Abstract: Medical examination and treatment is professional service which must be provided by qualified practitioners who meet the conditions regulated by law. This article presents systems of conditions for practicing medicine and proposes solutions to improving the law related to this subject matter.
Theo Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám, chữa bệnh”. Chỉ có sáu đối tượng được quyền xin cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 bao gồm: Bác sỹ; điều dưỡng viên; hộ sinh viên; kỹ thuật viên; lương y; người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Nhưng để được khám, chữa bệnh, người hành nghề cần phải đáp ứng những điều kiện luật định bao gồm: Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, điều kiện về hiệu lực của chứng chỉ hành nghề và đáp ứng các nguyên tắc đăng ký hành nghề (Mục 1 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).
1. Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề
Người hành nghề khám, chữa bệnh phải là cá nhân, có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài[1]. Đối với người Việt Nam, điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề được quy định tại Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Đối với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ngoài những điều kiện như đối với người Việt Nam thì còn phải đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, có lý lịch tư pháp và có giấy phép lao động tại Việt Nam[2].
Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần bởi Bộ Y tế hoặc Sở Y tế theo thẩm quyền, trừ người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh của quân đội do Bộ Quốc phòng cấp. Chứng chỉ có giá trị lưu hành trong phạm vi cả nước và có thể bị thu hồi trong những trường hợp luật định[3]. Những nội dung này hiện được cụ thể hóa tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh (Nghị định 109/2016/NĐ-CP).
Về điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề, pháp luật hiện hành chỉ yêu cầu đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề có văn bằng chuyên môn phù hợp, có xác nhận thời gian thực hành mà không cần phải qua sát hạch chuyên môn. Trong khi tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, để được cấp chứng chỉ hành nghề y, người hành nghề thường phải trải qua một kỳ thi hoặc sát hạch chuyên môn. Mục tiêu của quy định kiểm tra, sát hạch bắt buộc và cấp chứng chỉ hành nghề nhằm đảm bảo người hành nghề đạt các chuẩn mực chuyên môn bắt buộc và thực hành y khoa tốt, bảo đảm an toàn điều trị và bảo vệ người bệnh, cộng đồng. Ngoài ra, người hành nghề còn phải đáp ứng các yêu cầu khác như đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm thực hành… tương tự như hành nghề luật, Thừa phát lại, quản lý tài sản…
Quy định như Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục, thuận lợi cho việc xét cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả nhân viên y tế công lập và tư nhân trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, lại không phù hợp với những đòi hỏi khắt khe về chuyên môn của ngành y, ngành đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và xu thế chung của các nước trên thế giới. Trên thực tế, mặc dù cùng một chứng chỉ chuyên môn như bác sĩ đa khoa hoặc trung cấp điều dưỡng, những người tốt nghiệp chính quy tại các trường đào tạo công lập thường có kỹ năng chuyên môn được nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đánh giá cao hơn. Nếu không có sự sát hạch thì sự chênh lệch, thậm chí không đạt về chuẩn thực hành chuyên môn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, ngoài kỹ năng chuyên môn còn đòi hỏi người hành nghề phải có đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp và cả kiến thức pháp lý. Tuy nhiên, theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, việc đánh giá các yếu tố này hoàn toàn chỉ dựa trên nhận xét chủ quan của người hướng dẫn thực hành và người phụ trách đơn vị thực hành mà không có một tiêu chí cụ thể nào để xác định. Do đó, người được cấp chứng chỉ hành nghề có thể vẫn chưa thực sự đảm bảo đầy đủ mọi khả năng để hành nghề tốt nhất, chưa được trang bị kĩ năng tự bảo vệ mình trước các rắc rối, rủi ro nghề nghiệp. Trong khi đó, với nhiều ngành dịch vụ khác như: Môi giới bất động sản, luật sư, Thừa phát lại… người được cấp thẻ hành nghề phải trải qua khóa học về nghề và một kỳ thi, kết hợp với quá trình tập sự hoặc thực hành chuyên môn mới được cấp thẻ hoặc chứng chỉ hành nghề.
2. Về hiệu lực của chứng chỉ hành nghề
Ngành y là ngành nghề đặc biệt, đòi hỏi người hành nghề phải liên tục thực hành và học hỏi. Mặt khác, khối lượng kiến thức của nhân loại để phục vụ khám, chữa bệnh rất lớn và luôn thay đổi. Nếu đã đạt được bằng cấp mà không chịu học hỏi, không chịu tiếp thu kiến thức, kỹ thuật mới thì sẽ bị tụt hậu. Những điều này cần phải được học, được bồi dưỡng và đào tạo y khoa liên tục. Hầu hết các nước phát triển đều xác định thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ hành nghề phổ biến là 05 năm, sau đó, người hành nghề phải chứng minh việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục và thỏa mãn các điều kiện khác mới được tiếp tục hành nghề. Chứng chỉ hành nghề có thời hạn là cơ hội để người hành nghề liên tục cập nhật kiến thức y khoa, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời giúp giám sát tốt hơn hoạt động của người hành nghề.
Tuy nhiên, hiện nay, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp một lần duy nhất và có giá trị toàn quốc. Quy định này được xem là tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp và thu hồi chứng chỉ với tư cách là thủ tục hành chính nhưng lại không phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Khi hội nhập vào khu vực kinh tế chung các nước phải thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề. Hầu hết các nước đều cấp chứng chỉ y dược theo niên hạn[4]. Hội nhập quốc tế đòi hỏi phải tuân thủ điều kiện chung thì khi sang nước khác hành nghề mới được công nhận. Vì sự khác biệt trên, các bác sỹ ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận hành nghề khi ra nước ngoài.
Một thực tế nữa, khi hội nhập, sẽ có bác sỹ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, trong đó, có cả bác sỹ lành nghề và những bác sĩ không đủ điều kiện hành nghề ngay trên đất nước họ nên muốn đi tìm môi trường làm việc khác. Chứng chỉ hành nghề được cấp có thời hạn và có kiểm soát trình độ cũng là cách kiểm soát chất lượng lực lượng lao động nước ngoài đến nước ta hành nghề.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề khi được phân cấp cho địa phương, mặc dù thuận lợi về thủ tục để cấp được nhiều giấy chứng nhận trong một thời gian ngắn nhưng sẽ khó có hiệu lực và uy tín như của hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia và không uy tín bằng hệ thống chứng chỉ được cấp bởi một tổ chức chuyên môn được công nhận chung của quốc gia như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng, bởi lẽ: (i) Tiêu chuẩn cấp chứng chỉ có thể bị diễn giải khác nhau ở các địa phương; (ii) Dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình cấp chứng chỉ và giám sát; (iii) Khó khăn trong việc tra cứu trình độ, văn bằng chuyên môn của các cá nhân hành nghề ở các tỉnh khác nhau. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng của Việt Nam trong việc xác nhận yêu cầu công nhận văn bằng tối thiểu theo thỏa thuận của ASEAN. Kết quả là, các quốc gia có tiêu chuẩn hành nghề chuyên môn cao hơn như: Singapore, Philippines, Malaysia và Thailand nhiều khả năng sẽ không sẵn sàng chấp nhận chứng chỉ hành nghề do các cơ quan cấp phép khác nhau của Việt Nam cấp. Quy định này có thể làm cho Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu trong các thỏa thuận với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN).
Để khắc phục hạn chế của việc cấp chứng chỉ một lần, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định trường hợp phải thu hồi chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời hạn 02 năm liên tiếp hoặc không hành nghề trong 02 năm liên tục. Tuy nhiên, điều này trên thực tế gần như không có tính khả thi vì cơ quan quản lý nhà nước không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng kiểm soát được hoạt động của số lượng rất lớn người hành nghề khám, chữa bệnh với đủ chức danh chuyên môn: Bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng…, nhất là khu vực y tế tư nhân để xem xét thu hồi chứng chỉ. Hơn nữa, những cơ sở đủ điều kiện tiến hành đào tạo liên tục cho cán bộ y tế theo Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế không phải là phổ biến và hiện chỉ giới hạn trong khu vực y tế công, cơ hội tiếp cận những khóa đào tạo này không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt là đối với người hành nghề ở vùng sâu, vùng xa, y tế tư nhân hay các chuyên gia y tế đã hưu trí. Thực tế cho thấy, đến năm 2016, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh - nơi tập trung người hành nghề đông nhất cả nước chưa thu hồi chứng chỉ hành nghề nào vì không cập nhật kiến thức y khoa trong 02 năm liên tục. Chứng chỉ có hiệu lực suốt đời đã không tạo ra động lực để người thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh nỗ lực phấn đấu học tập, nâng cao trình độ.
