghị định số 67/2014/CP), nên 100% chủ tàu cá đều mua hợp đồng bảo hiểm tài sản theo sự thỏa thuận ký kết của 03 bên: Chủ tàu cá, công ty bán bảo hiểm và phía ngân hàng cho vay.
Vì đây là dạng hợp đồng mẫu nên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm tàu cá, phần lớn các hợp đồng đều có điều khoản về thỏa thuận chọn Tòa án giải quyết tranh chấp theo hướng thuận lợi cho bên bán bảo hiểm. Trong thời gian qua, số lượng các vụ án tranh chấp loại này ở các Tòa án cấp huyện tăng, nhất là ở những địa phương giáp biển hoặc các Tòa án nơi có trụ sở của các chi nhánh, công ty bán bảo hiểm. Việc thụ lý, giải quyết các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo vụ án dân sự, tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết, xét xử vụ án dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Về cơ bản, cơ sở pháp lý để xem xét tính hợp pháp của hợp đồng bảo hiểm tàu cá đã được Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Luật Hàng hải năm 2015, Nghị định số 67/2014/CP, Thông tư số 115/2014/TT-BTC quy định khá đầy đủ. Việc thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án này đã được thực hiện nề nếp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các văn bản hướng dẫn khác của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, gần đây, hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung, bảo hiểm tài sản nói riêng đang phát triển mạnh, đa dạng, nhiều yếu tố mới phát sinh từ các hoạt động thương mại phi truyền thống; quá trình ký kết, thực hiện giao dịch bảo hiểm tàu cá liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhiều chủ thể, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước; mức độ rủi ro trong hoạt động đánh bắt cá xa bờ, nhất là tại các ngư trường giáp vùng biển quốc tế rất cao, các quốc gia có biển tăng cường công tác quản lý lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế… Các yếu tố này là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tàu cá tại Tòa án.
3. Thực trạng tranh chấp từ hợp đồng bảo hiểm tàu cá và vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án
3.1. Một số vấn đề về thực trạng tranh chấp
Sau 08 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/CP, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tàu cá trong thời gian qua tăng lên đáng kể. Trong đó, tranh chấp liên quan đến đánh giá sự kiện (có bị loại trừ trách nhiệm bồi thường hay không) là nhiều nhất, tiếp đến là các tranh chấp liên quan đến giải thích hợp đồng, thời điểm có hiệu lực và phát sinh nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng, lỗi dẫn đến thiệt hại… Phần lớn các vụ án được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phía nguyên đơn là bên mua bảo hiểm. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, hầu hết các vụ án không có kết quả hòa giải thành mà tất cả các vụ án đều phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, điều này cho thấy mức độ tranh chấp giữa các bên khó có khả năng tự tháo gỡ bằng phương pháp thương lượng. Theo tác giả, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Giá trị bồi thường lớn dẫn đến các đương sự đeo bám việc khởi kiện; sự kiện pháp lý xảy ra rất đa dạng, các quy định của pháp luật chưa bao quát hết các quan hệ xã hội liên quan nên dẫn đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng pháp luật khác nhau giữa các bên đương sự và kể cả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng…
3.2. Một số vướng mắc phát sinh
3.2.1. Vướng mắc về áp dụng pháp luật tố tụng
Thứ nhất, về thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án. Thời gian qua dịch vụ kinh doanh bảo hiểm phát triển nhanh, nhiều tổ chức tham gia vào hoạt động kinh doanh, cạnh tranh phát triển, mở rộng địa bàn theo hình thức thành lập chi nhánh, nhiều công ty bảo hiểm có trụ sở ở tỉnh này, nhưng mở chi nhánh ở tỉnh khác. Tuy nhiên, do rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm tàu cá cao nên không phải đơn vị nào cũng kinh doanh thuận lợi, điều này dẫn tới có nhiều trường hợp chi nhánh không còn hoạt động trong quá trình thực hiện hợp đồng, gây trở ngại, khó khăn khi phát sinh tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.
