1. Những nội dung chủ đạo trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020 sau 08 năm đàm phán, bao gồm 15 thành viên (các nước ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand). Được xem như một phiên bản “nâng cấp” Hiệp định ASEAN - X, RCEP đặt ra mức độ tự do hóa thương mại cao hơn và toàn diện hơn, tập trung vào các vấn đề thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử[1]. Mặc dù khởi động đàm phán sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[2], Hiệp định RCEP không có những nội dung mới có tính đột phá.
Mối quan hệ giữa các FTA ASEAN - X với RCEP chưa thực sự sáng tỏ do quy định tại Điều 20.2 của RCEP thừa nhận sự tồn tại song song giữa RCEP và các thỏa thuận quốc tế khác như WTO hay các thỏa thuận có ít nhất 02 bên ký kết RCEP tham gia. Hơn nữa, nếu các bên cho rằng một điều khoản nào trong Hiệp định này không nhất quán với một thỏa thuận khác thì các bên sẽ phải tham vấn để đạt được một giải pháp thỏa đáng. Như vậy, Hiệp định RCEP không có tính ràng buộc tuyệt đối với các bên ký kết mà sẽ có sự tương quan với các hiệp định trước đó.
1.1. Quy định về mở cửa thị trường hàng hóa
Hiệp định RCEP kế thừa xu hướng của các FTA thế hệ mới, theo đó, các FTA được ký kết sau thường có mức độ cam kết cắt giảm thuế quan càng cao, cụ thể, trong Hiệp định RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan mà Việt Nam dành cho các đối tác ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand là 89,6%; Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%; Trung Quốc là 85,6%[3]. Các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7% đến 92% số dòng thuế, các nước ASEAN xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam ở khoảng 85,9% đến 100% số dòng thuế.
Việt Nam duy trì 06 lộ trình cắt giảm thuế quan đối với ASEAN và 05 nước thành viên còn lại. Các FTA ASEAN+ đều xác định đến cuối lộ trình cắt giảm thuế quan thì tỷ lệ xóa bỏ cũng ở ngưỡng rất cao nên mức độ cắt giảm của Hiệp định RCEP về cơ bản không cao hơn mức trong các FTA đã ký kết trước đó[4]. Nội dung về thuế quan trong Hiệp định RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết cắt giảm thuế đã có và về tổng thể sẽ xóa bỏ khoảng 90% thuế nhập khẩu trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, lộ trình cắt giảm dài nhất là 25 năm. Trong Hiệp định RCEP, những ngành hàng được xóa bỏ thuế ngay tương đương từ 64% đến 82% số dòng thuế đối với tùy từng quốc gia. Cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP cũng sẽ không gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, bởi lẽ, với các đối tác trong RCEP, Việt Nam cũng đã dành những ưu đãi tương đối cao trước đó.
1.2. Quy định về quy tắc xuất xứ
Trong bối cảnh các FTA ASEAN+ đều đang có hiệu lực, Hiệp định RCEP đưa ra cách xác định xuất xứ hàng hóa bằng cách sử dụng chung một bộ quy tắc xuất xứ thay vì 05 bộ theo các FTA cũ, cho phép sử dụng nguyên liệu đầu vào ở tất cả các nước thành viên RCEP, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp dễ dàng đạt được chứng nhận xuất xứ hơn.
Việc xác định xuất xứ trong Hiệp định RCEP được thực hiện theo những quy tắc sau: (i) Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; (ii) Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; (iii) Hàng hóa sử dụng nguyên liệu từ bên ngoài khu vực RCEP nhưng đáp ứng quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) đối với 5205 dòng thuế cụ thể.
Quy tắc PSR gồm 03 loại: (i) Các dòng hàng đáp ứng hàm lượng giá trị khu vực (RVC) tối thiểu 40%; (ii) Đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC); (iii) Đáp ứng quy tắc phản ứng hóa học đối với một số dòng hàng hóa chất (CR).
