1. Một số kết quả nổi bật
1.1. Chủ động trong công tác tham mưu
Cục THADS tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2018 về việc tăng cường công tác THADS, hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy vị trí và vai trò của hệ thống THADS trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, củng cố niềm tin của nhân dân.
Tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo THADS năm 2018; ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh năm 2018.
Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh làm việc với các Ban Chỉ đạo THADS thành phố Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng để nắm bắt tình hình hoạt động, đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động THADS tại địa phương.
1.2. Đổi mới, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Cục THADS tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, trọng tâm là “nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là việc liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện THADS, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về án hành chính còn tồn đọng”. Thực hiện Luật Thi hành án dân sự, các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy, chính quyền tỉnh, Cục THADS tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động THADS, hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; trên cơ sở Quyết định giao chỉ tiêu của Tổng cục THADS, ngày 29/12/2017, Cục THADS đã kịp thời ban hành Quyết định số 1322/QĐ-CTHADS về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho Chi cục THADS các huyện, thành phố, chấp hành viên thuộc Cục; chỉ đạo các phòng chuyên môn, Chi cục THADS các huyện, thành phố triển khai thống nhất, đầy đủ, toàn diện các mặt công tác THADS trong toàn tỉnh theo kế hoạch cấp trên đã phê duyệt.
Tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, coi đây là nội dung quan trọng, mang tính chất quyết định đối với cơ quan THADS hai cấp nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Bằng việc áp dụng nhiều giải pháp đột phá đã đem lại hiệu quả tích cực, khơi dậy các nguồn lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với phương châm “hướng về cơ sở”, tạo sự kết nối giữa cơ quan THADS, công chức làm công tác THADS với cấp ủy, chính quyền cơ sở, với các giải pháp cụ thể như: (i) Chỉ đạo mỗi Chi cục THADS huyện, thành phố lựa chọn 01 đơn vị cấp xã nơi có số lượng THA nhiều, khó khăn, phức tạp xây dựng chương trình làm việc chung với Đảng ủy, chính quyền về hoạt động THADS gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS - xã điểm. (ii) Thành lập 02 tổ công tác xử lý án để tăng cường hỗ trợ cho các Chi cục THADS trong thực hiện giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, việc chưa có điều kiện thi hành. Qua đó, giúp lãnh đạo Cục trong công tác kiểm tra, nắm bắt trình độ cũng như bồi dưỡng cho cán bộ, công chức nắm chắc hơn về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó đào tạo nguồn lãnh đạo. (iii) Hàng tháng, lãnh đạo Cục tiến hành đánh giá các chỉ tiêu thực hiện tại Cục THADS, Chi cục THADS các huyện, thành phố; dự chỉ đạo giao ban tại một số Chi cục THADS thuộc địa bàn trọng điểm có số lượng việc, tiền lớn; yêu cầu từng chấp hành viên trực tiếp báo cáo cụ thể, chi tiết từng vụ việc đang thi hành, tiến độ thực hiện, thông qua đó đã có giải pháp thiết thực, chỉ đạo kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc. (iv) Duy trì chế độ họp giao ban lãnh đạo Cục và các trưởng phòng 02 lần/tháng để đánh giá chỉ tiêu từng Chi cục, có bảng so sánh tiến độ công việc hàng tháng gửi các Chi cục để nắm bắt, so sánh giữa các Chi cục. (v) Trong thời gian 02 tháng cuối năm công tác, Cục trưởng trực tiếp họp giao ban đầu tuần (01 tiếng) tại Chi cục THADS thành phố và huyện Cao Lộc, là hai đơn vị có lượng án lớn, án phức tạp, khó thi hành, để đôn đốc thực hiện chỉ tiêu. Đối thoại trực tiếp với từng chấp hành viên để nghe báo cáo án, từ đó giúp chấp hành viên chủ động, tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, có văn bản thông báo tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng Chi cục hàng tháng công khai trên Trang thông tin điện tử để các Chi cục so sánh, đánh giá kết quả, đồng thời tập trung thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. (vi) Thành lập tổ kiểm tra công vụ đột xuất tại 06/11 Chi cục về chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, đồng thời ban hành 02 văn bản chấn chỉnh chung toàn ngành. (vii) Ban hành 16 thông báo kết luận của Cục trưởng tại các hội nghị, giao ban định kỳ. Ban hành 06 văn bản quán triệt, chỉ đạo thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, chấn chỉnh công tác kế toán nghiệp vụ năm 2017; tăng cường quản lý kho vật chứng và tài sản tạm giữ tại các cơ quan THADS; chấn chỉnh, khắc phục những sai sót vi phạm qua hoạt động kiểm sát đối với công tác THADS; chấn chỉnh các bộ phận, cá nhân trong thực hiện công tác kế toán nghiệp vụ THADS; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chế độ báo cáo, thống kê THADS, qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. (viii) Tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức THA cho chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký THADS tại các cơ quan THADS nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác THADS.
Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác tổ chức cán bộ, luôn xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đảm bảo thực hiện đồng bộ các giải pháp để cán bộ, công chức phát huy năng lực, sở trường các mặt công tác; thường xuyên chỉ đạo Phòng Tổ chức cán bộ tăng cường tham mưu, đề xuất, xây dựng đề án, kế hoạch, nhân sự điều động, luân chuyển, biệt phái.
Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra: Toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết 07/07 văn bản xin ý kiến nghiệp vụ của các Chi cục; việc hướng dẫn nghiệp vụ bảo đảm thực hiện theo Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ và Quy trình tổ chức THA. Có 02 văn bản xin ý kiến Tổng cục THADS chỉ đạo nghiệp vụ. Ngoài ra, nhiều vụ việc cụ thể, lãnh đạo Cục, Phòng Nghiệp vụ đã trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ trực tiếp cho các chấp hành viên phụ trách hồ sơ. Ban hành Kế hoạch kiểm tra số 72/KH-CTHADS ngày 24/01/2018 về việc kiểm tra công tác THADS năm 2018; chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy trình kiểm tra đến Chi cục THADS các huyện, thành phố và cán bộ, công chức; đã tiến hành kiểm tra toàn diện tại 07/09 đơn vị theo đúng kế hoạch, ban hành 07/09 kết luận kiểm tra.
Quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc.
Tiếp tục vận hành Trang thông tin điện tử THADS, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến THA, rà soát, công bố thủ tục hành chính, thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến, tăng cường sử dụng chữ ký số và văn bản điện tử, thường xuyên cập nhật đăng tải thông tin của người phải THA chưa có điều kiện thi hành lên Trang thông tin điện tử.
1.3. Đột phá về kết quả thi hành án dân sự
Nhìn chung, năm 2018, Cục THADS đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS với nhiều kết quả tích cực. Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc THADS bức xúc, kéo dài, không có vụ việc THADS làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự hay khiếu nại, tố cáo, bức xúc về THADS. Kết quả, toàn tỉnh đạt 04/04 chỉ tiêu được giao. Số việc, số tiền có điều kiện chuyển kỳ sau giảm sâu so với năm trước. Một số Chi cục THADS có sự tiến bộ vượt bậc. Có 10/12 đơn vị đạt 04/04 chỉ tiêu. Cục THADS tỉnh Lạng Sơn được Bộ Tư pháp xếp hạng A, đứng thứ 3 toàn quốc.
- Năm 2018, tổng số thụ lý về việc là 6.982 việc, tăng 10,21%, về tiền là 408.738.251.000 đồng, tăng 314,53% so với năm 2017; thi hành xong về việc đạt 95%, về tiền đạt 83%.
- Về số án chuyển kỳ sau, so với năm 2017, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong giảm 35,19%; số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong giảm 38,89%.
- Về kết quả tổ chức cưỡng chế THA, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế THA đối với 77 trường hợp, sau khi có quyết định cưỡng chế, có 02 trường hợp đương sự tự nguyện THA. Như vậy, tổng số việc phải tổ chức cưỡng chế là 75 trường hợp.
- Trong công tác xác minh, phân loại điều kiện THA, thực hiện Điều 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS đã chỉ đạo các Chi cục thực hiện nghiêm chỉ tiêu này, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện và chuyên đề, định kỳ và đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra công tác xác minh điều kiện THA, qua đó đã giúp kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành chính xác hơn, kết quả THADS ngày càng thực chất và bền vững. Thực hiện nghiêm túc việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải THA của người phải THA chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử THADS, qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án. Ban hành kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xác minh điều kiện THA không đúng thời hạn, phân loại án không chính xác để chạy theo thành tích, do bảo đảm tính công khai, minh bạch nên về cơ bản không phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động phân loại án.
- Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Lãnh đạo Cục và lãnh đạo Chi cục THADS đã thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ, bố trí địa điểm tiếp dân, công chức có phẩm chất, kỹ năng dân vận và tinh thần phục vụ làm công tác này. Cục THADS cũng thường xuyên chấn chỉnh, kiểm tra công tác tiếp công dân, đồng thời yêu cầu các cơ quan THADS địa phương tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm kiến nghị từ cơ sở. Những yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của công dân đã được các cơ quan THADS tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền pháp luật quy định. Toàn tỉnh thụ lý 29 đơn, tăng 05 đơn so với cùng kỳ năm 2017 và đã giải quyết 29/29 đơn thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
- Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cục THADS tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp ở cấp mình và Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong THADS. Chủ trì xây dựng dự thảo quy chế phối hợp mới phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện. Ngày 30/7/2018, Cục THADS, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCLN/CTHADS-TAND-VKSND-CA về phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Các quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan như: Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn… tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả THADS. Cục THADS đã chủ trì, phối hợp với Trại tạm giam - Công an tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả phối hợp giữa hai đơn vị trong công tác THADS; trao đổi, thống nhất một số nội dung phối hợp trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Sau hội nghị, hai cơ quan đã ban hành Kế hoạch phối hợp trong công tác THADS giai đoạn 2018 - 2020.
- Về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phòng, chống tham nhũng: Cục THADS đã ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ trong hoạt động THADS tỉnh Lạng Sơn. Các cơ quan THADS trong tỉnh đã chủ động công khai thông tin đến công chức, người lao động trong đơn vị những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi theo quy định. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm triển khai, thực hiện. Cục THADS thường xuyên chỉ đạo các Chi cục kịp thời quán triệt các văn bản, quy định về phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng.
- Về công tác thi đua - khen thưởng: Ngay từ đầu năm, Chi bộ Cục THADS tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát động phong trào thi đua năm 2018; ban hành kế hoạch và phát động phong trào thi đua năm 2018. Tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa 11 Chi cục THADS các huyện, thành phố, 04 phòng chuyên môn thuộc Cục; tham gia ký kết giao ước thi đua với khu vực thi đua Khối cơ quan tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc và Cụm thi đua các cơ quan nội chính tỉnh; hướng dẫn các tập thể và cá nhân đăng ký thi đua. Kết quả là 100% các tập thể và cá nhân đã đăng ký thi đua năm 2018. Ngoài phong trào thi đua thường xuyên, Cục THADS tỉnh còn phát động 04 phong trào thi đua theo chuyên đề và tiếp tục thực hiện 02 phong trào thi đua: “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, Cục THADS tỉnh thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở các đơn vị bám sát các nội dung chính trong các phong trào thi đua để phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tổ chức kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng kết hợp trong đợt kiểm tra toàn diện công tác THADS theo kế hoạch kiểm tra của Cục; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua theo đúng hướng, đúng mục đích, yêu cầu. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và Hộii đồng Sáng kiến của Cục THADS tỉnh được kiện toàn theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế. Các hội đồng hoạt động theo đúng quy chế đã ban hành, đạt chất lượng, hiệu quả. Tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các hoạt động của Cụm thi đua khối cơ quan nội chính tỉnh. Năm 2018, được phân công làm Cụm trưởng, Cục THADS tỉnh đã chủ động ban hành Kế hoạch công tác thi đua - khen thưởng của Cụm ngay từ đầu năm để thực hiện; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Cụm và Biểu chấm điểm thi đua đúng quy định và phù hợp; chỉ đạo và phối hợp với đơn vị Phó cụm trưởng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua - khen thưởng 06 tháng đầu năm và tổ chức thi đấu giao hữu thể thao; xây dựng kế hoạch kiểm tra, kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết thi đua khen thưởng cuối năm và đôn đốc các đơn vị thực hiện theo kế hoạch. Tiến hành sơ kết, tổng kết, bình xét khen thưởng kịp thời, khách quan, chính xác, tạo động lực để các tập thể, cá nhân tiếp tục phấn đấu, từ đó đẩy mạnh phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
2. Một số tồn tại, hạn chế và giải pháp
Công tác THADS còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục, cụ thể:
- Số lượng tiền chuyển kỳ sau còn cao, có một số vụ việc cũ chuyển sang thi hành kéo dài chưa xử lý dứt điểm. Số lượng án chưa có điều kiện THA tồn từ những năm trước chuyển sang còn nhiều (chủ yếu là phần giá trị), người phải THA chủ yếu là người nghiện ma túy, đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản để THA. Lượng án chưa có điều kiện thi hành, án không thi hành được, án cấp dưỡng nuôi con, án ma túy chiếm lượng lớn trong số án chuyển kỳ sau, số lượng án có giá trị tài sản phải THA lớn ngày càng tăng, án từ những năm trước chuyển sang và những vụ việc không có tài sản để thi hành chưa có cơ chế giải quyết còn nhiều, lượng án thụ lý mới tăng cao, biên chế làm việc ít nên phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
- Ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải THA chưa cao, phần lớn người phải THA thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc THA. Nhiều trường hợp đương sự có tài sản nhưng là tài sản chung của vợ chồng, do đó, việc phân chia tài sản cần có cơ quan Tòa án giải quyết nên dẫn đến mất nhiều thời gian.
- Một số đơn vị còn khó khăn về kho vật chứng do quỹ đất hạn hẹp, không có kinh phí để đầu tư xây dựng. Việc tiêu hủy các tang vật ở nhiều đơn vị vẫn thực hiện thủ công làm ảnh hưởng đến môi trường, chưa có lò tiêu hủy chuyên dụng các tang vật như ma túy, pháo nổ, hóa chất...
- Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số lãnh đạo Chi cục THADS cấp huyện còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, có nơi vẫn còn thiếu sâu sát trong công việc, phân công nhiệm vụ chưa đúng với năng lực sở trường của cán bộ. Công tác quản lý, điều hành chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát đối với công chức, người lao động, có lúc buông lỏng trong quản lý, chưa chủ động nghiên cứu tìm ra các giải pháp, biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ; có vụ việc còn thụ động, trông chờ cấp trên, thời gian THA kéo dài dẫn đến vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo.
- Một số cán bộ, công chức chưa phát huy hết năng lực và khả năng công tác, chưa có nhiều đổi mới, tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa cao, ý thức tham gia xây dựng tập thể cơ quan còn hạn chế.
- Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng công chức vi phạm kỷ luật lao động, chấp hành giờ làm việc hành chính; không tận dụng hết thời gian cho công việc; chưa chủ động trong học tập, nghiên cứu nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Một số công chức còn có phần hạn chế trong việc vận dụng, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến còn thiếu sót trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được giao. Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THA còn chậm và có nhiều hạn chế, nhất là cấp Chi cục.
Năm 2019 và các năm tiếp theo, Cục THADS tỉnh Lạng Sơn cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS; Chỉ thị số 05/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về tăng cường công tác THADS, hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hai là, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao năm 2019. Chủ động tham mưu, duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo THADS các cấp theo quy chế, phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo THADS; tăng cường, nâng cao chất lượng phối hợp giữa cơ quan THADS hai cấp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhất là công tác phối hợp với các cơ quan khối nội chính trong hoạt động THA.
Ba là, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức THA; chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ theo quy định của ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; định kỳ thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với một số cán bộ, công chức; thực hiện thường xuyên chế độ biệt phái cán bộ chức danh tư pháp giữa các Chi cục THADS cấp huyện trực thuộc, tăng cường cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý án cho các đơn vị có lượng án lớn, phức tạp để giải quyết, thi hành dứt điểm các vụ việc bảo đảm đạt, vượt chỉ tiêu được giao. Quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các đơn vị trực thuộc trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THA. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời các vụ việc THA có khó khăn, vướng mắc; chủ động phối hợp, trao đổi ý kiến với lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo THADS huyện, thành phố để giải quyết, thi hành dứt điểm.
Năm là, chỉ đạo tập thể lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, năng lực quản lý, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; chấn chỉnh, yêu cầu cán bộ, công chức, nhân viên chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, kỷ luật lao động, giờ làm việc tại cơ quan; thực hiện phân công công việc hợp lý, sâu sát, quyết liệt, rõ người, rõ việc, định thời gian hoàn thành; định kỳ đánh giá, phân loại công chức, nhân viên đúng thực chất theo nhiệm vụ được phân công; động viên, biểu dương cán bộ, công chức, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phê bình, kiểm điểm những trường hợp chưa hoàn thành nhiệm vụ; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để chỉ đạo của cấp trên.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị trực thuộc giải quyết đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để phát sinh vụ việc mới, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Bảy là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 05 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp theo quy định của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS. Phối hợp tốt với cấp ủy, các đoàn thể cơ quan THADS hai cấp phát huy dân chủ, sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết nội bộ.
Tám là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức THA, tạo sự công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến THADS trong toàn tỉnh, chủ động tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện hiệu quả phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THA và báo cáo thống kê THADS theo Quyết định số 427/QĐ-TCTHADS ngày 23/3/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn