Trong quá trình hành nghề luật sư, từ lâu người ta đã tìm kiếm những cách thức ứng xử đạo đức cho luật sư. Các luật sư ở Hy Lạp ngay từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và trong thế kỷ thứ nhất Kỷ nguyên La Mã đã bắt đầu đóng một vai trò tích cực trong việc hình thành các tòa án có hệ thống và ứng xử phối hợp.
Những kết quả trong đạo đức nghề nghiệp do các luật sư ở La Mã tạo ra biến mất cùng với sự sụp đổ của Đế chế La Mã Thần thánh và sự mở đầu của thời kỳ Trung cổ ở châu Âu. Ứng xử nghề nghiệp quay trở lại trong thế kỷ thứ 12 ở các trường đại học châu Âu sau khi nhà chinh phục William đã xây dựng các Tòa án một cách có tổ chức ở Anh và cơ chế bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, giai cấp thống trị vẫn thống trị các tòa án trung cổ và đạo đức nghề nghiệp vẫn chỉ tồn tại trên lý thuyết nhiều hơn là thực tế trong suốt cả thời kỳ Trung cổ.
Sự xuất hiện của các tiêu chí đạo đức hành nghề luật sư ở châu Mỹ thuộc địa lúc đầu chỉ là dần dần và có tính cục bộ. Hầu hết các thuộc địa không khuyến kích và thậm chí còn cấm việc hành nghề luật sư để hưởng thù lao. Tự mình đại diện là tiêu chí và điều này ngăn ngừa sự cần thiết cho bộ quy tắc ứng xử hành nghề.
Hiến pháp Mỹ là một trong những nguồn quan trọng cho sự hình thành các bộ quy tắc đạo đức cho luật sư và thẩm phán. Điều 3 của Hiến pháp Mỹ bao hàm các quy định nội dung liên quan đến pháp luật, Tòa án và thiết lập cơ quan tư pháp với tư cách là một quyền lực độc lập được giao để chế ước các cơ quan hành pháp và lập pháp. Ngoài ra, những sự sửa đổi sau đó cũng hướng tới quá trình pháp lý riêng. Ví dụ, sửa đổi lần thứ 6 đưa ra các quy định chung trong các vụ việc hình sự như đòi hỏi phải có đại diện cho bị cáo khi bị truy tố.
Các hiệp hội nghề nghiệp và quy tắc đạo đức cho luật sư và thẩm phán bắt đầu xuất hiện tại Mỹ vào đầu những năm 1800. Các bang thành lập các hiệp hội luật sư để tổ chức và tạo điều kiện cho việc hành nghề luật sư. Các hiệp hội luật sư bang gây ảnh hưởng tới hệ thống pháp luật Mỹ theo nhiều cách thức và áp dụng sự giám sát của những người có quyền lực thông qua việc quy định bộ quy tắc ứng xử của luật sư và thẩm phán. Khi Cuộc nội chiến tại Mỹ kết thúc vào năm 1865, luật sư đổ xô vào các bang miền Nam để tham gia vào quá trình xây dựng lại. Những hành vi đạo đức đáng nghi ngờ và sự hiếu chiến của những luật sư này đã khiến cho các nhà lập pháp ở đây phải kêu gọi lập quy định cho luật sư. Năm 1887, Đoàn luật sư Alabama thông qua Bộ quy tắc ứng xử rõ ràng đầu tiên. Các bang khác cũng bắt đầu noi theo.
Tiếp theo đó Liên đoàn luật sư Mỹ được thành lập tại New York vào năm 1878, có 289 luật sư. Trong nhiều năm tổ chức này đã xem xét và bàn luận nhiều bộ quy tắc đạo đức và vào năm 1908, đã thông qua và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Cannon (bang). 32 bang sau đó thông qua các bộ quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, những nhà hành nghề pháp luật phê phán các bộ quy tắc này cho rằng nó còn rời rạc và chưa hoàn chỉnh. Mãi đến năm 1969 thì Liên đoàn luật sư Mỹ mới thay thế nó bằng Bộ quy tắc mẫu về trách nhiệm hành nghề. Việc phê phán, bàn thảo tiếp tục cho đến tận ngày hôm nay cho việc ngày càng hoàn thiện theo đòi hỏi của cuộc sống và những tiêu chuẩn đặt ra trong thế giới văn minh.