1.3. Quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại
Về vấn đề phòng vệ thương mại, Hiệp định RCEP kế thừa 03 biện pháp truyền thống như WTO bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Hiệp định RCEP tạo cơ chế tự vệ đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi từ khi RCEP có hiệu lực đến 08 năm sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế, các nước có quyền tăng lại thuế nhằm mục đích tự vệ thương mại. Quy định này là phù hợp trong bối cảnh nước tham gia Hiệp định, có cả các nước trình độ kém phát triển nhằm bảo đảm tính linh hoạt cho các nước có trình độ phát triển khác nhau.
Hiệp định RCEP đã được thiết kế theo hướng kế thừa và quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với các quy định liên quan tới phương pháp tính biên độ bán phá giá (loại trừ rõ ràng biện pháp quy về không (Zeroing) để tránh trường hợp pháp luật tại nước nhập khẩu hoặc cơ quan điều tra chống bán phá giá lạm dụng các quy định/tạo những trở ngại cho các doanh nghiệp tại nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP để ngỏ khả năng áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo hiệp định đối với các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó, Điều 7.16 quy định về việc không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp các quốc gia rà soát lại theo Điều 20.8.
1.4. Quy định về thương mại dịch vụ
Thương mại dịch vụ là nội dung khó đưa ra cam kết ở mức cao, đặc điểm này cũng có thể bắt gặp trong Hiệp định RCEP. Mức độ cam kết về dịch vụ tương đương với các FTA ASEAN+, tức là thấp hơn so với nội khối ASEAN và một số FTA thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Nội dung về dịch vụ trong Hiệp định RCEP được quy định tại Chương 8. Cách đưa ra cam kết về dịch vụ của Hiệp định RCEP khá linh hoạt khi kết hợp cả hai cách tiếp cận là “chọn - cho” và “chọn - bỏ”. Cách tiếp cận “chọn - cho” tương đồng với cam kết trong WTO, các nước chọn theo cách này[5] sẽ đưa ra Biểu cam kết cụ thể[6] về dịch vụ và phải thực hiện các nguyên tắc MFN tự động, minh bạch hóa, ratchet (quy định theo nguyên tắc chỉ tiến không lùi, không được đưa ra quy định theo hướng làm gia tăng rào cản bất lợi cho dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ của nước ngoài). Các quốc gia chọn cam kết theo cách “chọn - bỏ” sẽ đưa ra Biểu các biện pháp bảo lưu và biện pháp không tương thích về dịch vụ và đầu tư[7], theo đó, những ngành dịch vụ nào không xuất hiện trong biểu tức là được tự do cung ứng dịch vụ mà không có bất cứ rào cản nào.
Nhằm tạo ra sự công bằng giữa các nước thành viên, Hiệp định RCEP cho phép nhóm nước cam kết theo cách “chọn - cho” một khoảng thời gian 06 năm để chuyển đổi sang cách “chọn - bỏ”, tức là đến cuối lộ trình, các thành viên sẽ có cách thức cam kết tương tự nhau và tương tự như CPTPP. Việc chuyển đổi này không đòi hỏi phải tăng mức độ cam kết mở cửa thị trường nhằm bảo đảm các dịch vụ nhạy cảm[8] tránh được khả năng phải áp dụng nghĩa vụ MFN tự động.
1.5. Quy định về đầu tư
Chương 10 Hiệp định RCEP có cấu trúc giống như một hiệp định đầu tư, bao gồm các vấn đề tự do hóa đầu tư và bảo hộ đầu tư. Các quy định chủ yếu bao gồm xác định khoản đầu tư, các nguyên tắc đối với đầu tư, các tiêu chuẩn đối với việc ban hành các quy định nội địa đối với nhà đầu tư, chuyển tiền, tước quyền sở hữu… Những nghĩa vụ mà Hiệp định RCEP đặt ra cao hơn so với các FTA ASEAN+ là các nghĩa vụ bổ sung hơn so với Hiệp định về các biện pháp đầu tư có liên quan tới thương mại của WTO (TRIMs), cam kết MFN tự động, nghĩa vụ ratchet đối với một số biện pháp không tương thích của các nước (có hiệu lực sau 05 năm kể từ ngày Hiệp định RCEP có hiệu lực). Hiệp định RCEP cũng đưa ra cơ chế xem xét, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư.
