Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm Tuy nhiên, việc xác định những giới hạn độ tuổi thích hợp, đặc biệt là độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự luôn là vấn đề khó khăn khi xây dựng chính sách hình sự ở mỗi quốc gia để phù hợp với các điều ước quốc tế đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế khách quan của xã hội ở mỗi quốc gia cụ thể. Bài viết của tác giả đã đề cập khá rộng đến độ tuổi áp dụng với một số quốc gia trên thế giới, và đối với pháp luật Việt Nam, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự, mới nhất là trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một vấn đề không thể thiếu trong pháp luật hình sự của mỗi quốc gia, thể hiện quan điểm của Nhà nước về cách thức xử lý người phạm tội, vừa đảm bảo trật tự an toàn cho xã hội nhưng phải đạt được mục đích bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên, kể cả khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Người chưa thành niên là người chưa phát triển một cách đầy đủ về tâm - sinh lý, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ cũng còn hạn chế nên dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo và việc thực hiện tội phạm, nhưng cũng dễ uốn nắn, cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, Nhà nước luôn có chính sách đặc biệt khi áp dụng các chế tài hình sự đối với họ và yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong vấn đề này là độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Ở một mức độ nào đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng mang tính lịch sử. Độ tuổi mà trẻ em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng thay đổi theo thời gian và nó được phản ánh theo cách chúng được đối xử tại các phiên tòa của pháp luật. Vào thời La Mã, trẻ em bị coi là không có lỗi về các tội phạm, một lập trường sau này được nhà thờ chấp nhận. Điều này cho chúng ta thấy mối quan tâm về năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên đã có từ rất sớm, người ta đã nhận thức khá rõ về mối tương quan giữa mức độ phát triển về thể chất, tâm lý và yếu tố lỗi. Ở thế kỷ 19, quan điểm này tiếp tục được phát triển rành mạch hơn, khi nhà làm luật đưa ra một độ tuổi cụ thể để một người phải chịu trách nhiệm hình sự, theo đó trẻ em chưa tới 7 tuổi được cho là không phải chịu trách nhiệm về mọi tội lỗi, trẻ em từ 7 tuổi trở lên bị coi là phải chịu trách nhiệm về hành vi. Vì thế, chúng có thể phải đối mặt với các trách nhiệm tội phạm, bị gửi tới nhà tù của người lớn và bị trừng trị như người lớn như đánh roi, đóng dấu ô nhục hay treo cổ.
Việc xác định những giới hạn độ tuổi thích hợp, đặc biệt là độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự luôn là vấn đề khó khăn khi xây dựng chính sách hình sự ở mỗi quốc gia để phù hợp với các điều ước quốc tế. Theo Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, có ghi nhận “trong phạm vi công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi...”. Tuy nhiên, Công ước này không thiết lập được một độ tuổi cụ thể chung mà mỗi quốc gia đều có cấu trúc các độ tuổi phạm tội phụ thuộc vào chính sách hình sự, khách thể bảo vệ của luật hình sự và thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nhìn chung, đa số các nước quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi. Tuy nhiên, có những quốc gia quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp hơn, từ 6 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như: Mexico và một số bang ở Mỹ; từ 7 tuổi như ở Ấn Độ, Barbados, Cộng hòa Síp, Giamaica, Kenia, Singapore, Thụy Sĩ, Thái Lan; từ 8 tuổi như ở đảo Xayman, Scotland và Libi; từ 9 tuổi là ở Iraq, Philippine và từ 10 tuổi là ở Anh - Xứ Wales, New Zealand, Bắc Ireland, Australia, Malaysia, Nam Phi…
Ở nước ta thời kỳ phong kiến mặc dù có những quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng trong đó có những tội mà bất kỳ lứa tuổi nào cũng phải chịu đó là mưu đại nghịch, mưu phản sẽ bị tru di tam tộc. Điều này thể hiện chính sách hình sự khắc nghiệt của chế độ quân chủ chuyên chế là phải tận diệt mọi mầm họa cho sự tồn vong của triều đình để bảo vệ các bậc quân vương.
Việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở nước ta tùy theo mỗi giai đoạn, các nhà làm luật quy định chủ yếu căn cứ vào những tiêu chí sau:
Một là, dựa vào những đặc điểm tâm - sinh lý, thể chất và khả năng nhận thức của lứa tuổi chưa thành niên.
Hai là, căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và chính sách, đường lối xử lý tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.
Ba là, căn cứ trên cơ sở tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ở nước ta nói riêng. Trong đó, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của tội phạm và tính phổ biến của những loại tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện trong những thời điểm cụ thể.
Bốn là, tham khảo các quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của các nước trên thế giới.
Trên cơ sở xem xét các tiêu chí trên, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã quy định người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội có khung hình phạt trên 5 năm tù nhưng phải với lỗi cố ý. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm[1].
Đến Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), đã thể hiện quan điểm phân hóa tội phạm hình sự ra thành 4 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trên cơ sở đó quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 thì người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Tuy nhiên, tại phần tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 1999, có 2 tội quy định chủ thể phải là người đã thành niên nghĩa là phải đủ 18 tuổi chứ không phải đủ 16 tuổi như quy định, cụ thể như: Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115) và tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116). Đây là lỗi kỹ thuật trong quá trình lập pháp. Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng[2]. Do đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng do lỗi vô ý, mà chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do lỗi cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng (cả lỗi cố ý và vô ý). Như vậy, trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 12 thì người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với 137 tội trong Bộ luật Hình sự[3]. Tuy nhiên, một số tội mà người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi không thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ thể (chẳng hạn các loại tội chủ thể phải là người có chức vụ) nhưng vẫn có thể xử lý ở vai trò đồng phạm. Qua đó, cho thấy Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi như hiện nay là quá rộng, chưa thực hiện đúng đường lối, chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Mặt khác, thực tiễn nhiều tội phạm dù ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có tính phổ biến, thường xuyên xảy ra do người ở lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện như: Cố ý gây thương tích, tổ chức đua xe trái phép, hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em, cướp tài sản... gây nhiều bức xúc và bất bình trong dư luận xã hội, lại không được quy định để xử lý hình sự, không đáp ứng yêu cầu răn đe, phòng ngừa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở phân hóa trách nhiệm hình sự xử lý người chưa thành niên phạm tội, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên; đồng thời bảo đảm minh bạch và thực hiện tốt nguyên tắc nhân đạo, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ các tội danh cụ thể thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời bổ sung một số tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng có tính chất, mức độ nguy hiểm, xảy ra phổ biến mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cũng phải chịu trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, tiếp tục quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm và bổ sung thêm đoạn “trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác” để khắc phục hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với trường hợp một số tội danh mà chủ thể phải là người đủ 18 tuổi như đã phân tích ở trên, cụ thể trong phần tội phạm thì Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều tội quy định chủ thể phải là người đủ 18 tuổi chứ không phải đủ 16 tuổi như: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) (tội mới); tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp ( Điều 325); tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329)... và những nhóm tội đòi hỏi chủ thể là người có chức vụ thì phải từ 18 tuổi trở lên. Tiếp theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định liệt kê cụ thể những tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không quy định chung chung như Bộ luật Hình sự năm 1999 và thu hẹp rất nhiều tội danh, nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.
Theo đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự 7 tội danh, kể cả ở khung cấu thành cơ bản lẫn ở khung cấu thành tăng nặng như: Tội giết người (Điều 123); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); tội hiếp dâm (Điều 141); tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) và 22 tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng (nghĩa là tội đó có khung hình phạt cao nhất phải từ trên 7 năm tù trở lên) cụ thể theo các khoản của từng tội như sau: Tội cưỡng dâm (khoản 2 và khoản 3 Điều 143); tội mua bán người (khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 150); tội mua bán người dưới 16 tuổi (khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 151); Tội cưỡng đoạt tài sản (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 170); tội cướp giật tài sản (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 171); tội trộm cắp tài sản (khoản 3 và khoản 4 Điều 173); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 3 và khoản 4 Điều 178); tội sản xuất trái phép chất ma túy (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 248); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 249); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 250); tội mua bán trái phép chất ma túy (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 251); tội chiếm đoạt chất ma túy (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 252); tội tổ chức đua xe trái phép (khoản 3 và khoản 4 Điều 265); tội đua xe trái phép (khoản 3 và khoản 4 Điều 266); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); tội tán phát chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (khoản 3 Điều 286); tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (khoản 3 Điều 287); tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 3 Điều 289); tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (khoản 3 và khoản 4 Điều 290); tội khủng bố (khoản 1 và khoản 2 Điều 299); tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 1 và khoản 2 Điều 303); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 304). Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi mà chuẩn bị phạm 4 tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự: Tội giết người (Điều 123); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong 29 tội danh đã liệt kê ở trên. Tuy nhiên, qua đối chiếu các quy định cụ thể trong 29 tội liệt kê trên, có tội “sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” quy định ở Điều 285 không thỏa mãn điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12, cụ thể:
Điều 285 quy định:
“1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Như vậy, khoản 3Điều 285 quy định mức hình phạt cao nhất chỉ đến 7 năm tù. Căn cứ khoản 3 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đây là tội nghiêm trọng chứ không phải tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này vì không thỏa mãn điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng lại được liệt kê trong 29 tội ở trên là không hợp lý.
Có thể nói đây là lỗi kỹ thuật trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự, do đó cần sửa đổi là loại bỏ Điều 285 quy định ở điểm đ khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới phù hợp.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang
[1]. Xem khoản 2, Điều 8 và Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1985.
[2]. Xem Điều 8, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[3]. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự 137 tội theo các Điều, khoản như sau:
Điều 78; Điều 79; Điều 80; Điều 81; Điều 82; Điều 83; Điều 84 (khoản 1 và 2); Điều 85; Điều 86 (khoản 1); Điều 87 (khoản 1); Điều 88; Điều 89 (khoản 1); Điều 90; Điều 91; Điều 93; Điều 97 (khoản 2); Điều 100 (khoản 2); Điều 104 (khoản 3 và 4) Điều 111 (khoản 2, 3 và 4); Điều 112; Điều 113 (khoản 2 và 3); Điều 114; Điều 115 (khoản 2 và 3); Điều 116 (khoản 3); Điều 118; Điều 119 (khoản 2); Điều 120; Điều 123 (khoản 3); Điều 133; Điều 134 (khoản 2, 3 và 4); Điều 135 (khoản 2, 3 và 4); Điều 136 (khoản 2, 3 và 4); Điều 137 (khoản 3 và 4); Điều 138 (khoản 3 và 4); Điều 139 (khoản 3 và 4); Điều 140 (khoản 3 và 4); Điều 143 (khoản 3 và 4); Điều 144 (khoản 3); Điều 153 (khoản 3 và 4); Điều 154 (khoản 3); Điều 155 (khoản 2 và 3); Điều 156 (khoản 2 và 3); Điều 157 (khoản 2, 3 và 4); Điều 158 (khoản 2 và 3); Điều 160 (khoản 2 và 3); Điều 165 (khoản 2 và 3); Điều 166 (khoản 3 và 4); Điều 172 (khoản 2); Điều 174 (khoản 3); Điều 175 (khoản 2); Điều 176 (khoản 3); Điều 179 (khoản 2 và 3); Điều 180 (khoản 2 và 3); Điều 181 (khoản 2 và 3); Điều 182 (khoản 2); Điều 182a (khoản 3); Điều 182b (khoản 3); Điều 185 (khoản 3); Điều 186 (khoản 2); Điều 189(khoản 2 và 3); Điều 191(khoản 3); Điều 191a (khoản 2); Điều 193 (khoản 2, 3 và 4); Điều 194 (khoản 2, 3 và 4); Điều 195 (khoản 2, 3 và 4); Điều 196 (khoản 2); Điều 197 (khoản 2, 3 và 4); Điều 198 (khoản 2); Điều 200 (khoản 2, 3 và 4); Điều 201 (khoản 2, 3 và 4); Điều 206 (khoản 2, 3 và 4); Điều 207 (khoản 3 và 4); Điều 216 (khoản 4); Điều 218 (khoản 4); Điều 219 (khoản 4); Điều 220 (khoản 3); Điều 221 (khoản 1, 2 và 3); Điều 222 (khoản 3); Điều 224 (khoản 3); Điều 225 (khoản 3); Điều 226a (khoản 3); Điều 226b (khoản 3 và 4); Điều 227 (khoản 2, và 3); Điều 229 (khoản 2 và 3); Điều 230 (khoản 2, 3 và 4); Điều 230a(khoản 1 và 2); Điều 230b (khoản 1); Điều 231 (khoản 1 và 2); Điều 232 (khoản 2, 3 và 4); Điều 234 (khoản 2 và 3); Điều 235 (khoản 2); Điều 236 (khoản 2, 3 và 4); Điều 237 (khoản 2, 3 và 4); Điều 238 (khoản 2, 3 và 4); Điều 239 (khoản 2 và 3); Điều 240 (khoản 2 và 3); Điều 241 (khoản 3); Điều 242 (khoản 3 và 4); Điều 243 (khoản 2 và 3); Điều 244 (khoản 2 và 3); Điều 247 (khoản 2); Điều 249 (khoản 2); Điều 250 (khoản 3 và 4); Điều 251 (khoản 2 và 3); Điều 252 (khoản 2); Điều 253 (khoản 2 và 3); Điều 254 (khoản 2, 3 và 4); Điều 255 (khoản 2, 3 và 4); Điều 256 (khoản 2 và 3); Điều 263 (khoản 2 và 3);
Điều 275 (khoản 2 và 3); Điều 278 (khoản 2, 3 và 4); Điều 279 (khoản 2, 3 và 4); Điều 280 (khoản 2, 3 và 4); Điều 281 (khoản 2 và 3); Điều 282 (khoản 2 và 3); Điều 283 (khoản 2, 3 và 4); Điều 284 (khoản 2, 3 và 4); Điều 285 (khoản 2); Điều 289 (khoản 2, 3 và 4); Điều 290 (khoản 2, 3 và 4); Điều 291 (khoản 2); Điều 293 (khoản 2 và 3); Điều 294 (khoản 3); Điều 295 (khoản 2 và 3); Điều 296 (khoản 3); Điều 298 (khoản 3); Điều 299 (khoản 3); Điều 300 (khoản 3); Điều 301 (khoản 3); Điều 302 (khoản 3); Điều 311 (khoản 2); Điều 312 (khoản 2); Điều 341; Điều 342, Điều 343 và Điều 344.