1. Quyền được sống trong môi trường trong lành của con người và vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền này
Môi trường trong lành có thể hiểu là môi trường sạch đẹp, thuần khiết, không có ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trong môi trường đó, con người và sinh vật sống thoải mái, khỏe mạnh, hữu ích và hài hòa với thiên nhiên. Ở bình diện quốc tế, quyền được sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện, công ước quốc tế như Tuyên bố thế giới về nhân quyền năm 1948, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1962 về phát triển kinh tế và bảo vệ thiên nhiên; Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966… Với việc ký nhiều cam kết quốc tế, Việt Nam đã thừa nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, mà trực tiếp nhất là hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, việc con người được sống trong môi trường trong lành đã được thừa nhận, mặc dù chưa được ghi nhận thành nguyên tắc riêng. Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự phát triển vượt bậc về quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành. Việc ghi nhận quyền này trong Hiến pháp là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta thể chế hóa và thực hiện trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam.
Quyền được sống trong môi trường trong lành cần được tôn trọng và bảo vệ, vì ô nhiễm môi trường không chỉ tổn thất cho phát triển kinh tế, phá hủy các thành tựu tăng trưởng, dẫn tới gia tăng nghèo đói, phân hóa và bất bình đẳng xã hội, mà còn gây nhiều bệnh tật nguy hiểm, tổn hại sức khỏe và đe dọa tính mạng của con người, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người, thậm chí còn đe dọa quyền con người. Môi trường không bị ô nhiễm là cơ sở, nền tảng thiết yếu để hiện thực hóa các quyền con người. Quyền được sống trong môi trường trong lành có quan hệ chặt chẽ với các quyền khác của con người. Sự ô nhiễm, suy thoái môi trường ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người đó là quyền sống, quyền về sức khỏe, quyền về nước, quyền làm việc, kiếm kế sinh nhai. Khi quyền được sống trong môi trường trong lành không được đảm bảo, thì những quyền kể trên khó được thực hiện. Bởi lẽ, khi môi trường ô nhiễm, đất đai ô nhiễm sẽ làm giảm năng suất và mất an toàn đối với các sản phẩm cây trồng, nhiều bệnh tật xuất hiện do thực phẩm bị nhiễm độc gây ra ví dụ như ung thư và tim mạch. Ô nhiễm môi trường cản trở quyền được tiếp cận với nước sạch của con người, bởi sử dụng nước không hợp vệ sinh cũng là mầm mống của dịch bệnh. Quyền có nước sạch là quyền được thế giới thừa nhận. Ô nhiễm không khí là tác nhân nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Tháng 10/2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư ở người. Việc phá hủy môi trường đồng nghĩa với việc tước đi quyền làm việc của nhiều người, vì ô nhiễm các dòng sông, ngòi, kênh, mương đẩy những người sống bằng nghề đánh bắt cá mất việc làm…
Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành. Bởi lẽ, trong hoạt động sinh hoạt và phát triển kinh tế của các cá nhân, tổ chức thường có xu hướng tác động tiêu cực tới môi trường, vì lợi ích cá nhân, họ có thể không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, rất cần có vai trò quản lý nhà nước về môi trường để điều chỉnh hành vi của tất cả mọi thành viên, cá nhân và tổ chức trong một cộng đồng, một quốc gia dân tộc. Nhà nước bằng cách đưa ra các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội để điều khiển, chi phối hành vi của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động phát triển nhằm bảo vệ chất lượng môi trường. Ví dụ như, Nhà nước thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của bảo vệ môi trường để thay đổi hành vi của họ đối với môi trường theo hướng có lợi cho môi trường. Nhà nước bằng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, với việc nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiêm môi trường cũng như các chế tài xử lý và với bộ máy thanh, kiểm tra của mình để buộc mọi cá nhân và tổ chức phải chấp hành pháp luật, có những hành động tôn trọng và bảo vệ môi trường. Nhà nước đưa ra các chính sách kinh tế, tác động tới chi phí và lợi ích trong hoạt động của các cá nhân và tổ chức kinh tế từ đó ảnh hưởng đến hành vi của các tác nhân kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường. Thông qua việc thực hiện các biện pháp này, Nhà nước đã thúc đẩy các hành vi bảo vệ môi trường của mọi người, từ đó đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của tất cả mọi người.