Ví dụ: Công ty cổ phần Bảo hiểm B có trụ sở tại tỉnh Q, mở chi nhánh tại huyện N, tỉnh Đ. Chi nhánh này hoạt động từ ngày 01/01/2016 đến ngày 01/01/2020 thì ngừng, mọi vấn đề phát sinh do Công ty cổ phần Bảo hiểm B giải quyết. Ngày 01/5/2016, chủ tàu cá A ký hợp đồng bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, máy móc trên tàu với chi nhánh của Công ty cổ phần Bảo hiểm B và hai bên giao dịch liên tục hằng năm. Trong hợp đồng bảo hiểm ký kết gần nhất ngày 01/5/2019, hai bên thỏa thuận Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi có trụ sở chi nhánh của Công ty cổ phần Bảo hiểm B. Sau khi xảy ra tranh chấp, ông A khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Đ. Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Đ cho rằng chi nhánh của Công ty cổ phần Bảo hiểm B không còn hoạt động, không còn trụ sở trên thực tế nên đã chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh Q giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tòa án nhân dân thành phố K, tỉnh Q thì cho rằng các bên đã thỏa thuận Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án tự nguyện và đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên đã chuyển đơn lại cho Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Đ. Vụ việc dẫn đến tranh chấp về mặt thẩm quyền, gây phiền hà cho người dân.
Điểm b khoản 1 Điều 39 và điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép các đương sự thỏa thuận và cho phép nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Phạm vi quy định của điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ điều chỉnh, cho phép nguyên đơn lựa chọn Tòa án nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết nhưng lại không quy định rõ hướng xử lý vấn đề khi chi nhánh đó không còn hoạt động, không còn trụ sở nữa. Trong khi đó, điều lo ngại nhất của ngư dân là thủ tục giấy tờ khởi kiện rườm rà và nhất là phải đi lại xa để khởi kiện, do vậy, họ không muốn lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của Công ty cổ phần Bảo hiểm B. Mặt khác, việc thu thập chứng cứ chứng minh liên quan đến sự kiện pháp lý, xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại, xác định giá trị thiệt hại trong vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá rất phức tạp, đương sự trong vụ án là ngư dân nên thời gian gặp họ, tống đạt văn bản tố tụng, tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ thường bị động nên các Tòa án gặp rất nhiều trở ngại khi thụ lý, giải quyết các vụ án loại này, đây là nguyên nhân chính dẫn đến các Tòa án căn cứ pháp luật để chuyển thẩm quyền giải quyết vụ án.
Thứ hai, về người tham gia tố tụng trong vụ án. Hợp đồng bảo hiểm tàu cá thông thường kèm theo văn bản thỏa thuận ba bên, giữa bên bán bảo hiểm, bên mua bản hiểm và ngân hàng cho vay tiền. Trong đó, quyền của phía ngân hàng là thụ hưởng giá trị bồi thường phát sinh trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, hợp đồng vay tài sản giữa phía ngân hàng và người vay được thực hiện thanh toán trả nợ liên tục, nhiều trường hợp tranh chấp phát sinh trong thời điểm hợp đồng vay chưa thanh lý nhưng cũng có nhiều trường hợp tranh chấp phát sinh sau khi phía ngân hàng và người mua bảo hiểm đã thanh toán tiền vay xong.
Ví dụ: Tại thời điểm giải quyết vụ kiện, ông A đã thanh toán xong tiền vay của Ngân hàng B để mua tàu cá theo Nghị định số 67/2014/CP và nộp hồ sơ thanh lý hợp đồng vay cho Tòa án. Khi nộp hồ sơ bán bảo hiểm, phía công ty bảo hiểm xuất trình hợp đồng thỏa thuận 3 bên đã ký kết giữa ngân hàng, người vay (người mua bảo hiểm) và công ty bán bảo hiểm, hợp đồng này trên thực tế chưa được thanh lý, chưa có thỏa thuận chấm dứt. Tòa án cấp sơ thẩm không xác định phía ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không xác định phía ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chưa thu thập chứng cứ, quan điểm của phía ngân hàng về quyền lợi thụ hưởng giá trị bồi thường bảo hiểm nên đã hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại. Thực tiễn giải quyết vụ án này cho thấy, hợp đồng vay tiền giữa ngân hàng và người mua bảo hiểm đã được thanh lý, phía người mua bảo hiểm không còn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay cho phía ngân hàng, điều này dẫn đến phía ngân hàng đương nhiên chấm dứt quyền thụ hưởng tiền bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, về mặt chứng từ pháp lý thì thỏa thuận 3 bên đã ký kết vẫn còn hiệu lực, về lý thuyết thì phía ngân hàng có quyền khởi kiện liên quan đến thỏa thuận này để giải quyết quyền lợi của người thụ hưởng tiền bồi thường thiệt hại trong hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, việc xác định phía ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là có căn cứ pháp luật, nhưng sau khi giải quyết, xét xử sơ thẩm lại thì về đường lối xét xử lại không bị ảnh hưởng hay thay đổi, trong khi đó, thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, tốn các chi phí không cần thiết.
3.2.2. Vướng mắc về áp dụng pháp luật nội dung
Một là, vướng mắc phát sinh liên quan đến việc giao kết hợp đồng
Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (Điều 14 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định về hình thức của hợp đồng bảo hiểm: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Thực tế giải quyết các vụ án liên quan đến bảo hiểm tàu cá cho thấy giữa các bên không ký kết hợp đồng bảo hiểm mà bên bán bảo hiểm cho rằng giấy chứng nhận bảo hiểm là hình thức của hợp đồng bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chỉ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm sau khi thanh toán tiền mua bảo hiểm. Trong khi đó, các nội dung liên quan đến điều kiện miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm không được thể hiện cụ thể trên giấy chứng nhận bảo hiểm mà thông thường thì bên bán bảo hiểm thể hiện nội dung này trong Quy tắc bảo hiểm đã được ban hành và được phê duyệt bởi Bộ Tài chính. Về phía bên mua bảo hiểm, là ngư dân, trình độ học vấn không cao, thiếu kỹ năng về tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật liên quan, không quan tâm nhiều đến các giấy tờ, câu chữ trong hợp đồng. Về phía bên bán bảo hiểm thì do việc triển khai hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67/2014/CP nên phương pháp giải thích, hướng dẫn cho người mua bảo hiểm được công ty thực hiện tập trung tại địa phương theo hình thức “tập huấn”, với sự tham gia của chính quyền địa phương, nhiều trường hợp công ty bán bảo hiểm khoán trắng cho cán bộ cấp xã, thôn tổ chức họp dân, giải thích không rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của người mua bảo hiểm trước khi giao kết hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, phía công ty bảo hiểm soạn sẵn các văn bản cam kết để người mua bảo hiểm ký vào, trong đó có cam kết hiểu rõ, đã đọc Quy tắc bảo hiểm của bên bán; phía người mua bảo hiểm cho rằng đã ký rất nhiều giấy tờ và không quan tâm nội dung trong các giấy tờ đó như thế nào. Điều này dẫn đến tranh chấp phát sinh.
Ví dụ: Ông S khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo hiểm B thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá do tàu bị cháy khi neo đậu. Công ty Bảo hiểm B cho rằng, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì trên tàu không có thuyền viên, không có chủ tàu nên thuộc trường hợp miễn trừ bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm đã ban hành và được phê duyệt. Ông S cho rằng, khi mua bảo hiểm chỉ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm, trong giấy chứng nhận bảo hiểm không ghi các điều khoản về miễn trừ bảo hiểm nên ông không biết và không chịu trách nhiệm. Phía Công ty Bảo hiểm B cho rằng, các điều khoản miễn trừ bảo hiểm đã được thể hiện rõ ở Quy tắc bảo hiểm, ông S và các ngư dân khác đã được mời dự tập huấn tại xã, trong nội dung tập huấn có nêu rõ việc hướng dẫn các điều khoản này nên bên bán bảo hiểm đã làm hết trách nhiệm.