Lấy ví dụ về lịch sử quá trình hình thành một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và ứng xử của luật sư là một quá trình dài lâu theo xu hướng phát triển của lịch sử con người. Con người khác với loài sinh vật chính là ở văn hóa vì nó đã được hình thành, kiểm nghiệm và phát triển từ trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sinh tồn, đấu tranh giữa những con người với nhau để phát triển, đã hun đúc cho con người biết bao giá trị hữu hình và vô hình bao gồm trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường - cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử của con người nhằm xây dựng một môi trường văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao. Văn hóa chính là con người và xã hội và nó xuất hiện từ đó. Cho nên, văn hóa ứng xử chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh, nhiều giai cấp xã hội khác nhau trong lịch sử phát triển của nhân loại. Đó là các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của từng thời kỳ.
Khi đề cập đến khái niệm văn hoá, người ta nghĩ ngay đến một khái niệm bao gồm những quan niệm, thói quen và lối ứng xử xã hội nhất định. Văn hóa ứng xử còn được dùng để chỉ thái độ, hành vi của con người trong giao tiếp với những người xung quanh. Văn hóa ứng xử còn bao gồm cả cách ứng xử với thiên nhiên, với môi trường nhân văn xung quanh đời sống con người.
Trong xã hội, con người luôn hướng tới những gì hoàn thiện, tốt đẹp và không ngừng phát triển. Đó không chỉ là mục đích của văn hóa ứng xử mà ở bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội nó cũng được đề cao. Văn hóa ứng xử cũng được phân biệt thành văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử ở từng lĩnh vực nói riêng. Nó đã trở thành quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp.
Trong thế giới ngày nay, xây dựng và áp dụng các chuẩn mực xử sự đối với đội ngũ chuyên nghiệp ở tất cả các lĩnh vực xã hội là một biện pháp quan trọng đã được cộng đồng quốc tế sử dụng rộng rãi nhằm đảm tính công bằng, liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong thực thi quyền lực nhà nước và trách nhiệm của công dân, tổ chức đối với xã hội.
Cũng giống như ở các lĩnh vực khác, trong hoạt động hành nghề của luật sư, đòi hỏi phải có quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
Bản Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Liên đoàn luật sư Việt Nam xác định: "Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội.
Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp này làm khuôn mẫu cho sự tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội."
Xét về khái niệm, "quy tắc đạo đức và văn hoá ứng xử nghề nghiệp" là một khái niệm tương đối thống nhất về nội dung ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, cách hiểu và cách tiếp cận có khác nhau do đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội khác nhau. Khi đề cập đến xu hướng phát triển của quy tắc đạo đức và văn hóa ứng xử của luật sư ở phương Tây, người ta cần lưu ý đến một đặc điểm, đó là nó tính tranh tụng trong hoạt động tư pháp là một yếu tố bao trùm. Hơn thế nữa, văn hóa phương Tây đề cao cá nhân và công lý. Sự ra đời và phát triển rất sớm của những yếu tố đạo đức nghề nghiệp đã tích lũy một kho tàng văn hóa cho thái độ ứng xử luật sư.
Sự hình thành và tồn tại của một hình thái xã hội tự do và dân chủ kiểu tư bản chủ nghĩa dựa trên sự thừa nhận học thuyết công lý lấy nhà nước pháp quyền làm cơ sở dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và năng lực của từng cá nhân. Luật pháp làm căn cứ cho công lý tồn tại, chỉ khi thông qua pháp luật đó, phẩm giá của cá nhân mới được tôn trọng và bảo vệ. Nếu không có nó, các quyền cá nhân trở nên lệ thuộc vào quyền lực vô hạn, sự tôn trọng pháp luật bị phá vỡ và chính quyền tự quản của nhân dân là không thể thực hiện được.
Luật sư, là những người gác chắn cho pháp luật, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự xã hội. Việc hoàn thành vai trò này đòi hỏi phải có sự hiểu biết của luật sư về vai trò và chức năng của họ trong hệ thống pháp luật. Trong đó, trách nhiệm của luật sư tối quan trọng của luật sư là duy trì những tiêu chí cao nhất về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
Khi thực thi trách nhiệm nghề nghiệp, luật sư cần phải chấp nhận nhiều vai trò khác nhau đòi hỏi phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn. Không phải trong bất kỳ tình huống nào gặp phải đều mà luật sư đã dự liệu được trước, nhưng những quy tắc đạo đức nền tảng luôn ở đó để dẫn dắt luật sư. Trong phạm vi khuôn khổ các quy tắc này, luật sư cần phải có khả năng mạnh dạn và tiên liệu và sẵn sàng định hướng các quy định pháp luật vào mối quan hệ luôn thay đổi của xã hội.
Xin điểm qua những quy tắc ứng xử chuyên nghiệp của họ như sau:
Mỗi một trong số nhiều lĩnh vực trách nhiệm của luật sư bao hàm một phạm trù riêng biệt của mối quan tâm về đạo đức. Những lĩnh vực này có thể được cơ cấu là mối quan hệ luật sư - khách hàng, luật sư với tư cách là người tư vấn, là người bào chữa, đại diện, giao dịch với những người khác ngoài hàng, các công ty luật và hiệp hội, dịch vụ công, thông tin về dịch vụ pháp lý, và sự hòa nhập mang tính nghề nghiệp. Luật sư phải tuân thủ một số tiêu chí đạo đức nhất định khi làm việc với khách hàng. Luật sư phải có kỹ năng đáng kể để đại diện khách hàng về một vấn đề pháp luật.
Luật sư phải thực thi nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, cần cù và không được chậm trễ và phải giao tiếp cởi mở với khách hàng. Luật sư cũng phải tuân theo quyết định của khách hàng về phạm vi đại diện và cũng chỉ có thể lấy thù lao chính đáng.
Một trong những yếu tố thường bị chỉ trích trong trách nhiệm nghề nghiệp đó là giữ bí mật mọi thông tin liên quan đến việc đại diện khách hàng. Tuy nhiên, có những quy tắc giữ bí mật đòi hỏi luật sư phải tố cáo khi có bất kỳ hành vi tội phạm công ty hoặc lừa đảo mà mình biết được trong quá trình quan hệ luật sư - khách hàng. Ngoài ra, luật sư cũng cần tránh việc đại diện cho người khác mà có lợi ích trái với lợi ích của khách hàng.
Vấn đề giữ bí mật và cấm mâu thuẫn quyền lợi khách hàng mô tả sự phức tạp của các quy tắc luật sư - khách hàng. Luật sư không chỉ không được đại diện các quyền lợi mâu thuẫn với quyền lợi của khách hàng, mà còn không được đại diện cho quyền lợi mâu thuẫn với lợi ích của các khách hàng khác trong cùng công ty luật. Ví dụ, một luật sư không được đại diện cho một bị đơn nếu một luật sư khác trong cùng công ty luật đang đại diện cho nguyên đơn trong cùng một vụ kiện. Một công ty luật có thể đại diện cho lợi ích mâu thuẫn với lợi ích của khách hàng trước đây nếu luật sư đại diện cho khách hàng trước đây không còn làm việc trong công ty nữa. Tuy nhiên, một công ty luật không được đại diện cho lợi ích mâu thuẫn với lợi ích của khách hàng trước đây nếu có luật sư hiện đang còn làm trong công ty lại có được những thông tin bí mật về vấn đề pháp luật liên quan đến khách hàng này. Nếu những thông tin đó đã được biết thì công ty có thể đại diện cho quyền lợi mâu thuẫn này.
Luật sư tư vấn: Luật sư tư vấn có thể đưa ra những tư vấn không thiên vị về những yếu tố đạo đức, kinh tế, xã hội và chính trị liên quan đến tình trạng của khách hàng. Luật sư có thể làm trung gian cho nhiều khách hàng nhưng chỉ khi mỗi khách hàng đồng ý và việc trung gian được tiến hành một cách không thiên vị mà không làm ảnh hưởng đến trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư đối với bất kỳ khách hàng nào.
Luật sư bào chữa: đòi hỏi phải là người bào chữa cho khách hàng. Đây là một trách nhiệm quan trọng trong hệ thống thông luật vì nó cho phép các bên tranh tụng nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ, đưa ra lập luận pháp lý và trình chứng cứ và lập luận tại tòa để cho thẩm phán và bồi thẩm đoàn xem xét và quyết định. Tuy nhiên, luật sư không được phép đi quá giới hạn đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp nhằm để đạt được thành công về pháp lý. Luật sư không được đưa ra những đề nghị hoặc bào chữa phù phiếm, cố ý đại diện sai trái tại tòa hoặc tiếp cận chứng cứ một cách sai trái. Luật sư phải làm sáng tỏ mọi tình tiết nội dung và pháp lý cần thiết để tránh gây nhầm lẫn cho Tòa.