Tuy vậy, Hiệp định RCEP với số lượng 15 nước thành viên mà quy mô cũng như trình độ phát triển kinh tế cách xa nhau nên điểm hạn chế trong Chương 10 này là chưa xây dựng được cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) và vấn đề tước quyền sở hữu liên quan đến thuế. Trong các FTA đã được ký kết của Việt Nam, chỉ có Hiệp định RCEP là không có cơ chế ISDS[9], ngược lại với các FTA ASEAN+ đều có cơ chế ISDS, điều đó cho thấy nguyên nhân của sự thiếu vắng này là do các nước cách xa nhau về mức độ phát triển không tìm thấy lợi ích chung từ cơ chế này. Kể cả trong CPTPP, đối với cơ chế ISDS thì Việt Nam và New Zealand cũng bảo lưu, không thực thi cơ chế này với nhau[10]. Thực tế, các FTA ASEAN+ đã bảo đảm được cơ chế ISDS nên việc Hiệp định RCEP có quy định về ISDS hay không cũng không có nhiều khác biệt.
1.6. Quy định về sở hữu trí tuệ
Hiệp định RCEP tiếp cận cân bằng và toàn diện về việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong khu vực. Các cam kết về hài hòa hóa về mức độ bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ được xây dựng trên cơ sở quy định Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) của WTO. Tuy nhiên, RCEP tiến xa hơn TRIPs khi bao gồm cả những cam kết không được đề cập trong TRIPS hoặc cao hơn chuẩn mực của TRIPS liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp như thủ tục đăng ký nhãn hiệu[11], chỉ dẫn địa lý[12]…, biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thực thi quyền trong môi trường kỹ thuật số[13], vấn đề bảo hộ sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống. Ngoài ra, Hiệp định RCEP cũng quy định rõ hơn các nghĩa vụ về thực thi quyền bằng biện pháp hình sự trong Hiệp định TRIPS[14].
2. Vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực đối với hội nhập ASEAN
Các FTA đã ký kết của Việt Nam cho thấy sự khác biệt về mục đích, nếu CPTPP và EVFTA được đánh giá cao bởi những nội dung cam kết có chiều sâu, đưa ra và giải quyết những vấn đề mới của thế kỷ XXI[15] thì RCEP nổi bật với việc đặt khu vực châu Á vào thế năng động mới khi đặt viên gạch tiếp theo sau CPTPP cho triển vọng hướng tới FTAAP[16], đây là mục tiêu đã được xác định từ Hội nghị cấp cao APEC 2016. Xu hướng chỉ ra vai trò hạt nhân của 07 quốc gia vừa là thành viên của Hiệp định CPTPP và Hiệp định RCEP trong các FTA này cũng như tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, có 04 quốc gia ASEAN bao gồm cả Việt Nam. RCEP cũng là hiệp định đầu tiên ghi nhận sự tham gia của cả Trung Quốc và Nhật Bản[17]. RCEP được đàm phán bởi sáng kiến do ASEAN đề xuất và tích cực theo đuổi nhằm khẳng định vị trí trung tâm của mình. Những dấu ấn khác biệt mà Hiệp định RCEP tạo ra giúp khẳng định vai trò của FTA lớn nhất thế giới này đối với tiến trình hội nhập của ASEAN cũng như Việt Nam.
2.1. Vai trò của Hiệp định RCEP đối với hội nhập trong ASEAN
Hiệp định RCEP tạo thuận lợi hóa thương mại cho khu vực ASEAN bằng cách giảm bớt các hàng rào phi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan, thủ tục kiểm dịch và tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP gộp chung 05 bộ quy tắc xuất xứ thành 01 bộ duy nhất, tạo ra sự linh hoạt, dễ dàng cho hàng hóa đạt được xuất xứ ưu đãi. Đồng thời, các cơ quan làm thủ tục hải quan tại các quốc gia thành viên RCEP sẽ đơn giản hóa và đồng bộ quy trình hơn thay vì áp dụng các quy tắc xuất xứ riêng lẻ đối với từng nước như trước.