2. Thực trạng vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam
Có thể nói, trong điều kiện nước ta thuộc nhóm nước có thu nhập bình quân đầu người thấp trên thế giới nên chúng ta đã tập trung cho tăng trưởng kinh tế, ưu tiên cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy thời gian qua, quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân chưa được đảm bảo tốt. Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế là sự hủy hoại, ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng ở nước ta. Cụ thể như sau:
Về ô nhiễm không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia trong bảng xếp hạng. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần và nằm trong nhóm 10 đô thị ô nhiễm nhất thế giới. Ở 2 thành phố này, lượng bụi trong không khí vượt giới hạn cho phép từ 2 - 20 lần, hơi chì từ 6 -10 lần, khí CO2 từ 2 - 5 lần, khí SO2 30 lần. Về ô nhiễm môi trường đất, khoảng 50% trong số 33 triệu ha đất tự nhiên được coi là “có vấn đề suy thoái”. Hiện nay, chúng ta có khoảng 6 - 7 triệu ha đất trống đồi trọc, trong đó có 440.800 ha đã hoàn toàn bị xói mòn, trơ đá, không có khả năng trồng trọt (chiếm 1,35% diện tích đất tự nhiên của cả nước). Về môi trường nước, phần lớn chất lượng nước sông ở nước ta đạt loại B. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết sông, hồ nội thị đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các thông số đo được đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt. Những khu vực chịu tác động lớn nhất là các lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai, sông Thị Vải và các ao, hồ tại các đô thị. Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang tác động tiêu cực đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân cũng như nhiều quyền thiết yếu khác của con người, trong đó có quyền sống, quyền sức khỏe của con người. Số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam mỗi năm đều tăng lên. Hiện nay, cả nước mỗi năm có gần 200.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện. Rất nhiều những ngôi làng ung thư, làng bệnh tật đã xuất hiện bên cạnh các nhà máy, xí nghiệp. Hiện cả nước đã xuất hiện một số làng ung thư ở Phú Thọ, Hà Tây, Hải Phòng, Nghệ An… Ví dụ như xung quanh Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ), xuất hiện làng ung thư xã Thạch Sơn, trong thời gian từ 1991 đến 2005 xã có 106 người bị ung thư. Mới đây nhất trên thời sự phản ánh 96% trẻ em trong thôn Đông Mai (Văn Lâm, Hưng Yên) có hàm lượng chì trong cơ thể vượt quá mức cho phép từ 3 - 7 lần. Nguyên nhân thôn này làm nghề tái chế pin, ắc quy, tái chế thủ công, hóa chất trong pin, ắc quy đổ ra kênh mương, cánh đồng, gây ô nhiễm đất, nước, không khí mà chì có thể vào cơ thể trên cả 3 đường đó. Ô nhiễm chì làm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ. Đó chỉ là những ví dụ điển hình cho thực tế quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân Việt Nam đang bị xâm hại.