Ví dụ nêu ra ba vấn đề cần bàn. Một là, Quy tắc bảo hiểm có được xem là một phần của hợp đồng bảo hiểm hay không? Hai là, bên mua bảo hiểm được tập huấn, được đọc Quy tắc bảo hiểm đó có được xem là chứng cứ chứng minh bên mua đã thỏa thuận, đồng ý các nội dung đã thể hiện trong hợp đồng bảo hiểm không? Ba là, hình thức “tập huấn” mà bên bán tổ chức hướng dẫn cho ngư dân tham gia mua bảo hiểm có được xem là việc bên bán đã hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các điều khoản trong hợp đồng cho bên mua không?
Hai là, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng
Quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc và là nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa các bên. Toàn bộ quá trình này diễn ra rất đa dạng, do nhiều quy định của pháp luật điều chỉnh và có nhiều tình huống phát sinh trên thực tế mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ việc được. Ngoài ra, quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm tàu cá liên quan đến Nghị định số 67/2014/CP còn có trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chuyên môn, cơ quan ngoại giao và cơ quan có trách nhiệm của Bộ đội biên phòng nên quá trình thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp kết quả thu thập chứng cứ ở mỗi cơ quan, đơn vị là khác nhau, tác động trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án. Dưới đây là các vướng mắc và tình huống cụ thể:
(i) Vướng mắc phát sinh về việc xác định thời điểm, địa diểm, nguyên nhân xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành thì các tàu cá đánh bắt xa bờ chỉ được xuất bến khi Đồn biên phòng cho phép và toàn bộ quá trình xuất bến được theo dõi trong hồ sơ quản lý của đơn vị bộ đội biên phòng. Ngoài ra, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Nghị định số 26/2019/NĐ-CP), Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định “Thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24 giờ/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trường phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng”. Theo điểm i khoản 1 Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017 quy định: “Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm: không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định”. Quy tắc bảo hiểm quy định bên bán bảo hiểm sẽ không bồi thường trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản. Tuy nhiên, chưa có quy định của pháp luật xử lý tình huống xảy ra sự cố hư hỏng thiết bị mà các bên không biết trước được.
Ví dụ: Ông B khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo hiểm M thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm do tàu cá bị chìm tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Công ty Bảo hiểm M không đồng ý bồi thường bởi không có căn cứ để xác định nguyên nhân, địa điểm, thời điểm xảy ra sự kiểm bảo hiểm. Cụ thể: Thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường của bên bán là ngày 10/02/2021 nhưng tàu cá của ông B xuất bến từ ngày 05/02 đến ngày 07/02 thì Chi cục Thủy sản tỉnh Q không nhận được tín hiệu từ thiết bị giảm sát hành trình của tàu cá này đến khi tàu cá xảy ra tai nạn là ngày 13/02/2021; do chủ tàu cá không thực hiện nghĩa vụ thông báo hành trình qua thiết bị giám sát nên thuộc trường hợp khai thác hải sản trái phép, miễn trừ nghĩa vụ bồi thường.
Theo thông tin cung cấp của Chi cục quản lý Thủy sản tỉnh Q thì đơn vị này giám sát được hành trình của tàu cá ông B từ khi xuất bến đến ngày 07/02/2021, đơn vị này không rõ vì sao không nhận được tín hiệu từ tàu cá này vào những ngày sau đó. Theo hồ sơ quản lý tại Bộ đội biên phòng và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải thì tàu cá này được phát hiện và cứu vớt thuyền viên tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam hồi 16 giờ ngày 13/02/2021, đến ngày 15/02/2021 thì các thuyền viên trên tàu được đưa vào bờ. Chủ tàu cá và thuyền viên cho rằng, thiết bị giám sát hành trình hoạt động bình thường và họ không biết thông tin giám sát bị gián đoạn. Hiện không trục vớt được tàu, không thu giữ được thiết bị giám sát hành trình.