Hiệp định RCEP thiết lập các nguyên tắc mới và hoàn thiện hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, ví dụ như điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Hiệp định này cũng quan tâm đặc biệt đến các nước ASEAN thông qua các quy định dành riêng cho nhóm nước này[18] (tương đương với các quy định S&D của WTO) và các quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa[19] lần đầu tiên xuất hiện trong các FTA.
2.2. Vai trò của Hiệp định RCEP đối với Việt Nam
2.2.1. Vai trò của Hiệp định RCEP đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam
Việc tham gia vào Hiệp định RCEP đã mở ra những cơ hội cho Việt Nam, bao gồm:
Một là, Hiệp định RCEP mở ra một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng hơn quy mô ASEAN+. Lợi ích này tập trung vào việc tạo ra nhiều sự lựa chọn, mà hầu hết là sự lựa chọn tốt, về nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Có rất nhiều ngành hàng Việt Nam phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc[20] nên khi ký FTA có sự tham gia của Trung Quốc thì hàng hóa Việt Nam sẽ dễ đạt được xuất xứ ưu đãi hơn. Tuy nhiên, trước Hiệp định RCEP thì chỉ có ACFTA, mà giá trị cũng như khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sang những nước nội khối ASEAN không nhiều do các nước có cơ cấu ngành hàng khá giống nhau và có quốc gia có khả năng cạnh tranh cao với Việt Nam[21].
Hai là, Hiệp định RCEP mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến nhiều thị trường vốn nằm ở các FTA “tiêu chuẩn cao” như Nhật Bản, Australia mà trước đây muốn đạt được xuất xứ ưu đãi cho hàng hóa là khá khó. Hàn Quốc cũng là nước cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam[22]. Khi những quốc gia này đều cùng tham gia Hiệp định RCEP, việc hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được quy tắc xuất xứ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Có thể nói, Hiệp định RCEP là FTA mà triển vọng tận dụng ưu đãi là cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng về bao gồm cả các thành phẩm, sản phẩm sơ chế, nguyên vật liệu. Tham gia Hiệp định RCEP, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy việc phát triển chuỗi sản xuất nội khối, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước được tham gia sâu vào chuỗi sản xuất khu vực. Vậy nên, khi RCEP có hiệu lực, áp dụng thống nhất một bộ quy tắc xuất xứ cho tất cả các thị trường thì việc hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu đi Nhật Bản sẽ dễ dàng hơn.
Ba là, Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý chung thống nhất trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp nhằm kiến tạo môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp định RCEP cũng đặt ra những thách thức cho ngành hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, chẳng hạn như các mặt hàng nông sản. Các mặt hàng có cùng lợi thế so sánh sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn giữa các quốc gia tham gia Hiệp định này. Thêm nữa, việc mở rộng thị trường nội khối sẽ làm thay đổi cấu trúc thương mại của các quốc gia thành viên, dẫn tới thay đổi dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Các FTA kiểu ASEAN - X trước đây muốn tận dụng được thuế suất ưu đãi thì việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ đâu sẽ bị giới hạn hẹp hơn, hàng hóa nội địa sẽ được ưu tiên lựa chọn vì làm gia tăng hàm lượng nội khối, tuy nhiên, khi RCEP có hiệu lực thì nguồn nguyên liệu sẽ có nhiều lựa chọn hơn, hàng nội địa sẽ đối mặt với cạnh tranh từ nhiều thị trường hơn. Đây cũng là thách thức chung khi ký kết các FTA bao phủ một thị trường rộng lớn.
Bên cạnh đó, một số thành viên RCEP cũng nằm trong FTA khác với Việt Nam, đó là 06 quốc gia: Australia, Brunei, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản và Singapore cũng tham gia CPTPP. Xét về lộ trình cắt giảm thuế quan, RCEP có thể kết thúc nhanh hơn do thời hạn cắt giảm thuế quan dài nhất là 25 năm còn CPTPP là 35 năm[23] nhưng xét về quy mô cắt giảm thì CPTPP chiếm ưu thế hơn hẳn khi cuối lộ trình sẽ có 98,02% số dòng thuế được giảm so với 90% của RCEP. Việc doanh nghiệp lựa chọn hưởng ưu đãi theo CPTPP cũng sẽ khiến tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo RCEP giảm xuống, kéo theo hệ quả những quốc gia còn lại trong RCEP không được hưởng lợi từ tác động thương mại này.
2.2.2. Vai trò của Hiệp định RCEP đối với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Để triển khai bất kỳ một FTA nào, quốc gia nào cũng cần một quá trình ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các quốc gia sẽ có thể sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định. Hiệp định RCEP là một văn bản kết nối các FTAs sẵn có giữa ASEAN và 05 nước đối tác, do vậy, Việt Nam về cơ bản không cần sửa đổi lớn đối với hệ thống pháp luật hiện hành để thực hiện Hiệp định. Tuy nhiên, để đưa Hiệp định vào thực thi, Việt Nam cần ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, chẳng hạn như các bản quy định chi tiết về mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế quan, hoặc hướng dẫn về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ như thế nào. Việc ban hành các văn bản này nhằm thực thi Hiệp định chứ không phải là đổi mới lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Bởi vậy, quy trình ban hành các văn bản này chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan hành pháp sẽ nhanh gọn, thuận lợi hơn rất nhiều so với rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Trong số các văn bản hướng dẫn thi hành Hiệp định RCEP, có thể thấy, vấn đề được quan tâm hàng đầu vẫn là các hướng dẫn thực thi về thuế quan, tiếp đó là thực thi cam kết về chứng nhận xuất xứ. Ngoài ra, các quy định hướng dẫn cụ thể đối với biện pháp “tự vệ chuyển tiếp”, biện pháp “tự vệ tạm thời”[24] cũng đáng lưu tâm bởi Việt Nam có thể tận dụng 08 năm thực hiện cơ chế đặc biệt để bảo vệ cho hàng hóa của Việt Nam.
Trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nên tuân thủ nguyên tắc minh bạch. Như vậy, khi ban hành văn bản pháp luật các cơ quan có thẩm quyền đều phải đăng lên cổng thông tin điện tử và lấy ý kiến rộng rãi của tất cả các đối tượng liên quan. Đặc biệt, đối với những quy định mang tính tạo thuận lợi thương mại, cao hơn rất nhiều so với những quy định hiện hành, việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan thực sự cần thiết để các cơ quan có thẩm quyền có thể xác định đúng mục đích, nhu cầu và phương thức hướng dẫn cho hợp lý.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng trực tiếp các quy định mới trong Hiệp định RCEP hoặc rà soát sửa đổi đối với các quy định về sở hữu trí tuệ. Việt Nam có thể xem xét mở rộng đối tượng được bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu âm thanh theo cam kết trong Hiệp định RCEP. Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ bảo hộ các nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được[25]. Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam còn cam kết mở hơn so với RCEP, theo đó, Việt Nam cũng đã theo xu hướng bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới, mở rộng phạm vi bảo hộ sang các nhãn hiệu không nhìn thấy được như nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi hương[26].
ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ
ThS. Đỗ Thu Hương
Đại học Luật Hà Nội
ThS. Đỗ Thu Hương
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Chương 16 RCEP cam kết về mua sắm của Chính phủ, tuy nhiên, chỉ dừng ở đòi hỏi các nước thành viên phải tăng cường tính minh bạch, hợp tác và trao đổi thông tin mà không bao gồm cam kết mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết tranh chấp trong RCEP không áp dụng với chương này.
[2]. CPTPP, tiền thân là TPP khởi động đàm phán từ năm 2010. RCEP khởi động đàm phán từ năm 2013.