Chúng ta không phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân thời gian qua. Bởi lẽ, phát triển kinh tế cao và liên tục mà không gây ô nhiễm môi trường là một việc không dễ. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, trong giai đoạn đang phát triển như Việt Nam khi GDP tăng lên gấp đôi, ô nhiễm môi trường có thể tăng lên từ 3 - 5 lần. Đối chiếu với những nhận định trên đây, giai đoạn đổi mới, mở cửa của nước ta với GDP năm 2011 tăng gần 4,5 lần so với năm 1990 thì ô nhiễm môi trường có thể tăng lên từ 15 đến 23 lần. Tuy nhiên, trên thực tế, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam có tăng nhưng ở mức thấp hơn. Điều đó đã cho thấy những nỗ lực của Nhà nước. Song thực tế, quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam vẫn chưa được đảm bảo tốt điều đó xuất phát từ việc Nhà nước chưa thực sự phát huy tốt vai trò của mình, còn có những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về môi trường trong thời gian qua. Hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, còn chồng chéo, thiếu thống nhất từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường. Chúng ta chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường. Các loại thuế, phí về môi trường mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường ở nước ta hiện nay còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ở cấp xã, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường gần như bị bỏ trống. Công tác bảo vệ môi trường ở các làng xã thường được giao cho một cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là đôn đốc, theo dõi công tác vệ sinh ở thôn xóm, khu dân cư. Ở nhiều khu công nghiệp, làng nghề, không có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về môi trường. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về môi trường thiếu về số lượng, kém về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, không đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng và thẩm quyền được giao. Công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm túc. Tỷ lệ các dự án đầu tư được kiểm tra, xác nhận tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cho phép vận hành còn thấp. Nhiều dự án đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở tỷ lệ rất cao, qua thanh tra, có 70% khu công nghiệp vi phạm các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, 60% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải[1]. Việc thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa nghiêm. Không chỉ tiến độ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chậm và còn mang tính hình thức, dễ dãi, cho qua làm cho các chủ dự án coi báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là một thủ tục hành chính để có quyết định đầu tư. Vì vậy, có nhiều dự án được phê duyệt nhưng vẫn bị rút giấy phép, kiến nghị không hoạt động. Điển hình là tại Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đến nhiều dự án bị rút phép. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về môi trường còn nhiều hạn chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra còn kém. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền thanh tra, kiểm tra của các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được kiểm tra chưa nhiều. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số địa phương còn chưa quyết liệt, hoặc xử lý "nhẹ tay" đối với doanh nghiệp vi phạm. Có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường đã được công luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, nhưng mãi vẫn không bị xử lý. Tình trạng này càng làm cho các doanh nghiệp "nhờn pháp luật". Chế tài xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường còn chưa đủ mạnh. Mặc dù, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng đã được người dân, công luận lên tiếng phản ánh, trong đó có việc nhập khẩu trái phép chất thải của một số doanh nghiệp, việc xả chất ô nhiễm với khối lượng lớn ra sông, nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã quý hiếm, nạn khai thác tài nguyên bằng các phương tiện, công cụ có tính chất huỷ diệt... nhưng cho đến nay, hầu như chưa có vụ nào bị xử lý hình sự. Nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường còn ít. Hiện nay, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường chỉ chiếm 1%, chưa đủ so với nhu cầu. Việc sử dụng nguồn kinh phí này rất dàn trải, kém hiệu quả thậm chí sai mục đích. Việc phân bổ, thực hiện nguồn chi này ở nhiều địa phương chưa có sự tham gia của cơ quan chuyên môn là Sở Tài nguyên và Môi trường và chưa có sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác tuyên truyền, phổ biến về môi trường còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân. Ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của nhân dân. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đa số các doanh nghiệp không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Chính những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về môi trường như trên mà quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
3. Giải pháp phát huy vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành
Để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của con người ở Việt Nam, trong thời gian tới, Nhà nước cần làm tốt hơn nữa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường của mình với những định hướng cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho tác động của con người đến tự nhiên nhằm ngăn chặn và trừng phạt những kẻ có hành vi phá hoại môi trường đồng thời hướng dẫn, khuyến khích những hành động mang lại lợi ích cho tự nhiên.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường. Tăng cường phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), phát huy vai trò giám sát của nhân dân, cộng đồng có như thế mới phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật. Hình thành các kênh thông tin giữa người dân và các nhà chức trách địa phương để kịp thời thông báo về các trường hợp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Thứ ba, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường. Tăng mức phạt để đủ sức răn đe, tăng mức phạt sao cho mức phạt phải lớn hơn số tiền mà doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bỏ ra để thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Với các hành vi không chịu nộp phí, lệ phí phải tăng mức phạt lên cao hơn mức phí thì mới đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm, chống thất thu thuế. Bổ sung và làm rõ thêm một số hành vi vi phạm về môi trường. Đối với vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong bảo vệ môi trường, cần quy định rõ ràng hành vi nào gây nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm môi trường và hành vi nào không bị coi là tội phạm.
