Tóm tắt: Bài viết bàn về những vướng mắc pháp luật liên quan đến truất quyền hưởng di sản trong thực tế hoạt động công chứng và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này.
Abstract: The article discusses the legal problems related to the deprivation of the right to inherit in the practice of notarization and proposes to improve the legal regulations in this field.
Nghiên cứu các quy định về truất quyền thừa kế tại Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005 và 2015, nhóm tác giả thấy không có nhiều sự khác biệt, các nhà làm luật đều quy định truất quyền hưởng di sản là quyền của người lập di chúc và không quy định về khái niệm, hậu quả pháp lý của việc truất quyền hưởng di sản. Điều này là nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc của các công chứng viên khi giải quyết các việc công chứng liên quan đến thừa kế.
1. Những vướng mắc khi áp dụng các quy định của pháp luật về truất quyền hưởng di sản thừa kế
Thứ nhất, không thống nhất trong cách thể hiện việc truất quyền hưởng di sản trong nội dung của di chúc.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ để xác định người thừa kế là theo pháp luật hoặc theo di chúc. Thừa kế theo pháp luật có ba hàng thừa kế, việc xác định ba hàng thừa kế theo pháp luật dựa vào các mối quan hệ: Hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi ở hàng trước không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản thừa kế, bị truất quyền hưởng di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản[1].
Người thừa kế theo di chúc sẽ là người được người lập di chúc chỉ định trong di chúc. Do vậy, những người thừa kế theo pháp luật hoàn toàn có thể không được công nhận là người thừa kế khi người lập di chúc không chỉ định họ là người thừa kế. Trong trường hợp này, những người pháp luật quy định là người thừa kế, nhưng người lập di chúc không chỉ định được hưởng di sản những người thừa kế này có phải là người bị truất quyền hưởng di sản hay không?
Ví dụ: Ông B có vợ là bà C (bà C đã chết). Hai vợ, chồng ông B, bà C có 05 người con đẻ, tất cả đều đã trưởng thành và có “công ăn việc làm” đầy đủ. Hiện tại, ông B là chủ sở hữu quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 2.000 m2 tại tỉnh X. Nay, ông C lập di chúc với nguyện vọng: Sau khi ông chết, toàn bộ quyền sử dụng đất này ông để lại cho bạn là ông D và ông E; ông muốn truất quyền được hưởng di sản của 05 người con. Ông đến tổ chức hành nghề công chứng để lập di chúc. Khi thể hiện nội dung truất quyền hưởng di sản của 05 người con vào di chúc theo nguyện vọng của ông B, đã có các cách xử lý khác nhau của công chứng viên. Cụ thể:
(i) Cách thứ nhất: Trong nội dung của di chúc ngoài việc ghi nhận rõ ông D và ông E là người thừa kế thì sẽ ghi nhận cụ thể nội dung: Truất quyền hưởng di sản của 05 người con. Công chứng viên lựa chọn cách thể hiện này cho rằng khi người lập di chúc thực hiện quyền được truất quyền thừa kế đối với người thừa kế thì nội dung đó phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong di chúc với nội dung “truất quyền hưởng di sản thừa kế của…”.
(ii) Cách thứ hai: Trong nội dung của di chúc chỉ cần chỉ định rõ việc ông D và ông E là người thừa kế mà không cần ghi nhận cụ thể nội dung truất quyền hưởng di sản đối với 05 người con là đã đủ cơ sở để xác định 05 người con bị truất quyền hưởng di sản. Những công chứng viên lựa chọn cách ghi nhận này cho rằng việc ông B không chỉ định 05 người con là người thừa kế theo nội dung của di chúc là ông B đã gián tiếp truất quyền hưởng di sản thừa kế của các con. Bởi vì, không phải cứ sử dụng thuật ngữ “truất quyền” thì mới coi là truất quyền hưởng thừa kế mà việc truất quyền thừa kế có thể thực hiện bằng việc người lập di chúc không chỉ định một người nào đó, thuộc diện thừa kế theo pháp luật, là người thừa kế thì người này đã thuộc diện bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản. Bên cạnh đó, Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015 khi quy định những nội dung chủ yếu của di chúc cũng không quy định nội dung truất quyền hưởng di sản là một trong những nội dung chủ yếu của di chúc[2]. Vì vậy, theo quan điểm của các công chứng viên này, việc người thừa kế theo pháp luật không được người lập di chúc chỉ định là người thừa kế đã bao hàm việc truất quyền hưởng di sản.
Trên thực tế, các công chứng viên có cách làm khác nhau do khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 có đưa ra quy định truất quyền hưởng di sản là quyền của người lập di chúc, nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là truất quyền hưởng di sản. Việc truất quyền hưởng di sản phải được thể hiện như thế nào trong di chúc?
Theo quan điểm của nhóm tác giả, việc truất quyền hưởng di sản phải được người lập di chúc thể hiện rõ ràng, cụ thể trong nội dung của di chúc. Không thể coi việc người lập di chúc không chỉ định người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế trong di chúc thì có nghĩa là đã truất quyền hưởng di sản thừa kế của người đó. Bởi, việc chỉ định người thừa kế là quyền của người lập di chúc. Khi chỉ định người thừa kế, người lập di chúc có thể chỉ định bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào mà không bắt buộc phải lựa chọn trong số những người thừa kế theo pháp luật. Quy định này là tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, việc xác định người thừa kế theo pháp luật là chỉ được áp dụng đối với trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp, di chúc không có hiệu lực pháp luật[3]… Do vậy, nếu di chúc rơi vào một trong những trường hợp này, người thừa kế theo pháp luật sẽ được xác định là người được hưởng di sản thừa kế.
Vì thế, nếu xác định việc không chỉ định người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế là không phù hợp với quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ hai, người thừa kế không được hưởng di sản có phải là trường hợp bị truất quyền thừa kế.
Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người không được quyền hưởng di sản, theo nhóm tác giả, đây là những trường hợp mà những người thừa kế bị pháp luật tước đi quyền được hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép người thừa kế khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 621 Bộ Luật Dân sự năm 2015 vẫn được hưởng di sản nếu được người để lại di sản biết những hành vi trên nhưng vẫn chỉ định họ là người thừa kế theo di chúc[4]. Như vậy, việc pháp luật tước quyền hưởng di sản của người thừa kế sẽ không còn ý nghĩa khi người lập di chúc vẫn cho quyền được hưởng di sản thừa kế. Quy định này phù hợp với tinh thần tôn trọng ý chí của các chủ thể trong giao dịch dân sự được ghi nhận tại Điều 1 và Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vậy, việc pháp luật tước quyền được hưởng di sản của người thừa kế có thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản hay không? Về vấn đề này có các quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Những trường hợp không được hưởng di sản là một trong những trường hợp bị truất quyền thừa kế, bởi vì, truất quyền thừa kế là việc người lập di chúc hoặc pháp luật tước đi quyền được hưởng di sản của người thừa kế[5]. Như vậy, theo quan điểm này thì quyền truất quyền hưởng di sản thuộc về người lập di chúc hoặc theo pháp luật, quy định này phù hợp với hai chế định về thừa kế là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Những trường hợp không được hưởng di sản thừa kế không phải là trường hợp truất quyền. Theo quan điểm này, truất quyền thừa kế là việc người để lại di sản thừa kế không muốn để lại phần tài sản của mình cho một người nào đó và ý chí này được ghi vào di chúc hợp pháp và đây là quyền của người để lại di chúc[6]. Quyền không cho người khác được hưởng di sản chỉ thuộc về chủ sở hữu tài sản, tức là chỉ thuộc về người lập di chúc. Việc pháp luật quy định những trường hợp không được hưởng di sản của người thừa kế bản chất là pháp luật tước đi quyền được hưởng di sản của họ chứ không phải là truất quyền hưởng di sản.
Có sự không thống nhất khi xác định người không được quyền hưởng di sản thừa kế, nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa rõ ràng về khái niệm truất quyền hưởng di sản. Đối chiếu với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hai vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng, việc người lập di chúc truất quyền hưởng di sản của một người và pháp luật không cho phép một người được hưởng di sản có điểm chung đó là đều có một hậu quả pháp lý là không có quyền được hưởng di sản thừa kế mà người chết để lại. Điểm khác nhau cơ bản của hai trường hợp này là: Truất quyền hưởng di sản thì sẽ do người lập di chúc quyết định. Còn người không được quyền hưởng di sản do pháp luật quy định. Do vậy, nếu hiểu truất quyền hưởng di sản theo nghĩa hẹp, đó là quyền chỉ thuộc về người lập di chúc thì trường hợp người không được quyền hưởng di sản thừa kế được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 không phải là trường hợp truất quyền hưởng di sản thừa kế. Còn nếu hiểu truất quyền hưởng di sản theo nghĩa rộng, đó là: Truất quyền hưởng di sản là trường hợp người lập di chúc hoặc pháp luật tước đi quyền hưởng di sản của người thừa kế thì trường hợp người không được quyền hưởng di sản thừa kế được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 là trường hợp truất quyền hưởng di sản.
Thứ ba, pháp luật không quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý của truất quyền hưởng di sản.
Một là, người bị truất quyền hưởng di sản là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, vậy hiểu thế nào là “không cho hưởng di sản”? Người lập di chúc không cho một người nào đó hưởng di sản được hiểu là người lập di chúc không chỉ định người đó là người thừa kế. Như vậy, những người là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động không được người lập di chúc chỉ định là người thừa kế chính là việc người lập di chúc không cho họ được hưởng di sản.
Vậy, việc người lập di chúc ghi nhận rõ việc truất quyền hưởng di sản của những người là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động có được coi là trường hợp “không cho hưởng di sản”?. Liên quan đến vấn đề này, trong hoạt động công chứng hiện nay có hai quan điểm xử lý khác nhau.
Quan điểm xử lý thứ nhất cho rằng: Quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ áp dụng cho trường hợp mà người lập di chúc không chỉ định và không truất quyền hưởng di sản của những chủ thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động. Do vậy, nếu người lập di chúc đã truất quyền thừa kế của những người này, thì những người này không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 644, nên sẽ không được xác định là người thừa kế. Những công chứng viên theo quan điểm này, khi giải quyết những việc thừa kế có con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động mà người lập di chúc truất quyền hưởng di sản thì các công chứng viên xác định những người bị truất quyền sẽ không được hưởng thừa kế.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Những người là cha, mẹ, vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của người lập di chúc dù bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản, thì họ vẫn được hưởng di sản với tư cách là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644. Khi giải quyết việc công chứng về thừa kế, các công chứng viên theo quan điểm này vẫn xác định con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên không có khả năng lao động trong trường hợp người lập di chúc truất quyền hưởng di sản thừa kế trong di chúc thì họ vẫn là người thừa kế và được hưởng phần di sản với phần được hưởng bằng 2/3 một suất mà theo quy định pháp luật họ được hưởng.
Hai cách hiểu khác nhau dẫn đến hai cách xử lý khác nhau trong thực tế, cho dù các công chứng viên xử lý theo cách nào thì cũng có những điểm chưa hợp lý. Nếu hiểu theo cách thứ nhất để xác định người thừa kế thì ý chí của người lập di chúc được bảo đảm thực hiện nhưng lại không phù hợp với quy định của Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi, điều luật này quy định về điều kiện của những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là “không được người lập di chúc cho hưởng di sản”. Việc người lập di chúc truất quyền hưởng di sản của những người là cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động, chính là việc người lập di chúc không cho họ được hưởng di sản. Như vậy, nếu xác định những người này không phải là người được hưởng di sản thì không đúng với quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngược lại, nếu hiểu theo quan điểm thứ 2, thì bảo đảm được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 được thực hiện nhưng ý chí của người lập di chúc lại không được bảo đảm thực hiện. Đây chính là một vướng mắc của các công chứng viên khi xác định chủ thể của giao dịch khai nhận di sản hoặc thỏa thuận phân chia di sản trong trường hợp có di chúc và nội dung của di chúc có thể hiện việc truất quyền hưởng di sản đối với một trong các đối tượng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc là: Cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động của người lập di chúc. Lý do dẫn đến vướng mắc này là do pháp luật chưa quy định rõ về những trường hợp được truất quyền và hậu quả pháp lý của việc truất quyền hưởng di sản.