[4]. Tỷ lệ dòng thuế 0% vào năm hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế của từng FTA là: ASEAN hoàn thành 98% vào năm 2018; ASEAN - Trung Quốc hoàn thành 90% vào năm 2020; ASEAN - Hàn Quốc hoàn thành năm 87% vào năm 2021; ASEAN - Úc - New Zealand hoàn thành 90% vào năm 2022; ASEAN - Ấn Độ hoàn thành 74% vào năm 2024; ASEAN - Nhật Bản hoàn thành 87% vào năm 2025; Việt Nam - Nhật Bản hoàn thành 92% vào năm 2026; Việt Nam - Chi Lê hoàn thành 89% vào năm 2029; Việt Nam - Hàn Quốc hoàn thành 88% vào năm 2029; Việt Nam - EAEU hoàn thành 87,1% vào năm 2027; CPTPP hoàn thành 98,02% vào năm 2034; Việt Nam - EU hoàn thành 99% vào năm 2030.
[5]. Bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, New Zealand, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam.
[6]. Điều 8.7 Chương Dịch vụ quy định các nước sẽ đưa ra Biểu cam kết riêng về Dịch vụ, nằm trong Phụ lục II.
[7]. Điều 8.8 Chương Dịch vụ quy định các nước sẽ đưa ra Biểu các biện pháp bảo lưu và biện pháp không tương thích về dịch vụ và đầu tư, nằm trong Phụ lục III.
[8]. Tài chính, viễn thông và dịch vụ chuyên môn được coi là dịch vụ nhạy cảm trong RCEP. Các dịch vụ này được quy định trong phụ lục riêng, tương tự như Hiệp định GATS của WTO.
[9]. AJCEP không có cơ chế ISDS nhưng Nhật Bản ký rất nhiều các BIT với các nước còn lại trong khối RCEP, ví dụ: BIT Nhật Bản - Thái Lan 2007, BIT Nhật Bản - Việt Nam 2003, BIT Nhật Bản - Brunei 2007…
[11]. Điều 11.27 Hiệp định RCEP.
[12]. Mục D Chương 11 Hiệp định RCEP.
[13]. Tiểu mục 5 Chương 11 Hiệp định RCEP.
[14]. Tiểu mục 4 Chương 11 Hiệp định RCEP.
[15]. Vấn đề lao động, môi trường đều được đề cập đến trong CPTPP và EVFTA nhưng “vắng mặt” trong RCEP.
[16]. Free Trade Area of the Asia - Pacific (Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương).
[17]. Kể từ năm 2002, Hiệp định Thương mại tự do giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã được khởi động đàm phán và trải qua 16 vòng đàm phán nhưng vẫn chưa được ký kết. Đối lập với sự bế tắc đó, FTA giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã được ký vào năm 2015.
[18]. Ví dụ, Điều 8.23: Tăng cường sự tham gia của các bên kém phát triển, nhất là quốc gia thành viên của ASEAN.
[19]. Chương 14 RCEP.
[20]. Ngành phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc; xăng dầu và khí đốt; cao su, chất dẻo, hóa chất…; vật liệu dệt may, da giày, máy tính, sắt thép… Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc.
[21]. Thái Lan là quốc gia có cơ cấu ngành hàng khá tương đồng với Việt Nam. Sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan theo ATIGA, thị trường Việt Nam phải đối mặt với sự canh tranh đến từ hàng hóa của các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan. Ví dụ, đường là mặt hàng Việt Nam vẫn duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội địa nên sau khi mở cửa với nội khối mặt hàng này đã chịu nhiều thiệt hại. Để đối phó, năm 2020, Việt Nam tiến hành điều tra chống bán phá giá và lần đầu tiên điều tra chống trợ cấp đối với mía đường từ Thái Lan.
[22]. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu.
[23]. Lộ trình này đã bắt đầu từ 14/01/2019 và sẽ kết thúc vào năm 2034.
[24]. Điều 7.5, Điều 7.8 Hiệp định RCEP.
[25]. Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[26]. Điều 18.18 Mục C Chương 18 Hiệp định CPTPP.