1. Một số bất cập ảnh hưởng đến vai trò luật sư trong tố tụng hình sự hiện nay
Mặc dù pháp luật tố tụng hình sự quy định việc tranh tụng của luật sư trong xét xử vụ án hình sự là nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trong quá trình điều tra, xét xử nhưng trên thực tế quá trình tác nghiệp của luật sư trong các vụ án hình sự còn gặp một số bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động xét các vụ án hình sự ở nước ta đó là:
Thứ nhất: Mặc dù luật quy định luật sư có quyền tham gia vào hoạt động tư pháp từ khi có quyết định khởi tố vụ án nhưng thực tiễn hiện nay, luật sư rất ít khi được tham gia chứng kiến quá trình lấy lời khai của bị can dẫn đến nhiều vụ án khi xét xử bị cáo thường khai với Hội đồng xét xử là do bị ép cung, nhục hình.
Thứ hai: Về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Hiện tại luật quy định trong thời hạn 3 ngày người bào chữa sẽ được cấp giấy chứng nhận bào chữa, tuy nhiên, quy định này chỉ đúng với thực tiễn các vụ án được chỉ định theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Thứ ba: Thực tiễn khi luật sư được cấp giấy chứng nhận là người bào chữa thì một khó khăn lớn đó là tiếp cận bị can. Khi luật sư muốn tiếp cận điều tra viên thường nhận được những câu trả lời như: Án phức tạp nên chưa gặp được bị can hoặc điều tra viên đang đi công tác chưa gặp được bị can. Quá trình lấy lời khai của bị can ở những giai đoạn quan trọng thường không có sự chứng kiến của luật sư vì cơ quan điều tra không có nghĩa vụ thông báo cho luật sư biết thời gian lấy lời khai của bị can. Do vậy, có những vụ án sau khi gần kết thúc quá trình lấy lời khai của bị can thì luật sư mới tiếp cận được thân chủ của họ.
Thứ tư: Trong quá trình luật sư được cấp chứng nhận là người bào chữa, giấy chứng nhận chỉ có giá trị đến khi xét xử sơ thẩm kết thúc. Vậy sau khi giai đoạn xét xử sơ thẩm kết thúc, vụ án hình sự sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo muốn kháng cáo nhưng giấy chứng nhận bào chữa của luật sư đã hết hiệu lực. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho bị cáo khi muốn yêu cầu luật sư tiếp tục bào chữa cho mình.
Thứ năm: Trong quá trình luật sư muốn gặp bị can trong trại tạm giam thì thủ tục hành chính tư pháp còn nhiều bất cập, phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân thì trại tạm giam, tạm giữ mới có quyền cho luật sư gặp bị can, đây là mầm mống của cơ chế xin cho trong hành chính tư pháp hiện nay.
Thứ sáu: Pháp luật cho phép luật sư được tiếp cận tài liệu chứng cứ có trong vụ án dưới hình thức sao chụp hồ sơ vụ án, tuy nhiên, trong thực tiễn một số vụ án luật sư rất khó khăn để tiếp cận hồ sơ và thường được cơ quan tiến hành tố tụng trả lời do hồ sơ chưa được hoàn thiện, vụ án có tính phức tạp, Viện kiểm sát chưa phúc cung.
Thứ bảy: Vấn đề chứng cứ trong tranh tụng. Hiện nay, tất cả những chứng cứ mà Viện kiểm sát giữ quyền công tố đều do cơ quan điều tra cung cấp để làm cơ sở buộc tội cho bị cáo. Tòa án cũng chỉ dựa vào các bút lục do cơ quan điều tra cung cấp để xét xử - “buộc tội”. Luật sư cũng chỉ có thể dựa vào những chứng cứ do cơ quan điều tra kết luận để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình - “gỡ tội”. Do vậy, có thể thấy, chứng cứ cho quá trình “buộc tội” và “gỡ tội” cho bị cáo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn chứng cứ của quan điều tra. Như vậy, các chứng cứ này chưa thể phản ánh hết tính khách quan của vụ án. Trong thực tiễn xét xử, nếu bị cáo khai giống với bút lục có trong hồ sơ vụ án thì Hội đồng xét xử đánh giá là bị cáo đã thành khẩn khai báo, sẽ là cơ sở để Hội đồng xét xử cân nhắc khi nghị án. Còn nếu bị cáo khai khác so với bút lục có trong vụ án thì thường sẽ bị Hội đồng xét xử nhận định không ăn năn, hối cải. Đây là điều bất lợi cho bị cáo khi định khung và định hình.