Một số quan điểm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm thì cho rằng: Không có chứng cứ chứng minh chủ tàu cá cố ý không vận hành thiết bị giám sát hành trình, lỗi từ thiết bị giám sát hành trình các bên không biết trước; không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định tàu cá này vi phạm pháp luật khi khai thác thủy sản và không có cơ sở để cho rằng nguyên nhân khiến tàu chìm là do thiết bị giám sát hành trình hỏng; không có chứng cứ nào phủ nhận lời khai của chủ tàu cá về nguyên nhân, địa điểm, thời điểm xảy ra tai nạn tàu chìm vì cơ quan giám định không trực tiếp kiểm tra nơi xảy ra tai nạn (vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam). Hiện tàu cá đã bị trôi, không trục vớt được nên Tòa án cần dựa vào tài liệu khai báo sự kiện pháp lý được lưu trữ tại cơ quan Bộ đội biên phòng và tọa độ, địa điểm, thời điểm phát hiện, cứu vớt thuyền viên trên tàu để xác định địa điểm, thời điểm, nguyên nhân xảy ra sự kiện bảo hiểm.
(ii) Vướng mắc phát sinh về việc xác định lỗi của chủ tàu khi xảy ra sự kiện pháp lý.
Việc vận hành tàu cá của ngư dân trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giáp với vùng biển quốc tế diễn biến rất phức tạp, với nhiều tình huống không lường trước được, có thể do ý thức chủ quan, cố ý của chủ tàu và cũng có thể do sự kiện khách quan như bão, gió lớn hoặc hư hỏng máy móc. Theo đó, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đồng thời phát sinh nhiều tình huống gây bất lợi cho ngư dân, nhiều trường hợp có thể xem xét theo hướng miễn trừ nghĩa vụ bồi thường cho bên bán bảo hiểm. Các ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Ông D khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo hiểm P bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm do tàu cá chìm ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Công ty Bảo hiểm P không đồng ý bồi thường vì cho rằng, ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, cảnh sát biển của nước T gửi hình ảnh về cơ quan có thẩm quyền trong nước và đề nghị xử phạt hành vi của tàu cá ông D khai thác thủy sản trên vùng biển nước T, nên nơi xảy ra sự cố tàu chìm thuộc vùng biển nước T. Thiết bị giám sát hành trình báo rõ tọa độ và xác định trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì tàu cá của ông D đã vượt khỏi phạm vi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng thời điểm ông D báo xảy ra tai nạn tàu chìm thì tọa độ của tàu cá thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu cứu nạn xác định thời điểm, địa điểm tiếp cận cứu người là thuộc vùng biển Việt Nam (chứ không xác định được thời điểm, địa điểm tàu chìm). Ông D và các thuyền viên trên tàu cho rằng, đang khai thác thủy sản thì tàu hỏng máy và trôi tự do, nên đã trôi sang vùng biển của nước T. Sau đó, do có gió lớn nên tàu trôi ngược lại vùng biển Việt Nam và chìm, được tàu cá của Việt Nam cứu vớt thuyền viên trên vùng biển Việt Nam. Vụ việc này không trục với được tàu cá, không có cơ sở xác định trước khi xảy ra sự kiện pháp lý thì tàu cá có bị hỏng máy như lời khai của chủ tàu và các thuyền viên hay không.
Ví dụ 2: Ông T khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo hiểm N bồi thường thiệt hại do tàu cá bị chìm trên vùng biển Đà Nẵng - Khánh Hòa, cách Hoàng Sa 10 hải lý về phía Đông Nam vào ngày 02/01/2022, tàu xuất bến 25/12/2021. Công ty Bảo hiểm N không đồng ý bồi thường do tại thời điểm tàu đang hoạt động và sự kiện bảo hiểm xảy ra thì người đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bản hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014 (có hiệu lực 01/01/2015), Thông tư số 28/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững và Điều 16, Điều 17 Thông tư số 40/2019/BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định thi, kiểm tra, cấp , cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lai phương tiện thủy nội địa thì bằng thuyền trưởng, máy trưởng có thời hạn sử dụng 5 năm, quá thời hạn 12 tháng, 24 tháng (tính từ ngày 31/12/2019) thì phải thi để được cấp lại. Thuyền trưởng và máy trưởng trình bày do thời điểm theo quy định phải thi lại để được cấp chứng chỉ (ngày 31/12/2021) thì tàu đang hoạt động khai thác thủy sản trong chuyến đi 40 ngày nên họ không có điều kiện để tham gia khóa học lại, thi lại để cấp bằng mới theo quy định.
(iii) Vướng mắc phát sinh về tính tiền lãi khi xét xử phúc thẩm.
Trong các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá, nguyên đơn thường yêu cầu tính lãi trên số tiền cơ quan bảo hiểm chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Hiện nay, các Tòa án thực hiện Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP). Trong đó, Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/HĐTP nêu rõ “Trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Thực tiễn xét xử cho thấy giá trị tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản rất lớn, thời gian giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm có thể bị kéo dài do phải thu thập thêm nhiều chứng cứ liên quan đến giám định, quản lý hành chính, thậm chí có trường hợp bên bán bảo hiểm tìm cách kéo dài thời hạn tố tụng tại cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm nên có rất nhiều vụ án mất 06 tháng hoặc 01 năm mới xử phúc thẩm xong, có nhiều vụ án cấp giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm và tính lại tiền lãi. Nhưng nếu tính tiền lãi chậm trả theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì cấp sơ thẩm chỉ tính lãi đến ngày xét xử sơ thẩm và thời gian xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm không được tính lãi, Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm không được phép sửa kết quả tính lãi của cấp sơ thẩm để tính lại đến ngày xét xử phúc thẩm, điều này gây thiệt hại cho đương sự và trên thực tế nhiều đương sự đã khiếu nại về vấn đề này. Vướng mắc này cần sớm được hướng dẫn và tháo gỡ.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
4.1. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế
Các giao dịch bảo hiểm tài sản nói chung, bảo hiểm tàu cá nói riêng đang phát triển đa dạng, phát sinh nhiều điểm mới cần được pháp luật điều chỉnh. Mặt khác, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thời gian qua đã tác động lớn đến kinh tế, xã hội các địa phương vùng biển, hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho ngư dân bám biển, vươn khơi, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này đang phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc, trong đó có nhiều vụ việc tranh chấp được Tòa án giải quyết, và điều này đang gây trở ngại cho tích ưu việt của chính sách, ảnh hưởng đến quyền lợi, lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ và liên ngành tố tụng cấp trung ương cần tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình xây dựng pháp luật về giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, xác định các tồn tại, vướng mắc liên quan, để có kế hoạch, việc làm chi tiết về sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thủy sản, giao thông đường thủy nội địa, sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, tạo hành lang pháp lý đủ đúng, đủ mạnh, đủ hiện đại, tạo động lực cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản và hoạt động kinh tế biển phát triển, hội nhập, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân, bảo đảm trật tự quản lý khai thác thủy sản, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh biển đảo. Trong đó, đề nghị quan tâm các vấn đề sau:
Một là, bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến cho đơn vị chuyên môn để theo dõi, giảm sát hành trình của tàu cá đánh bắt xa bờ thì Chính phủ cần bổ sung các quy định của văn bản dưới luật để điều chỉnh các vấn đề phát sinh trên thực tiễn quản lý tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay. Trong đó, cần sửa đổi các quy định mang tính hành chính, thủ tục gây khó khăn, trở ngại cho người dân như thủ tục đề nghị cấp bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn... Hướng tới việc quy định cấp bằng, chứng chỉ cho ngư dân lâu dài (hoặc chứng chỉ có hiệu lực đến hết độ tuổi lao động, độ tuổi mà khoa học cho phép để thực hiện tốt công tác chuyên môn liên quan đến máy móc, thiết bị tàu cá) để ngư dân dân yên tâm lao động; bảo đảm các điều kiện khoa học kỹ thuật hiện đại để giao trách nhiệm quản lý, định vị hoạt động tàu cá trên vùng biển Việt Nam cho các cơ quan, đơn vị nhà nước chuyên môn, chỉ quy kết trách nhiệm của chủ tàu cá khi chứng minh được họ cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; soát xét việc ban hành Quy tắc bảo hiểm theo hướng chỉ xác định hành vi vi phạm pháp Luật Thủy sản của chủ tàu cá (khai thác ở ngư trường không hợp pháp, không báo tín hiệu hành trình, không lắp đặt thiết bị hành trình…) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kiện bảo hiểm xảy ra thì thuộc trường hợp miễn trừ bảo hiểm, các trường hợp khác thì bên bán bảo hiểm phải bồi thường.