Luật sư tìm cách để bảo vệ tính toàn vẹn của quá trình tố tụng tư pháp. Vì lẽ đó, luật sư không thể tìm mọi cách để gây ảnh hưởng đến thẩm phán, hoặc hội thẩm thông qua giao tiếp không đúng mực hoặc đưa ra những tuyên bố công khai về vụ việc nếu luật sư biết rằng những tuyên bố đó sẽ gây thiên vị cho quá trình tố tụng. Nếu luật sư biết rằng mình sẽ là một nhân chứng cần thiết tại tòa, thì không được làm người bào chữa tại phiên tòa.
Giao tiếp với những người khác với khách hàng: Luật sư phải hành động một cách có đạo đức khi giao tiếp với những người khác ngoài khách hàng của mình trong quá trình đại diện cho khách hàng. Điều này có nghĩa là luật sư phải giao tiếp một cách trung thực và công bằng. Vì thế, luật sư không được chủ ý đưa ra các tuyên bố sai trái hoặc tiếp tay cho tội phạm hoặc lừa đảo bằng cách không tố cáo những tình tiết nội dung cho bên thứ 3. Luật sư bị cấm giao dịch với khách hàng của bên kia. Khi giao dịch với bên thứ 3, luật sư phải cố gắng để giải thích vai trò của mình nhằm tránh sự hiểu lầm và không được lấy chứng cứ từ bên thứ 3 một cách bất hợp pháp. Luật sư vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp của mình nếu sử dụng những phương kế pháp lý chỉ nhằm mục đích gây lúng túng, trì hoãn hoặc tạo thêm gánh nặng.
Trong mối quan hệ với công ty luật và hiệp hội nghề nghiệp: Cùng với việc ngày càng có ít nhà hành nghề độc lập và việc các công ty luật tăng thì luật sư của các công ty luật cần có những cân nhắc đạo đức hơn. Bởi vì những luật sư cao cấp, những người phụ trách hoặc cổ đông trong công ty chịu trách nhiệm về sự lạm dụng của những luật sư dưới quyền hoặc những người giúp việc, cho nên những luật sư cao cấp phải cố gắng bảo đảm sự tuân thủ với tất cả các quy tắc ứng xử nghề nghiệp của công ty.
Một số hoạt đồng nghề nghiệp có liên quan đến nội bộ của công ty bị cấm. Ví dụ, luật sư không được chia thù lao pháp lý cho những người không phải là luật sư, trừ các vấn đề quỹ và trả lương cho nhân viên. Việc đánh giá chuyên nghiệp của luật sư không được chỉ dẫn hoặc quy định bởi một người thuê luật sư để làm dịch vụ pháp luật cho bên thứ 3. Ngoài ra, luật sư không được đưa ra đề nghị hoặc ký kết thỏa thuận với khách hàng hạn chế quyền hành nghề của mình thông qua chấm dứt thỏa thuận hoặc cơ sở giải quyết giữa các bên tư nhân về một thỏa thuận hạn chế quyền hành nghề của luật sư khác.
Dịch vụ công: Luật sư hành nghề được chờ đợi đóng góp cho cộng đồng thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp luật cho những người không có khả năng chi trả lệ phí thông thường. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp không đòi hỏi luật sư phải làm dịch vụ pháp luật miễn phí nhưng có quy định một thời gian nhất định trong năm. Luật sư không cung cấp dịch vụ như vậy thì không bị kỷ luật. Tuy nhiên, một số Tòa án có thể yêu cầu luật sư chấp nhận làm dịch vụ miễn phí trong một số trường hợp nhất định.
Thông tin về dịch vụ pháp lý: Trong nhiều năm, nếu luật sư quảng cáo dịch vụ của mình thì bị coi là thiếu đạo đức. Nhưng rồi người ta cho phép nhưng có quy định rất chặt chẽ. Luật sư khôngđược đưa ra những so sánh thiếu căn cứ hoặc không chính đáng đối với các luật sư khác.
Đảm bảo sự thống nhất của việc hành nghề: Luật sư có nghĩa vụ duy trì sự toàn vẹn của việc hành nghề pháp luật thông qua hành vi ứng xử cá nhân của mình và thông qua giám sát các luật sư khác. Hơn thế nữa, luật sư phải góp phần duy trì sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì thế cho nên, sẽ coi là ứng xử không chuyên nghiệp nếu đưa ra những tuyên bố sai trái hoặc thiếu thận trọng liên quan đến chất lượng hoặc sự thống nhất của thẩm phán, viên chức Tòa án hoặc văn phòng luật. Luật sư phải có nghĩa vụ báo cho nhà chức trách có thẩm quyền việc mình biết về hành vi ứng xử mà theo đó có nghi ngờ về sự trung thực, đứng đắn hoặc sự phù hợp của một luật sư khác.