Thư tám: Cách bố trí phiên tòa hiện nay chưa thật sự khoa học. Luật sư, Hội đồng xét xử đều là những người tham gia tố tụng nhưng quá trình bố trí chỗ ngồi cho luật sư hầu hết tại các phiên tòa đều thiếu khoa học. Cụ thể là khi trình bày nội dung bào chữa của mình, luật sư phải nói rất lớn vì Tòa án thường không trang bị micro cho luật sư. Điều này làm cho nhiều luật sư trình bày quan điểm của mình rất khó khăn. Luật sư thường được sắp ở vị trí đứng sau bị cáo, cho nên khi luật sư hỏi bị cáo thì bị cáo thường quay mặt ra sau về phía luật sư để trả lời khiến cho quang cảnh phiên tòa không thật sự hợp lý.
2. Một vài kiến nghị
Những tồn tại và hạn chế nêu trên sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tranh tụng trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự hiện nay. Dưới đây, chúng tôi đề xuất một vài kiến nghị như sau:
Một là, cơ quan điều tra phải đánh giá đúng mức vai trò của luật sư cũng như sự hiện diện của luật sư trong quá trình lấy lời khai của bị can. Quá trình lấy lời khai của bị can phải có sự chứng kiến của luật sư thì bản bút lục đó mới có giá trị pháp lý, cho dù bị can có thể nhờ luật sư, hoặc không có điều kiện để nhờ luật sư thì Nhà nước cần phải có cơ chế để đoàn luật sư của tỉnh phải cử luật sư tham gia lấy lời cung của bị can. Điều này sẽ hạn chế thấp nhất sự vị phạm trong tố tụng.
Hai là, pháp luật cần đơn giản thủ tục hành chính tư pháp về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Khi luật sư được cấp giấy chứng nhận là người bào chữa thì cơ quan điều tra cũng như trại tạm giam cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho luật sư tiếp cận bị can. Pháp luật cần quy định rõ các chế tài cụ thể đối với việc làm trở ngại, gây khó khăn cho luật sư khi cấp giấy chứng nhận bào chữa cũng như trong việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận bào chữa; quy định cụ thể quyền của luật sư khi gặp bị can trong giai đoạn điều tra; thủ tục và điều kiện gặp bị can trong trại tạm giam.
Ba là, pháp luật cần quy định mở rộng thêm quyền thu thập chứng cứ cho luật sư; tạo cơ chế cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư trong cả nước đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Bốn là, để đảm bảo hoạt động tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu quả cao nhất thì ngoài việc đưa ra các chứng cứ của các bên trong hoạt động tranh tụng thì pháp luật cần cụ thể hóa vị trí, vai trò của luật sự trong tố tụng hình sự, cần sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi của luật sư, tạo điều kiện thoải mái nhất cho luật sư thực hiện tranh tụng tại phiên tòa.
Năm là, pháp luật tố tụng hình sự cần phân định rõ chức năng của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, có như vậy mới đảm bảo tranh tụng giữa Viện kiểm sát và luật sư. Tòa án nhân dân chỉ thực hiện vai trò là phán xét dựa trên kết quả tranh tụng công khai giữa luật sư và kiểm sát viên.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta. Việc hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và tranh tụng là hết sức cần thiết. Đây là tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng hoạt động xét xử án hình sự ở nước ta, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Lê Văn Quyến
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước