Tâm điểm của cơn bão dư luận và nghị trường này nằm trong dấu ngoặc đơn của khoản 2 Điều 21 là: “Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, thì ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này còn phải ghi rõ thêm các nội dung sau đây: Phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ)…”.
Ngay lập tức, các chủ đầu tư (bên bán) đã lợi dụng cái từ “hoặc” thiếu thống nhất và rõ ràng này để áp dụng cái “nguyên tắc” sau có lợi cho họ. Bởi vì, với cách tính “từ tim tường bao, tường ngăn chia...” thì diện tích căn hộ sẽ “dôi dư” ra rất nhiều so với cách tính “thông thủy” (tức diện tích thực sử dụng). Theo một người mua căn hộ tại Keangnam thì cách tính “từ tim tường bao, tường ngăn chia...” sẽ làm căn hộ của họ dôi ra 35m2 so với thực tế, mỗi m2 có giá là 3.000 USD. Và với 900 căn hộ ở đây sẽ mang lại cho chủ đầu tư 900 tỷ “lợi nhuận”, tiền ấy sẽ rơi vào túi ai? Tiền ấy được ăn chia thế nào? Thế nên cái mệnh đề “tham nhũng chính sách” được đưa ra là có cơ sở.
Cách tính này cũng đã gây nên những cơn bão biểu tình của các cư dân chung cư cao cấp suốt hai năm qua. Họ tụ tập đông người trước cửa công ty, trước chung cư, căng biểu ngữ, treo khẩu hiệu, đấu tranh quyết liệt đòi chủ đầu tư phải trả lại công bằng cho họ. Giới chủ thì “ngậm miệng ăn tiền”, vin chắc chắn vào cái phao cứu sinh có tên gọi Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng và phớt lờ dư luận. Dân dọa kiện ra Tòa và đã có trường hợp kiện thật tại quận mới Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội). Các chuyên gia pháp lý nhận định, người đi kiện sẽ thắng kiện bởi Thông tư không thể cao hơn Nghị định hoặc Luật được.
Đại đa số những người giữ cương vị cao tại Văn phòng Chính phủ hoặc Quốc hội thống nhất với ý kiến trên, họ cho rằng, Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng “trái thẩm quyền, không đúng với quy định trong Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 26/3/2010 của Chính phủ và Luật Nhà ở”. Văn phòng Chính phủ còn cho báo giới biết là vấn đề “trong ngoặc” thiếu thống nhất và nước đôi này đã bị phát hiện từ năm 2011, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu làm rõ, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn cho Bộ Xây dựng tới 2 lần nhưng không được hồi đáp. Chỉ đến khi sóng gió dư luận nổi lên, thì Bộ Xây dựng mới âm thầm ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BXD ngày 20/2/2014 với nội dung “áp dụng cách tính thông thủy”(?!).
Thế mà, điều trần tại phiên họp Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 25/2/2014 vừa qua, người đại diện cho Bộ Xây dựng cũng là người ký Thông tư số 16/2010/TT-BXD vẫn khẳng định là Thông tư này “không mâu thuẫn với Luật Nhà ở, cũng như Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 26/3/2010 của Chính phủ và người dân không bị thiệt hại”.
Tiếng nói từ công luận và kể cả từ những người có cương vị cao và trọng trách của đất nước yêu cầu Bộ Xây dựng cần xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho dân. Đó là yêu cầu chính đáng, hợp lòng dân, đạo lý và pháp luật, đặc biệt là không để tình trạng “tham nhũng chính sách” xảy ra!
Bình Sơn