Hai là, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải… cần rà soát, kiểm tra, xác định các quy định pháp luật không phù hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, điều kiện, hình thức, nội dung giao kết hợp đồng bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm nói chung, bảo hiểm tàu cá nói riêng theo hướng bảo đảm tính thị trường và tính khách quan của giao dịch này, rút ngắn thủ tục, gọn và rõ về các điều kiện liên quan. Bảo đảm khi ngư dân ký kết giao dịch bảo hiểm thì họ biết được, lưu trữ được các điều khoản liên quan đến miễn trừ bảo hiểm.
4.2. Đề xuất Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ
Thứ nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm hướng dẫn giải quyết vướng mắc phát sinh về thẩm quyền giải quyết vụ án trong trường hợp chi nhánh ký kết hợp đồng bảo hiểm không còn hoạt động tại thời điểm tranh chấp và việc tính lãi chậm trả sau thời điểm xét xử sơ thẩm đến ngày xét xử phúc thẩm.
Về quan điểm đề xuất, chúng tôi cho rằng mục đích của thỏa thuận chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết là để tạo thuận lợi cho các bên liên quan. Quá trình giải quyết các vụ án trên thực tế cho thấy thời gian, kế hoạch làm việc của ngư dân không ổn định, hoàn cảnh, điều kiện đi lại của ngư dân rất khó khăn. Mặt khác, việc tham gia tố tụng của doanh nghiệp bảo hiểm ở bất cứ địa phương nào đều thuận lợi hơn so với ngư dân mua bảo hiểm. Do vậy, chúng tôi đề nghị hướng dẫn thẩm quyền giải quyết vụ án theo đúng nội dung trong hợp đồng mà các bên thỏa thuận hoặc nguyên đơn có quyền khởi kiện tại Tòa án nơi có trụ sở của Chi nhánh theo địa chỉ ghi rõ trong hợp đồng.
Đối với việc tính tiền lãi sau thời gian ban hành bản án sơ thẩm đến thời điểm thi hành án, vấn đề này có liên quan chung đến cách tính tiền lãi của các giao dịch vay mà hai bên không thỏa thuận tiền lãi. Do vậy, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP, theo hướng bổ sung nội dung: “Đối với thời gian chậm trả trong quá trình thụ lý, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, Tòa án có thẩm quyền không sửa bản án sơ thẩm mà điều chỉnh số tiền lãi phát sinh trên số tiền chậm trả mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đúng pháp luật tương ứng với thời gian chậm trả trong giai đoạn thụ lý, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác” để bảo đảm quyền lợi của công dân.
Thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao cần xem xét, ban hành các án lệ liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản để giải quyết các vấn đề hiện nay pháp luật chưa điều chỉnh hoặc còn vướng mắc mà tác giả đã đề cập ở các vụ án trong bài viết này. Về lâu dài, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn đường lối xét xử để giải quyết các vướng mắc về chứng cứ, căn cứ, kết luận về thời điểm, địa điểm, nguyên nhân, hậu quả sau khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đường lối giải quyết vướng mắc trên tinh thần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, trong đó bảo đảm nguyên tắc giải thích nội dung hợp đồng theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm và nghĩa vụ chứng minh trường hợp miễn trừ bảo hiểm thuộc bên bán bảo hiểm.
Thứ ba, Tòa án nhân dân tối cao cần tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật về trục lợi bảo hiểm để hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các yếu tố cấu thành Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó cần quan tâm hướng dẫn chi tiết các hành vi cụ thể phát sinh từ việc ngư dân vận hành tàu cá, khai thác thủy sản, quản lý thiết bị, khai báo thông tin về hành trình hoạt động tàu cá để tạo hành lang pháp lý minh bạch, giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ việc gì thuộc phạm vi hình sự, việc gì thuộc phạm vi dân sự, tránh xảy ra tình trạng hình sự hóa các vụ việc dân sự hoặc ngược lại, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể liên quan./.
ThS. Nguyễn Văn Dũng
Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam