Để xứng đáng với vị thế, tiềm năng của thủ đô, công tác tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, có nhiều bứt phá, phải xung kích được vào những "mặt trận" khó như chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị. Theo đó, tư pháp Hà Nội cần bám sát Chương trình hành động của Ngành thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, 09 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tư pháp, phát huy hơn nữa thế mạnh, tiềm năng của thủ đô, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện để công tác tư pháp của thành phố để sớm phấn đấu vươn lên thực sự xứng đáng là "đầu tàu" trong cả nước. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể cho Ngành Tư pháp thủ đô:
Thứ nhất, năm 2014 được xác định là "năm thể chế" như tinh thần Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, Ngành Tư pháp thủ đô cần tham mưu cho thành phố thực hiện tốt Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đưa các công tác này vào cuộc sâu hơn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thủ đô, qua đó cải thiện chỉ số PCI năm 2014 và các năm tiếp theo. Vấn đề quan trọng khác mà Sở Tư pháp cần thực hiện là tiếp tục tham gia có chất lượng vào các dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước tiên là các dự án trình trong năm 2014, 2015. Sở Tư pháp cũng cần tích cực hơn nữa trong việc phối kết hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, đồng thời tranh thủ ý kiến đối với dự án Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, bảo đảm sự đồng thuận đối với những vấn đề mới, mang tính cải cách của các dự án luật này.
Thứ hai, phải đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kịp thời công bố, công khai các thủ tục hành chính và tăng cường việc kiểm tra thực hiện các quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thực hiện thí điểm mô hình liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em mới sinh; thí điểm liên thông trong thực hiện các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế; tham gia ý kiến trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, trước mắt cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố triển khai tốt Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với các Sở, ngành tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Trong quá trình thực hiện, cần theo dõi để có những phản ứng, chính sách kịp thời đối với các quy định chưa phù hợp trong các nghị định của Chính phủ, chú ý giải quyết "khoảng trống pháp luật" về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt luật và nghị định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải cơ sở; triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị tiếp cận pháp luật ở cơ sở; tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý, tích cực tham gia với Bộ Tư pháp đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý
Thứ năm, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý nhà nước đối với công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, phân định rõ ràng công tác tư pháp ở các cấp (quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện...); khẩn trương rà soát, sắp lại tổ chức hành nghề công chứng theo đúng quy hoạch tích cực triển khai chế định thừa phát lại trên địa bàn. Song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng bán đấu giá tài sản, bảo đảm quyền phát triển bền vững các lĩnh vực này. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ các lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
PV