Hai là, di chúc không có hiệu lực do người được chỉ định thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người thừa kế mà nội dung của di chúc có việc truất quyền được hưởng di sản. Quay trở lại ví dụ tại phần thứ nhất, với giả định cả hai người được chỉ định thừa kế là ông D và ông E chết trước ông B. Trong trường hợp này, di chúc sẽ áp dụng điểm a khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc không có hiệu lực khi “người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc”. Trong trường hợp này, di chúc không còn người thừa kế. Vì vậy, di chúc không có hiệu lực. Vậy di chúc không có hiệu lực có đồng nghĩa với việc nội dung 05 người con của ông B bị truất quyền hưởng di sản thừa kế cũng không có hiệu lực hay không? Hiện nay, liên quan đến tình huống này, quan điểm của các công chứng viên khi thực hiện chứng nhận các giao dịch về thừa kế cũng có quan điểm khác nhau không thống nhất.
Quan điểm nhứ nhất cho rằng: Di chúc không có hiệu lực thì nội dung về truất quyền hưởng di sản cũng không có hiệu lực. Và như vậy, khi chia di sản của ông B theo pháp luật thì 05 người con của ông B sẽ là người thừa kế theo pháp luật của ông B.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Di chúc chỉ không có hiệu lực đối với phần chia di sản và phần chỉ định người thừa kế, còn nội dung về truất quyền hưởng di sản vẫn có hiệu lực pháp luật. Do đó, những công chứng viên theo quan điểm này cho rằng, 05 người con của ông B vẫn không được công nhận là người thừa kế do đã bị ông B truất quyền.
Như vậy, hai cách hiểu và vận dụng quy định của pháp luật về truất quyền đã cho ra hai hướng xử lý hoàn toàn khác nhau, xung đột trong cách xử lý này là do pháp luật dân sự hiện hành chưa đưa ra quy định cụ thể về điều kiện của việc truất quyền có hiệu lực.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về truất quyền hưởng di sản
Thứ nhất, bên cạnh việc pháp luật quy định truất quyền hưởng di sản là quyền của người lập di chúc, pháp luật cần có quy định cụ thể thế nào là “truất quyền hưởng di sản”. Theo nhóm tác giả, truất quyền hưởng di sản được hiểu là: Việc người lập di chúc không cho phép một người nào đó được hưởng di sản của mình. Việc truất quyền hưởng di sản phải được thể hiện cụ thể trong nội dung của di chúc.
Thứ hai, để ý chí của người lập di chúc tuyên bố truất quyền hưởng thừa kế của ai đó trong bản di chúc được bảo đảm thực hiện trong thực tế, pháp luật cần đưa ra quy định cụ thể về phạm vi, điều kiện và hậu quả pháp lý của việc truất quyền hưởng di sản để những người áp dụng pháp luật có thể phân biệt truất quyền hưởng di sản khác với việc không được hưởng di sản thừa kế và khác với trường hợp không được chỉ định là người thừa kế trong di chúc.
Vì vậy, nhóm tác giả đề nghị cần bổ sung một số điều khoản riêng quy định về truất quyền thừa kế, phạm vi và điều kiện thực hiện truất quyền hưởng di sản và hậu quả pháp lý của truất quyền hưởng di sản vào nội dung của phần thừa kế của Bộ luật Dân sự.
ThS. Nguyễn Thị Lan Phương
Công chứng viên, Văn phòng Công chứng Nguyễn Hương, Thành phố Hà Nội
NCS.ThS. Lại Thị Bích Ngà
Phó Trưởng Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp
[1]. Khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Khoản 1 Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Đinh Thùy Dung, Truất quyền thừa kế là gì? Truất quyền hưởng di sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015, https://luatduonggia.vn/truat-quyen-huong-di-san-cua-nguoi-thua-ke, truy cập ngày 17/12/2021.
[6]. Nguyễn Hương, Trường hợp nào người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản, https://luatvietnam.vn/dan-su/khi-nao-bi-truat-quyen-thua-ke, truy cập ngày 17/12/1021.