3. Về nguyên tắc đăng ký hành nghề
Điều 33 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định người hành nghề “được ký hợp đồng hành nghề khám, chữa bệnh với các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám, chữa bệnh”. Như vậy, các trưởng khoa và nhân viên y tế của một cơ sở khám, chữa bệnh công lập có thể đứng tên mở một phòng khám ngoài giờ, nhưng người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh nếu đồng thời là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật thì không được. Các giám đốc trung tâm y tế huyện, người đứng đầu trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, trung tâm phòng chống bệnh xã hội, trung tâm y tế các bộ, ngành, y tế cơ quan đơn vị và các trưởng trạm y tế, đồng thời là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cũng bị ràng buộc bởi quy định này, mặc dù nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao, nguồn nhân lực cung ứng cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất hạn chế và họ lại người có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp với nhu cầu nâng cao thu nhập chính đáng.
Do đó, theo Thông tư số 41/2015/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám, chữa bệnh được đăng ký làm việc ngoài giờ tại cơ sở khám, chữa bệnh khác trên cùng địa bàn tỉnh nhưng tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Khoản 7 Điều 12 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP mở rộng phạm vi giới hạn thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ cho tất cả người hành nghề. Quy định này mặc dù khá cụ thể nhưng chưa có tính khả thi. Chẳng hạn, nếu người hành nghề đồng thời là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một phòng khám chuyên khoa tư ngoài giờ với thời gian hoạt động là 02 giờ/ngày và 01 tuần làm việc 05 ngày thì chỉ cần hoạt động 10 tuần là đã đạt đến mức 200 giờ theo quy định Bộ luật Lao động năm 2012. Như vậy, quy định này gần như không thể được tuân thủ nghiêm chỉnh trên thực tế. Không nên đặt vấn đề giới hạn thời gian làm thêm với người hành nghề, do sự cần thiết của dịch vụ này đối với xã hội và suy cho cùng nên để các bên tự quyết định đối với các việc dân sự của mình.
Một vấn đề cũng đáng lưu ý là, hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện công lập, những bác sỹ có trình độ chuyên môn cao và uy tín nghề nghiệp thường được bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý, trong đó, có quản lý phòng hoặc ban giám đốc bệnh viện. Khi giữ các chức danh này, họ phải tốn nhiều thời gian cho hoạt động hành chính, điều hành, trong khi họ vốn chỉ giỏi về y học lâm sàng. Thực trạng này có thể gây ra tình trạng “vừa mất một bác sỹ giỏi, vừa thêm một nhà quản lý tồi”, gây ra sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đã rất thiếu thốn trong Ngành Y. Cần nhận thức rằng, người làm chuyên môn giỏi không có nghĩa là các nhà quản trị giỏi, quản lý bệnh viện là một công việc khác hẳn với làm chuyên môn y khoa. Không thể phủ nhận việc những người giỏi chuyên môn y khoa đều có một tố chất nào đó và chính tố chất ấy giúp họ có thể hiểu nhiều về tính đặc trưng nghề nghiệp trong công tác quản lý. Tuy nhiên, công tác quản lý bệnh viện, quản lý y tế cần có nhiều kiến thức về quản trị hơn là kiến thức y khoa uyên bác. Trưởng phòng hành chính quản trị và phòng tổ chức cán bộ trong bệnh viện cần kiến thức về quản trị nhân sự và pháp luật hơn là trình độ chuyên khoa. Trưởng phòng vật tư thiết bị y tế không nhất thiết phải do một bác sĩ lâm sàng đảm nhận để rồi loay hoay với số liệu, giấy tờ, không còn thời gian đầu tư cho chuyên môn. Khi xu hướng tự chủ đối với các bệnh viện công trở thành bắt buộc thì yêu cầu thay đổi tư duy trong sử dụng nhân lực càng cần phải được xem xét thấu đáo.
Ngoài ra, người hành nghề khám, chữa bệnh hiện nay phải tốn nhiều thời gian để nhập liệu và tự làm những công việc mang tính giấy tờ hành chính như tự tay ghi hoặc nhập liệu đơn thuốc theo đúng yêu cầu bảo hiểm y tế để tránh xuất toán, vào sổ theo dõi bệnh nhân, ghi hồ sơ bệnh án[5]. Những công việc này ở nhiều nước do các thư ký y khoa đảm nhận để bác sỹ có thể tập trung thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chức danh thư ký y khoa hiện vẫn chưa được công nhận chính thức tại Việt Nam. Đối với khối khám, chữa bệnh công lập thì các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng một số điều dưỡng trợ giúp bác sỹ trong công việc sổ sách, giấy tờ. Dù sao đây cũng không phải là phương cách phù hợp về lâu dài vì điều dưỡng là người có trình độ cao đẳng trở lên và có kỹ năng lâm sàng chăm sóc người bệnh nên nếu để điều dưỡng làm công việc của thư ký y khoa (chỉ cần nghiệp vụ thư ký trung cấp và có một số kiến thức cơ bản về y khoa) thì vừa thiếu chuyên nghiệp vừa lãng phí nguồn nhân lực chuyên môn.
4. Một số kiến nghị
Thứ nhất, cần bổ sung điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề theo hướng không chỉ cần điều kiện bằng cấp và thời gian thực hành mà còn cần phải qua sát hạch hoặc thi để cấp chứng chỉ lần đầu do tính chuyên môn cao và tầm quan trọng của ngành đối với sức khoẻ con người. Bên cạnh đó, cũng cần tạo dựng hệ thống chỉ do một cơ quan có thẩm quyền tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề thống nhất ở cấp quốc gia. Trước mắt, có thể do Bộ Y tế đảm nhận, về lâu dài có thể chuyển giao cho tổ chức xã hội dân sự là hội nghề nghiệp thực hiện (như các nước phát triển).
Thứ hai, cần thiết quy định về thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ hành nghề là 05 năm, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Theo đó, để được cấp chứng chỉ hành nghề cho các lần sau chỉ cần có chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục và không bị gián đoạn thời gian hành nghề quá 02 năm liên tục mà không cần phải sát hạch lại.
Thứ ba, loại bỏ quy định giới hạn 200 giờ làm thêm của người hành nghề. Người hành nghề được hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám, chữa bệnh nhưng không được hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau. Người hành nghề phải đảm bảo hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đăng ký.
Thứ tư, cần thay đổi quan niệm về nhân sự trong quản lý y tế nói chung và cơ sở khám, chữa bệnh nói riêng. Không nhất thiết người giữ chức vụ quản lý phòng, ban trong cơ sở khám, chữa bệnh hoặc giám đốc các bệnh viện phải là bác sỹ giỏi chuyên môn mà chỉ cần có một số kiến thức nhất định về y tế và có quyền tham khảo các ý kiến từ những người có chuyên môn.
Thứ năm, cần ghi nhận chức danh thư ký y khoa tham gia vào hoạt động khám, chữa bệnh để trợ giúp cho bác sỹ trong việc sổ sách, giấy tờ, chức danh này vừa cần có nghiệp vụ thư ký vừa cần có một số kiến thức nhất định về y tế nhưng không cần có các kỹ năng như điều dưỡng.
Tóm lại, những quy định của pháp luật Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực của các nhà lập pháp trong việc xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh - một lĩnh vực đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
[1]. Điều 18, 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
[2]. Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
[3]. Điều 26, 27, 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
[4].TháiBình, http://suckhoedoisong.vn/tai-sao-can-cap-chung-chi-hanh-nghe-y-duoc-theo-thoi-han-n113008.html, ngày 04/3/2016.
[5]. Tăng Hà Nam Anh, Bác sĩ chúng tôi mất đến 40% cho vở sạch, chữ đẹp, Báo Tuổi trẻ, ngày 12/3/2016.