Thứ tư, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về môi trường. Nhà nước cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường các cấp. Tiếp tục thành lập các chi cục bảo vệ môi trường cho các địa phương (tỉnh) chưa có, hình thành phòng tài nguyên và môi trường cho các huyện chưa có và thiết lập bộ phận chuyên trách quản lý môi trường cấp xã, thậm chí cả cán bộ chuyên trách quản lý môi trường ở thôn. Cần thành lập bộ phận thanh tra về môi trường cho cấp huyện và xã. Nhà nước cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về môi trường các cấp vững mạnh. Tăng cường số lượng cán bộ quản lý nhà nước về môi trường, trước mắt cần tăng cường lực lượng cho các địa bàn đang trống và những địa bàn kinh tế phát triển sôi động. Hiện nay, cả nước có hơn 11.000 xã, phường, thị trấn, do vậy nếu cần một cán bộ chuyên trách quản lý môi trường ở cấp này, thì cần hơn 11.000 cán bộ. Đặc biệt, Nhà nước cần chú ý nâng cao chất lượng cán bộ quản lý nhà nước về môi trường bằng nhiều hình thức tập huấn ngắn hạn hoặc đào tạo dài hạn.
Thứ năm, tăng cường sử dụng công cụ kinh tế trong việc bảo vệ môi trường. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ môi trường thông qua các biện pháp kinh tế như thuế, phí chất thải, phí phạt do gây ô nhiễm môi trường. Mức phí phải cao hơn chi phí vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm và phải tính theo lũy tiến còn nếu thấp hơn chi phí vận hành thì cơ sở sẵn sàng nộp phí chứ không vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm và phải đảm bảo nguyên tắc càng xả thải nhiều, nồng độ càng cao thì chi phí càng cao để khuyến khích các cơ sở giảm thiểu chất thải ra môi trường.
Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyên và giáo dục về môi trường. Tuyên truyền về môi trường là phổ biến kiến thức về môi trường, nâng cao nhận thức và hình thành hành vi tích cực bảo vệ môi trường. Cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền như tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, các phương tiện truyền thông, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tổ chức tuyên truyền, tuyên dương khen thưởng những doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, dán nhãn sản phẩm thân thiện với môi trường , tổ chức công khai thông tin về ô nhiễm và tình hình tuân thủ pháp luật về môi trường của doanh nghiệp với người dân, người tiêu dùng gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ về môi trường. Tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường. Tăng dần mức chi sự nghiệp môi trường từ 1% lên 2% tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2015 - 2020. Cần xây dựng cơ sở thực tiễn cho việc phân bổ nguồn vốn này một cách hợp lý, tránh dàn trải, kém hiệu quả. Cần có cơ chế giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí này cho đúng mục đích. Kinh phí của Nhà nước tập trung vào thực hiện các dự án về cải tạo, bảo vệ môi trường như xây dựng vườn quốc gia, trồng cây xanh, xây dựng các công trình làm sạch môi trường, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất để hạn chế tối đa các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Nhà nước tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu về xử lý chất thải, về chế tạo các công cụ, thiết bị bảo vệ môi trường, sản xuất và sử dụng nguyên liệu sinh học, năng lượng tái sinh… qua đó góp phần bảo vệ môi trường.
Quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền thiết yếu để thực hiện nhiều quyền con người khác. Vì vậy, việc hiện thực hóa quyền được sống trong môi trường trong lành đã được Hiến pháp năm 2013 thừa nhận là yêu cầu cấp bách hiện nay, góp phần quan trọng trong việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Nhà nước cần ý thức rõ trách nhiệm của mình và có quyết tâm, nỗ lực cao để quyền con người này không chỉ được thừa nhận tại văn bản pháp luật cao nhất ở Việt Nam mà còn được đảm bảo tốt trên thực tế.
ThS. Trịnh Xuân Thắng
Học viện Chính trị khu vực IV
PGS.TS. Nguyễn Thị Thơm, PGS.TS. An Như Hải: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr. 149.