Ứng xử thiếu chuyên nghiệp hàm chứa một sự vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc chủ ý hỗ trợ hoặc tiếp tay cho sự vi phạm quy tắc.
Nghiên cứu những quy tắc trên, so sánh, đối chiếu, chúng ta thấy nó đã được thể hiện đâu đó trong 27 quy tắc của bản Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Có nhiều điều giống nhưng cũng có những sự khác biệt rất cơ bản.
Do đặc điểm về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, chúng ta hình thành, xây dựng và phát triển các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư muộn hơn và dựa trên những yếu tố văn hóa truyền thống.
Những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư mang tính đặc thù. Chắc chắn những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam cũng thấm nhuần truyền thống văn hóa ứng xử của cha ông ta nhưng có liên hệ với bối cảnh tình hình xu thế mới hiện nay.
Ở nước ta, dưới các triều đại phong kiến, văn hóa ứng xử chịu ảnh hưởng của Nho giáo, một học thuyết luân lý nhập thế rất sâu, tạo nên những áp lực tinh thần, tâm lý, niềm tin của con người trong hàng nghìn năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên sử dụng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác, khi tiếp nhận những giá trị của triết thuyết phương Đông, thừa nhận những hạt nhân hợp lý, gạt bỏ những rào cản phi lý của Nho giáo. Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), được Bác Hồ vận dụng thành năm đức tính của người cách mạng: trí, tín, dũng, nhân, liêm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử được hình thành và phát triển trong xã hội ngày nay.
Nói một cách khác, ở nước ta, giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, quan hệ tình nghĩa trong gia đình, quan hệ hợp tác trong kinh doanh là cơ sở để tạo ra môi trường xã hội. Trong cuộc sống hàng ngày người Việt Nam do thiên về tình hơn về lý nên khi giao tiếp con người luôn đề cao vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ để đảm bảo cho sự đoàn kết nhất trí, cho cuộc sống vui vẻ hài hoà.
Thế ứng xử trước hết là sự thể hiện triết lý sống của một cộng đồng người và đã mặc nhiên trở thành một quan niệm sống, quan niệm lý giải cuộc sống và mặc nhiên cũng trở thành lối sống, nếp sống lối hành động của cả một cộng đồng người. Quan niệm văn hóa ứng xử này thể hiện một cách rõ nét trong việc giải quyết các tranh chấp. Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, chúng ta có truyền thống giải quyết tranh chấp bằng hoà giải. Hoà giải đã trở thành văn hoá hay chúng ta có thể gọi là văn hoá hoà giải. Còn về văn hoá trọng tài thì rõ ràng là chưa được hình thành rõ rệt. Bằng chứng đó là qua thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh tế từ trước tới nay, trọng tài thương mại thường ít được sử dụng. Mặc dù chúng ta đã có tiếp cận ít nhiều với các vụ việc trọng tài quốc tế, song cách ứng xử của đại đa số các bên có liên quan trong các vụ tranh chấp vẫn coi trọng vào việc thương lượng trực tiếp hoặc hoà giải. Nếu không thành thì chấp nhận đưa tranh chấp ra giải quyết tại Toà án. Khi hòa giải, người ta đặt lợi ích chung, lợi ích cộng đồng lên trên ích cá nhân, chưa phải vấn đề thắng thua giữa các bên. Điều đó thể hiện sự khác biệt với văn hoá ở các nước phương Tây, nơi người ta đề cao cá nhân và công lý. Các luật sư ở phương Tây khi tham gia vào việc giải quyết tranh chấp, họ thường chú trọng đến việc thắng - thua.
Tuy nhiên, các quan điểm truyền thống đang có sự thay đổi. Trong bối cảnh của thế giới hội nhập hiện nay, những giá trị Đông, Tây đang ngày càng có sự xích lại gần nhau. Sự xích lại gần nhau đó có nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do quan trọng nhất là do quá trình toàn cầu hóa mang lại. Toàn cầu hoá hiện nay đã trở thành một quá trình tất yếu có tác động trên phạm vi toàn thế giới, là sự phát triển mà ở đó diễn ra những quá trình trao đổi mang tính quốc tế trên cơ sở nguyên tắc toàn cầu và không chỉ còn giới hạn trong biên giới một quốc gia hoặc giữa các quốc gia riêng rẽ. Tất cả các quốc gia dù không bị bắt buộc phải mở cửa trong tiến trình toàn cầu hóa, nhưng cũng phải điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để được hưởng những lợi thế mà toàn cầu hoá mang lại. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Muốn vậy, chúng ta cũng cần có những điều chỉnh nhất định trong hành vi văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp để sao cho phù hợp với quá trình hội nhập.
Nghề luật sư là một nghề cao quý và đòi hỏi phải có quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nhằm để: "... giữ gìn phẩm giá và uy tín là bổn phận bắt buộc trong việc hoàn thành chức năng nghề nghiệp luật sư." theo như Quy tắc 1 trong Quyết định số 356/2002/QĐ-BTP ngày 5 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Hơn thế nữa, như đã đề cập ở trên, vai trò của luật sư không chỉ đóng khung trong mối quan hệ luật sư - khách hàng, đồng nghiệp mà nó còn có trách nhiệm to lớn với hệ thống pháp luật và xã hội nói chung. Chính vì vậy, trên thực tế, có nhiều vi phạm ở các lĩnh vực khác ít bị lên án, phê phán gay gắt và nghiêm khắc bằng việc lên án, phê phán việc vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, dù chỉ xảy ra rất ít. Vi phạm các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp có thể bị xử lý kỷ luật theo tổ chức. Ở Đức, thậm chí còn có Tòa án luật sư, được thành lập để xử lý vi phạm loại này.
Nâng cao văn hóa ứng xử, hạn chế và khắc phục tình trạng vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp hiện nay ở nước ta đòi hỏi phải có một sự chuyển biến đồng bộ trong cả hệ thống bộ máy.
Hiện nay ở nước ta, nhiều ngành nghề chưa chú trọng nhiều đến đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Riêng trong lĩnh vực hành nghề luật sư, đã có những bước tiến đáng kể.
Việc người ta tìm cách đưa ra các quy tắc đạo đức và ứng xử trong việc hành nghề có thể giúp chúng ta hoàn thiện những kỹ năng và năng lực giúp cho luật sư làm tốt vai trò của mình.
Nhân đây, xin giới thiệu 6 bước để khẳng định năng lực ứng xử văn hóa nghề nghiệp của luật sư của TS. Milton Bennett, một chuyên gia trên lĩnh vực này khi ông đưa ra mô hình phát triển giao tiếp liên văn hóa, nhằm mục đích tham khảo:
Bước 1. Từ chối
Đó là khi mà một người coi văn hóa của riêng mình mới thực sự là văn hóa. Các văn hóa khác bị chối từ để duy trì sự biệt lập về tâm và/hoặc sinh lý do sự khác biệt. Những ai có thái độ như vậy thường ít quan tâm đến sự khác biệt về văn hóa, mặc dù họ có thể phản ứng một cách hiếu chiến để xóa bỏ sự khác biệt nếu nó va chạm với họ.
Lúc đầu, có thể luật sư còn chưa ý thức được những sự khác biệt về văn hóa. Lúc này thì thái độ ứng xử đó thường là "hành nghề thì chỉ đơn thuần là hành nghề và ở đâu trên thế giới cũng đều là vậy" hoặc "ai cũng sẽ ứng xử vậy thôi". Luật sư ở giai đoạn này thường có thể chưa nhận ra các khía cạnh văn hóa của mối quan hệ làm ăn với khách hàng và đồng nghiệp và có thể còn thiếu ý thức về sự khác biệt.
Tuy nhiên, ý thức là một nhân tố then chốt trong giao tiếp đa văn hóa. Ứng xử với môi trường đa văn hóa muốn có hiệu quả đòi hỏi mỗi một cá nhân phải có ý thức và sự tôn trọng sự khác biệt. Một luật sư mà có thái độ chối từ có thể hoàn toàn không nhạy cảm đối với những điều kiêng kỵ về văn hóa, những mong muốn, tiêu chí gia đình, sự giao tiếp và những cách thức xung đột của khách hàng.
Trong giai đoạn phủ nhận, luật sư sẽ khó có thể thiết lập sự tin cậy và quan hệ tốt với khách hàng từ các nền văn hóa khác. Việc không hiểu biết tầm quan trọng của sự khác biệt về văn hóa có thể khiến cho luật sư khó thực hiện chiến lược vụ việc một cách có hiệu quả do không nắm bắt hết được thái độ ứng xử của khách hàng.
Do đó, đối với luật sư ở giai đoạn này, những xung đột không cần thiết và sự hiểu lầm, cùng với sự thiếu hiểu biết nói chung về tầm quan trọng của giao tiếp văn hóa là phổ biến.
Bước 2. Bảo vệ
Đó là khi mà một người coi văn hóa của riêng mình là tốt nhất. Thế giới được cơ cấu thành "chúng ta và họ", khi mà "chúng ta" là trên hết và "họ" chỉ là thứ yếu. Những người có quan điểm này không thích sự khác biệt về văn hóa, do vậy họ có xu hướng chỉ trích cao độ văn hóa khác, bất kể những người khác là chủ nhà của họ, là khách hay những người mới đến gia nhập vào cộng đồng của họ.
Ở bước này, luật sư sẽ 1) thừa nhận một số sự khác biệt văn hóa và 2) xem những sự khác biệt đó một cách tiêu cực.
Thay vì nỗ lực để nắm bắt hoặc tìm hiểu những khuôn mẫu ứng xử hoặc giao tiếp có thể khác với văn hóa của mình, luật sư có thể sẽ hiểu sai và cho cách ứng xử đó là "sai" hoặc "không văn hóa" "không trung thực", v.v. Ở giai đoạn này sự khác biệt càng lớn thì nhận thức càng tiêu cực.
Một luật sư ở giai đoạn từ chối này có thể sẽ phải nỗ lực để giao tiếp và làm việc có hiệu quả với khách hàng mà họ cho là có khác biệt. Nhận thức này có thể khiến cho luật sư đánh giá không đúng hoặc rập khuôn một khách hàng. Những thái độ và nhận thức tiêu cực về con người ở nền văn hóa khác có thể làm giảm bớt sự hiểu biết và giao tiếp liên văn hóa, đặc biệt là làm giảm khả năng của luật sư để thiết lập một mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng với khách hàng.
Bước 3. Giảm thiểu sự khác biệt
Đó là tình trạng mà một người coi văn hóa của riêng mình là một trong những văn hóa phổ biến trên thế giới. Bởi vì những yếu tố này làm lu mờ những sự khác biệt sâu sắc về văn hóa, nên các văn hóa khác có thể bị tầm thường hóa hoặc lãng mạn hóa đi. Những người có quan điểm như vậy thường chờ đợi những sự đồng điệu và họ có thể không muốn điều chỉnh hành vi văn hóa khác để phù hợp với mong muốn.
Điều thông thường đối với luật sư ở giai đoạn này là tránh sự rập khuôn và ngay cả đánh giá khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xem các đánh giá của họ là phổ biến và trên hết, hơn là xem xét nó đơn giản là một phần của thiểu số và văn hóa của họ. Vì thế, điều thông thường đối với luật sư trong việc giảm thiểu là phải tin bất kỳ ai khác chia sẽ ý tưởng, mục đích và giá trị về gia đình, công việc, nghề nghiệp, hóm hỉnh, giao tiếp, v.v. Khi tiếp xúc với khách hàng, luật sư có thể sẽ hiểu sai thái độ, ý kiến và phản ứng của khách hàng bởi vì luật sư sẽ không nhận thức được rằng khách hàng chia sẽ các giá trị văn hóa của mình.
Ví dụ, thông thường, khi đánh giá sự tin tưởng, luật sư có thể đọc được ở ánh mắt của khách hàng hoặc nhân chứng dấu hiệu của sự không trung thực. Tuy nhiên, ở nhiều nền văn hóa người ta coi việc tránh nhìn vào mắt là dấu hiệu của sự tôn trọng ai đó có thẩm quyền. Việc không đọc được bằng mắt một cách chính xác để đánh giá thái độ sẽ gây ảnh hưởng đến năng lực của luật sư để nhằm đưa ra đánh giá chính xác độ tin cậy của khách hàng hay nhân chứng?
Ở giai đoạn này, luật sư hướng tới việc giảm thiểu sự khác biệt và để làm vậy họ có thể hiểu sai những động thái cư xử và giao tiếp đáng kể dựa trên văn hóa. Cho rằng có sự gần giống mà nó không tồn tại thì đó sẽ là một rào cản đối với giao tiếp liên văn hóa.
Bước 4. Chấp nhận sự khác biệt
Người ta cho rằng văn hóa của mình là một trong số những văn hóa thế giới thừa nhận. Sự thừa nhận không có nghĩa là thỏa thuận - sự khác biệt văn hóa có thể bị đánh giá một cách tiêu cực - nhưng việc đánh giá là không vị chủng tức là cho dân tộc mình trên hết. Những người có quan điểm này thường tò mò và có xu hướng tôn trọng sự khác biệt văn hóa.
Đến giai đoạn này luật sư thừa nhận rằng xác định những sự khác biệt văn hóa đáng kể là rất quan trọng để hiểu và cải thiện sự giao dịch với người từ nền văn hóa khác. Ở đây cần có ý thức về văn hóa của riêng mình và hiểu biết rằng cho dù những người từ nền văn hóa khác giao tiếp khác đi, có những suy nghĩ hoặc thói quen khác và nó không hề quan trọng hoặc không quan trọng. Luật sư cần bắt đầu lý giải văn hóa thông qua lăng kính không phân biệt về văn hóa.
Những luật sư nào có khả năng chấp nhận những khác biệt về văn hóa sẽ có khả năng để hiểu rằng thái độ thường được coi là bình thường ở nền văn hóa của mình có thể có ý nghĩa khác ở các nền văn hóa khác.
Linh hoạt, khả năng thích nghi và cởi mở là con đường dẫn đến thành công trong hoạt động giao tiếp và ứng xử văn hóa của luật sư. Thấu hiểu, chấp nhận và xử lý những khác biệt về văn hóa dẫn đến dỡ bỏ những rào chắn văn hóa và làm giảm những "va chạm văn hóa". Những kỹ năng này kéo theo những đường hướng tốt hơn cho giao tiếp, các quan hệ giữa con người mạnh mẽ hơn, sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cho dịch vụ khách hàng.
Điều quan trọng đối với luật sư là phải có khả năng phân tích và phản ứng với khách hàng một cách đúng đắn là cơ sở cho việc thiết lập quan hệ luật sư - khách hàng có hiệu quả.
Bước 5. Thích nghi với sự khác biệt
Đó là khi văn hóa khác có sự điều chỉnh sự am hiểu và hành vi thích hợp với văn hóa này. Những quan điểm trái ngược nhau được nhìn nhận một cách đa chiều, dưới nhiều con mắt khác nhau và có thể thay đổi thái độ ứng xử để giao tiếp có hiệu quả hơn với văn hóa khác.
Ở bước này, luật sư có khả năng nắm được bối cảnh của văn hóa khác và hoạt động thành công với văn hóa đó.
Luật sư từ đây có thể phát triển những kỷ năng chắc chắn trong giao tiếp liên văn hóa. Ý thức, sự chấp nhận và năng lực tăng lên để thích nghi với văn hóa khác sẽ khiến cho việc giao tiếp thành công. Những yếu tố đó có thể là sự cố gắng một cách độc lập để hiểu sắc thái văn hóa khác mà những sắc thái đó thường dẫn đến sự cởi mở và khả năng kết nối với người khác.
Bước 6. Hòa hợp những sự khác biệt
Ở bước này luật sư có khả năng đánh giá hành vi ứng xử của người khác trong khuôn khổ tham khảo khách hàng, đối tác, đồng nghiệp hoặc nhân viên. Họ có thể thiết lập báo cáo và đọc được những cử chỉ nói và cử chỉ không lời của người có nền văn hóa khác. Kỹ năng này rất bổ ích để học cách là thế nào đọc được suy nghĩ của người khác theo cách thức mà mình cho là chính xác thay vì rập khuôn. Luật sư ở bước này trở nên thích nghi hơn khi đánh giá tình huống nào từ giác độ liên văn hóa. Ngoài ra, luật sư có vai trò lãnh đạo trong tổ chức sẽ xác định vai trò của mình bằng cách đòi hỏi khả năng đa văn hóa và khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng những kỷ năng đó. Phải cố gắng để bảo đảm có sự tôn trọng văn hóa đa dạng.
TS. Dương Văn Hậu
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 356/2002/QĐ-BTP ngày 5 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư;
2. Quy tắc quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc;
3. Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư Niu-Ooc;
4. Hồ Sĩ Vịnh, Văn hóa ứng xử, nói thêm những điều cần nói, Tạp chí VHNT số 332, tháng 2/2012;
5. The 6 Stages of Cultural Competence in Lawyers, Jatrine Bentsi-Enchill,Esq.(2005)