Chính vì vậy mà việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân ở các địa phương có biển là việc làm cấp thiết, thường xuyên, lâu dài, nhất là tuyên truyền pháp luật liên quan về hoạt động nghề cá và quyền đánh cá nhằm bảo hộ ngư dân vươn khơi bám biển an toàn, đúng pháp luật của Việt Nam và quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Tuy nhiên, sau phán quyết của Trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippins và Trung Quốc (năm 2016) có nội dung “không thừa nhận quyền đánh cá truyền thống” (cũng là cơ sở để bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc), tại khu vực Scarborough (Philippins) và khu vực Natuna (Indonesia) - từng là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, thì các quốc gia này đã điều chỉnh yêu sách theo hướng mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), khi ngư dân đánh bắt tại vùng này bị xem là vi phạm EEZ. Thực tế là thời gian qua, Indonesia đã tăng cường bắt giữ, tịch thu tài sản, phạt tiền, phạt tù tùy mức độ và thậm chí là bắn cháy tàu trên biển của ngư dân các nước, trong đó có Việt Nam. Như vậy, trước đây có thể có “vùng đánh cá truyền thống” mà ngư dân Việt Nam đã từng thường xuyên khai thác ở đó. Nhưng hiện nay, các khu vực đó được xác định là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước láng giềng theo đúng quy định của UNCLOS. Do đó, nếu các ngư dân này muốn tiếp tục vào khai thác hải sản ở “vùng đánh cá truyền thống” đó thì nhất thiết phải được các nước chủ nhà đồng ý cấp phép và phải tuân thủ luật lệ của họ.
Một nội dung tuyên truyền khác mà ngư dân quan tâm không kém là “quy định của các nước về xử phạt ngư dân, tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài”. Hiện nay, một số quốc gia đề xuất đưa “hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý” (IUUF) vào nội dung về tội phạm mới (tội phạm trên biển) và kêu gọi xác định là hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cần được hình sự hóa. Quan điểm của Việt Nam là không phản đối và sẵn sàng cùng các nước thảo luận, xây dựng các văn kiện quốc tế để giải quyết IUUF, tuy nhiên, chưa cần thiết hình sự ngay lập tức vì sẽ có tác động xấu đến các nước nghèo đang phát triển (như Việt Nam). Một số quốc gia đã nội luật hóa IUUF là tội phạm hình sự với các chế tài nghiêm khắc. Ví dụ, Trung Quốc áp dụng chế tài xua đuổi, tịch thu tài sản, truy cứu trách nhiệm hình sự; Malaysia, Brunei, Philippins thì tịch thu tài sản, phạt tiền và phạt tù tùy mức độ; Campuchia thì có thêm chế tài tiêu hủy tàu thuyền; Indonesia có thêm chế tài “bắn cháy tàu trên biển”; Palau thì có thêm chế tài “lao động công ích có thời hạn”, Úc có thêm “trục xuất”… Các quốc gia ngày càng có phản ứng tiêu cực đối với IUUF của ngư dân Việt Nam như tăng cường các lực lượng bảo vệ bờ biển, nêu vấn đề ngư dân ta vi phạm trong các diễn đàn đa phương, thậm chí cho rằng Việt Nam đang bảo hộ cho việc đánh bắt trái phép của ngư dân, đe dọa khai trừ Việt Nam ra khỏi Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương, nguy cơ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản. Điều quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, chúng ta ngày càng ít đi sự đồng tình của các nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà.
Phân tích, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến ngư dân, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và nêu những vướng mắc, khó khăn trong công tác bảo hộ cho ngư dân là một nội dung thiết thực cần được tuyên truyền để từ đó nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật cho ngư dân, giúp ngư dân đúc rút những kinh nghiệm khi vươn khơi bám biển, đặc biệt là phòng ngừa, hạn chế những vi phạm, rủi ro khi bị các quốc gia khác bắt giữ, xử lý. Những nguyên nhân vi phạm vùng biển nước ngoài là chủ tàu, thuyền chạy theo lợi nhuận kinh tế, bất chấp các quy định về xâm phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản quý hiếm, thậm chí còn tranh chấp với ngư dân bản địa; thông qua môi giới, “đút lót” các cơ quan chức năng địa phương để hoạt động, đến khi nước sở tại tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát thì bị lực lượng liên ngành bắt giữ; ngư dân đánh bắt gần vùng chồng lấn hoặc có tranh chấp, chạy theo luồng cá vô tình xâm phạm lãnh hải các nước…
Thực tế xảy ra nhiều vụ việc tại vùng giáp ranh, vùng biển chồng lấn chưa phân định hoặc đang tiến hành phân định mà bà con ngư dân cần lưu ý cảnh giác là đã có trường hợp ngư dân ta bị tàu nước ngoài bắt giữ trong vùng biển Việt Nam, sau đó bị kéo về vùng biển nước ngoài để lập biên bản vi phạm và xử phạt. Phía nước ngoài khẳng định tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước họ, đã ký biên bản nhận tội, chờ đưa ra xét xử. Do các tàu cá của ta thường tắt định vị, nên không có đủ bằng chứng, chứng cứ xác thực tọa độ tàu cá bị bắt giữ và các vi phạm khác, chỉ thông qua lời khai của ngư dân, thời gian xác minh vụ việc khá lâu, trong khi nước ngoài đã có chuẩn bị trước như quay phim, chụp ảnh, ép ngư dân ký biên bản... gây khó khăn trong đấu tranh, bảo hộ ngư dân. Việc tắt định vị còn dẫn đến khó xác minh trong các vụ việc tàu cá bị tàu lạ đâm chìm bỏ chạy, thường xảy ra vào ban đêm khi tàu đang neo đậu giữa biển. Qua những sự việc trên có thể đúc rút ra rằng: Các tàu cá nên hoạt động theo tổ, đội để có thể kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho nhau. Khi một tàu bị nạn, các tàu còn lại có thể giúp đỡ hoặc ghi hình, chụp ảnh làm bằng chứng. Các ngư dân phải sử dụng thiết bị định vị. Khi gặp rủi ro, khó khăn trên biển (mưa bão lớn, áp thấp nhiệt đới cần xin trú tránh; ngư dân bị ốm, bị bệnh đột xuất; tàu bị đâm va, chết máy…) thông tin kịp thời để Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thông qua con đường ngoại giao (thường chậm, thiếu cơ chế thông tin cho lực lượng hỗ trợ).
Đã có thời gian Nhà nước cho xóa nợ Quỹ bảo hộ công dân đối với một số trường hợp ngư dân vi phạm có hoàn cảnh khó khăn, không thể thanh toán nợ. Tuy nhiên, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài đã nêu rõ: “Bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; nếu chủ tàu không chi trả thì địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả”. Các địa phương áp dụng Nghị định số 103/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trong hoạt động thủy sản quy định, ngư dân xâm phạm vùng biển các nước bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng sau khi về nước. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng sẽ thu hồi giấy phép khai thác có thời hạn; đồng thời, không thực hiện chính sách hỗ trợ (hỗ trợ dầu…) đối với những tàu xâm phạm vùng biển các nước theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Có thể nói tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trong hoạt động nghề cá trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các ngành, địa phương có biển nhằm nâng cao ý thức pháp luật, hạn chế hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân ta, đồng thời góp phần bảo hộ, bảo đảm an toàn tốt hơn cho ngư dân an tâm để vươn khơi bám biển mưu sinh, “làm chủ” các vùng biển của Việt Nam.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi