Theo đó, sáng ngày 11/12/2014, 05 luật, 03 nghị quyết được công bố, bao gồm: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Căn cước công dân; Luật Công an nhân dân; Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi); Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) và 03 nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc phê chuẩn công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Buổi chiều cùng ngày, 05 luật và 02 nghị quyết được công bố, bao gồm: Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Dưới đây là nội dung cơ bản của một số luật, nghị quyết:
1. Luật Tổ chức Quốc hội
Ngày 20/11/2014, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội thay thế Luật Tổ chức Quốc hội năm 1997 đã được đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001.
So với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có nhiều điểm mới. Luật đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 điều luật tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã được ghi nhận tại Hiến pháp. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 xác định rõ tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, quy định rõ hơn địa vị pháp lý, trách nhiệm của đại biểu quốc hội tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, thể hiện rõ các quyền của đại biểu biểu đã được pháp luật ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật...
Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm 2013. Luật Tổ chức Quốc hội lần này đã cụ thể hóa Điều 74 của Hiến pháp thành 13 điều quy định về chuẩn bị; triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bãi bỏ, đình chỉ văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức trưng cầu ý dân...
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 xác lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng Thư ký có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng Thư ký là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội có Ban Thư ký. Cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban Thư ký do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
2. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Tòa án nhân nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân...; bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể chế hóa những định hướng của Đảng về cải cách tư pháp. Tòa án nhân dân tối cao được tổ chức theo hướng tinh gọn, với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có từ 13 đến 17 thẩm phán Tòa án nhân tối cao. Ở Tòa án nhân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngoài các tòa chuyên trách hiện có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này quy định thêm tòa gia đình và người chưa thành niên để giải quyết các vụ việc có liên quan đếna người chưa thành niên. Ở Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có tòa hình sự, tòa dân sự, tòa gia đình và người chưa thành niên, tòa xử lý hành chính. Tuy nhiên, việc thành lập các tòa chuyên trách này ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện cụ thể nào phải căn cứ vào nhiệm vụ, đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức của từng Tòa án và do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Nhiệm kỳ của thẩm phán cũng được kéo dài hơn, theo đó, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 05 năm, khi được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015, trừ một số quy định được nêu tại khoản 1 Điều 98 của Luật.
3. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 khẳng định địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân được xác định là thiết chế kiểm soát hoạt động tư pháp có trách nhiệm phối hợp, kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư pháp' Luật cũng quy định rõ các cơ chế giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thông qua các thiết chế đại diện như Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân... đồng thời quy định cơ chế kiểm soát trử lại của cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định rõ phạm vi, nội dung của chức năng thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự... Luật mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà tội phạm là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án và những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Luật quy định 04 ngạch kiểm sát viên, trong đó kiểm sát viên cao cấp là ngạch mới. Quy định rõ số lượng kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người. Thời hạn bổ nhiệm lần đầu đối với kiểm sát viên là 05 năm, bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm; bổ sung quy định kiểm sát viên phải tuyên thệ khi được bổ nhiệm...
4. Luật Căn cước công dân
Luật Căn cước công dân gồm 6 chương, 39 điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân và quản lý thẻ Căn cước công dân; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu chung do Bộ Công an quản lý, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân.
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân và được ghi lên thẻ Căn cước công dân.
Luật lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay thế cho tên gọi “Chứng minh nhân dân” như hiện nay. Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ Căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và được sử dụng thay thế cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
"Chứng minh nhân dân" đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn quy định. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/1/2016.
5. Luật Nhà ở
Luật Nhà ở năm 2014 có 13 chương với 183 điều, tăng 4 chương và 30 điều so với Luật Nhà ở năm 2005, bổ sung thêm 04 chương: Chương 4 quy định về chính sách nhà ở xã hội, Chương 5 quy định về tìa chính cho phát triển nhà ở, Chương 7 quy định về Quản lý sử dụng nhà chung cư và Chương 10 quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhà ở.
Luật quy định rõ 10 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở như: Người có công với cách mạng, công nhân lao động, người thu nhập thấp tại đô thị... Luật cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài không phân biệt là người còn quốc tịch hay người gốc Việt Nam nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều được sở hữu nhà ở thông qua nhiều hình thức như: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận đổi nhà ở...
Đối với tổ chức vào Việt Nam hoạt động (trừ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; các cá nhân được quyền ưu đại, miễn trừ ngoại giao) nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức như: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong các dự án xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luật cũng cho phép các đói tượng này được sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ và được sở hữu tối đa không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư, sở hữu không quá 250 căn nhà riêng lẻ trên một địa bàn có số dân tương đương cấp phường.
6. Luật Kinh doanh bất động sản
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 với 6 chương, 82 điều luật. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng; mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai nhất là đối với bất động sản là nhà ở thì Luật quy định chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền của khách hàng lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng. Trong trường hợp bên bán, bên thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng. Khi bên mua, bên thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì không được thu quá 95% giá trị hợp đồng.
Về kinh doanh dịch vụ bất động sản, Luật quy định chặt chẽ hơn về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản. Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có thời hạn sử dụng 05 năm. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi gới bất động sản phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 02 người có có chứng chỉ hành ghề môi giới bất động sản.
7. Luật Bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về thời gian được nghỉ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày đã hưởng hết 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Đối với chế độ thai sản, Luật quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 07 ngày làm việc trong trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ mỗi con được nghỉ 03 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên nhưng phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2016. Riêng người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến 03 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được thực hiện kể từ ngày 01/1/2008.
8. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 5 điều của Luật hiện hành, bổ sung 1 điều, sửa kỹ thuật 1 điều, tập trung vào những vấn đề chính là chức vụ của sĩ quan; cấp bậc, quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan; tiền lương, nhà ở đối với sĩ quan tại ngũ.
Luật đổi tên Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành Tư lệnh Vùng Hải quân để phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thứ tự các chức vụ cơ bản được sắp xếp từ Bộ trưởng đến Trung đội trưởng.
So với quy định hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung quy định các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sĩ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng.
Đối với cán bộ cấp phân đội, quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội là Thiếu tá; Trung đội trưởng là Đại úy để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình...
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.
9. Luật Công an nhân dân
Luật Công an nhân dân năm 2014 gồm 7 chương, 45 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2005 không thay đổi về số chương, tăng 02 điều. Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân; tổ chức của Công an nhân dân; quy định về phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; hệ thống cấp bậc hàm và đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; điều kiện phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt bậc; bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp hàm cấp tướng... Luật quy định Công an xã thuộc cơ cấu lực lượng Công an nhân dân, quy định về các trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân đang công tác mà hi sinh, từ trần.
Quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật được công bố.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.
10. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng với tư cách là nhà chức trách hàng không; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; quy hoạch cảng hàng không, sân bay; khai thác vận chuyển, quản lý chướng ngại vật hàng không...
Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ nhất là đối với dịch vụ phi hàng không tất yếu, Luật sửa đổi, bổ sung quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hành không thiết yếu; đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Luật cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, nghĩa vụ duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm, kéo dài mà không được báo trước và giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và chất lượng dịch vụ tối thiểu cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.
11. Các nghị quyết được công bố
Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 85) tiếp tục kế thừa quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết bổ sung quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 09 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Nghị quyết tiếp tục kế thừa quy trình lấy phiếu tín nhiệm nhưng bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân và báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tại buổi họp báo, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Nguyễn Thị Vinh